Thiên Chúa không bao giờ muốn ai đó sống trong tội lỗi, hoặc muốn thấy con cái Ngài đau khổ, Ngài sẽ cho phép mọi việc xảy ra vì một mục đích cao cả hơn (Thánh Anphongsô Liguori).
Cách đây gần 300 năm, một vị thánh Tiến sĩ Giáo hội đã ngồi xuống và viết ra tập sách nhỏ dài 32 trang, hứa hẹn sẽ biến đổi cuộc sống căn bản của những người đọc nó, dù vị ấy có biết hay không.
Tập sách ngắn này có tựa đề “Hợp nhất với ý muốn của Thiên Chúa”. Trong đó, thánh Anphongsô Liguori giải thích một cách ngắn gọn và dễ hiểu về sự phức tạp của chân lý thần học liên quan đến ý muốn của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, biểu lộ của nó trong cuộc sống, sự cần thiết đáp trả của chúng ta và cuối cùng là mong muốn hợp nhất ý muốn của chúng ta với ý muốn của Thiên Chúa.
Quan trọng hơn, ngài cho chúng ta thấy một thực tế là những gì xảy ra với chúng ta đều do ý muốn hoặc sự cho phép của Chúa. Nhận thức được điều này sẽ thúc đẩy một sự thay đổi căn bản và bắt đầu định hướng cuộc sống của chúng ta theo hướng đón nhận những thập giá có thể xảy đến với ta. Trong hoạt động nhận thức và đón nhận này, ý muốn của chúng ta được thay đổi để hoà hợp với ý muốn của Chúa, và do đó, chúng ta tìm được sự bình an trổi vượt, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Tuy nhiên, sự thật này không phải là một điều dễ chấp nhận. Nhiều người nghe và trực tiếp bác bỏ sự thật này, từ chối suy ngẫm những điều mà chúng ta cho là khủng khiếp, hoặc thậm chí là những trường hợp và sự việc xấu về mặt khách quan, lại được Chúa cho phép xảy ra. Mặc dù sự chối từ này là điều dễ hiểu, nhưng nó cho thấy một cái nhìn nghèo nàn về tình yêu của Thiên Chúa và những mong muốn của Ngài dành cho chúng ta, ngay cả giữa những thử thách, tình yêu của Ngài vẫn tràn đầy.
Vấn đề tránh né ý muốn của Thiên Chúa
Thay vì cố gắng giải thích lợi ích của việc kết hợp ý muốn của chúng ta với ý muốn của Thiên Chúa, thánh Anphongsô đã xem xét vấn đề này từ một góc độ khác. Điều gì xảy ra khi chúng ta tránh né ý muốn của Thiên Chúa?
Một sự thật không thể phủ nhận là chúng ta được dựng nên có chủ đích. Thiên Chúa có một kế hoạch dành cho mỗi người chúng ta trước cả khi chúng ta được thành hình trong lòng mẹ. Mỗi người có một lời kêu gọi riêng và duy nhất được khắc sâu vào trái tim kể từ giây phút chúng ta được tạo thành. Thư Êphêsô 2:10 nói rằng: “Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta”.
Giáo Hội sơ khai biết rõ điều này, như chúng ta có thể thấy trong thư Rôma 12:4-8 “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ tọa, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.”
Những câu trong Kinh Thánh này dẫn chúng ta đến vấn đề đầu tiên của né tránh ý muốn của Thiên Chúa. Mỗi một ân sủng được liệt kê ở đây đều có hai mục đích rõ ràng – phục vụ Chúa và tha nhân. Cơ thể không hoàn thiện nếu thiếu tất cả các chi thể. Nó có thể hoạt động được mà không cần ngón tay, bàn tay, bàn chân hay cánh tay không? Chắc chắn là có rồi. Với lòng khiêm tốn, chúng ta nhận thấy rằng Chúa không cần đến chúng ta – nhưng chúng ta cũng nhận ra rằng Ngài mong muốn chúng ta cộng tác và tham gia vào kế hoạch thần thiêng của Ngài. Thân thể Đức Kitô có thể trổ sinh hoa trái và mưu ích hơn biết bao nếu tất cả các thành viên sống trọn vẹn với con người mà họ được mời gọi trở thành? Trong trường hợp này, theo nghĩa rộng, việc tránh né ý muốn của Thiên Chúa sẽ đặt gánh nặng lên vai anh chị em chúng ta trong việc “gánh vác” để mở mang Nước Chúa. Chúng ta gây bất lợi cho tất cả mọi người khi chỉ chăm chăm thực hiện ý muốn của riêng mình. Chúng ta sẽ có thêm bao nhiêu vị thánh nữa? Chúng ta sẽ thấy thêm bao nhiêu phép lạ nữa? Thêm bao nhiêu người nữa sẽ được cứu rỗi, và thêm bao nhiêu người nữa cần được giúp đỡ?
Bỏ qua các nguyên tắc bao quát, bây giờ hãy nhìn nó ở khía cạnh cá nhân. Trừ khi bạn được ban cho một số đặc ân thiêng liêng nào đó, còn lại trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều phải đương đầu với một số hoàn cảnh hoặc trường hợp khiến ta đau đớn hoặc đau khổ vô cùng. Ví dụ như mất người thân, mâu thuẫn trong gia đình, khó khăn về tài chính, thách đố về đức tin, bị bách hại… Danh sách này có thể dài vô tận. Trong khi thánh Anphongsô nói rõ rằng Thiên Chúa không bao giờ muốn ai đó sống trong tội lỗi hoặc muốn thấy con cái Ngài đau khổ, Ngài sẽ cho phép mọi việc xảy ra vì một mục đích cao cả hơn. Trong thời điểm khó khăn này, những người tập trung vào tác hại hoặc vào ý riêng mình sẽ trở nên mù quáng trước những biến chuyển của thực tại và thường bỏ lỡ những cơ hội mà Chúa đang ban tặng. Vì vậy, thay vì nhìn thấy quà tặng và ánh sáng cuối đường hầm, họ lại đắm chìm sâu hơn vào nỗi buồn, từ chối món quà mà Chúa tìm cách ban tặng cho họ, nhưng lại mở cửa cho kẻ thù tấn công vào những vết thương mà Chúa muốn chữa lành.
Cuối cùng, hãy nhớ lại lời hứa này trong thư Rôma 8:28. “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định”. Sự lựa chọn này rất đơn giản: đón nhận thập giá hoặc bị chúng đè bẹp. Bằng cách đón nhận thập giá, chúng ta noi gương Chúa Kitô và có thể tìm thấy sự bình an lớn lao trong bất kỳ cơn bão nào.
Chuyển ngữ: Kim Linh
Chuyển ngữ từ: Catholic Exchange
Nguồn: dongten.net