Mục Vui bước Tin Mừng là sự cộng tác giữa Vatican News Tiếng Việt và Uỷ ban Loan báo Tin Mừng của Hội đồng Giám mục Việt Nam với những chia sẻ kinh nghiệm sống động của những người đặt bước chân mình trên “cánh đồng”.
Rời trại phong, chúng tôi ghé thăm giáo xứ Di Linh, nơi mà Đức cha Jean Cassaigne, người sáng lập trại phong Di Linh và cũng là người mở ra công cuộc truyền giáo cho người sắc tộc tại Giáo Phận Đà Lạt, đã từng làm cha xứ, đã sống những năm tháng đầu tiên khi tới vùng đất Lâm Đồng. Cha Đa minh Trần Thả, cha sở ở đây, dẫn chúng tôi tham quan cơ sở của giáo xứ, kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của Đức cha Jean Cassaigne xưa kia: một người cha đã dành trọn con tim cho những người phong cùi. Chúng tôi hỏi cha xứ về việc truyền giáo cho người dân tộc như thế nào, vì vợ chồng chúng tôi từ lâu luôn cầu nguyện và thao thức với việc truyền giáo. Cha xứ trả lời: “Năm 1995 khi mới về đây, Đức cha Phêrô cho mình 3 tấn gạo để hỗ trợ việc truyền giáo, những anh chị em sắc tộc từ Gia Bắc, Sơn Điền ở cách đây gần 50 cây số, họ đến xin học đạo, mình giữ họ ở lại để học trong 2 hoặc 3 ngày, mỗi ngày cho họ mấy lon gạo và mấy con cá khô để họ tự nấu ăn, nhưng đến nay mình không còn nguồn nào để có thể tiếp tục.”
Nghe lời chia sẻ của cha xứ Đaminh, vợ chồng chúng tôi như được Chúa đánh động, trên đường về nhà, tôi cứ suy nghĩ miên man về công việc truyền giáo nơi giáo điểm Di Linh. Lúa chín nhưng thiếu phương tiện để thu hái. Cả hai vợ chồng có cùng suy nghĩ, chúng tôi quyết định sẽ dành dụm chi tiêu để giúp cha xứ, nhưng nếu chỉ một mình gia đình chúng tôi thì giúp được bao nhiêu, khi mà thu nhập của một gia đình nông dân nghèo chẳng dư giả là bao!
Vợ chồng chúng tôi hàng ngày chỉ biết cầu nguyện xin Chúa giúp cho việc truyền giáo ở đó được thuận lợi. Có lẽ do ý Chúa nhiệm mầu, chúng tôi nảy ra ý định mời gọi một vài người bạn mỗi tháng góp 20.000đ, tương đương với 1 ngày công lao động vào thời điểm đó, để giúp giáo điểm truyền giáo Di Linh. Thế là chúng tôi mời thêm được 24 gia đình nữa tham gia. Tháng đầu tiên chúng tôi góp được 500.000đ để giúp cho giáo điểm Di Linh để trong sứ mạng truyền giáo. Chúng tôi đặt tên cho nhóm là “Gia đình truyền giáo”.
Người này rỉ tai người kia, chúng tôi có 50 gia đình cùng tham gia đóng góp trong tháng tiếp theo, chúng tôi tiếp tục giúp thêm giáo điểm K’Rèn, là một giáo họ người dân tộc K’ho nằm ở chân đèo Đà Lạt. Và số người cứ thế tăng lên vào tháng thứ 3, lúc này chúng tôi đặt tên cho nhóm là “Hụi Chết”, nghĩa là đóng hụi lúc sống, khi chết về với Chúa thì hốt hụi.
Phát xuất từ việc làm nhỏ bé âm thầm ấy, sau 8 tháng đã có gần 100 người cùng tham gia, và lúc ấy tên gọi Cải Xanh được hình thành do sự gợi ý của Cha Giuse Vũ Đình Tân, quản xứ Thánh Tâm Lộc Phát. Cải Xanh là cách gọi chại từ tên của Đức Cha Jean Caissaigne, Ông Cố Giám mục người Phong, vị tông đồ bác ái đã gieo mầm đức tin cho vùng đất Đà Lạt – Lâm Đồng này. Tên gọi Cải Xanh để nhắc nhở nhóm chỉ như hạt cải bé nhỏ của Nước Trời, hạt cải âm thầm lớn lên trong lòng Giáo Hội. Thế là từ nay gia đình Cải Xanh đã có vị quan thầy là Đức Cha Jean Cassaigne, Khẩu hiệu Caritas et Amor (Bác ái và yêu thương) mà Ngài chọn cũng là con đường để mọi thành viên chúng tôi bước theo.
Cứ thế hạt cải nẩy mầm và sinh hoa kết trái, từ con số vài chục đến nay số thành viên đã tăng hơn 700 gia đình.
Đã nhiều lần, Đức Cha Phêrô (Khi ngài là Giám mục Giáo Phận Đà Lạt) muốn hoạt động của Cải Xanh được tổ chức có quy chế như một hiệp hội giáo dân, nhưng anh chị em Cải Xanh xin được hoạt động âm thầm như hạt cải âm thầm gieo trong lòng đất. Và giờ đây, công việc âm thầm của chúng tôi cũng vẫn luôn được sự khuyến khích, động viên của Đức Cha tiền nhiệm Antôn, và chúng tôi rất hạnh phúc khi Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã tiếp tục đón nhận và yêu thương gia đình Cải Xanh vào tuổi 20.
Ngay từ đầu, chúng tôi đã chọn linh đạo cho gia đình Cải Xanh là tinh thần của đoạn Tin Mừng Mt 25,34-40: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”
Việc tổ chức của gia đình Cải Xanh cũng đơn giản theo tinh thần ban đầu. Việc ý thức trách nhiệm truyền giáo khởi đi từ môi trường gia đình, qua cử chỉ đóng góp 1 phần tuy rất nhỏ nhưng đều đặn cách tự nguyện, kèm theo lời cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo phận và Giáo hội nói chung. Đồng thời các thành viên thuộc về những nhóm nhỏ để thuận tiện cho việc liên hệ đóng góp và chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.
Ngoài những hoạt động chung của gia đình Cải Xanh, trong môi trường sống của mình, anh chị em còn tự phát thành từng nhóm nhỏ để tổ chức hoặc tham gia các công việc bác ái khác như: nhóm chăm sóc bệnh nhân, mở lớp trẻ tình thương, xây nhà tình thương, trợ giúp các hoàn cảnh cơ nhỡ khó khăn vv… bằng các nguồn của cá nhân hoặc huy động bạn bè thân quen.
Anh chị em trong gia đình Cải Xanh luôn nhắc nhớ nhau rằng: Bác ái không phải là từ thiện hay bố thí, nhưng bác ái là việc thực hành đức tin, đó chính là kim chỉ nam của từng thành viên Cải Xanh trong môi trường sống của mình. Nguyện xin Chúa cho hạt cải được nẩy mầm, xanh tốt và sinh nhiều hoa trái trong cánh đồng nhân loại.