Những bài học của Đức Gioan XXIII trong Thông điệp “Hòa bình dưới thế”

Để kỷ niệm 60 năm Đức Gioan XXIII ban hành Thông điệp “Pacem in terris – Hòa bình dưới thế”, Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội, cùng với Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO), đã tổ chức một hội nghị kéo dài hai ngày với chủ đề “Pacem in terris: Chiến tranh và những trở ngại khác đối với hòa bình”.

Vatican News

Tại hội nghị, các chuyên viên thảo luận về cuộc đấu tranh vì “một thế giới trong đó không diễn ra chiến tranh”.

Hội nghị

Trò chuyện với Vatican News, Đức Hồng Y Turkson lưu ý rằng có hai lý do chính cho việc tổ chức hội nghị: thứ nhất, ngày kỷ niệm thông điệp, và thứ hai, tính hợp thời được đổi mới của thông điệp trong một thế giới lại bị xâu xé bởi xung đột. Đức Hồng Y nhắc lại rằng Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói rằng các cuộc xung đột ngày nay giống như một “Chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra ‘từng phần’”.

Đây là chủ đề mà Sơ Helen Alford, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội, đã triển khai, đồng thời lưu ý rằng, mặc dù tình hình hiện tại “không khác” so với những năm 1960, nhưng ngày nay chúng ta phải đối mặt với nhiều mối đe dọa mới, bao gồm “vũ khí dẫn đường bởi trí tuệ nhân tạo, sử dụng mạng, sử dụng vũ khí tự động gây chết người, các loại hệ thống vũ khí mới phải được quản lý hợp lý và có thể cần phải bị cấm”.

Những khó khăn đối với hoạt động phản chiến

Trong khi đó, Tiến sĩ Marianne Dahl, một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, lại chú ý đến một trở ngại nghiêm trọng khác đối với hòa bình – cụ thể là hoạt động phản chiến ngày càng kém thành công. Bà nói: “Tỷ lệ thành công của các chiến dịch phi bạo lực ngày nay thấp hơn so với trước đây. Có vẻ như các nhà độc tài trên khắp thế giới đã học cách thích ứng với những thách thức từ việc huy động quần chúng”.

Bà giải thích thêm, một phần của vấn đề là sự xâm nhập của các nhóm phản chiến. “Khá nhiều kẻ chuyên quyền đã cử những kẻ xâm nhập tham gia các phong trào nhằm chuyển họ từ các chiến lược bất bạo động sang những chiến lược bạo lực hơn”.

Những bài học từ Đức Gioan XXIII

Thế giới nên ứng phó thế nào trước những vấn đề như vậy?

Sơ Alford gợi ý rằng điều cần thiết là “ít nhất… thúc đẩy hòa bình bằng cách hạn chế những khía cạnh tồi tệ nhất của chiến tranh, và cố gắng hướng tới một tình huống mà Pacem in terris đã thấy trước, và điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đang thực sự thúc đẩy, đó là: một thế giới trong đó không diễn ra chiến tranh.”

Đức Hồng Y Turkson cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tạo ra cho chúng ta một tư duy mới dựa trên năm trụ cột cần thiết cho một nền văn hóa hòa bình mà Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã trình bày, đó là: tôn trọng phẩm giá, công ích, tự do, sự tin tưởng và tình yêu”.