Tháng Sáu năm 2020 vừa qua là kỷ niệm 5 năm (2015-2020) Đức Thánh cha Phanxicô ban hành thông điệp “Laudato sì” – Chúc tụng Chúa, về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại. Thông điệp này được coi là một trong những văn kiện của Đức Thánh cha có âm vang rất lớn trên thế giới, vượt ra ngoài phạm vi Công giáo hoàn vũ, ảnh hưởng tới nhiều môi trường khác trong nhân loại. Chính vì tầm quan trọng đó, Bộ Phát triển nhân bản toàn diện và nhiều cơ quan khác của Tòa Thánh, đang dành trọn một năm để đào sâu giáo huấn của Đức Thánh cha trong thông điệp này.
Trong ý hướng đó, chúng ta cùng nhìn lại những giáo huấn nổi bật của Đức Thánh cha Phanxicô trong thông điệp rất thời sự này.
Trước hết, chúng ta cùng thoáng nhìn lại nội dung tổng quát của thông điệp “Laudato sì”.
Sáng ngày 18 tháng Sáu năm 2015, 300 ký giả quốc tế đã đến ngồi chật Hội trường Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, ở nội thành Vatican để tham dự cuộc họp báo: giới thiệu thông điệp mới của Đức Thánh cha Phanxicô về việc bảo vệ môi trường. Sự hiện diện của đông đảo ký giả như thế là một biến cố hiếm có, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với văn kiện này.
Ý tưởng tổng quát
Thông điệp “Laudato sì” dài 199 trang khổ nhỏ, gồm phần nhập đề, tiếp đến là sáu chương, và kết thúc bằng hai kinh nguyện. Tổng cộng, văn kiện được chia thành 246 đoạn.
Sáu chương của thông điệp lần lượt đi từ một sự lắng nghe thực trạng, dựa trên những thủ đắc khoa học tốt nhất ngày nay (ch. 1), rồi đối chiếu với Kinh thánh và truyền thống Do thái – Kitô (ch. 2), trước khi nêu rõ căn cội của các vấn đề (ch. 3) trong thời đại kỹ thuật làm chủ và trong thái độ co cụm thái quá tự tham chiếu của con người. Chương bốn cho biết chủ trương mà thông điệp nhắm tới, là một “nền môi sinh học toàn diện, bao gồm rõ rệt các chiều kích nhân bản và xã hội” (137), gắn chặt với vấn đề môi trường. Trong viễn tượng ấy, qua chương năm, Đức Thánh cha Phanxicô đề nghị khởi sự một cuộc đối thoại chân thành trên mọi bình diện của đời sống xã hội, kinh tế và chính trị. Cuộc đối thoại này cơ cấu hóa các tiến trình quyết định minh bạch; và sau cùng, trong chương sáu, ngài nhắc nhở (ch.6) rằng không dự phóng nào có thể hữu hiệu, nếu không được linh hoạt nhờ một lương tâm được huấn luyện và có tinh thần trách nhiệm. Đức Thánh cha đề nghị những điểm để tăng trưởng trong chiều hướng này trên bình diện giáo dục, tu đức, Giáo hội, chính trị và thần học.
Thông điệp kết thúc với hai kinh nguyện: Lời kinh thứ nhất được trình bày để chia sẻ với tất cả những người tin nơi “một Thiên Chúa Sáng Tạo và là Cha” (246); và Lời kinh thứ hai được đề ra cho những người tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, theo nhịp điệp khúc “Laudato sì” của thánh Phanxicô Assisi, mở đầu và kết thúc thông điệp.
Câu hỏi nòng cốt
Trong thông điệp “Laudato sì”, có một câu hỏi nòng cốt Đức Thánh cha đưa ra: “Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?”. Ngài viết: “Câu hỏi này không phải chỉ liên quan riêng đến môi trường mà thôi, vì ta không thể đặt câu hỏi một phần”, và điều này khiến ta tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống xã hội: “Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta? … “nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản ấy, thì tôi không tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể có những hiệu quả quan trọng”.
Lắng nghe tiếng than của thế giới
Giờ đây, trái đất, bị ngược đãi và cướp phá đang kêu than và những tiếng than trách của trái đất đang hiệp với những tiếng rên xiết của tất cả những người bị bỏ rơi trên thế giới này. Đức Thánh cha mời gọi hãy lắng nghe họ. Ngài kêu gọi tất cả và từng người – cá nhân, gia đình, tập thể địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế – hãy “hoán cải về môi sinh”, theo kiểu nói của thánh Gioan Phaolô II, nghĩa là “đổi hướng”, đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để ‘săn sóc căn nhà chung’. Đồng thời, Đức Thánh cha nhìn nhận rằng: “Người ta nhận thấy có sự nhạy cảm ngày càng gia tăng đối với môi trường và việc săn sóc thiên nhiên, và thành thực lo lắng vì những gì đang xảy ra cho hành tinh của chúng ta” (19), hợp thức hóa cái nhìn hy vọng mà toàn bộ thông điệp làm nổi bật và gửi đến tất cả mọi người một sứ điệp rõ ràng và đầy hy vọng: “Nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng một căn nhà chung” (13); “con người còn khả năng can thiệp tích cực” (58); “không phải tất cả đã bị mất mát, vì con người, tuy có khả năng thoái hóa tột độ, nhưng vẫn còn có thể tự vượt thắng, tái chọn lựa điều thiện và tái tạo” (205).
Quan tâm của các Giáo hội về môi sinh
Ngay từ đầu, Đức Thánh cha Phanxicô nhắc nhở rằng cả “các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô khác – cũng như các tôn giáo khác – đã phát triển sự quan tâm sâu xa và một suy tư quí giá” về đề tài môi sinh học (7). Đúng hơn, họ đóng góp đặc biệt, bắt đầu tự sự đóng góp của “Đức Thượng phụ chung Bartolomeo kính mến” (7), Giáo chủ Chính thống Constantinople, được trích dẫn nhiều trong các đoạn số 8-9. Rồi nhiều lần, Đức Giáo hoàng cám ơn những người giữ vai chính trong công cuộc này – các cá nhân cũng như các hiệp hội và tổ chức – ngài nhìn nhận rằng “suy tư của vô số nhà khoa học, triết gia, thần học gia và các tổ chức xã hội đã phong phú hóa tư tưởng của Giáo hội về những vấn đề ấy” (7) và Đức Giáo hoàng mời gọi tất cả mọi người hãy nhìn nhận “sự phong phú mà các tôn giáo có thể đóng góp cho một nền môi sinh học toàn diện và cho sự phát triển trọn vẹn con người” (62).
Nội dung chương I
Đi vào chi tiết hơn, trong chương thứ nhất, thông điệp “Laudato sì” của Đức Thánh cha Phanxicô trình bày những gì đang xảy ra cho căn nhà chúng ta. Ngài tóm lược những thủ đắc khoa học mới nhất về môi trường như một cách thức để lắng nghe tiếng kêu của thiên nhiên, “biến những gì xảy ra cho thế giới thành đau khổ đang xảy ra cho bản thân mình, và như thế nhìn nhận đâu là sự đóng góp mà mỗi người có thể mang lại” (19). Chương này đề cập đến “các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay” (15). Ví dụ như:
– Những thay đổi khí hậu là một vấn đề hoàn cầu, với những hệ lụy trầm trọng về môi trường, xã hội, kinh tế, phân phối và chính trị, và chúng là một trong những thách đố chính hiện nay đối với nhân loại” (25). Nếu “khí hậu là một thiện ích chung của tất cả và cho tất cả mọi người” (23), thì ảnh hưởng nặng nề nhất của sự thay đổi khí hậu đè nặng trên những người nghèo nhất, nhưng “nhiều người có nhiều tài nguyên và quyền lực kinh tế hoặc chính trị hơn, dường như chỉ chú tâm tới việc che đậy vấn đề hoặc giấu nhẹm những triệu chứng của sự thay đổi khí hậu” (26): “sự thiếu phản ứng đứng trước những thảm trạng ấy của anh chị em chúng ta, là một dấu hiệu cho thấy có sự mất ý thức trách nhiệm đối với những người đồng loại của chúng ta, trách nhiệm này vốn là nền tảng của mọi xã hội dân sự’ (25).
– Một vấn đề khác là nước uống: Đức Thánh cha khẳng định rõ ràng rằng “có được nước uống an toàn là một nhân quyền thiết yếu, cơ bản và của tất cả mọi người, vì nó ảnh hưởng tới sự sống còn của con người và vì thế, đây là điều kiện để thực thi các nhân quyền khác”. Tước bỏ quyền của người nghèo được nước uống, có nghĩa là “phủ nhận quyền sống vốn bắt nguồn từ chính phẩm giá bất khả nhượng của họ” (30).
– Đức Thánh cha cũng bàn về vấn đề bảo vệ sự đa dạng sinh vật (biodiversità): “Mỗi năm, có hàng ngàn loại thực vật và động vật biến mất mà chúng ta không có thể biết chúng nữa, các con cháu chúng ta không thể thấy chúng nữa, chúng biến mất vĩnh viễn” (33).
Đức Thánh cha cũng nói về “Món nợ môi sinh: trong khuôn khổ một nền luân lý đạo đức về các quan hệ quốc tế, có “một thứ nợ về môi sinh” (51), nhất là nợ của các nước giàu đối với những nước nghèo trên thế giới. Đứng trước những thay đổi khí hậu, có “những trách nhiệm khác nhau” (52), và trách nhiệm của các nước phát triển thì lớn hơn.
Ý thức về những khác biệt sâu xa về các vấn đề này, Đức Thánh cha bày tỏ sự ngạc nhiên lớn, vì “chỉ có những phản ứng yếu ớt” trước những thảm trạng của bao nhiêu con người và dân tộc. Mặc dù không thiếu những ví dụ tích cực (58), nhưng thông điệp tố giác “một thái độ thiếu nhạy cảm và một thứ vô trách nhiệm thiếu suy xét” (59). Thiếu một nền văn hóa thích hợp (53) và sự sẵn sàng thay đổi lối sống, sản xuất và tiêu thụ (59), trong khi đó cần cấp thiết “kiến tạo một hệ thống qui phạm (…) đảm bảo hệ thống môi sinh” (53).
Đài Chân Lý Á Châu