Vài dư âm về Tông huấn mới của Đức Thánh Cha “Laudate Deum”

8 năm sau khi công bố thông điệp “Laudato sì” về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, với những tiếng vang lớn trên thế giới, hôm ngày 4/10/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Tông Huấn “Laudate Deum” để thức tỉnh nhân loại trước tình trạng thế giới ngày càng bị đe dọa vì sự thay đổi khí hậu, trái đất bị hâm nóng và đang đến gần sự sụp đổ.
 

Vatican News

 Nhận xét tổng quát

 Tông huấn mới, “Anh chị em hãy chúc tụng Thiên Chúa”, là một văn kiện bổ túc cho Thông điệp “Laudato sì”, chỉ dài 12 trang (8 ngàn từ theo bản tiếng Anh) so với 180 trang của Thông điệp, và ở một mức độ thấp hơn, một Tông huấn so với cấp Thông điệp là văn kiện cấp cao hơn theo cấp bậc các văn kiện Tòa Thánh, và vì thế ảnh hưởng có thể là giới hạn hơn. Tông huấn được viết theo lối một “tuyên ngôn chính trị” hơn là một văn kiện huấn quyền của Hội Thánh. Trong văn kiện mới, Đức Thánh Cha đưa ra những tuyên bố dứt khoát về khoa khí hâu, những dự đoán về các thảm họa tương lai liên quan đến thời tiết, đưa ra những phân tích của các Hội nghị Liên Hợp Quốc về khí hậu, biểu lộ những bất mãn về những chọn lựa chính sách và trình bày các chọn lựa quan trọng của ngài về ngoại giao.

 Đức Thánh Cha cho biết sở dĩ ngài lên tiếng qua Tông Huấn này là vì: “Với thời gian, tôi nhận thấy rằng những câu trả lời của chúng ta không thích hợp, trong khi thế giới chúng ta đang sống đang sụp đổ và có thể đến gần mức đổ vỡ” (số 2).

 Cũng như Thông điệp Laudato sì được công bố trong khi hội nghị thượng đỉnh COP21 ở Paris năm 2015 về sự thay đổi khí hậu đến gần, Tông huấn Laudate Deum được công bố trong thời gian hướng đến hội nghị thượng đỉnh COP28 về sự thay đổi khí hậu, sẽ nhóm tại Dubai vào tháng 12/2023.

 Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha năm 2015 đã được sự tán thưởng của những người cổ võ bênh vực khí hậu, họ coi ngài là người đã giúp tạo nên động lực tiến đến Hiệp định Paris nhắm hạn chế khí thải trên thế giới, được thông qua hồi tháng 12/2015. Phái đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị đó được coi là đã giúp gây ảnh hưởng đến những cam kết từ Ba Lan và các nước Công Giáo ở Mỹ châu Latinh.

 Trong Tông huấn mới, Đức Thánh Cha nói về những mong đợi của ngài nơi hội nghị thượng đỉnh COP28 ở Dubai. Nhân biến cố này, ngài muốn gióng lên lời kêu gọi cộng đồng nhân loại hãy đồng trách nhiệm trước tình trạng khẩn cấp khí hậu thay đổi, vì thế giới “đang sụp đổ và có lẽ đang tiến tới điểm rạn vỡ. Đó là một trong “những thách đố chính mà xã hội và cộng đồng thế giới đang phải đương đầu”, “những người dễ bị tổn thương nhất phải chịu những hậu quả của sự thay đổi khí hậu” (số 3). Hội nghị COP28 đưa tới một sự quyết liệt đẩy mạnh năng lượng chuyển tiếp, với những cam kết thực sự có thể được liên tục theo dõi.

 Vài phản ứng

 Tông huấn mới của Đức Thánh Cha được công bố cùng ngày với lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 16 về hiệp hành, nên dư luận Công Giáo có phần dành ưu tiên cho biến cố quan trọng bậc nhất trong các sinh hoạt Giáo Hội, sau 2 năm chuẩn bị.

 Hội đồng Giám mục Mỹ vốn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, nên cho biết sẽ nghiên cứu sâu rộng về Tông huấn mới của Đức Thánh Cha.

 Tại Đức, Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục giáo phận Munich, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức và cũng là chủ tịch Hội đồng kinh tế của Tòa Thánh, đã kêu gọi các tín hữu và các nhà lãnh đạo chính trị quan tâm hơn tới công bằng xã hội trong cuộc khủng hoảng về khía hậu. Trong một sứ điệp video, Đức Hồng Y Marx nói rằng “Những hậu quả của sự thay đổi khí hậu đặc biệt nảy sinh do những yếu kém về mặt xã hội trên toàn thế giới và cả tại đất nước Đức của chúng ta. Tám năm sau Thông điệp Laudato sì, chúng ta chưa thực sự đạt đến mức mà lẽ ra chúng ta phải đạt tới”.

 “Cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ làm gia tăng hố chia cách giữa giàu và nghèo. Tất cả các nước đều được kêu gọi bảo đảm hòa bình. Điều này có liên hệ tới tương lai của mọi người. Trong một thời điểm phân cực, với những phe khác nhau, Đức Giáo Hoàng kêu gọi sự cộng tác trên hoàn cầu. Đây là một sứ điệp chính trị mạnh mẽ của ngài”.

 Trong sứ điệp, Đức Hồng Y Marx cũng kêu gọi nghĩ xa hơn chế độ tư bản. Mục đích là để đạt được một nền kinh tế thị trường hợp với sinh thái xã hội trên thế giới. Cuộc khủng hoảng khí hậu chỉ có thể được giải quyết qua sự thay đổi mô hình. Quan niệm về sự tăng trưởng có nghĩa là tăng trưởng vật chất, coi tiến bộ có nghĩa là thịnh vượng vật chất, nếu chỉ như vậy mà thôi thì không đủ”.

 Đức Hồng Y nhận xét rằng Đức Giáo Hoàng thúc đẩy hành động thực sự. Và theo Đức Hồng Y, Tổng giáo phận Munich-Freising vốn đã cố gắng nhiều, nay cần phải làm hơn nữa. (KAP 6/10/2023)

 Trung Quốc và Mỹ

 Cũng có những nhà bình luận đặc biệt chú ý đến đoạn số 71 và 72 trong Tông huấn, qua đó Đức Thánh Cha đề cao “Những cố gắng của gia đình để bớt làm ô nhiễm hơn, giảm bớt những phí phạm, tiêu thụ một cách khôn ngoan, tức là họ đang tạo ra một nền văn hóa mới” (số 71). Và ngài kết luận với lời nhắc nhớ rằng “Những khí thải mỗi đầu người tại Mỹ gần gấp đôi so với số khí thải của mỗi người dân ở Trung Quốc, và 7 lần nhiều hơn so với mức trung bình của những nước nghèo nhất, chúng ta có thể khẳng định rằng “một sự thay đổi được phổ biến về lối sống vô trách nhiệm gắn liền với kiểu mẫu Tây phương sẽ có ảnh hưởng về lâu về dài. Như thế, với những quyết định chính trị chúng ta sẽ tiến bước trên con đường săn sóc nhau” (số 72).

 Trang mạng The Pillar ở Mỹ nhận xét rằng Tông huấn mới của Đức Thánh Cha được những người dấn thân bảo vệ khí hậu chào đón, nhưng nhận định trên đây của ngài đã gây tranh cãi ở Mỹ.

 Nhân tiện, báo The Pillar cũng trích thuật nguồn tin từ bộ ngoại giao Vatican, thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết trong việc soạn Tông Huấn Laudate Deum, Đức Thánh Cha đã không theo thói quen tham khảo ý kiến của Bộ này, mặc dù có nhiều đoạn trong văn kiện tập trung vào chính sách quốc tế và hoạch định chính sách. Bộ ngoại giao Vatican chỉ nhận được Văn bản Tông huấn liền trước khi công bố, không tới một ngày, vì thế không thể đưa ra những nhận định hay đề nghị gì về mặt ngoại giao của Tòa Thánh đối với nội dung của Tông Huấn.

 Nguồn tin từ Bộ ngoại giao Tòa Thánh cũng cho biết Bộ này là cơ quan tiếp xúc với phái viên của Tổng thống Mỹ, ông John Kerry. Ông đã tiếp xúc ngay với Bộ ngoại giao Vatican sau khi Đức Thánh Cha tiết lộ với một nhóm luật gia hôm 21/8 năm nay là sẽ công bố một văn kiện về sự thay đổi khí hậu, bổ túc cho Thông điệp Laudato sì. Bộ đã nhận được những đề nghị rất nghiêm túc từ ông Kerry, nhưng không kịp thời giờ để chuyển những đề nghị đó cho ban soạn Tông huấn để chuyển lên Đức Thánh Cha.

 Sau khi Văn kiện mới của Đức Thánh Cha được công bố, Văn phòng của ông Kerry đã từ chối bình luận về vấn đề này với báo The Pillar, và chỉ nhắc đến một Tweeter hôm 5/10/2023 trong số ông Kerry ca ngợi Tông huấn Laudate Deum của Đức Thánh Cha về hiểm họa trái đất đến gần điểm tan vỡ, ngoại giao phải là thành phần của giải pháp, và hy vọng COP28 đánh dấu một sự thay đổi hướng đi…”. (The Pillar 6/10/2023)