BÀI 13, 14: BÍ TÍCH THANH TẨY – BÍ TÍCH THÊM SỨC

Bài 13 : BÍ TÍCH THÁNH TẨY

LỜI CHÚA : Ga 3,1-5.

“Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5)

BÀI HỌC :

Bí tích Thánh Tẩy (Rửa Tội) là dấu chỉ chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa và Hội Thánh.

1* Bí tích Thánh Tẩy ban cho ta những ơn gì ?

1.   Ơn tha tội, gồm tội chung (nguyên tổ) và tội riêng (cá nhân) để chúng ta được trở nên trong sạch trước khi được tháp nhập vào Thiên Chúa là Đấng thánh.

2.   Ơn làm con Thiên Chúa với tên gọi là Kitô hữu, bởi lẽ chúng ta tự bản chất chỉ là loài thụ tạo chứ không do Thiên Chúa sinh ra. Thiên Chúa chỉ có một người Con là Chúa Giêsu Kitô, nên chúng ta chỉ có thể là con cái của Thiên Chúa nhờ việc trở nên giống Chúa Kitô với tên gọi của Ngài.

3.   Ơn gia nhập Hội Thánh, nghĩa là trở thành chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Chúa Kitô. Chính Hội Thánh sinh chúng ta ra làm con Thiên Chúa, nên chúng ta cũng là con cái Hội Thánh.

4.   Ơn huynh kết với các Kitô hữu, nghĩa là các Kitô hữu trở nên anh chị em với nhau vì cùng là con của một Cha trên trời.

5.   Ơn thiêng liêng không thể tẩy xóa, nghĩa là ghi một dấu ấn đã tái sinh làm con Thiên Chúa thì mãi mãi là con Thiên Chúa, cho dù có phản bội Người thì cũng không phải chịu lại bí tích Rửa Tội lần thứ hai.

Bí tích Thánh Tẩy là một ơn đức tin, không phải cứ biết là tin, tự sức con người khó có thể tin mà phải cộng tác với ơn Chúa.

2*  Những ai có quyền ban và nhận Thánh Tẩy?

1.   Thừa tác viên thông thường của bí tích Thánh Tâûy là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế. Trong trường hợp khẩn cấp và nguy tử thì mọi người (kể cả người ngoại giáo) đều có quyền ban bí tích Thánh Tẩy miễn là có ý ngay lành muốn làm theo ý Hội Thánh và làm đúng công thức Rửa Tội (sau đó trình với cha xứ để ghi vào sổ Rửa Tội nếu đương sự còn sống).

2.   Điều kiện để lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy là phải thật lòng sám hối, ước ao tiến bước trong đời sống mới bằng việc học Giáo lý, và phải thật lòng từ bỏ ma quỷ cùng những điều xấu xa. Người sắp lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy cần có một người bảo trợ (đỡ đầu) giúp đỡ để ân sủng của bí tích Rửa Tội được phát triển, nghĩa là có trách nhiệm đồng hành, quan tâm và giúp đỡ người tân tòng sống đạo.

3*  Phải cử hành nghi lễ Thánh Tẩy như thế nào?

1.   Nghi thức chuẩn bị : Kinh cầu các thánh, lời nguyện trừ tà, xức dầu dự tòng, làm phép nước để Rửa Tội, tuyên xưng đức tin, và dĩ nhiên trước đó luôn có Lời Chúa soi dẫn.

2.   Nghi thức chính yếu của việc cử hành bí tích Thánh Tẩy là đổ nước trên đầu người lãnh nhận trong khi đọc: “Cha rửa con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Đây chính là dấu chỉ hữu hình không thể thiếu của bí tích Thánh Tẩy: nước và lời Rửa Tội.

3.   Nghi thức diễn nghĩa : Trao áo trắng và nến sáng là hai nghi thức diễn tả điều mà người tân tòng đã trở nên sau khi được đổ nước.

4.   Áo trắng có ý nói rằng người tân tòng đã mặc lấy Chúa Kitô, đã trở nên con người mới. Aùo trắng cũng là dấu hiệu của nghĩa vụ phải bảo toàn sự trong trắng tinh tuyền và phải toả sáng bằng hành vi của mình  .

5.   Nến sáng chỉ niềm vui của người tân tòng vì đã tìm thấy ánh sáng Phúc Âm và nhắc đến trách nhiệm trở nên chứng nhân của Phúc Âm. Sự mong manh của ngọn nến trước gió còn muốn nhắc nhủ người tân tòng về sự yếu đuối của mình để luôn phải tỉnh thức.

Bí tích Thánh Tẩy là bí tích đức tin cần thiết để được cứu độ, là cửa ngõ dẫn vào đời sống Kitô giáo, phải được Rửa Tội rồi thì mới được lãnh nhận các bí tích khác.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Thiên Chúa chí thánh, khát vọng lớn nhất của con là được làm con Chúa để gọi Chúa là Cha. Xin giúp con biết thanh tẩy đời sống sao cho phù hợp với Tin Mừng mà Con Chúa đã rao giảng, để một ngày gần đây, con sẽ được gia nhập Hội Thánh mà ca tụng Chúa là gia nghiệp đời con.

TÓM LƯỢC :

1* Bí tích Thánh Tẩy là gì ?

– Bí tích Thánh Tẩy là dấu chỉ chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa và Hội Thánh nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

2* Bí tích Thánh Tẩy ban cho chúng ta những ơn gì ?

– Bí tích Thánh Tẩy ban cho ta 5 ơn đức tin sau đây: một là ơn tha tội, hai là ơn làm con Thiên Chúa, ba là ơn gia nhập Hội Thánh, bốn là ơn liên kết với các tín hữu, và năm là dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xoá.

3* Nghi thức chính yếu của bí tích Thánh Tẩy là gì ?

– Nghi thức chính yếu của bí tích Thánh tẩy là việc đổ nước và đọc lời Rửa Tội: “Cha rửa con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

4* Ai được quyền ban bí tích Rửa Tội ?

– Thông thường là những người có chức thánh, nhưng khi khẩn cấp thì bất cứ ai cũng có quyền Rửa Tội cho người khác, miễn là có ý ngay lành và làm đúng nghi thức là đổ nước và đọc “Tôi rửa anh nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

QUYẾT TÂM :

Tích cực chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa tội bằng việc chuyên chăm cầu nguyện, học hỏi Giáo lý và đổi mới đời sống

Bài 14 :BÍ TÍCH THÊM SỨC

LỜI CHÚA : Cv 19,1-7.

“Họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ” (Cv 19,5-6)

BÀI HỌC :

Bí tích Thêm Sức là dấu chỉ nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần để tăng trưởng và làm chứng cho Chúa.

1*  Bí tích Thêm Sức ban những ơn gì ?

Bí tích Thêm Sức không ban ơn gì mới, song giúp tăng trưởng  các ơn đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy:

– Giúp ta trưởng thành trong đời sống thiêng liêng làm con Thiên Chúa (x.Rm 8,15).

– Giúp kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô hơn (x.1Cr 12,3), và tham gia gắn bó với đời sống Giáo Hội (x.1Cr 12,4-13.27-30).

– Giúp làm chứng cho Chúa Kitô bằng cách xây dựng Nước Thiên Chúa qua cuộc sống tốt lành của mình, gọi là truyền giáo (ánh sáng trần gian, muối cho đời [x.Mt 5,13-16], men trong bột [x.Lc 13,20-21]).

Bí tích Thêm Sức cũng ghi một dấu ấn thiêng liêng của Chúa Thánh Thần không thể tẩy xóa nên chỉ lãnh nhận một lần.

2*  Ai có quyền ban và nhận ?

 Thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm Sức là Đức Giám Mục. Ngoài ra, những linh mục nào được ủy quyền có thể ban bí tích Thêm Sức hoặc khi linh mục Rửa Tội cho người lớn thì được quyền ban bí tích Thêm Sức ngay sau đó, hoặc khi có người tín hữu nào đang nguy tử mà chưa nhận phép Thêm Sức.

 Trẻ em đến tuổi biết phán đoán được quyền lãnh nhận bí tích Thêm Sức, hoặc trong trường hợp nguy tử, Hội Thánh vẫn ban bí tích này cho trẻ em dù chưa đến tuổi biết phán đoán. Như thế người lớn khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy thì phải được lãnh nhận ngay bí tích Thêm Sức là một trong ba bí tích khai tâm Kitô giáo.

 Để lãnh nhận bí tích Thêm Sức, người tín hữu phải hiểu biết giáo lý, phải ở trong tình trạng ân sủng, nghĩa là sạch tội. Cũng như bí tích Thánh Tẩy, nên có một người đỡ đầu để được trợ giúp trong đời sống thiêng liêng, nên chọn chính người đỡ đầu Rửa Tội để nhấn mạnh sự thống nhất của hai bí tích này.

3*  Trao ban bí tích Thêm Sức như thế nào ?

Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức được trao ban bằng việc đặt tay (GM hay LM giơ tay trên đầu tân tòng) và đọc lời cầu xin  ơn Chúa Thánh Thần, kèm theo việc xức dầu  thánh trên trán và đọc lời này: “…Hãy nhận lấy ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”.

Vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu, giúp đổi mới con người và đi sâu vào đời sống tâm linh.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, mặc dù con chưa phải là con cái Thiên Chúa, song Ngài vẫn trợ giúp con để hạt giống đức tin mỗi ngày một triển nở. Xin Chúa Thánh Thần là sức mạnh tăng trưởng giúp con sống Tin Mừng mà con đang học hỏi.

TÓM LƯỢC :

1* Bí tích Thêm Sức là gì ?

– Bí tích Thêm Sức là dấu chỉ nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần để tăng trưởng và làm chứng cho Chúa.

2* Bí tích Thêm Sức ban cho ta những ơn gì ?

– Bí tích Thêm Sức ban cho ta những ơn này: một là ơn tăng trưởng, hai là ơn kết hiệp với Chúa và gắn bó với Hội Thánh, ba là ơn làm chứng cho Chúa.

3* Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức là gì ?

– Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức là đặt tay và đọc lời cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, rồi xức dầu thánh.

4* Khi đã được Thêm Sức, ta phải có những bổn phận nào ?

– Khi đã được ơn Chúa Thánh Thần, ta phải có ba bổn phận này: một là can đảm thực hành Lời Chúa, hai là góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phúc Âm, ba là bênh vực và truyền bá đức tin cho mọi người.

QUYẾT TÂM :

Tôi luôn cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, vì “hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,5-6).