Tác giả: Regis Martin
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ và bổ sung
từ ncregister.com
WHĐ (22.11.2020) – “Một giấc ngủ ngắn qua đi, chúng ta thức dậy vĩnh viễn / Và cái chết sẽ không còn nữa; hỡi cái chết, ngươi sẽ phải chết.” – John Donne, Bài thơ trữ tình số X.
Fra Angelico, “Chúa Kitô xuống ngục tổ tông,” c. 1442
Khi cuốn tiểu thuyết Memento Mori xuất hiện lần đầu vào năm 1958, nó đã được cả giới phê bình và đại chúng chào đón hoan hô. Nhưng câu chuyện được viết bởi một phụ nữ trẻ tài năng và thông minh tên là Muriel Spark, lại đề cập đến một chủ đề không hề phổ biến đại chúng: Cái chết. Bạn biết đấy, đó là một trong những điều không nên nói đến, giống như nói đến vấn đề sinh lý giữa các bà cô chưa chồng ở một thời Nữ Hoàng Victoria cổ xưa nào đó. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết đó đã được viết thành công một cách tao nhã và dí dỏm đáng kể và làm tan vỡ phần lớn sự im lặng chung quanh một chủ đề buồn thảm như thế.
Một người phụ nữ lớn tuổi tên là Dame Lettie Colston, là nhân vật bắt đầu câu chuyện, đang viết một lá thư thì điện thoại của bà đổ chuông và bà nghe thấy một tiềng nói cất lên với bà ,”Hãy nhớ rằng bà phải chết.” Đây là lần thứ chín người gọi điện thoại bí ẩn gọi điện để nhắc nhở bà. Ông ta phải suy nghĩ nhiều biết chừng nào khi gọi điện trước như vậy. Và trong khi các thành viên khác trong nhóm của bà cũng nhận được một cuộc gọi tương tự, nhưng rất ít người tỏ ra biết ơn chút ít về cuộc gọi. Tuy nhiên, có một ngoại lệ gây ấn tượng sâu sắc là bà già Taylor, là người dường như đã chuẩn bị chết mỗi ngày. Bà nói với độc giả, “Một cái chết tốt lành không hệ tại ở phẩm cách chịu đựng cái chết đó mà hệ tại ở tâm thế của linh hồn.” Thật vậy, tâm thế của chính bà được nhắc lại một cách xúc động vào cuối câu chuyện, trong đó chúng ta biết rằng bà “đã nấn ná lại một thời gian, dùng nỗi đau của mình để tán dương Thiên Chúa, và thi thoảng bà chiêm niệm một cách tin tưởng về cái chết, là sự đầu tiên trong Bốn Sự Sau cần phải nhớ”.
Đó là cách đáp trả của Kitô hữu trước cái chết – cứ thật mà nói – là quan điểm duy nhất lành mạnh hoặc tràn đầy hy vọng mà người ta có thể thực hiện. Vậy thông điệp xác định rõ ràng của cái chết là gì? Thật vậy, không phải chính Thiên Chúa đã đến để giải phóng con người khỏi phải chết, làm cho sự thật về cái chết trở nên máu thịt trong thân xác của Con Ngài đó sao? Và đó cũng là một xác nhận đáng kinh ngạc chừng nào. Xác nhận rằng những ai bám víu vào Chúa Kitô, kết hiệp chính mình với Lời của Ngài, Lời đã trở thành xác thể, thì sẽ không chỉ được ban cho ân sủng để đối mặt với cái chết, để chịu đựng mọi nỗi kinh hoàng của sự chia lìa cuối cùng hiển nhiên khỏi tất cả những gì họ biết đến và yêu mến, mà còn thực sự được ban cho sức mạnh để vượt qua cái chết, để chiến thắng nó mãi mãi. Ít từ nào tỏ ra là có sức mạnh lớn lao hơn những từ này: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: ai giữ lời Ta thì đời đời sẽ không thấy sự chết” (Gioan 8: 51).
Hơn nữa, đây không đúng là điều mà đức tin hứa hẹn sao? Trong Chúa Giêsu Kitô, toàn bộ tính hay chết của chúng ta, mỗi xăngtimét vuông đáng ngại của nó, đều được định sẵn để trải qua một sự biến đổi hoàn toàn chưa từng nghe nói đến. Tất cả chúng ta sẽ tỏa sáng như mặt trời. Chỉ một mình Thiên Chúa tình yêu mới có thể làm bật ra một phép lạ như thế. Một tình yêu quá mạnh mẽ đến mức nâng con người lên khỏi mặt đất, nơi mà con người đã rớt xuống, gom góp tất cả những mảnh vỡ rơi rớt do tội lỗi và sự chết để lại, và đặt con người ngay trên một ngai vàng vinh quang bất tận. Cái chết xảo quyệt sẽ được hóa giải hoàn toàn, cuối cùng khiến cho Con Quỷ Già xưa kia trở nên không nơi nương náu, nhờ vào sức mạnh của một tình yêu vĩnh cửu không thay đổi. Tên lưu manh trên cầu thang[1], như một số người đã gọi hắn như vậy, là kẻ đang chờ ném linh hồn những người tin tưởng ra khỏi tay vịn, sẽ bị tước vũ khí ngay tại thời điểm hắn quyết định tấn công. Hành vi trộm cắp và bạo lực đe dọa mà hắn thể hiện, hóa ra lại trở thành sự gia tăng bất ngờ và vô hạn của sự sống, trong sự phối hợp nhiệm mầu của ân sủng.
Ai có thể tưởng tượng được một kết cục như vậy? Chính sự chết sẽ chết, và như thế là hoàn thành lời hứa vĩ đại đã thực hiện với dân Ítraen theo lời của tiên tri Ôsê, là người, với cung giọng của chính Thiên Chúa Toàn năng, mang lại sự bảo đảm đáng kinh ngạc: “Ta lại giải thoát nó khỏi quyền lực âm phủ sao, lại chuộc nó khỏi thần chết ư ? Tử khí ngươi đâu rồi, hỡi Thần Chết ? Nọc độc của ngươi đâu, hỡi Âm ty ? Ta nhắm mắt không còn thương xót nữa.” (Ôsê 13:14). Đây là chủ đề to lớn của niềm hy vọng cùa dân Do Thái, không kém gì sự bảo đảm lâu bền của chính Thiên Chúa, mà sau này Thánh Phaolô sẽ diễn đạt một cách hoàn hảo trong thư đầu tiên của ngài gửi tín hữu Côrintô: “Này đây mầu nhiệm tôi xin nói với anh em: Ta sẽ không chết hết thảy, nhưng hết thảy ta sẽ được biến đổi. Bất thần, trong nháy mắt, vào tiếng loa cuối cùng — vì loa sẽ thổi — và người chết sẽ chỗi dậy bất hoại, và ta sẽ biến đổi. Vì chưng cái hư hoại này sẽ mặc lấy bất hoại, đồ chết dở này sẽ mặc lấy trường sanh bất tử. Khi cái hư hoại này đã mặc lấy sự bất hoại, và đồ chết dở này đã mặc lấy trường sinh bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm điều đã viết: sự chết đã bị vùi trong toàn thắng! Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu? Nọc của sự chết là Tội, mãnh lực của Tội là Lề luật. Ðội ơn Thiên Chúa, Ðấng đã ban toàn thắng cho ta nhờ Chúa chúng ta, Ðức Yêsu Kitô! Cho nên, hỡi anh em thân mến, hãy ở kiên vững, không nao núng, dẫy tràn thêm việc làm của Chúa luôn luôn, bởi biết rằng công khó của anh em hẳn không phải là hư luống trong Chúa!” (1 Côrintô 15: 51-58).
Nói cách khác, cái chết không đóng vai trò gì trong bản thể con người, công việc phá đổ của con người là kết quả của thế giới mà chúng ta đã tạo ra, hay đúng hơn là chúng ta đã phá hoại, Thiên Chúa không bao giờ có ý định để chúng ta phải chết trong thế giới đó. Sách Khôn ngoan nhắc nhở chúng ta: “Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người”, Sách Khôn ngoan nhắc nhở chúng ta, “Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Khôn ngoan 2: 23-24). Vì cái chết làm đổ vỡ tan tành tất cả sự hiệp nhất nguyên thủy giữa thể xác và linh hồn, cho nên cái chết thuộc về trật tự lịch sử đẫm máu do tội lỗi của con người. Một thế giới mà Chúa Kitô đã tự nguyện bước vào và chấp nhận đau khổ để loại bỏ ra khỏi chúng ta sự tinh quái của nó – thật vậy, để giải thoát chúng ta khỏi sự phi lý và tính chất chung cuộc của cái chết.
Và tại sao lại như vậy? Bởi vì khi Chúa Kitô đồng ý chết thay cho chúng ta, một điều gì đó thật phi thường đã xảy ra với cái chết, làm thay đổi toàn bộ sự cân bằng, bị căng kéo cách buồn thảm giữa tội lỗi và sự chết. Vì vậy, khi chúng ta gắn bó với Chúa Kitô, đặt niềm hy vọng của chúng ta vào biến cố thập giá của Ngài, một biến cố dẫn đến việc đánh bay tội lỗi và sự chết, thì cái gọi là “chiến thắng” đối với cái chết là điều hiển nhiên. Bông Hoa Nhỏ Têrêsa đã thể hiện việc đó một cách tuyệt vời khi tác động vào cung bậc sâu xa nhất của niềm hy vọng theo cung cách của riêng mình: “Vậy thần chết sẽ đến tìm Chị?” một chị nhà Tập hỏi. Bông Hoa Nhỏ đáp lại: “Không, không phải thần chết mà chính Thiên Chúa sẽ đến tìm em. Thần chết không phải là yêu quái, cũng không phải là tà thần giữa rừng như người ta thường tưởng tượng và mô tả trên tranh ảnh. Giáo lý dạy rằng chết là linh hồn lìa bỏ xác, chỉ có thế thôi. Bởi đó không khi nào em lo sợ phải chia lìa thân xác vì sự chia lìa đó sẽ kết hiệp em đời đời với Thiên Chúa.” (Một Tâm Hồn, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, quyển III, chương II, số 7)
Tác giả Regis Martin, STD[2], là giáo sư thần học và là giảng viên cộng tác với Trung tâm Veritas về Đạo đức trong Đời sống Cộng đồng tại Đại học Phanxicô Steubenville, Ohio.