Là một nhà truyền giáo trẻ của Hội Thừa sai Paris, cha Guillaume Conquer được truyền chức linh mục tại Giáo phận của công quốc Monaco và sau đó đến Campuchia thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hiện nay, cha đang dấn thân hoà mình trong cánh đồng truyền giáo tại làng Chom Lak, hướng dẫn đàn chiên bé nhỏ khiêm tốn.
Là biên tập viên của Wikipedia từ năm 2008, vào ngày 17/8 vừa qua, cha Conquer đã tổ chức một hội thảo trực tuyến về Wikimania với 15 người tham dự. Wikimania là một hội nghị thường niên nhằm tôn vinh khả năng tự do tiếp cận kiến thức nhờ các tình nguyện viên khắp nơi trên thế giới. Được tổ chức và tài trợ bởi Tổ chức Wikimedia, lẽ ra năm nay, hội thảo sẽ diễn ra tại Bangkok nhưng đã được chuyển sang trực tuyến từ Campuchia theo ý muốn của cha Conquer.
Cha cho biết, trang Wikipedia tiếng Khmer đã được tạo ra cách đây 15 năm, nhưng từ năm 2016, số biên tập viên đã giảm. Hiện nay trang này phụ thuộc vào thế hệ trẻ để phát triển. Mục tiêu của cha là tăng gấp đôi số lượng bài viết của trang trong năm tới.
Khi được hỏi sứ vụ của cha có liên quan gì đến Wikipedia? Cha giải thích: “Điều này thực tế có liên quan đến một truyền thống lâu đời của pháp. Vào thế kỷ 19, tại châu Á, các học giả quan tâm đến tiếng Pali và tiếng Phạn, như tại châu Âu là tiếng Latinh. Tiếng Campuchia là ngôn ngữ nói, phổ biến. Các cuốn từ điển tiếng Pháp-Khmer đầu tiên được các nhà truyền giáo thực hiện và một số cuốn chính xác đến mức chúng vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Công việc của tôi với WIkipedia cũng vậy. Đó là một nhiệm vụ to lớn, nhưng nó đang sống”.
Tới đây, mọi người có thể đặt ra câu hỏi khác: “Nhưng trong từ điển, đâu là sứ vụ?”. Linh mục truyền giáo 32 tuổi giải thích tiếp: “Đó là sự nhập thể của Ngôi Lời. Kiến thức trở thành xác phàm”. Nhưng cha cũng chỉ ra: “Wikipedia không phải là công cụ phù hợp để chiêu dụ tín đồ. Thành công của nó được đưa ra bởi quan điểm trung lập. Đó là không gian dành cho kiến thức, không phải để rao giảng. Và điều này vẫn là một thách đố lớn. Tôi đã viết trang về thánh Tôma Aquinô. Nhưng làm thế nào để người Campuchia hiểu rằng vị thánh này đã cách mạng hóa triết học? Điều này không dễ dàng”.
Cha cho biết, còn có những khó khăn khác liên quan đến ngôn ngữ. Ví dụ, trong làng mọi người rất tôn trọng cha, nhưng khi cha đi ra ngoài họ không biết ứng xử với cha như thế nào. Đối với một tín đồ Phật giáo, linh mục nghĩa là gì họ vẫn chưa hiểu thấu đáo. Do đâu mà Giáo hội đã đến một đất nước có lịch sử phong phú như vậy? Đôi khi rất khó dịch ngay cả những khái niệm cơ bản của Kitô giáo cho người dân.
Rồi còn có khó khăn về vật chất. Đa phần người dân không có máy tính. Mỗi tháng, trang có 3 triệu lượt truy cập, nhưng chỉ có khoảng chục người đóng góp cho lĩnh vực này. Cha khám phá nhiều điều khi xem dữ liệu của những người truy cập các trang Wikipedia tiếng Campuchia, như độ tuổi, nội dung quan tâm. Người Campuchia quan tâm đến lịch sử, các chính trị gia của họ. Mọi người sử dụng điện thoại, nhưng trong các trường học không có phòng máy. Bên cạnh đó còn có những thách đố do đại dịch gây ra, như tỷ lệ học sinh bỏ học và sợ hãi do chính phủ siết chặt các quy định. Trong chế độ Khmer Đỏ, các trường học đã từng bị đóng cửa trong bốn năm. Mọi người sợ rằng điều tương tự có thể xảy ra hoặc chính phủ sẽ không nói sự thật về số người chết vì Covid-19”.
Và cuối cùng là khó khăn về kinh tế. Vì chính phủ Campuchia yêu cầu phải thực hiện cách ly ít nhất trong 2 tuần khi đến đất nước này, vì vậy không có khách du lịch. Tất cả những người làm việc trong lĩnh vực này đều đã không còn việc làm.
Cha nói: “Các sự kiện lớn bị cấm, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cử hành Thánh lễ. giáo xứ của tôi, có 20 người, thực tế là một ngôi nhà bình thường của người dân Campuchia! Nhưng chưa bao giờ có nhiều Kitô hữu trong cả nước và khắp các tỉnh thành như vậy. Đó là một khoảnh khắc duy nhất đối với Giáo hội. Chúng tôi nhận ra mình đang sống trong một thời điểm hồng ân”.
Ngọc Yến – Vatican News