LAO ĐỘNG VÀ THÀNH CÔNG VỚI MỤC ĐÍCH THẬT SỰ CỦA ĐỜI NGƯỜI
Tác giả: Thiên An
WHĐ (24.7.2021) – Lao động là hoạt động thiết yếu trong đời sống hàng ngày của con người. Ngoài việc để kiếm sống ra, lao động còn mang lại những hiệu quả tốt đẹp khác: tạo nên giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội qua sự thành công trong công việc; lao động cũng góp phần hoàn thiện bản thân, xây dựng gia đình và xã hội, kết nối tương quan với người khác.
Mặc dù, lao động có vai trò thiết yếu trong đời sống, và sự thành công trong công việc mang lại nhiều giá trị hấp dẫn, nhưng chúng có phải mục đích thực sự của đời sống con người không?
Lao động là phương tiện sống, không phải mục đích sống.
Lao động mang lại cho chúng ta sức khỏe, sự tiến bộ bản thân và của cải vật chất. Nói cách khác, con người chúng ta sống được phần lớn là nhờ lao động. Tuy nhiên, chúng ta lao động để sống, chứ tuyệt nhiên không phải sống để lao động. Con người sống là để hướng đến một mục đích cao cả khác. Đó chính là Thiên Chúa, nơi xuất phát điểm và cũng là cùng đích của sự sống con người. “Anh em hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6, 19-21). Và cũng chính nhờ cùng đích này, mà lao động mới có ý nghĩa thực sự; vì nó đã góp phần giúp con người sống và hoàn thiện bản thân trên con đường lữ hành tiến về cùng đích.
Ngày nay, nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, người ta đôi khi quá chú trọng công việc, coi công việc như là động lực, là lẽ sống. Thậm chí, có những người “nghiện” công việc, không làm việc là không chịu nổi. Họ coi công việc trọng hơn gia đình, hơn sức khỏe của bản thân. Họ làm việc quên cả thời gian và ăn uống. Với họ, chỉ có xong việc chứ không có hết giờ làm việc. Người ta gọi họ là con người của công việc. Như thế, lao động không còn là phương tiện nữa, nhưng đã biến thành cứu cánh. Vai trò của lao động đã bị phóng đại quá mức, che mờ đi mục đích thật của đời người (x. Docat số 138). Với những người như thế, Chúa Giêsu khuyên họ: ”Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8, 36); ”Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi” (Mt 6, 19).
Thực tế, cũng có nhiều người đang phải ngày đêm làm việc cực nhọc để nuôi sống bản thân và gia đình. Họ đang tận tâm phục vụ gia đình. Việc lao động của họ như thế luôn được Thiên Chúa chúc phúc (x. Docat số 138). Tuy nhiên, khi con người phải dành quá nhiều thời gian và sức lực để làm việc mới đủ sống, thì có thể họ đang ở vào hoàn cảnh một xã hội bất công, bị thao túng bởi giới lãnh đạo coi trọng thể chế chính trị và ý thức hệ cũng như của cải, vật chất hơn sự sống con người, hơn ý nghĩa và mục đích của đời người. Trong hoàn cảnh ấy, cá nhân người lao động được chúc phúc, nhưng người điều hành xã hội phải gánh trách nhiệm về những hậu quả xấu.
Thành công trong công việc cũng không phải là đích thật.
Không thể phủ nhận rằng thành công trong công việc có thể tạo nên sự phong phú, phồn thịnh và tiện ích cho xã hội. Cho nên, khi làm việc, ai cũng nhắm đến sự thành công. Công việc thành công mang đến nhiều giá trị cho xã hội, làm thay đổi và phát triển xã hội. Có những sự thành công đã làm nên bộ mặt mới cho xã hội, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử tiến bộ của loài người; thí dụ như việc thành công trong lĩnh vực công nghiệp, phát minh khoa học kỹ thuật, thiên văn… Tuy nhiên, ngay cả những ích lợi to lớn của những sự thành công ấy, cũng không thể đánh đổi được ý nghĩa và mục đích thật sự của đời người.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều người cố gắng đạt đến thành công là do mong muốn sở hữu nhiều của cải, vật chất. Thành công trong trồng trọt, chăn nuôi là muốn có nhiều nông sản, thực phẩm,… Thành công trong sản xuất, chế tạo là muốn có nhiều hàng hóa, sản phẩm,… Thành công trong kinh doanh, là muốn có nhiều tiền,… Tất cả của cải có từ kết quả của những việc thành công như thế, cũng chỉ là mục đích ngắn hạn, nhất thời; không thể xem chúng như mục đích tối hậu. Thật là sai lầm nếu người ta nỗ lực đạt thành công chỉ là để thỏa mãn lòng tham của cải, và thèm khát hưởng thụ. Chúa Giê su đã cảnh báo những người như thế rằng “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu” (Lc 12, 14).
Cũng có những người khác nữa phấn đấu thành công là để nổi danh hay để có địa vị xã hội. Danh vọng là thứ có thể khiến người ta đam mê đến mờ lý trí. Việc tìm kiếm danh tiếng thường dẫn người ta đến những điều hư ảo, hão huyền; kèm theo đó là sự trống rỗng nội tâm, nỗi mặc cảm, cô đơn, sợ hãi. Tìm kiếm địa vị thì có nguy cơ biến người ta thành kẻ khao khát quyền lực, kiêu căng và độc đoán. Thành công để đạt đến những mục đích như thế có thể xem là sự thành công giả tạo, đánh lừa mình, lừa người, và chẳng có kết cục tốt đẹp.
Kinh Thánh đã ghi nhận lời Đức Maria rằng: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”. (Lc 1, 51-52)
Tóm lại, lao động rất cần thiết trong đời sống hàng ngày của con người. Nhưng, lao động chỉ có ý nghĩa và giá trị thật sự bao lâu nó dừng lại ở vị trí là phương tiện giúp con người sống hoàn thiện bản thân và tìm kiếm, gặp gỡ Chúa. Sự thành công trong công việc, ngay cả khi vì mục đích tốt đẹp, cũng chỉ là cái tạm thời; nó phải được quy hướng về mục đích tối hậu là tìm kiếm Nước Chúa.
Lao động đúng đắn là nuôi dưỡng con người toàn diện.
Thành công thực sự là có chỗ ở trong Nước Trời.
(Trích tài liệu thường huấn dành cho giáo dân tháng 7/2021, Ủy ban Giáo Dân / HĐGMVN)