Vatican News
Theo Cha Vitali, “Giáo hội là một bí tích trong Chúa Kitô, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất giữa loài người” (LG 1). Sự tham gia đầu tiên được Công đồng Vatican II nhấn mạnh thực ra không phải là sự tham gia của các cá nhân, mà là của toàn thể Giáo hội, Dân Chúa trên hành trình hướng tới việc hiện thực hóa Nước Chúa. Chưa bao giờ như ngày hôm nay, nhân loại lại cần đến chứng từ mạnh mẽ và thuyết phục của một Giáo hội vốn là dấu chỉ và khí cụ hòa bình giữa các quốc gia. “Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội ‘sánh bước’ cùng con người, tham gia vào những khó khăn của lịch sử, nuôi dưỡng giấc mơ rằng việc tái khám phá phẩm giá bất khả xâm phạm của các dân tộc và chức năng phục vụ của chính quyền cũng có thể giúp xã hội dân sự xây dựng chính mình trong công lý và tình huynh đệ, tạo ra một thế giới tươi đẹp hơn và xứng đáng hơn cho các thế hệ mai sau.
Một Giáo hội hướng ra bên ngoài, một “bí tích cứu độ phổ quát” cho thế giới (LG 48), luôn được kêu gọi trở thành và nghĩ về chính mình trong nội tâm như “bí tích của sự hiệp nhất cứu độ” (LG 9). Lumen Gentium số 7 có nói rằng “trong việc xây dựng thân thể của Chúa Kitô có sự đa dạng về các thành viên và chức năng”.
Chương II của Lumen Gentium mô tả Giáo hội là Dân Thiên Chúa, “dòng dõi được tuyển chọn, chức tư tế vương giả, dân thánh, dân được Thiên Chúa thu nhận” (LG 9), điều này tiêu biểu cho “cuộc cách mạng Copernic” về giáo hội học mang tính cộng đồng, phá vỡ kim tự tháp giáo hội được xây dựng qua nhiều thế kỷ: đi trước cả các chức năng là phẩm giá của người đã được rửa tội; đi trước cả những khác biệt vốn thiết lập các thứ bậc là sự bình đẳng của con cái Thiên Chúa. Danh hiệu lớn nhất của Giáo hội không phải là giáo hoàng, giám mục, linh mục, hay tu sĩ, mà là con cái Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều là những người con trong Chúa Con, được hiệp nhất bởi Chúa Thánh Thần. Khẳng định phẩm giá bình đẳng của mọi người không có nghĩa là phủ nhận những khác biệt: Giáo hội là thân thể của Chúa Kitô, sống động và xinh đẹp vì có nhiều hồng ân, đặc sủng, thừa tác vụ và ơn gọi khác nhau.
Chức linh mục cộng đồng và chức linh mục thừa tác hoặc phẩm trật là những hình thức tham gia riêng biệt vào chức tư tế của Chúa Kitô (x. LG 10 ). Đặt chức linh mục chung trước chức linh mục thừa tác có nghĩa là phá vỡ mối quan hệ bất đối xứng về quyền bính-vâng phục đã cấu trúc nên Giáo hội kim tự tháp. Sau đó, việc khẳng định hai hình thức tham gia vào chức tư tế của Chúa Kitô được quy định cho nhau có nghĩa là nhìn nhận sự đa dạng bổ sung cho nhau chứ không hề thu gọn lẫn nhau. Các thừa tác viên thụ phong nên phục vụ dân thánh của Thiên Chúa, dân thánh cuối cùng trở thành chủ thể tích cực của đời sống giáo hội.
Nhưng nói Giáo hội là Dân Chúa không giải quyết được toàn bộ vấn đề, cũng không đảm bảo một cuộc cải cách Giáo hội mà không hề đau đớn. Giáo Hội xét như Dân Chúa một mặt giải thích sự nhấn mạnh vào nền giáo hội học hiệp thông, chủ yếu tập trung vào khía cạnh hiệp thông phẩm trật, điều mà theo thời gian đã tạo ra một “sự tập quyền” thực sự của Giáo hội. Giáo Hội xét như Dân Chúa làm dấy lên nỗi lo sợ rằng tính hiệp hành, được hiểu là “cuộc hành trình cùng nhau” của Dân Chúa, sẽ tạo thành một sự thay thế cho nguyên tắc hiệp thông. Trên thực tế, tính hiệp hành không gì khác hơn là sự hiệp thông của Giáo hội với tư cách là Dân Thánh của Thiên Chúa trên hành trình của họ.
Giáo hội hiệp hành bao gồm mọi chiều kích hiệp thông: hiệp thông Ba Ngôi, hiệp thông các tín hữu, hiệp thông giữa các giáo hội, hiệp thông các thánh. Phục vụ Giáo hội này là các Mục tử, trong một sự hiệp thông có tính phẩm trật được quy định bởi nguyên lý hiệp nhất là Giám mục Rôma. Các giám mục “không đơn độc, không ở trên Giáo hội; nhưng ở bên trong Giáo hội với tư cách là những người đã được rửa tội giữa những người đã được rửa tội và thuộc về Giám mục đoàn với tư cách là Giám mục giữa các Giám mục, đồng thời được kêu gọi – với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô Tông đồ – lãnh đạo Giáo hội Roma – Giáo hội chủ trì trong tình yêu mến tất cả các Giáo hội”.
Mối quan hệ chặt chẽ tồn tại giữa Dân Chúa, Giám mục đoàn và Giám mục Rôma, mỗi người với chức năng của mình, thiết lập Giáo hội hiệp hành là “Giáo hội lắng nghe”. Các tín hữu, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma: người này lắng nghe người kia; và tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần, “Thần Khí sự thật” (Ga 14:17), để biết Ngài “nói gì với các Giáo Hội” (Kh 2:7)”.
Mong muốn bảo đảm các chức năng tương ứng của các chủ thể này đã dẫn tới việc biến Thượng Hội đồng từ một sự kiện thành một tiến trình. Sự lựa chọn này không phủ quyết nhưng hội nhập: Đức Thánh Cha có ý trao cho các giám mục khả năng tham gia một cách rõ ràng hơn và hiệu quả hơn vào mối quan tâm đối với Giáo hội hoàn vũ. Làm thế nào “Thượng hội đồng Giám mục, đại diện của hàng giám mục Công giáo, trở thành một biểu hiện của tính hợp đoàn giám mục trong một Giáo hội hoàn toàn có tính hiệp hành?” (Đức Phanxicô, Bài phát biểu tại Thượng hội đồng lần thứ 50). Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách nhìn nhận tất cả các chủ thể trong đó thân thể Giáo hội được thể hiện rõ ràng. Trong diễn ngôn hiệp hành, Dân Chúa, Giám mục đoàn và Giám mục Rôma thực thi các chức năng Giáo hội cụ thể của họ, tạo nên tính hiệp hành, tính hợp đoàn và tính ưu việt trong sự hiệp nhất năng động.
Mỗi Giám mục, với tư cách là nguyên lý hữu hình và nền tảng của sự hiệp nhất cho thành phần Dân Chúa được ủy thác cho mình (x. LG 23), chịu trách nhiệm khởi xướng tiến trình hiệp hành trong Giáo hội của mình. Chính vì được Đức Giám mục triệu tập, nên việc tham khảo ý kiến trong các giáo hội cụ thể là một cuộc tham vấn thực sự đối với Dân Chúa, chủ thể của cảm thức đức tin. Vì không thể có sự tham khảo ý kiến của Dân Chúa trong các Giáo hội cụ thể nếu Mục tử của họ không khởi xướng. Ngay từ đầu, các giám mục đã thực sự tham gia vào tiến trình thượng hội đồng, đóng một vai trò không thể thiếu. Do đó, rõ ràng là không có mâu thuẫn giữa các chiều kích hiệp hành và phẩm trật của Giáo hội: cái này bảo đảm cho cái kia và ngược lại, với Giáo hội là một “bí tích hiệp nhất”, một dân tộc được tập hợp và có trật tự dưới sự hướng dẫn của các giám mục” (SC 26).
Tiến trình Thượng Hội đồng này là một dịp đặc biệt để thực hành cả tính hiệp hành và tính hợp đoàn, vì nó đảm bảo việc thực hành hiệu quả cảm thức đức tin của Dân Chúa cũng như khả năng phân định của các Mục tử. Như vậy, chúng ta có thể kết luận bằng cách tái khẳng định rằng Thượng Hội đồng là “nơi” và “không gian” đặc quyền để thực hành tính hiệp hành, vốn không nhấn mạnh vai trò đơn phương của Dân Chúa hay các Mục tử, mà là vai trò của mọi chủ thể – Dân của Thiên Chúa, Giám mục đoàn, Giám mục Roma – thể hiện tính hiệp hành, tính hợp đoàn và tính ưu việt trong sự hiệp nhất năng động. Với những đặc điểm độc đáo này, tiến trình Thượng Hội đồng có thể được hiểu là cách thực thi tinh tế nhất về tính hiệp hành trong Giáo hội Công giáo.
Như vậy, trên phương diện thần học, cần suy nghĩ lại về Giáo hội theo chìa khóa hiệp hành, để toàn bộ Giáo hội và mọi thứ trong Giáo hội – cuộc sống, các tiến trình, các tổ chức – được suy tư lại theo chiều kích hiệp hành. Trên phương diện thể chế, cần bảo đảm cho Giáo hội “không gian” để thực hành tính hiệp hành. Cha Vitali cho rằng cần bảo vệ Thượng hội đồng như một cơ quan phục vụ một Giáo hội hiệp hành theo thể chế. Nếu không có Thượng Hội đồng, việc thực hành tính hiệp hành cuối cùng sẽ tan chảy thành hàng ngàn dòng suối, tạo ra một vũng lầy thực sự, làm chậm lại, nếu không muốn nói là ngăn cản, việc “cùng bước” của Dân Chúa. Người ta có thể suy ngẫm về hình thức thể chế của Thượng Hội đồng, nhưng không nên nghi ngờ gì rằng thể chế này đảm bảo cho Giáo hội thực thi tính hiệp hành một cách thực sự, như tiến trình thượng hội đồng hiện tại đã chứng minh rõ ràng.
Cuối cùng, cha Vitali cho rằng: Việc thực thi tính hiệp hành một cách chân chính sẽ cho phép có những cân nhắc chu đáo – với sự kiên nhẫn và thận trọng – về các cải cách thể chế cần thiết, các tiến trình đưa ra quyết định có sự tham gia của mọi người, và việc thực thi quyền bính thực sự phù hợp để “làm phát triển” một Dân Chúa trưởng thành và có sự tham gia.