Theo Đức Thánh Cha, chủ đề của Đại hội thường niên năm nay liên quan đến tất cả mọi người, những người có đức tin cũng như những người không có đức tin. Bởi vì, “bản tính con người, bị tội lỗi làm tổn thương, mang trong mình thực tại của những giới hạn, của sự mong manh và chết chóc.” Và ngài cho biết ngài đặc biệt quan tâm đến chủ đề này, bởi vì theo lối suy nghĩ hiện đại, “bệnh tật và sự hữu hạn thường bị xem là một sự mất mát, một thứ không có giá trị, một mối phiền toái phải được giảm thiểu, phản đối và loại bỏ bằng bất cứ giá nào.”
Cái nhìn của đức tin trước đau khổ thử thách
Trước đau khổ, con người đứng trước hai con đường: hoặc để cho đau khổ khiến mình co cụm vào chính mình, đến mức tuyệt vọng và nổi loạn; hoặc có thể đón nhận nó như một cơ hội để trưởng thành và nhận thức rõ những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, cho đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.
Cách thứ hai là viễn tượng đức tin mà chúng ta tìm thấy trong Sách Thánh. Đức Thánh Cha giải thích rằng trong Cựu Ước, các tác giả Thánh vịnh đối diện với bệnh tật bằng cách không ngừng hướng về Thiên Chúa, phó thác cho Người, xin Người chữa lành và hoán cải trở về với Người. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã mặc khải tình yêu thương xót của Chúa Cha, đặc biệt qua việc Người chữa lành bệnh tật hoặc xua trừ ma quỷ. Lòng thương xót của Chúa Giêsu và những hoạt động chữa lành của Người là dấu chỉ Thiên Chúa viếng thăm dân Người.
Kinh Thánh không xem đau khổ là số phận
Từ những suy tư này, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Kinh Thánh không đưa ra một câu trả lời tầm thường và không tưởng cho câu hỏi về bệnh tật và cái chết, cũng không đưa ra một câu trả lời mang tính định mệnh, vốn biện minh cho mọi thứ bằng cách quy nó cho sự phán xét khó hiểu của thần thánh, hoặc tệ hơn, cho một định mệnh không thể thay đổi mà con người chỉ có thể cúi đầu chấp nhận mà không hiểu được. Đúng hơn, con người của Kinh Thánh cảm thấy được mời gọi đối diện với tình trạng đau đớn phổ quát như một nơi gặp gỡ với sự gần gũi và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, người Cha nhân lành, Đấng với lòng thương xót vô biên chữa lành, hồi sinh và cứu rỗi các thụ tạo bị thương tích của mình.”
Liên đới cách nhân văn và theo tinh thần Kitô giáo
Đức Thánh Cha nói rằng trong Chúa Kitô đau khổ được biến đổi thành tình yêu. Do đó, kinh nghiệm đau khổ dạy chúng ta sống tình liên đới nhân văn và Kitô giáo, theo phong cách của Thiên Chúa là gần gũi, thương xót và dịu dàng. (CSR_1564_2023)