Từ năm 1980, Đại hội về Tình Thân hữu giữa các Dân tộc, thường được gọi là “Đại hội Rimini”, được Phong trào Hiệp thông và Giải phóng tổ chức hàng năm tại thị trấn Rimini ở Bắc Ý vào cuối tháng 8, và thu hút sự tham dự của hàng trăm ngàn người, phần lớn là sinh viên đại học. Chương trình của đại hội bao gồm các Thánh lễ, các hội nghị và hội thảo, các buổi hòa nhạc và trình diễn sân khấu.
Đại hội năm nay có chủ đề “Cuộc sống con người là một tình bạn vô tận”, trích từ lời của Cha Luigi Giussani, người sáng lập Phong trào Hiệp thông và Giải phóng, về cách thế mà đức tin vào Chúa Giêsu, Đấng gọi những người theo Chúa là “bạn hữu”, làm tan biến sự cô độc và kiến tạo tình bạn với những người khác.
“Dịch bệnh của sự thù địch”
Mở đầu sứ điệp được ký bởi Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin, Đức Thánh Cha nhận xét rằng Hội nghị Rimini được tổ chức vào thời điểm mà “chiến tranh và chia rẽ gieo rắc oán hận và sợ hãi trong lòng, và những người khác biệt thường bị coi là đối thủ.” “Truyền thông, với đặc tính toàn cầu và phổ biến, biến thái độ phổ biến này thành một não trạng xem sự khác biệt dường như là dấu hiệu của sự thù địch và xảy ra một loại dịch bệnh của sự thù địch.”
Trong bối cảnh này, theo Đức Thánh Cha, chủ đề của cuộc gặp gỡ ở Rimini có vẻ can đảm, bởi vì nó đi ngược dòng trong một thời điểm được đánh dấu bởi chủ nghĩa cá nhân và sự thờ ơ, tạo ra sự cô đơn và nhiều hình thức loại bỏ người khác.
Chúa Kitô Phục Sinh phá vỡ sự cô đơn bằng tình bạn của Người
Đức Thánh Cha lưu ý rằng chúng ta không thể tự sức mình thoát ra khỏi hoàn cảnh này. Và do đó, vào một thời điểm trong lịch sử, Thiên Chúa đã chủ động sai Con của Người đến, Đấng tự giới thiệu mình như một người bạn. “Thần Khí của Chúa Kitô Phục Sinh đã phá vỡ sự cô đơn bằng cách ban cho con người tình bạn của Người, như ân sủng thuần khiết.”
Đức Thánh Cha nhắc lại Thông điệp Fratelli tutti, trong đó tình bạn xã hội được xem như một giải pháp “ngay cả trong những tình huống bị kịch nhất – ngay cả khi đối mặt với chiến tranh – ‘khi nó là tình bạn đích thực […] trong một xã hội nó là một điều kiện khả thi cho sự cởi mở thực sự của toàn thế giới.'”
Những cử chỉ hòa giải cụ thể
Trong một thế giới mà căng thẳng và chia rẽ ngày càng gia tăng, Đức Thánh Cha nói rằng “Những bài phát biểu thôi là chưa đủ, cần có những cử chỉ cụ thể và những lựa chọn được chia sẻ để xây dựng một nền văn hóa hòa bình nơi mỗi người chúng ta đang sống, bằng cách hòa giải với các thành viên trong gia đình, bạn bè và hàng xóm, cầu nguyện cho những người làm tổn thương chúng ta, nhận ra và giúp đỡ những người gặp khó khăn, nói những lời hòa bình ở trường học, đại học hoặc trong xã hội, an ủi xoa dịu những người cảm thấy cô đơn bằng sự gần gũi.” (CSR_3140_2023)