Ý NGHĨA SÂU XA HƠN CỦA MÙA VỌNG TRONG TIẾNG LATINH
Mùa Vọng, adventus trong tiếng Latinh, không chỉ có nghĩa đơn thuần là sắp đến hay xảy ra.
Ít nhất có hai từ Latinh khác có thể được dịch theo nghĩa này, không tính một vài trường hợp thán từ. Vậy tại sao Giáo hội sơ khai lại sử dụng hạn từ adventus để mô tả giai đoạn hướng về lễ Giáng sinh?
Trong tiếng Latinh, từ này có một loạt các ý nghĩa đáng chú ý. Adventus là một hình thức của động từ advenio, được định nghĩa không những là xảy ra, tiến đến, mà còn là phát triển, bắt đầu, và hồi sinh. Tự thân adventus cũng qui chiếu đến một sự lan tràn, xâm nhập, chín muồi, và xuất hiện – tất cả những biểu nghĩa này làm phong phú cho những hàm ý của các trình thuật tin mừng về Đức Kitô.
Mối liên hệ giữa adventus và những cuộc hành quân là một điểm rất đáng chú ý. Ở Rôma cổ đại, Adventus là thuật ngữ chuyên biệt để chỉ về cuộc “giá lâm vinh hiển” của một vị hoàng đế tiến vào thành đô của mình. Thường thì việc này xảy ra sau một chiến thắng quân sự. Ngoài việc ca ngợi cuộc chinh phạt trên chiến trường, sinh nhật của vị lãnh đạo hoàng gia cũng được kỷ niệm trong một lễ Adventus.[1]
Theo bối cảnh vừa nêu, một trong những cách sử dụng nổi tiếng của từ này xuất hiện trong Aeneid, một sử thi Rôma cổ đại của Virgil. Nó được bắt gặp trong cuốn thứ sáu, nơi Aeneas đã đi đến âm phủ để thăm Anchises, người cha quá cố của mình. Trong chuyến thăm đó, Anchises đã nói tiên tri cho con trai ông về tương lai vinh quang của Rôma:
Này đây Caesar, dòng dõi Julus quang vinh,
Kìa người tiến lên thế giới của ánh sáng!
Kìa, rốt cuộc, vị ấy chính là người,
Hãy luôn để đôi tai lắng nghe lời triệu báo,
Augustus Caesar, tự tông tộc Jove.
Người mang đến thời vàng son; người sẽ phục hồi
Vương quyền Saturn cổ xưa cho xứ sở Latinh chúng ta
Nơi đất Garamant và Ind xa xôi
Quyền cai trị của người rộng mở; sự thống trị nghiêm minh
Vượt xa, vâng, thật xa chân trời của các tinh cầu,
Cả đường mặt trời rực rỡ, nơi đôi vai của Atlas đằng kia
Gánh lấy vòm trời ngập tràn những vì sao bốc cháy.
Đương đầu với cuộc tiến đến [adventum] của người, những bến bờ Caspian phương xa
Vỡ tan theo những dự ngôn; đất Maeotian
Và bảy cửa sông Nile tất thảy đều run rẩy.
(Aen. 6.789-798, bản dịch Anh ngữ của Theodore Williams)
Hãy lưu ý đến cách mà tường thuật về Caesar bắt đầu với một tham chiếu đến phả hệ và do đó cũng hàm ngụ về sự ra đời của ông. Cuộc “tiến đến” của Caesar được miêu tả như một sự kiện với những phân rẽ trên toàn cầu, vang dội từ biển Caspian cho đến Sông Nile – bấy giờ được xem là những vùng xa xôi hẻo lánh của thế giới đã được khám phá. Ở đây, Caesar cũng được thần thánh hóa: ông “tiến lên” “thế giới của ánh sáng” và quyền thống trị của ông lan rộng không chỉ đến chân trời nhưng còn vượt ra khỏi “con đường rực rỡ” của mặt trời.
Như thế, Mùa Vọng là từ ngữ rất thích hợp để mô tả giai đoạn hướng đến lễ Giáng sinh. Vì chưng, điều mà chúng ta cử hành là cuộc tiến đến của một vị vua, một hoàng đế, Đấng hoàn toàn là con người và cũng hoàn toàn là Thiên Chúa. Giáo hội hướng chúng ta đến đích điểm này bằng việc thiết lập Lễ Đức Kitô Vua ngay trước khi bắt đầu Mùa Vọng.
Ở mức độ này, phạm vi ý nghĩa quy gán cho từ Mùa Vọng được đặt trong tầm mức thể lý và hữu hình. Nhưng từ này còn có thể có thêm nghĩa ẩn dụ và thần bí, khi biểu thị sự xuất hiện của điều gì đó nơi tâm trí hay linh hồn của một người. Đây là cách từ này được sử dụng trong chuyên luận Về bản tính các vị thần của Cicero. Từ này xuất hiện trong tiết đoạn nơi Cicero đang chỉ trích lập luận của một triết gia về sự hiện hữu của các vị thần:
Nếu các vị thần chỉ lôi cuốn đối với năng lực của tư tưởng, mà không có sự vững chắc hay đường nét xác định, vậy có gì khác biệt giữa việc chúng ta nghĩ tưởng về một vị thần với một nhân mã? Tất cả các triết gia khác gọi những hình ảnh như thế chỉ là những tưởng tượng trống rỗng, nhưng anh cho rằng chúng là sự xuất hiện [adventum] và xâm nhập của những hình tượng chắc chắn vào trong tâm trí chúng ta (Về bản tính các vị thần, 1.105).
Trong bối cảnh tự nhiên thần giáo thuần túy, Cicero, người sống vào thế kỷ trước Đức Kitô, đang đưa ra một lập luận về bản thể học và tri thức luận. Trên bình diện bản thể, liên quan đến bản tính của các sự vật, ông chất vấn liệu các vị thần Rôma có bất kỳ một bản thể hay có phải là thực tại hữu hình hay không nếu họ chỉ xuất hiện như những hình tượng đối với tâm trí. Vấn đề này trở thành tri thức luận: làm sao những người Rôma cổ đại có thể biết liệu các vị thần của họ có tồn tại nếu các vị ấy chỉ được chúng ta nhận thức theo thể cách này?
Trong hoàn cảnh Kitô giáo chưa xuất hiện, những mối ưu tư của Cicero mang một vài ý nghĩa. Suy nghĩ về các vị thần như những hình tượng hoặc ý tưởng thuần túy dường như là điều không chắc chắn, đặc biệt là khi người ta đang nỗ lực để thuyết phục về sự hiện hữu của các vị ấy.
Nhân mã – hippocentaur hay đơn giản là centaur – là một ví dụ có tính gợi mở. Trong thần thoại cổ đại, nhân mã mang hình thái nửa người nửa ngựa. Nếu bạn không thể tưởng tượng ra, không thiếu các hình ảnh để hỗ trợ bạn.[2] Nhưng dĩ nhiên, việc hình ảnh ấy có khả năng ghi dấu trong tâm trí bạn không có nghĩa tồn tại thứ gọi là nhân mã.
Nhưng ngược lại, hãy xem xét cách mà tất cả những điều này ứng với sự xuất hiện của Đức Kitô. Trên thực tế, Ngài là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” như thư Côlôxê 1,15 nói với chúng ta. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đây là một hình ảnh có tính “vững chắc” và “đường nét xác định”: hình ảnh đã trở thành nhân dạng, Ngôi Lời đã trở thành nhục thể. Và như thế, dựa trên khởi điểm của sự thật này, không giống với những người Rôma cổ đại, những người Công giáo chúng ta có nền tảng vững chãi cho đức tin của mình và có lý do cho một niềm hoan hỉ lớn lao.
[1] Xin xem: https://books.google.com.vn/
[2] http://vignette4.wikia.nocookie.net/
Gregorio Võ Trần Nhựt chuyển ngữ từ catholicexchange.com