Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ủy ban Thánh nhạc
TƯỜNG TRÌNH HỘI THẢO THÁNH NHẠC LẦN THỨ 51
Trung Tâm Mục Vụ, ngày 03/10/2023
– Khai mạc lúc 8g10
– Ns P.Kim: Lời dẫn khai mạc khởi đầu, mời Đức Cha và cha Roco, thư kí Ủy Ban Thánh Nhạc lên bàn chủ toạ.
I. CÁC GIÁO PHẬN TRÌNH BÀY TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VIỆC HÁT CỘNG ĐỒNG
1. Giáo phận Bà Rịa: cha Giuse Vũ Minh Đạo, Phó ban Thánh Nhạc giáo phận Bà Rịa:
– Trao đổi với quý cha trong cuộc tĩnh tâm linh mục giáo phận vào tháng 5 vừa qua,
– Đã thực hiện việc hát cộng đồng, nhưng đa số chỉ ở lễ thiếu nhi. Có trao đổi với các lớp ca trưởng, đệm đàn…để họ ý thức.
– Ngày 21/08: lễ thánh Piô X, bổn mạng ban thánh nhạc giáo phận, Cha Roco trao đổi với các hội thảo viên.
– Cần quý cha xứ phổ biến và áp dụng.
– Ý kiến chung:
Khó khăn:
+ Thiếu nhân sự, một số ca trưởng không muốn giúp, quý thầy quý soeur còn e ngại vì khả năng hạn chế hay do quy định của dòng tu (?)
+ Giáo dân thường đi lễ sát giờ, nên việc tập hát cộng đồng khó.
+ Nhiều giáo xứ ưu tiên việc đọc kinh nên khó tập hát cộng đồng. Riêng giáo phận Bà Rịa, trước thánh lễ còn dạy giáo lý cho giáo dân.
Thực hiện:
+ Gửi đến các giáo xứ các bài hát gợi ý, có các bài soạn hàng tuần của Ủy Ban Thánh Nhạc.
+ Trình chiếu lời các bài hát để cộng đoàn dễ tham dự.
+ Áp dụng theo Tài liệu Huấn luyện Phụng vụ của Ủy Ban Phụng Tự về vấn đề kèn trống: Thổi hay đánh trước hội họp, trước Thánh lễ, sau Thánh lễ, còn khi đoàn rước tiến vào cửa nhà thờ thì ngưng để ca đoàn hát ca nhập lễ.
2. Giáo phận Đà Lạt: cha Đaminh Nguyễn Minh Quý phó ban thánh nhạc trình bày:
– Những điều tương tự với phần thuyết trình của giáo phận Bà Rịa, xin không nói lại.
– Điểm bổ sung: nét riêng của giáo phận Đà Lạt.
+ Sự quan tâm của Đức Cha đối với vấn đề thánh nhạc.
+ Thánh nhạc trước tiên là đúng, sau đó là hay.
+ Ưu tiên: các lời đối đáp, thánh vịnh đáp ca (giáo phận có 2 bộ thánh vịnh đáp ca, của cha Minh Hân và cha Nguyễn Mạnh Tuyên). Gần đây giáo phận đã áp dụng trong toàn giáo phận hai bộ sách này. Nét nhạc bình ca lại gặp phản hồi từ phía giáo dân (cho rằng khó), nên ban thánh nhạc cũng trả lời nếu không hát thì đọc.
3. Giáo phận Hưng Hóa: cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh
– Dễ bị đọc sai là giáo phận Thanh Hóa. Trước khi Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương về cai quản giáo phận (2003), giáo phận đã trải qua thời gian dài trống tòa (12 năm)… Thiệt thòi về nhiều mặt: về việc quản trị giáo phận lẫn những cập nhật về thánh nhạc gần đây.
– Tuy nhiên, việc hát cộng đồng lại được thực hiện từ rất sớm: có các bộ sách thánh ca cộng đồng, sách của ĐCV Thánh Giuse Hà Nội… Việc hát cộng đồng lại được thực hiện rất tốt với những bài hát đơn giản nhưng quen thuộc.
– Tháng 08/2023, giáo phận mới tổ chức Hội Thảo sau 20 năm, khoảng 200 người, với sự hiện diện của cha Roco để hướng dẫn. Có sự hiện diện và quan tâm của Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến và quý cha, để nền thánh nhạc của giáo phận tiếp tục được phát triển.
4. Giáo phận Thanh Hóa: cha Giuse Vũ Tấn Chí
– Ban Thánh Nhạc giáo phận mời cha Roco gặp gỡ và giúp giáo phận về thánh nhạc trong kỳ Hội Thảo Thánh Nhạc hè 2023.
– Việc hát Cộng đồng đã có từ Đức Cha cố Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Ban Thánh nhạc của GP Thanh Hoá cũng gặp khó khăn như GP Bà Rịa.
– Những hướng dẫn cụ thể về thánh nhạc đang được hình thành, tuy nhiên, gặp khó khăn khi đọc Tài liệu đào tạo về phụng vụ của Ủy Ban Phụng Tự về vấn đề kèn trống…
– Đang chuẩn bị làm một tập thánh ca cộng đồng.
– Cha Roco mời cha đại diện giáo phận Bà Rịa nói lại hướng dẫn về kèn trống của Ủy Ban Phụng Tự.
5. Giáo phận Qui Nhơn: cha Võ Tá Hoàng trưởng ban thánh nhạc
– Mời gọi quý ca trưởng đọc các hướng dẫn về thánh nhạc trên website về vấn đề thánh nhạc.
– Trong tuần thường huấn của các linh mục, có trao đổi về vấn đề hát cộng đồng, tuy nhiên các cha đều nhận định rằng nơi các giáo xứ của giáo phận, vẫn thực hiện việc hát cộng đồng từ lâu. Tình hình các giáo xứ của giáo phận với số giáo dân rất ít nên vẫn thường hát cộng đồng, thường hát bộ sách của giáo phận Nha Trang, trừ một số giáo xứ và ca trưởng có thể tập hát thêm những bài mới.
– Tuy nhiên, làm sao có những bài thánh vịnh đáp ca hay và sát với bản văn phụng vụ vẫn là vấn đề cần bàn.
– Cha Roco nhắc nhở: hát thánh vịnh đáp ca cần phải chính xác như thư trả lời của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí Tích, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn đang chờ bản dịch mới của Sách Lễ Roma và Sách các Bài Đọc. Trong khi chờ đợi, các cộng đoàn cứ vẫn dùng tạm các bản đáp ca được dệt nhạc bởi các tác giả (đã Imprimatur) tới khi có bản dịch mới.
6. Giáo phận Phan Thiết: Nhạc sĩ Cao Huy Hoàng phó ban thánh nhạc
Cám ơn những bài hát gợi ý của Ủy Ban Thánh Nhạc, giáo phận đã đăng trên trang web giáo phận. Tuy nhiên:
– Có giáo xứ giáo dân lại đi trễ.
– Có những bài hát chưa thật sự quen thuộc (bài cũ nơi này có thể là bài mới ở nơi khác)
– Những bài gợi ý giúp các ca trưởng hiểu biết hơn để biết cách soạn những bài hát tương tự.
– Bài nào chưa quen thì hát cho quen, bài nào chưa thành cộng đồng thì hát nhiều thành cộng đồng. Qúy cha cho phép hát luôn các thánh lễ trong tuần.
– Có thêm nguồn bài mới để vốn bài thêm phong phú.
– Trách nhiệm chính vẫn là cha chánh xứ. Nhiều người vẫn có những ganh tị nào đó với ca đoàn chăng, hay một tình trạng khác là không thực hiện việc hát chung các bài hát với các ca đoàn khác, nên vai trò của cha chánh xứ thật quan trọng trong việc khích lệ và thúc đẩy việc hát cộng đồng. Các Linh mục, ca trưởng, các tu sĩ cần hiệp nhất trong thánh ca phụng vụ.
– Có trường hợp các cha không đồng ý với bài hát của các ca đoàn nhưng chỉ vì theo cảm nhận cảm tính và chủ quan của mình (không chịu bài “Tựa làn trầm hương”, lý do vì “hôm nay chẳng có dâng hương!”), vậy ra chữ ký Imprimatur của các ban thánh nhạc là vô ích sao? Cho nên, bài nào đã Imprimatur thì được hát, không nên phán đoán theo cảm tính và chủ quan.
7. Giáo phận Mỹ Tho: Cha Antôn Phạm Trần Huy Hoàng trưởng ban thánh nhạc
– Đặc thù giáo phận: giáo dân lưa thưa, địa hình nhiều sông nước…
– Cũng có những khóa huấn luyện tại Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận, tổ chức trong kỳ hè. Đức Cha Phêrô ưu tư nhiều về việc cải tổ và canh tân thánh nhạc. Trình độ ca trưởng: đa số là người có thể “cảm” nhạc, hát lại và tập lại. Các ca trưởng có thể tập hát được chỉ khoảng 1/3, phần còn lại là nhờ sự trợ giúp của quý soeur, quý thầy.
– Chính vì vậy, ban thánh nhạc ưu tiên đào tạo nhân sự về thánh nhạc. Không chỉ tổ chức các khóa học hè, nhưng đến các giáo hạt để huấn luyện thánh nhạc, 2 tháng 1 lần. Những buổi huấn luyện thánh nhạc ấy là dịp để cập nhật những thông tin về thánh nhạc cho các ca trưởng và giáo xứ,
– Soạn các bài hát hàng tuần để gửi cho các ca trưởng và giáo xứ. Mở các văn phòng của giáo phận, trong đó có văn phòng của ban thánh nhạc, cũng như đầu tư phòng thu để hát mẫu những bài hát gợi ý kèm theo để các ca trưởng có thể dễ dàng nghe và tập theo.
8. Giáo phận Xuân Lộc: Cha Đaminh Trần Công Hiển trưởng ban thánh nhạc
– Các vị chủ chăn đã khuyến khích việc hát cộng đồng từ rất lâu. Ban thánh nhạc tổ chức các cuộc gặp gỡ vào ngày quan thầy ban thánh nhạc giáo phận cũng như ngày quan thầy của ban thánh nhạc của các giáo hạt.
– Tuy nhiên các giáo xứ cũng áp dụng việc hát cộng đồng một thời gian rồi lại bỏ vì có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong cuộc Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 50 diễn ra với chủ đề hát cộng đồng, việc hát cộng đồng được tái khởi động, nhất là khi cha Roco hiện diện và giúp cho quý tham dự hiểu thấu đáo hơn.
– Ngày hội thảo thánh nhạc của giáo phận với sự tham gia của 1500 người với đề tài: Hiệp hành trong phụng ca theo hướng dẫn của Giáo Hội trong việc thi hành việc hát cộng đồng. Qúy cha ban thánh nhạc cũng đến các giáo hạt để quy tụ những người tham dự để phổ biến việc hát cộng đồng, lắng nghe những khó khăn và góp ý, cũng như giải đáp cho họ những thắc mắc. Cũng phổ biến những bài hát gợi ý của UBTN.
– Một số giáo xứ ý thức để tái khởi động việc hát cộng đồng, một số giáo xứ chưa hát cộng đồng thì bắt đầu thực hiện.
II. GIẢI THÍCH VIỆC SỬA LỜI MỘT SỐ BÀI THÁNH CA (LM. ROCO NGUYỄN DUY)
– Các lớp mở tại Trung Tâm Mục Vụ: Ca trưởng, người đệm đàn, sáng tác… giúp đào tạo nhân sự cho thánh nhạc.
– Việc chọn các bài hát cho lễ hôn phối và an táng là một chủ đề quan trọng, sẽ có một buổi thuyết trình riêng.
– Quan trọng nhất là quý cha của từng ban thánh nhạc nên mở các khóa đào tạo, chứ riêng bản thân cha Roco cũng có nhiều giới hạn về sức khỏe vì tuổi tác… Những bài soạn các bài hát hàng tuần chỉ mang tính gợi ý chứ không áp đặt, mà tìm cách thích nghi với tình hình địa phương.
– Vai trò lớn nhất trong việc đẩy mạnh và canh tân tinh thần thánh nhạc là quý Đức Cha, vì giám mục là nguyên lý hữu hình của sự hiệp nhất trong giáo phận và là người chính yếu phân phát các mầu nhiệm cho giáo phận thuộc quyền của các ngài. Quý cha xứ cũng nên khuyến khích việc hát các câu đối đáp giữa chủ tế và ca đoàn.
– Bài nói chuyện: giải thích việc sửa lời một số bài thánh ca trong Tuyển Tập Thánh Ca Việt Nam 1.
– Nhiều người tự hỏi sao đã làm tuyển tập Thánh Ca Việt Nam 1 (thực hiện cũng trong 6, 7 năm) mà còn chỉnh sửa hoài. Thực ra sau nhiều năm sử dụng, thấy nhiều bài thánh ca có vấn đề về tư tưởng và thần học (ví dụ như bài viết của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin của Hội Đồng Giám Mục Mỹ) nên cần phải sửa lời các bài thánh ca cho phù hợp thời đại, cho sát hơn với những diễn tả mới của thần học. Tuy nhiên vẫn có những bài không sửa vì nguồn gốc của chính bản văn (ví dụ như Lời cầu cho Đức Giáo Hoàng có kèm theo giải thích của Ủy Ban Thánh Nhạc, với việc trích dẫn bản văn nguồn latin có gốc từ Kinh Thánh).
– Tài liệu của Ủy Ban Giáo lý Đức tin của Hội Đồng Giám Mục Mỹ: lưu ý những sai phạm thường thấy cụ thể trong lời ca các bài thánh ca nhất là viết về Chúa Ba Ngôi, Thánh Thể…
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC
– Ns Cao Huy Hoàng: Bài hát “trên viên đá này” có vẻ không hợp, viên đá nhỏ quá…
– Ns Nguyễn Duy: Các bài hát đã được sửa lời lại vẫn cần phải được Imprimatur, các sách do Ủy Ban Thánh Nhạc xuất hành đều đã được Imprimatur.
– Soeur dòng Đaminh Rosa Lima: Các câu đối đáp giữa chủ tế và cộng đoàn có buộc phải hát không?
– Ns Nguyễn Duy: Theo hướng dẫn mục vụ thánh nhạc có hướng dẫn các bậc lễ: lễ đọc, lễ hát… Chủ tế nên hát khi có thể, nếu chủ tế đọc thì đọc.
– Đức Cha Aloysius: Câu dẫn vào kinh Lạy Cha chủ tế có thể xướng, không hát, nhưng sau đó cộng đoàn vẫn có thể hát.
– Ns Xuân Thảo: Tiếng Việt khi xướng lên đã là một loại hát (ngâm tụng) rồi. Giáo Hội trù liệu thứ tự ưu tiên việc hát cộng đồng, cần tham khảo. Hát cộng đồng không phải lúc nào cũng phải hát lên, có lúc hiệp ý thinh lặng cầu nguyện cũng được.
– Ns Khắc Dũng: Ngôn ngữ âm nhạc mang tính ước lệ và văn chương (“viên đá này” chẳng hạn)
– Ns Nguyễn Duy: Đồng ý, “viên đá” chỉ là hình ảnh ước lệ. Nhiều bài hát bây giờ không có vẻ đẹp của thi ca và văn chương… Ngoài ra, thánh ca cần phải được viết ra hay lấy cảm hứng hay bàng bạc hương vị Thánh Kinh. Bài “Này Chính Chúa” theo ý kiến của vài Đức Cha trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì hát lời cũ hay lời mới cũng được (?!)
– Ns Quang Huy: Hát cộng đồng cần có người đánh nhịp. Cần đầu tư cho các chủng viện và dòng tu để quý thầy quý soeur đều biết cách đánh nhịp và điều khiển cho các ca đoàn.
– Ns Nguyễn Duy: Cộng đoàn phụng vụ thể hiện tinh thần hiệp thông trong Hội Thánh, nhất là khi thi hành phụng vụ. Tu sĩ không nhất thiết vị nào cũng phải biết điều khiển, cần nhờ sự cộng tác của anh chị em giáo dân trong xứ, chứ các thầy các soeur giúp một vài năm thì lại chuyển đi…
– Ns Nguyễn Duy: Nên lạc quan và cầu nguyện cho vị linh mục đó.
– Ns Trần Mừng: 1. Thánh nhạc cần phải đúng trước rồi hay sau, nhưng thực ra, cần phải hay thì mới đi vào lòng người (như những khúc ca thường được cộng đoàn yêu mến). 2. Thánh vịnh đáp ca theo ý kiến của giáo phận Đà Lạt là được viết theo dạng bình ca (nên làm cho người thời nay khó cảm), tuy nhiên, Giáo Hội vẫn đón nhận mọi thể loại âm nhạc…
– Ns Nguyễn Duy: Nghệ thuật cần phải bao hàm cái đúng. Không thể nào nghệ thuật mà lại sai. Đúng là Giáo Hội trân trọng mọi thể loại âm nhạc, nhưng bình ca vẫn là loại hình âm nhạc ưu tiên bậc nhất trong kho tàng thánh nhạc của mình.
– Cha phó ban thánh nhạc giáo phận Đà Lạt: Thánh vịnh cần đề cao cái đúng, nhưng không chỉ về lời. Cha căn dặn các ca đoàn đừng tự tiện sửa note nhạc của nhạc sĩ. Hai bộ thánh vịnh đáp ca được giáo phận Đà Lạt sử dụng đã được Imprimatur nên được giới thiệu, chứ không bắt buộc. Gợi ý: Nên du di việc bắt ca đoàn phải ngưng ngay khi tác động phụng vụ vừa dứt, chứ đừng bắt họ quá máy móc. Ví dụ: các cha canh thời gian sao cho ca đoàn hát cho trọn vẹn bài hát.
– Ns Nguyễn Duy: Trong phụng vụ có 3 loại bản văn: Bản văn độc lập, bản văn đi kèm nghi thức và bản văn được phép thay thế. Cần lưu ý: Bài ca kèm theo nghi thức cần phải thích hợp.
– Đức Cha Aloisiô đúc kết buổi Hội Thảo:
+ Vấn đề thiếu nhân sự và thời gian để tập hát cộng đồng. Giáo dân đi sát giờ hay đi trễ về sớm là chuyện muôn thuở thôi. Thật ra vẫn do cha chính xứ quyết định và sắp xếp thời gian để tập hát cộng đồng. Cần làm sao để giáo dân cần đổi não trạng “xem lễ”, “nghe lễ” để trở thành “tham dự lễ”. Không nên vì những người đi trễ mà không tập hát cộng đồng.
+ Bản dịch Sách Lễ Roma và Sách Các Bài Đọc của Ủy Ban Phụng Tự vẫn đang còn chờ, nhất là bản dịch Kinh Thánh của Ủy Ban Kinh Thánh.
+ Các cha ban thánh nhạc cần nhắc nhở, cập nhật kiến thức cho quý cha để hiểu chính xác. Việc đào tạo về thánh nhạc trong các đại chủng viện cũng cần phải được chú trọng.
+ Cần đào tạo người giáo dân trong xứ để họ phục vụ. Quý tu sĩ đến giúp vài năm rồi cũng chuyển cộng đoàn thôi.
+ Lý tưởng thánh nhạc thì phải hát đúng và hát hay. Đúng: Những bản thánh vịnh đáp ca nào dựa theo bản dịch Sách Bài Đọc năm 1973 thì ưu tiên hơn. Đó là lý do cha Minh Hân dựa theo âm hưởng bình ca để dễ dàng thích nghi với dấu giọng tiếng Việt và chính xác văn bản. Bình ca vẫn được nhiều người ưa chuộng vì nhận ra giá trị của nó.
– Ns Nguyễn Duy: Xin quý cha trưởng ban thánh nhạc gửi cho những bài hát thánh ca cộng đồng của quý giáo phận. Tuy nhiên, vẫn chưa nhận được nhiều.
– Hội Thảo lần tới: 15 và 16/04/2024. Chủ đề của kỳ Hội Thảo Thánh Nhạc lần tới xin quý cha, quý hội thảo viên suy nghĩ và gửi về Ủy Ban Thánh Nhạc trong vòng 01 tháng.
Buổi hội thảo kết thúc lúc 11g30 cùng ngày (gần 200 hội thảo viên tham dự)