[Vui bước Tin Mừng] Tấm lòng của Mẹ

Tôi muốn kể về bước đường sứ vụ của người nữ tu, sơ Thérèse, một người Mẹ suốt đời ôm ấp và chăm sóc những con người nghèo khổ chốn rừng sâu heo hút.
 

Đaminh Trần Văn Tân, SJ.
Mùa Phục Sinh 2020
Mục Vui bước Tin Mừng là sự cộng tác giữa Vatican News Tiếng Việt và Uỷ ban Loan báo Tin Mừng của Hội đồng Giám mục Việt Nam với những chia sẻ kinh nghiệm sống động của những người đặt bước chân mình trên “cánh đồng”.

Những năm tháng còn rất trẻ, Mẹ đã cùng với các chị em khác rảo gót khắp cánh đồng của bà con sắc tộc, từ Dalat tới Phú Sơn, qua Di Linh tới Đăk Blao và cuối cùng là Đăk Nông. Tại Dak Nông, có lẽ đây là thời gian dài nhất, mẹ được sai đến với bà con người M’nông và Mạ. Nhưng sau đó Mẹ phải rời bỏ vùng này vì chiến tranh.

Dù sao, sau 5 năm sống với bà con vùng này, từ Dak Blao tới Quảng Sơn, Quảng Khê, qua Dak Hà, Dak Nia, với bà con người Mạ. Tiếp đó từ Gia Nghĩa tới Kiến Đức vô Quảng Trực với bà con người M’nông, Mẹ đã học để nhận biết cách Chúa hiện diện và yêu thương chăm sóc những người con tản mác lưu lạc trong cảnh chiến tranh loạn lạc.

Từ khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, và sau những năm chiến tranh, mẹ con lại phải chia tay nhau. Chia tay mà không hẹn ngày gặp lại. Mẹ cứ xa biền biệt, bỏ đi mà lòng quặn đau, biết rằng vắng Mẹ con cái sẽ bơ vơ. Bỏ lại cả một vùng đất mênh mông, con cái không có nhà thờ, cũng chẳng có bóng dáng linh mục.

Tại Thôn 1 Quảng Sơn, bà con làm một cái chòi nhỏ cắm rào chung quanh, tới giờ cầu nguyện mới đem tượng ra đặt; Cầu Gãy cũng thế, nhà nguyện lấy trời làm mái che. Đấy là những điểm tương đối dễ dàng, chứ ngay như Bon Phi Nao sát đường lộ, ngôi nhà để họp nhau cầu nguyện phải ẩn mình giữa mọi nhà…

Cũng may, trong giai đoạn này, bà con sống thành thôn theo bon của mình, chẳng hạn như thôn 4 Quảng Tín gồm 2 bon là Bù Tung và bù On; thôn 5 là Bù Sre, nhờ đó vẫn có thể nâng đỡ nhau vể đời sống đức tin, tuy nhiên các trẻ  em thì chẳng được học giáo lý.

Mãi cho tới năm 1991, Mẹ mới mạnh dạn đi thăm các con và chỉ cho các con thấy nơi ở hiện tại của Mẹ, cạnh nhà thờ Lái Thiêu. Con cái bắt đầu bảo nhau tìm về với Mẹ, đem theo đói nghèo và bệnh tật, bao gồm cả những thương tật do dùng bùa ngải để hại nhau. Ngải độc, đó là một thứ vũ khí xa xưa bà con hay dùng để tự vệ, nhưng cũng dùng để hại người cho bõ ghét. Bà con bỏ bùa ngải lâu rồi, tuy nhiên, sau mười mấy năm xa mẹ vắng cha, đâu đó lại có người lén lút mua về.

Bệnh tật thông thường thì Mẹ lo được, chỉ cần dựng thêm mấy gian nhà làm trạm xá, đích thân Mẹ chữa trị, vì trước kia Mẹ cũng đã có thời gian làm bệnh viện, bệnh nặng thì đưa ra bệnh viện huyện, hoặc nếu cần chuyển lên thành phố. Cũng chịu Mẹ thôi, đi tới đi lui chỉ có chiếc xe gắn máy.

Thế còn những căn bệnh do ngải độc thì sao, những con bệnh mà khi gặp bác sĩ hỏi chỗ nào cũng khai đau, chụp chiếu thì chẳng thấy gì làm bác sĩ cuối cùng bó tay. Mẹ lại phải đem về đưa đi thầy ngải. và thật may mắn, thời gian này có thầy Vĩnh cũng quê gần Lái Thiêu, trước kia thầy tu ở dòng Don Bosco, sau này về trở thành thầy lang, và được ơn trừ ngải, luôn sẵn lòng chữa trị cho bà con.

Con cái càng lúc càng về đông, thêm các cháu nhỏ ở lại học nội trú, và đặc biệt, khắp các bon làng đã từ lâu khát lời Chúa, phải mở các lớp đào tạo giáo lý viên, có nghĩa là phải mở tung cửa nhà để đón con cái. Nhà Mẹ từ từ trở thành MÁI ẤM DÂN TỘC là lẽ đương nhiên. 

Chuyện kể nghe đơn giản thế đấy, nhưng trong thực tế thì sao? Cũng đơn giản lắm, vì một khi Mẹ sẵn tấm lòng bao la như biển thái bình thì làm sao tát nổi:  càng xót thương con cái, Mẹ càng hết lòng tin tưởng và vững dạ cậy trông nơi Chúa.

Chuyến đi mới nhất của sơ Thérèse

Lòng Mẹ bao la, nhưng vòng tay nhỏ bé. Không sao, những năm tháng len lỏi giữa đoàn con nghèo khổ, đã lắm phen Mẹ ngẩn ngơ khi thấy bàn tay của Thiên Chúa vô hình định liệu và sắm sẵn tất cả, phải nói, Chúa thương người nghèo lắm, và luôn dành cho họ chỗ đặc biệt trong trái tim của Người.

Chuyến đi mới nhất của sơ Thérèse

Thời gian này chẳng hạn, khi cần một thầy dạy giáo lý, Chúa gửi đến một ông bố có khả năng truyền đạt và biết cách dẫn dắt bà con vào đời cầu nguyện, vì thế việc đào tạo các tay thợ cho cánh đồng lúa mới rất lẹ làng. Sau hơn một năm trời đào tạo,  số giáo lý viên cho các làng cũng được khoảng một  trăm, tất cả đã sẵn sàng cho một vụ mùa mới, không chỉ lo củng cố đời sống đạo của bà con, mà là  đồng loạt lên đường vào ngày 01/01/1994, khắp nơi như mở hội vì người tin theo rất đông, tính đến ngày 01/01/1995, số người trở lại đã được trên ba ngàn, nhiều nhất là vùng Bù Đăng, Đak Nhau, vùng đất trước năm 1975, Mẹ vừa đặt chân tới chỉ được mấy tháng đã vội đi.

Lời Chúa lan tràn đến đâu, phải chọn một nhà để bà con họp nhau cầu nguyện, phải tuyển chọn người làng mới để đào tạo thành giáo lý viên, và nhà Mẹ lại phải mở rộng hơn nữa, giang rộng vòng tay để chào đón những người con mới trở lại, rồi còn phải chạy đôn chạy đáo để lo nâng đỡ bà con ngay tại buôn làng.

Một người Mẹ, chỉ có đôi tay đơn nghèo, với tấm lòng trong, vậy mà có thể ôm ấp đoàn con ở khắp nơi. Từ gần chục năm trở lại đây, đều đặn cứ 2 tuần một lần, Mẹ lại mượn xe tải, mượn thôi, chứ lấy tiền đâu mà thuê, đưa đủ thứ hàng lên Gia lai – Kon Tum: mì gói, bánh phở, bún khô, thịt cá, thuốc men, quần áo, nhiều lắm. Tất cả những thứ đó được rất nhiều người chung tay phụ giúp, từ các công ty thịt đông lạnh cho tới xí nghiệp chế biến, kẻ cho đồ ăn, vật dụng, người khác góp tiền để mua.

Mẹ được ơn gõ cửa, từ trái tim đến trái tim, để nơi vùng Tây Nguyên xa xôi, các bé ở nhà mồ côi, nhà mở, nhà các học sinh nội trú vùng sâu vùng xa, có được những bữa ăn ngon hơn, và bà con cách chung, có được quần áo và được phụ giúp thuốc men.

 

Chuyến đi mới nhất của sơ Thérèse đến Đak Nông, Gia Lai – Kontum và Khe Sanh

Chuyến đi mới nhất của sơ Thérèse đến Đak Nông, Gia Lai – Kontum và Khe Sanh

Chuyến đi mới nhất của sơ Thérèse đến Đak Nông, Gia Lai – Kontum và Khe Sanh
Chuyến đi mới nhất của sơ Thérèse đến Đak Nông, Gia Lai – Kontum và Khe Sanh

Hai năm nữa Mẹ sẽ mừng 60 năm sống đời dâng hiến. Một bà già sấp xỉ 80 mà vẫn có thể theo xe tải đem hàng từ Lái Thiêu lên Gia Lai – Kon Tum, phân phối đồ ăn nước uống xong, nghỉ ngơi chừng 3 tiếng đồng hồ, rồi lại theo xe tải về lại Lái Thiêu, gương mặt không vương chút mệt mỏi, lạ thật.

Đó là một con người có bộ xương huyền thoại hay là người của tình yêu và ân sủng:

Cả một đoạn đường dài ghi dấu thời gian hiến dâng: 25 năm của hành trình đức tin, 50 năm của lòng cậy trông và sắp tới đây là 60 năm hồng ân thánh hiến.

Vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (1Ga 4,7), tình yêu làm nên tấm lòng của Mẹ.

Một đời gắn đời mình với những người nghèo