YÊU MẾN SỰ CÔ TỊCH

I. Yêu mến sự cô tịch

Yêu mến sự cô tịch và tìm kiếm nó không có nghĩa là liên tục di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác xét về mặt địa lý. Một người trở nên trầm lắng vào lúc người ấy chợt ý thức sự yên tĩnh riêng tư không thể chuyển nhượng của mình và thấy rằng, mình sẽ không là bất cứ điều gì khác ngoài sự cô tịch, không thành vấn đề ngoại cảnh chung quanh. Từ giây phút đó, cô tịch không còn là tiềm năng, nhưng là hiện thực.

Tuy nhiên, cách kiên quyết, sự cô tịch đích thực luôn đặt chúng ta trong sự hiện diện của một khả năng không được thực hiện và thậm chí không thể thực hiện của sự “cô tịch toàn vẹn”. Nhưng điều này phải được hiểu một cách đúng đắn: vì đã đánh mất tính hiện thực của sự cô tịch đã có của mình, chúng ta tìm cách, với một nỗi lo lắng quá lớn, thực hiện theo sức người sự thinh lặng bên ngoài vốn xem ra không thể đạt được. Sự cô tịch hiện thực, như một trong những yếu tố không thể thiếu của nó, bao hàm một sự không thoả mãn và không chắc chắn vốn phát xuất từ việc diện đối diện với một khả năng không thể thực hiện được. Đó không phải là sự đeo đuổi điên rồ những khả năng – đó là một sự bằng lòng đầy khiêm tốn đặt chúng ta trong sự hiện diện của một thực tại vô cùng lớn lao, theo một nghĩa nào đó, đã bị chiếm hữu và theo một nghĩa khác, là một “khả năng” – một đối tượng của lòng trông cậy.

Chỉ khi chết đi và lên thiên đàng, người cô tịch mới thấy rõ ràng rằng, khả năng này đã được hiện thực hóa trong đời mình tuy họ không biết điều đó – vì trên hết, sự trầm lắng của họ cốt tại “khả năng” chiếm hữu Thiên Chúa, và không chiếm hữu điều gì khác ngoài Ngài trong một niềm cậy trông tinh tuyền.

II. Gieo mình vào Đấng Lặng Thinh

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con không biết con sẽ đi về đâu. Con không thấy đường đi phía trước. Con không chắc nó sẽ kết thúc ở đâu. Con cũng không thực sự biết mình, và sự kiện con nghĩ mình đang theo đuổi ý muốn của Chúa không có nghĩa là con đang thực hiện điều đó. Nhưng con tin rằng, ước muốn làm vui lòng Ngài thực sự làm cho Ngài vui. Và con hy vọng có được ước muốn đó trong tất cả những gì con làm. Con hy vọng mình sẽ không bao giờ làm điều gì bên ngoài ước muốn đó. Và con biết, nếu con thực hiện ước muốn này, Chúa sẽ dẫn dắt trên con đường đúng đắn nhất dẫu con có thể không biết gì về kế hoạch của Ngài. Vì thế, con sẽ luôn tín thác vào Chúa dù con có thể lạc đường và bóng tối sự chết vẫn bao phủ. Con sẽ không sợ hãi, vì Chúa mải ở cùng con, và Ngài sẽ không bao giờ bỏ mặc con khi con phải một mình đối mặt với những hiểm nguy.

III. Thinh lặng, yếu tính của thánh thiện

Trong thời đại chúng ta, mọi thứ đều là “vấn đề”. Thời đại này là thời đại của lo lắng bởi chúng ta muốn nó như vậy. Lo lắng không áp đặt trên chúng ta bởi những sức mạnh bên ngoài nhưng chính chúng ta áp đặt nó trên thế giới của mình và áp đặt nó trên nhau từ bên trong chính mỗi người.

Trong một thời đại như thế, hẳn sự thánh thiện sẽ có nghĩa là di chuyển từ khu vực lo lắng đến một khu vực khác, trong đó, không có lo lắng hoặc có lẽ nó có nghĩa là học hỏi, từ Thiên Chúa, để không lo lắng khi ở giữa lo lắng.

Cách căn bản, như Max Picard chỉ ra, có thể đi đến kết luận: sống trong một sự thinh lặng vốn quá hoà hoãn với các mối xung đột bên trong đến nỗi dù vẫn ở trong chúng ta, chúng không còn là vấn đề (về Thế Giới Thinh Lặng, tr. 66 – 67).

Xung đột luôn tồn tại trong tâm hồn con người và chỉ khi nào chúng ta thích sự phân tích hơn chính sự thinh lặng, chúng mới trở thành vấn đề dai dẳng và không thể giải quyết. Chúng ta không muốn nói đến việc giải quyết tất cả mọi xung đột nhưng nói đến việc sống với chúng, vươn lên từ chúng và thấy chúng trong ánh sáng của những giá trị khách quan bên ngoài vốn làm chúng không đáng kể bằng việc so sánh.

Vậy, thinh lặng thuộc về yếu tính của thánh thiện. Trong thinh lặng và lòng cậy trông, sức mạnh của các Thánh được hình thành (Is 30, 15).

Khi thinh lặng trở nên vấn đề, tôi đã đánh mất sự cô tịch. Khi nó không còn là vấn đề, tôi thấy mình chiếm hữu cô tịch và có thể tiếp tục chiếm hữu nó. Vậy mà nó vẫn là vấn đề bởi tôi biết, rốt cuộc, một sự thinh lặng hoàn toàn chủ quan và bên ngoài là kết quả của một nỗ lực chủ quan sẽ không bao giờ đầy đủ. Thinh lặng phải khách quan và cụ thể. Đó phải là sự thông hiệp với một điều gì đó lớn hơn cả thế giới, cao cả như chính Hữu Thể, để rồi trong bình an sâu thẳm của nó, chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa.

Chúng ta đặt ngôn từ giữa chính mình và sự vật, thậm chí cả Thiên Chúa cũng trở thành một điều gì huyền hoặc được nhận thức trong một vùng đất ngôn ngữ không người vốn không còn được dùng như một phương tiện thông hiệp với thực tại.

Đời sống cô tịch, trở nên thinh lặng, xoá tan màn sương của ngôn từ mà con người đã đặt giữa tâm trí mình với sự vật.

Trong sự thinh lặng, chúng ta vẫn mặt đối mặt với hữu thể trần trụi của sự vật; dẫu thế, vẫn thấy sự trần trụi của thực tại mà chúng ta lo sợ không phải là điều gây nên sợ hãi hay xấu hổ. Nó được bao phủ trong sự kết thân mật thiết của thinh lặng và thinh lặng này được kết nối với tình yêu.

Thế giới ngôn từ của chúng ta tìm cách xếp hạng, kiểm soát hoặc thậm chí khinh miệt sự thinh lặng (bởi chúng không thể chứa đựng nó). Thế giới ngôn từ đó đến gần chúng ta đang khi thinh lặng dạy chúng ta biết thực tại bằng cách tôn trọng thực tại ở nơi mà ngôn từ đã làm hỏng nó.

Khi một mình trải nghiệm đủ với những thực tại chung quanh, từ sự thinh lặng vốn là mẹ của Chân Lý, lòng kính trọng của chúng ta sẽ biết cách trổ sinh những lời tốt đẹp về thực tại đó.

Giữa thế giới thinh lặng, có ngôn từ: giữa thinh lặng của sự vật và thinh lặng của hữu thể chúng ta, giữa thinh lặng của thế giới và thinh lặng của Thiên Chúa. Khi thực sự gặp gỡ và nhận biết thế giới trong thinh lặng, ngôn từ sẽ không tách chúng ta ra khỏi thế giới, cũng không tách chúng ta ra khỏi chính mình và cả Thiên Chúa bởi lẽ chúng ta không còn hoàn toàn tin rằng, ngôn từ chứa đựng thực tại.

Chân lý chỗi dậy từ sự lặng thinh của hữu thể cho đến sự hiện diện lớn lao lặng lẽ của Ngôi Lời. Vậy, khi đắm chìm trong thinh lặng một lần nữa, chân lý của ngôn từ đánh gục chúng ta xuống trước sự thinh lặng của Thiên Chúa.

Đúng hơn, Thiên Chúa chỗi dậy từ biển khơi như một kho tàng trên sóng nước, và khi thuỷ triều ngôn ngữ rút xuống thì sự rực rỡ của Ngài vẫn chiếu sáng trên những bờ cát của chính hữu thể chúng ta.

IV. Tìm được ơn gọi, ý nghĩ và cuộc sống sẽ là một

Một người biết mình khi người đó tìm thấy ơn gọi của mình, khi người đó không còn nghĩ phải sống làm sao và bắt đầu sống. Vì thế, nếu một người được mời gọi để sống đời cô tịch, họ sẽ không còn phân vân làm thế nào để sống và bắt đầu sống bình lặng làm sao một khi đã ở trong sự cô tịch. Nhưng nếu một người không được mời gọi sống đời cô tịch, thì càng ở một mình, người đó càng lo lắng về việc sống và quên sống. Khi chúng ta không sống đúng theo ơn gọi đích thực của mình, ý nghĩ sẽ giết chết đời ta, ý nghĩ sẽ tự nó thay thế đời ta, hoặc sẽ đầu hàng cuộc sống để rồi cuộc sống ngập tràn ý nghĩ và dập tắt tiếng nói lương tâm. Khi tìm được ơn gọi của mình – ý nghĩ và cuộc sống sẽ là một.

Giả thiết một người đã tìm thấy sự toàn vẹn trong ơn gọi đích thực của mình, thì từ đây, mọi sự đều thống nhất, trật tự và bình an, cầu nguyện và hoạt động cũng không còn xung đột; việc chiêm ngắm giờ đây không cần phải là một “trạng thái” đặc biệt, một trạng thái vốn đem người đó ra khỏi những vật thông thường đang sống động chung quanh vì Thiên Chúa đã thẩm thấu tất cả. Người đó không quan tâm việc nói về chính mình cho bất kỳ ai ngoài một mình Thiên Chúa.

V. Sự thinh lặng của Thiên Chúa

Chúng ta cần tìm kiếm sự thinh lặng của Thiên Chúa không chỉ trong chính mình mà còn trong tha nhân. Trừ phi một người nào khác nói với chúng ta bằng những lời phát xuất từ Thiên Chúa và thông hiệp với sự yên lặng của Ngài trong tâm hồn mình, chúng ta vẫn bị cô lập trong linh hồn, một thinh lặng mà dường như Thiên Chúa đã không còn ở đó. Vì sự thinh lặng bên trong tuỳ thuộc vào một cuộc tìm kiếm liên lỉ, một tiếng kêu không ngớt trong đêm, một cử chỉ van vái lặp đi lặp lại trên vực thẳm. Nếu cứ bám víu vào một thứ thinh lặng được nghĩ là đã tìm thấy một lần thay cho tất cả, chúng ta sẽ không tiếp tục tìm kiếm Thiên Chúa; và rồi, thinh lặng đó đang dần chết trong tâm hồn mình.

Thinh lặng của Thiên Chúa là một thinh lặng trong đó, Thiên Chúa không tìm lấy cho mình một chút ngơi nghỉ để nói với chúng ta về Ngài. Một sự thinh lặng trong đó, Thiên Chúa không dường như vắng mặt, đe doạ một cách nguy hiểm sự hiện diện liên lỉ của Ngài. Vì Ngài chỉ được tìm thấy khi được tìm kiếm; khi không còn được tìm kiếm, Ngài trốn chạy. Ngài được nghe chỉ khi chúng ta hy vọng lắng nghe Ngài; và nếu nghĩ rằng, những gì trông chờ đã được thoả mãn, chúng ta sẽ ngừng lắng nghe; phần Ngài, sẽ ngưng nói, và rồi, sự thinh lặng của Ngài sẽ không còn sống động và chết đi dẫu chúng ta có nạp lại nó bằng những âm vang ồn ào đầy cảm xúc.