1. Tòa Thượng thẩm Liên bang sẽ mở phiên tòa Đức Hồng Y George Pell vào tháng tới, nhưng Đức Hồng Y không được tham dự phiên tòa.
Tòa Thương thẩm Liên bang sẽ mở phiên tòa Đức Hồng Y George Pell vào tháng tới, nhưng Đức Hồng Y không được tham dự phiên tòa.
Theo tin từ News.com.au ngày 13 tháng 2 năm 2020 công bố lúc 11:42 đêm thì Đức Hồng Y George Pell sẽ vắng mặt trong phiên tái xử trường hợp lạm dụng tính dục của Ngài, với hy vọng ngài sẽ được minh oan và trắng án!
Đức Hồng Y đã bị cáo buộc lạm dụng tình dục một cậu ca viên trong ca đoàn của nhà thờ chính tòa khi ngài là Tổng giám mục Giáo phận Melbourne vào những năm 1990.
Ngài bị kết án về tội xâm nhập tình dục đối với một ca viên dưới 16 tuổi và bốn cáo buộc về những chuyện xàm xỡ sờ mó với một ca viên khác dưới 16 tuổi.
Đức Hồng Y đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao Tiểu bang Victoria nhưng ngài đã bị Tòa án phúc thẩm Victoria bác bỏ với một phán quyết 2/1… Đức Hồng Y đã bị ngồi tù gần một năm nay! Đức Hồng Y vẫn cương quyết mình vô tội và đã kháng cáo lên Tòa Thượng Thẩm Liên bang. Tòa Thượng thẩm Liên bang đã chấp nhận mở lại vụ án của ngài và phiên tòa sẽ được khai mở tại Canberra vào tháng tới, nhưng Đức Hồng Y sẽ vắng mặt, không được tham dự!
Không giống như các tòa án khác, Tòa án Thương thẩm Liên bang sẽ không cung cấp video viễn liên tới nhà tù. Phiên điều trần cũng sẽ không được trực tiếp truyền hình như bất kỳ tòa án nào! Có nghĩa là ai muốn theo dõi phiên điều trần phải tham dự trực tiếp…
Đức Hồng Y Pell bày tỏ nỗi thất vọng vì ngài sẽ không được trực diện phiên tòa kháng cáo của mình.
Giáo sư Jeremy Gans, giảng dậy luật tại Đại học Melbourne, cho biết hầu hết các phiên điều trần của Tòa án Thượng thẩm được tổ chức tại Canberra, và vấn đề đáng tiếc là các tù nhân không được tham dự!
Nhưng ông cho hay tòa án thường sẽ công bố đầy đủ diễn tiến của phiên tòa qua các video trên trang web của toa, vì vậy, nếu được phép của ban quản trị nhà tù, Đức Hồng Y Pell có thể xem hết các diễn tiến của phiên tòa tái xét về ngài…
Chúng ta cầu nguyện cho công lý được sáng tỏ và thể hiện hầu minh oan cho Đức Hồng Y như Ngài vẫn xác quyết là vô tội và như một số chuyên viên báo giới và luật pháp xác tín là Đức Hồng Y vô tội, Ngài là một con chiên tế thần trước làn sóng truyền thông, vì ngài đã chống đối và lên tiếng mạnh mẽ tố giác những trào lưu vô luân như: đồng tính luyến ái, phá thai và tự do luyến ái.
2. Giấc mơ lớn cho vùng Amazon
Đức Thánh Cha Phanxicô mơ về một vùng Amazon: những bước tiến cụ thể bảo vệ hệ sinh thái của con người, nâng đỡ người nghèo, bảo tồn và trân quí các nền văn hóa địa phương và hướng về một Giáo hội truyền giáo với khuôn mặt người Amazon.
Sau những tìm tòi, học hỏi, chúng ta phải có những ước mơ…. Ngay cả Thiên Chúa cũng chọn những giấc mơ để biểu tỏ ý Ngài. Đó là những chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ tại nguyện đường thánh Marta vào tháng 12 năm 2018. Ngài đã dùng hình ảnh Thánh Giuse để nói lên tâm tình ấy! Thánh nhân là người thầm lặng và thiết thực, giúp chúng ta hiểu về những suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với vùng truyền giáo Amazon trong dịp lễ Khánh nhật Truyền giáo. Bài chia sẻ được diễn tả như một bức thư tình, không những được chải chuốt bằng văn thơ mà còn được diễn xuất như một bộ phim nói lên cuộc sống hàng ngày của khu vực. Tại sao Đức Thánh Cha giao phó việc đào sâu những giá trị phổ quát của vùng này cho Thượng hội đồng Giám mục về một khu vực địa lý cụ thể như thế? Amazon và định mệnh của nó có liên quan gì đến chúng ta?
Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng về Amazon. Câu trả lời rõ ràng nhất là mọi vấn đề đều có những kết nối với nhau như: sự cân bình của hành tinh phụ thuộc vào trạng thái bảo tồn vùng Amazon. Vì sự an sinh của những người sống nơi đó và hệ sinh thái không thể tách rời, không thể bỏ lơ những phong phú sang giàu của các nền văn hóa của các dân tộc sống nơi đó trước các thể chế chính trị, công nghiệp đang khai thác rừng…
Một yếu tố phổ quát khác đang ảnh hưởng rất nhiều trên vùng Amazon đó là một kinh tế toàn cầu hóa và một hệ thống kiếm tiền bất kể đến môi trường sinh thái; sự tồn vong của các sắc dân thổ địa, các nền văn hóa khác nhau của họ; đến việc di dời các nhóm dân mà không quan tâm đến những thương tổn không thể khắc phục của dân chúng!
Nhóm thổ dân Querida Amazonia, là những người đại diện nhận Tông huấn này của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sắc dân này đang thách đố Giáo hội tìm ra những con đường mới cho việc truyền giáo, hầu rao truyền sứ điệp Kitô giáo là ‘Thiên Chúa nhân từ đã yêu thế gian đến nỗi đã sai Con Ngài đến và hy sinh chết trên thập giá’. Các sắc dân sống ở Amazon không phải là duyên cớ hủy hoại môi trường! ngược lại, với các nền văn hóa và truyền thống lâu dài họ luôn bảo vệ môi sinh… Họ cũng được mời gọi truyền giáo và tái sinh qua các Bí tích của Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập tới các cuộc tranh luận sâu xa về khả năng phong chức cho những người nam đã kết hôn. Ngài nói: Chủ đề này đã được thảo luận trong một thời gian dài và xin được tiếp tục thảo luận trong tương lai nhằm đưa tới một quyết định hoàn hảo và trường cửu như Công đồng Vatican II đã viết: “Đức Thánh Cha, Đấng kế vị thánh Phêrô, sau khi cầu nguyện suy tư, hiệp thông với Giám mục nhìn vào bản chất của chức linh mục trong nhãn quan truyền giáo mà thay đổi hoặc ban phép ngoại lệ cho những điều đã được quy định bởi luật Giáo hội với một đức tin sâu sắc và với một ý thức truyền giáo được bắt nguồn từ ân sủng Chúa tác động thay vì dựa trên các đòi hỏi xu thời và ảnh hưởng của truyền thông…
Anh chị em rất yêu dấu trong vùng Amazon, anh chị em là những người đặc biệt dũng cảm, đang thao thức về Giáo hội hoàn vũ cũng như Giáo hội địa phương… Toàn thể Giáo hội nhìn nhận trách nhiệm của mình trước những vết thương rướm máu của các sắc dân trong vùng Amazon! Trước những khó khăn của những cộng đoàn không được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể vào Chúa Nhật vì thiếu các vị truyền giáo! Hãy tín thác vào ơn Chúa, vào sự linh hoạt của Chúa Thánh Linh… Đức Thánh Cha nhắc tới nhiều sứ vụ của các vị được truyền chức nay được ủy thách cho nam nữ tu sĩ và những người giáo dân tại các vùng xa xôi hẻo lành trong khắp vùng Amazon
3. Việc trì hoãn công bố Tông huấn
Vatican News đưa tin: Thư Ký Đặc Biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon, Đức Hồng Y Czerny, đã trình bầy Tông Huấn mà Đức Giáo Hoàng đã hoàn tất hồi tháng 12 năm ngoái, và được công bố hôm qua 12 tháng Hai năm 2020. Tông huấn này chứa 4 “giấc mơ” vĩ đại của Đức Phanxicô đối với vùng này, trong đó có giấc mơ về một Giáo Hội truyền giáo với khuôn mặt Amazon.
Vatican News, nhân dịp này, đã phỏng vấn Đức Hồng Y Michael Czerny với nội dung như sau:
Được hỏi về việc trì hoãn công bố Tông huấn mà có người cho là đã sẵn sàng vào cuối năm ngoái, Đức Hồng Y cho hay: “Trong bài phát biểu của ngài khi kết thúc Thượng hội đồng, Đức Thánh Cha nói: ‘Một lời từ Đức Giáo Hoàng về những gì ngài đã trải qua trong Thượng hội đồng có thể có ích đôi chút. Tôi muốn nói điều đó trước cuối năm nay, để không mất quá nhiều thì giờ’. Thực thế, đó là những gì đã xảy ra. Như đã hứa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chuyển bản văn cuối cùng của Tông Huấn hậu Thượng hội đồng vào ngày 27 tháng 12, như thế là trước khi kết thúc năm 2019. Sau đó, có các bước thiết yếu thông thường cần có thời gian để hoàn tất: tài liệu đã được xem lại, định dạng và dịch sang các ngôn ngữ khác nhau, và bây giờ cuối cùng nó đã được công bố”.
4. Tâm điểm của sứ điệp trong Tông Huấn
Về tâm điểm của sứ điệp trong Tông Huấn, Đức Hồng Y cho hay: “Tựa đề của Tông Huấn là Querida Amazonia, Amazon Thân Yêu, và tâm điểm của nó là tình yêu của Đức Giáo Hoàng dành cho Amazon và các hậu quả của tình yêu đó: sự đảo ngược cách suy nghĩ thông thường về mối tương quan giữa giàu và nghèo, giữa phát triển và quyền giá hộ, giữa việc bảo vệ gốc rễ văn hóa và việc cởi mở đối với người khác. Đức Giáo Hoàng mô tả cho chúng ta ‘các cộng hưởng’ mà diễn trình đồng nghị vốn gợi ra nơi ngài. Ngài làm như vậy dưới hình thức bốn ‘giấc mơ vĩ đại’. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mơ ước rằng trong khu vực Amazon có thể có một cam kết của mọi người trong việc bảo vệ quyền lợi của những người nghèo nhất, của các dân tộc nguyên thủy, của những người bé nhỏ nhất. Ngài mơ về một Amazon có thể bảo tồn sự phong phú về văn hóa của nó. Giấc mơ sinh thái của ngài là một Amazon có khả năng chăm sóc sự dồi dào sức sống của nó. Cuối cùng, ngài mơ ước các cộng đồng Kitô giáo có khả năng nhập thân vào Amazon và vào việc xây dựng một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon. Bản thân tôi, tôi đã có ấn tượng sâu sắc bởi rất nhiều trích dẫn đầy chất thơ và việc tham khảo các bản văn giáo hoàng trước đây”.
5. Các giấc mơ có thực tiễn không?
Được hỏi liệu đó có phải là các giấc mơ không thực tiễn, Đức Hồng Y trả lời: “Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô thì không. Tôi muốn nhắc lại những lời lẽ ngài nói trong cuộc đối thoại với những người trẻ tuổi tại Circus Maximus vào ngày 11 tháng 8 năm 2018: ‘Các giấc mơ rất quan trọng. Chúng giữ cho quan điểm của chúng ta luôn rộng lớn, chúng giúp chúng ta nắm lấy chân trời, nuôi dưỡng hy vọng trong mọi hành động hàng ngày…. Các giấc mơ đánh thức các bạn, chúng làm các bạn say sưa, chúng là những ngôi sao sáng nhất, những ngôi sao chỉ ra một con đường khác cho nhân loại…. Kinh thánh nói với chúng ta rằng những giấc mơ vĩ đại là những giấc mơ có khả năng sinh hoa kết trái’. Vì vậy, để trả lời câu hỏi của bạn, tôi nghĩ rằng cách nhìn này và quan điểm này hoàn toàn không giống với một quan điểm không thực tế hoặc không tưởng. Giấc mơ ở đây là dấu chỉ con đường mà cuối cùng cả Giáo hội phải đi. Vẻ đẹp của nó nằm chính ở chỗ nhìn thấy một chân trời, chứ không phải trong việc đưa ra một loạt các giới luật. Không có lời tỏ tình nào có hình thức của một hợp đồng hoặc một cuốn sách nấu ăn cả.
“Trong chương đầu tiên, chương dành cho giấc mơ xã hội, xem xét sự tàn phá môi trường của Amazon và các đe dọa đối với phẩm giá con người của các dân tộc mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vốn đã tố cáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta bất bình. Ngài nói: ‘Chúng ta cần phải cảm thấy bất bình’, vì ‘thật không tốt khi chúng ta trở nên quen thuộc với cái ác’. Ngài mời gọi chúng ta xây dựng mạng lưới liên đới và phát triển nhằm vượt qua các não trạng thuộc địa khác nhau. Ngài mời gọi chúng ta tìm các giải pháp thay thế trong một số lĩnh vực như chăn nuôi và nông nghiệp bền vững, các dạng năng lượng không gây ô nhiễm và các sáng kiến kinh doanh không liên quan đến việc hủy hoại môi trường và văn hóa. Nói tóm lại, những ‘giấc mơ vĩ đại’ này không nhằm gây mê chúng ta mà đúng hơn để được nuôi dưỡng bằng hành động cụ thể và hàng ngày”.
Nhưng “cổ vũ” Vùng Amazon có nghĩa gì? Đức Hồng Y cho biết “Như Đức Giáo Hoàng giải thích, cổ vũ Amazon có nghĩa là bảo đảm rằng từ đó phát sinh ra những điều tốt đẹp nhất. Nó có nghĩa là không thuộc địa hóa nó, không cướp bóc nó với các dự án khai thác lớn phá hủy môi trường và đe dọa người dân bản địa. Tuy nhiên, đồng thời, nó cũng có nghĩa là tránh thần thoại hóa các nền văn hóa bản địa, loại bỏ bất cứ sự trộn lẫn xào xáo nào, hoặc rơi vào thứ chủ nghĩa duy môi trường ‘chỉ biết quan tâm đến sinh quần nhưng làm ngơ các dân tộc Amazon’. Bản sắc và đối thoại là hai từ chủ chốt, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích rằng chúng hoàn toàn không chống đối nhau. Việc quan tâm đến các giá trị văn hóa của người bản địa liên quan đến tất cả chúng ta: chúng ta phải cảm thấy đồng trách nhiệm đối với sự đa dạng của các nền văn hóa của họ.
“Từ các trang của Tông Huấn, cam kết Kitô giáo cũng xuất hiện rõ ràng, khác xa với chủ nghĩa bản xứ (nativism) khép kín hoặc chủ nghĩa duy môi trường vốn hạ giá con người, coi họ như sự hủy hoại của hành tinh. Ngoài ra, nó đề xuất một tinh thần truyền giáo táo bạo – nói về Chúa Giêsu và mang lời đề nghị sự sống mới của Người đến với người khác – sự sống viên mãn cho mỗi người và cho mọi người, trong khi chăm sóc sáng thế, trong mối tương quan với Thiên Chúa Tạo Hóa và với mọi anh chị em của chúng ta”.
6. Số phận của một vùng có chi ảnh hưởng đến chúng ta?
Với câu hỏi: Số phận của một vùng có chi ảnh hưởng đến chúng ta? Đức Hồng Y nói rằng “Số phận của Amazon ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, vì mọi sự đều được nối kết qua lại với nhau và sự chăm sóc ‘sinh quần quý giá này, một sinh quần hoạt động như một bộ lọc và giúp chúng ta tránh tăng nhiệt độ trái đất, là điều nền tảng cho sự lành mạnh của khí hậu hoàn cầu. Amazon, do đó, liên quan đến tất cả chúng ta một cách trực tiếp. Trong khu vực đó trên thế giới, chúng ta thấy tầm quan trọng của một hệ sinh thái toàn diện, kết hợp sự tôn trọng thiên nhiên với việc chăm sóc phẩm giá con người. Tương lai của Amazon và tương lai của các dân tộc của nó có ý nghĩa quyết định đối với việc duy trì sự cân bằng của hành tinh chúng ta. Trong viễn cảnh này, điều quan trọng là cho phép người dân bản địa ở lại trên các lãnh thổ của họ và chăm sóc vùng đất của họ. Khía cạnh giáo dục cũng có tầm quan trọng hàng đầu: cổ vũ các tác phong mới và thái độ mới nơi người ta. Nhiều người sống trong khu vực đó đã tiếp nhận nhiều phong tục tiêu biểu của các thành phố lớn nơi chủ nghĩa tiêu thụ và văn hóa vứt bỏ đang thống trị”.
Về khía cạnh mục vụ nói ở phần cuối Tông Huấn, Đức Hồng Y cho hay “Nó chiếm một nửa Tông Huấn, nên khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng chiều kích mục vụ là điều cốt yếu, nó bao gồm tất cả mọi điều, ngài quả có ý nói rõ ràng điều đó. Tôi có ấn tượng cao, trước hết, bởi viễn cảnh truyền giáo: không có việc ‘công bố say mê’ Tin Mừng, các dự án của giáo hội có nguy cơ trở thành bất phân biệt với các cơ quan phi chính phủ thế tục. Đức Giáo Hoàng giải thích rằng cam kết bảo vệ người nghèo, những người nhỏ bé nhất và những người bản địa ngụ hàm việc làm chứng cho Chúa Giêsu và đề xuất tình bạn với Người. Thông điệp xã hội bao gồm việc công bố Tin Mừng, và hạt nhân của nó, tức giáo lý sơ truyền (kerygma), bao gồm sự sống con người, phẩm giá con người, công lý và chăm sóc ngôi nhà chung. Nó công bố một Thiên Chúa vô cùng yêu thương mỗi con người và đã hy sinh Con của Người, Chúa Kitô bị đóng đinh, vì sự cứu rỗi của chúng ta”.
7. Việc hội nhập văn hóa
Về “việc hội nhập văn hóa”, một hạn từ năng được nhắc đến trong Tông Huấn, Đức Hồng Y cho hay: “Bằng cách công bố và làm chứng cho Tin Mừng, mọi thứ tốt và đẹp được mọi nền văn hóa sản sinh ra đều được trân quí, đem nó đến chỗ viên mãn dưới ánh sáng của đức tin Kitô giáo. Tin Mừng luôn được công bố ở một nơi chốn đặc thù, và nhờ thế hạt giống được gieo vãi. Đồng thời, Giáo hội học hỏi và làm giàu chính mình bằng cách tiếp xúc với những gì mà Chúa Thánh Thần đã gieo vãi trong nền văn hóa đặc thù đó. Đức Giáo Hoàng yêu cầu tiếng nói của người cao niên được lắng nghe và các giá trị hiện diện trong các cộng đồng nguyên thủy được nhìn nhận. Thật vậy, các dân tộc bản địa dạy chúng ta phải điều độ, hài lòng với những ít ỏi hiện có và cảm nhận được sự cần thiết phải đắm chìm trong cách sống cộng đoàn của cuộc sống chúng ta. Hội nhập văn hóa cũng có nghĩa là biết cách chấp nhận một số biểu tượng thổ dân đã tồn tại từ trước mà không ngay lập tức coi đó như một sai lạc ngoại đạo. Các biểu tượng, phong tục và văn hóa cần được liên tục thanh lọc và chín mùi. Nhưng những người thực sự hết lòng coi trọng việc công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô luôn tìm cách đáp ứng các nguyện vọng của các dân tộc qua nền linh đạo hội nhập văn hóa”.
Về chủ đề được Thượng Hội Đồng Amazon đề cập tới nhiều tức việc khan hiếm linh mục khiến các cộng đồng này không được dịp cử hành Bí Tích Thánh Thể, Đức Hồng Y Czerny phát biểu rằng: “Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự cần thiết mọi người phải sẵn sàng để phục vụ ngõ hầu gia tăng tần số các lần cử hành Thánh Thể, đặc biệt trong các khu vực xa xôi hẻo lánh. Đức Giáo Hoàng nhắc nhở chúng ta không nên tượng hình thừa tác vụ linh mục một cách độc khối. Tuy nhiên, chỉ có linh mục mới có thể truyền phép Thánh Thể và có thể ban Bí tích Hòa giải. Nhu cầu cấp thiết này là nguồn gốc của lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngỏ với mọi giám mục, ngoài việc cầu nguyện cho ơn gọi, họ có thể quảng đại hơn nữa trong việc quyết định gửi đến Amazon những người tỏ ra có ơn gọi truyền giáo. Điều cũng cần thiết là thiết kế việc đào tạo biết đối thoại với các nền văn hóa bản địa. Cần có nhiều phó tế vĩnh viễn hơn nữa, và vai trò của các nữ tu và giáo dân cần được phát triển hơn nữa”.
Còn về khả thể phong chức linh mục cho các Viri Probati, Đức Hồng Y cho rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn trung thành với những gì ngài nói trước khi có Thượng hội đồng. Khả thể phong chức cho các người đàn ông có vợ có thể được Giáo hội thảo luận. Nó đã tồn tại, thí dụ, trong các Giáo hội Đông phương. Cuộc thảo luận này đã diễn ra trong nhiều thế kỷ, và Thượng hội đồng đã tự do bàn bạc tới nó, không phải trong sự cô lập, mà trong bối cảnh trọn vẹn của sinh hoạt Thánh Thể và thừa tác vụ. Đức Giáo Hoàng tuyên bố trong Tông Huấn rằng vấn đề không phải là con số, và sự hiện diện lớn hơn của các linh mục không phải là yêu cầu duy nhất. Điều cần thiết là cuộc sống mới trong cộng đồng, một động lực truyền giáo mới, các phục vụ mới của hàng ngũ giáo dân, việc đào tạo liên tục, tính táo bạo và sáng tạo. Điều cần thiết là sự hiện diện ở cấp địa phương các giáo dân được sinh động hóa bởi tinh thần truyền giáo và có khả năng đại diện cho bộ mặt chân chính của Giáo hội Amazon. Dường như ngài muốn chỉ rõ, điều này là cách duy nhất để ơn gọi trở lại. Đức Giáo Hoàng viết, Amazon thách thức chúng ta vượt qua các quan điểm hạn chế và không tự hài lòng với các giải pháp chỉ giải quyết một phần của tình huống. Nói cách khác, vấn đề lớn là trải nghiệm đức tin và truyền giảng Tin Mừng đổi mới”.
Về vai trò của nữ giới, Đức Hồng Y Czerny nói rằng “trong bản văn, Đức Giáo Hoàng nhắc nhớ rằng có những cộng đồng ở Amazon, trong nhiều thập niên, đã truyền tải đức tin mà không có các linh mục, nhờ những người phụ nữ mạnh mẽ và quảng đại, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã rửa tội, dạy giáo lý và dạy mọi người cách cầu nguyện. Chúng ta cần mở rộng quan điểm của mình và đừng suy nghĩ “một cách theo chức năng” theo đó một vai trò quan trọng hơn đối với phụ nữ chỉ có khi được liên kết với quyền được gia nhập Các Chức Thánh. Quan điểm này sẽ dẫn chúng ta tới việc giáo sĩ hóa phụ nữ, kết cục làm nghèo nàn sự đóng góp có tính nền tảng của họ. Chúng ta phải lồng điều này vào huấn quyền rộng lớn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người vốn nhấn mạnh sự cần thiết phải tách quyền lực khỏi thừa tác vụ linh mục, vì sự kết hợp này là nguồn gốc của chủ nghĩa giáo sĩ trị.
“Mối liên hệ giữa thừa tác vụ và quyền lực là điều khiến phụ nữ không có tiếng nói, không có quyền lợi và thường không có khả thể quyết định. Vì vậy, vấn đề không phải là cho họ quyền được gia nhập thừa tác vụ thụ phong để họ có được tiếng nói và bỏ phiếu, mà là tách quyền lực ra khỏi thừa tác vụ. Mặt khác, chúng ta phải được truyền cảm hứng bởi tấm gương của họ, một điều nhắc nhở chúng ta rằng quyền lực trong Giáo hội là việc phục vụ, quảng đại và tự do. Sự xuất hiện các việc phục vụ và đặc sủng khác của phụ nữ phải được khuyến khích. Đức Giáo Hoàng nói rằng phụ nữ phải được quyền nắm giữ các chức năng và dịch vụ giáo hội không đòi phải có các Chức Thánh; và các chức năng và dịch vụ như vậy phải ổn định và được công khai nhìn nhận bằng ủy nhiệm thư của giám mục. Có lẽ đã đến lúc phải duyệt lại các thừa tác vụ giáo dân đã tồn tại trong Giáo hội, trở về với các nền tảng của chúng và cập nhật chúng bằng cách đọc chúng dưới ánh sáng thực tại hiện nay và linh hứng của Chúa Thánh Thần, và, đồng thời, tạo ra các thừa vụ ổn định mới khác với việc ‘công khai nhìn nhận và ủy nhiệm của giám mục’”.
Như thế, đâu là mối tương quan giữa Tông Huấn và Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng? Đức Hồng Y Czerny cho hay “Trong phần dẫn nhập vào Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng ngài không muốn thay thế hoặc lặp lại tài liệu đó. Ngài đã trình bày nó một cách chính thức. Ngài mời gọi chúng ta đọc toàn bộ. Ngài cầu xin để toàn thể Giáo hội tự cho phép mình được làm giàu và thách thức bởi công trình này. Ngài yêu cầu mọi mục tử, các người thánh hiến và tín hữu giáo dân trong vùng Amazon cam kết sẽ áp dụng nó và cuối cùng, mọi người có thiện chí sẽ được truyền cảm hứng từ Tài liệu Sau cùng và, chắc chắn, bởi cả Querida Amazonia đẹp đẽ nữa”.
8. Các vị lãnh đạo Ðông phi tạo sức ép trên Nam Sudan.
Hôm 10 tháng 02 năm 2020, các vị lãnh đạo các nước miền đông Phi Châu, nhóm họp thượng đỉnh tại Addis Abeba, thủ đô Etiopia, đã bác bỏ đề nghị kéo dài cuộc thương thảo giữa phe chính phủ và phe đối lập tại Nam Sudan.
Theo Hiệp định ký kết tại Addis Abeba hồi tháng 09 năm 2018 giữa tổng thống Nam Sudan, ông Salva Kiir, và lãnh tụ phe đối lập Riek Machar, nguyên là phó tổng thống, thì lẽ ra một chính phủ lâm thời thống nhất quốc gia Nam Sudan đã được thành hình từ lâu để chấm dứt cuộc nội chiến từ 6 năm nay, nhưng cứ bị hoãn lại vì lý do này hoặc lý do khác.
Trong những ngày qua, tổng thống Salva Kiir và lãnh tụ Riek Machar đã nhóm họp riêng với nhau, nhưng vẫn không đạt được sự đồng thuận để lập chính phủ chung, hạn chót là ngày 22 tháng 02 năm 2020 và họ đề nghị gia hạn thời gian thương thảo.
Tuy nhiên các vị lãnh đạo các nước láng giềng ở Nam Sudan bác bỏ để nghị này và tuyên bố rằng: “Việc gia hạn cuộc thương thảo như thế là điều không đáng mong ước và cũng không thể thực hiện được trong giai đoạn hiện nay của tiến trình hòa bình”. Các vị lãnh đạo ấy cũng đe dọa có những hành động nghiêm khắc chống lại bất kỳ phe nào cản trở tiến trình hòa bình.
Nguyên do sự bất thuận giữa hai bên là: phe tổng thống Salva Kiir muốn duy trì 32 bang hiện nay ở Nam Sudan với quyền tự trị rộng rãi, trong khi phe phiến quân đòi giảm số bang đó xuống còn 10 bang.
Ðức Thánh cha Phanxicô nhiều lần tuyên bố ngài sẽ viếng thăm Nam Sudan cùng với Ðức Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, sau khi điều kiện tại nước này cho phép