THỰC HÀNH MÙA VỌNG


Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD
Phần này được Linh mục Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch sang Việt ngữ từ tác phẩm: Abbot Guéranger, O.S.B., “The Liturgical Year: Advent”, Volume 1, (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications 2000, tr. 35-41.

Trong suốt Mùa Vọng, Mẹ Giáo Hội chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm ba lần đến của Chúa Giêsu Kitô một cách rất long trọng; giống như trong dụ ngôn các “trinh nữ khôn Ngoan”, Giáo Hội cũng luôn giữ cho chiếc đèn của mình cháy sáng để đón mừng Chàng Rể đến; thì chúng ta, vừa là chi thể và là con cái của Giáo Hội, phải mặc lấy tinh thần của Mẹ Giáo Hội và sống lời mời gọi của Đấng Cứu Thế: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.”[1] Trong thực tế, Mẹ Giáo Hội và cả chúng ta nữa đều có chung một niềm hy vọng. Mỗi người chúng ta là đối tượng của lòng thương xót và sự quan phòng của Thiên Chúa trong tương quan với Người. Nếu như Giáo Hội là đền thờ của Thiên Chúa, là bởi Giáo Hội được xây dựng trên những viên đá sống động; nếu như Giáo Hội là hiền thê, là bởi Giáo Hội mang trong mình tất cả những tâm hồn được mời gọi bước vào trong sự hiệp thông vĩnh cửu với Thiên Chúa. Đã có lời chép rằng, Đấng Cứu Thế đã chuộc Giáo Hội bằng chính giá máu của mình[2]; mỗi người chúng ta cũng có thể thốt lên như lời của thánh Phaolô Tông Đồ: “Chúa Kitô đã yêu thương tôi và Người đã hiến mạng sống mình vì tôi”[3]. Vận mệnh của chúng ta và Giáo Hội là một, vì thế, chúng ta cần phải nỗ lực trong suốt Mùa Vọng để chuẩn bị tâm hồn thật xứng đang đón Chúa ngự đến như chính Giáo Hội đã sống và mời gọi.

Trước hết, bổn phận của chúng ta là hợp với các thánh cầu xin Đấng Mêsia đến, và đồng thời là để trả món nợ mà toàn thể nhân loại đã mắc phải nhờ lòng thương xót của Chúa. Để chu toàn bổn phận này với lòng sốt sắng, chúng ta hãy hướng tâm trí mình về thời gian bốn ngàn năm trước, được hiện thực hoá bởi bốn tuần của Mùa Vọng, và suy ngẫm về bóng tối cũng như tội lỗi bao trùm thế gian trước khi Đấng Cứu Thế đến. Hãy để tâm hồn chúng ta ngập tràn lòng biết ơn với Đấng đã giải thoát nhân loại khỏi sự chết, và cũng chính Đấng ngự đến từ trời cao mới có thể cảm thấu những nỗi thống khổ của chúng ta vì chính Ngài đã trải qua tất cả những nỗi thống khổ ấy, ngoại trừ tội lỗi. Chúng ta hãy kêu cầu Thiên Chúa với lòng tín thác trong thẳm sâu nỗi khốn cùng của chúng ta; bởi vì, mặc dầu Ngài đã cứu lấy công trình do tay Ngài tạo dựng, nhưng Ngài vẫn muốn chúng ta cầu xin Ngài cứu chuộc chúng ta. Do đó, hãy để cho những khát vọng và niềm tín thác của chúng ta được tự do bày tỏ qua lời khẩn cầu tha thiết của các ngôn sứ thời xưa, mà Giáo Hội đặt trên môi miệng chúng ta trong những ngày trông đợi này; chúng ta hãy hết sức chú tâm đến những tâm tình mà các ngôn sứ xưa đã bày tỏ.

Khi đã hoàn thành bổn phận đầu tiên này, chúng ta cần hướng tấm trí đến với cuộc thăm viếng mà Đấng Cứu Thế muốn thực hiện trong chính tâm hồn mỗi người chúng ta. Đây là một cuộc ngự đến đầy ngọt ngào và huyền nhiệm như chúng ta đã thấy, và là hệ quả của cuộc ngự đến lần thứ nhất; vì vị Mục Tử nhân lành không chỉ đến để viếng thăm đoàn chiên nói chung, mà còn dành sự quan tâm của Ngài cho từng con chiên một, thậm chí cả con chiên thứ một trăm đã bị lạc mất. Giờ đây, để có thể hiểu trọn vẹn mầu nhiệm khôn tả này, chúng ta phải nhớ rằng, chúng ta chỉ có thể sống đẹp lòng Cha trên trời khi Ngài nhìn thấy Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô hiện diện trong chúng ta. Đấng Cứu Độ nhân lành đã đoái thương ngự đến trong mỗi người chúng ta và biến đổi chúng ta, để chúng ta trở nên giống Ngài, để từ nay chúng ta sống nhưng không còn phải là chúng ta sống mà là chính Đức Kitô sống trong chúng ta. Đây quả thật là mục đích cao cả của Kitô Giáo, làm cho con người trở nên thánh thiện nhờ Chúa Giêsu Kitô. Đó là nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo Hội phải thực hiện và Giáo Hội nói với các tín hữu như thánh Phaolô đã tầng nói với cái tín hữu Galát: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em”.[4]

Cũng như khi bước vào thế gian, Đấng Cứu Thế của chúng ta trước hết đã tỏ mình ra dưới hình hài một Hài Nhi yếu ớt, trước khi đạt tới sự viên mãn của tuổi trưởng thành, và Ngài muốn sống như vậy để của lễ hiến tế của Ngài được nên trọn vẹn. Vì thế, Ngài cũng muốn thực hiện điều đó trong chúng ta; phải để cho Ngài lớn lên trong chúng ta. Chính vào dịp lễ Giáng Sinh, Ngài vui mừng được sinh ra trong tâm hồn chúng ta, và Ngài tuôn đổ ân sủng của sự sống trên toàn Giáo Hội, tuy nhiên, vẫn có những người không tin nhận.

Vào dịp vinh quang và trọng đại này, thường xuất hiện ba tầng lớp người. Tầng lớp thứ nhất và cũng là tầng lớp chiếm thiểu số, đó là những người sống kết hợp mật thiết và trọn vẹn với cuộc đời của Chúa Giêsu và không ngừng khao khát làm thăng tiến trong đời sống này. Tầng lớp thứ hai chiếm phần đa trong dân chúng. Họ thật sự đang sống bởi vì Chúa Giêsu đang sống trong họ, nhưng họ yếu đuối và bệnh tật vì họ đã không chú tâm để thăng tiến đời sống tâm linh; đức ái trong họ đã trở nên nguội lạnh[5]. Còn tầng lớp thứ ba gồm những người mà trong họ không có phần nào sự sống của Đức Giêsu Kitô và họ được xem như đã chết. Chính Chúa Kitô đã nói: “Ta là sự sống”[6].

Giờ đây, trong suốt Mùa Vọng, Thiên Chúa của chúng ta gõ cửa tâm hồn tất cả mọi người chúng ta, có khi rất mạnh mẽ buộc chúng ta phải chú tâm đến Ngài; nhưng cũng có khi rất nhẹ nhàng đến mức cần phải có sự tinh tế mới có thể nhận ra rằng Chúa Giêsu đang gõ cửa tâm hồn mình. Chúa đến để thỉnh cầu với con người chúng ta cho Ngài nơi cư ngụ, bởi vì Ngài khao khát được sinh ra trong ngôi nhà của nhân loại. Ngôi nhà thực sự là của Ngài, vì Ngài đã xây dựng và gìn giữ nó; nhưng Ngài đã than thở não nề rằng “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”[7]; ít nhất phần đông nhân loại đã làm như vậy. “Thế nhưng, những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền làm con Thiên Chúa, họ được sinh ra không phải do khí huyết cũng chẳng phải do ý muốn của nhục thể nhưng là do Thiên Chúa”[8].

Vì thế, Ngài sẽ được sinh ra, với vẻ đẹp, ánh sáng và quyền năng hơn tất cả những gì chúng ta từng nhìn thấy nơi Ngài, ôi hỡi những người trung tín, những kẻ đã giữ Ngài trong lòng mình như kho báu duy nhất, và đã sống một cuộc sống như không có một cuộc sống nào khác ngoài cuộc sống của Ngài, một cuộc sống đã định hình suy nghĩ và công việc của chúng ta theo mẫu mực của Ngài. Chúng ta sẽ cảm nhận được những ngôn từ thích hợp để diễn tả tình yêu của mình; những lời mà Ngài vui thích khi nghe chúng ta nói với Ngài. Và chúng ta sẽ tìm thấy những ngôn từ ấy trong Phụng Vụ thánh.

Chính chúng ta, là những người đã thực sự có Chúa trong lòng mình mà không nhận biết Ngài, và không cảm nhận được sự ngọt ngào về sự hiện diện của Ngài, hãy mở lòng mình ra để đón nhận Ngài với một tình yêu lớn hơn và một sự quan tâm nhiều hơn trong thời gian thánh này. Thiên Chúa nhắc lại cuộc thăm viếng của Ngài trong năm nay với sự dịu dàng không biết mỏi mệt; Ngài đã quên hết quá khứ đáng chê trách của chúng ta; Ngài muốn “đổi mới mọi sự”[9]. Hãy dọn chỗ cho Hài Nhi Giêsu bởi vì Ngài muốn lớn lên trong tâm hồn chúng ta. Thời gian Ngài đến gần kề: Hãy để tâm hồn chúng ta luôn luôn tỉnh thức; vì sợ rằng khi Ngài đến thì chúng ta lại đang ngủ mê, hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, vâng, hãy hát lên nào. Những ngôn từ được sử dụng trong phụng vụ cũng dành cho chúng ta: Chúng nói về bóng tối mà chỉ có Chúa mới có thể soi sáng; chúng nói về những vết thương mà chỉ có Chúa mới có thể chữa lành; chúng nói về sự kiệt quệ tâm hồn mà chỉ có sức mạnh thiêng liêng của Chúa mới có thể vực dậy.

Hỡi những người Kitô hữu, hẵn là có lúc chúng ta đã xem Tin Mừng Con Thiên Chúa từ trời đến là những điều không tồn tại, bởi vì chúng ta đã chết trong tội lỗi. Hãy nghe đây! Thiên Chúa là Đấng hằng sống đang ngự đến giữa chúng ta. Vâng, cho dù sự chết của tội lỗi đã trói buộc chúng ta, làm cho chúng ta trở nên như những nô lệ trong một thời gian dài, hay nó để lại trong ta những thương tích khiến chúng ta trở thành nạn nhân, nhưng Chúa Giêsu, Đấng là Nguồn Sống của chúng ta đang đến: “Hỡi nhà Ít-ra-en, tại sao các ngươi lại muốn chết? Quả thật, Ta không thích gì về cái chết của kẻ phải chết – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Vậy hãy trở lại và hãy sống”.[10] Ngày đại lễ sinh nhật của Chúa Giêsu sẽ trở thành một ngày tràn đầy lòng thương xót cho toàn thể nhân loại; cho tất cả những ai đón nhận Ngài vào trong tâm hồn mình: Họ sẽ lại trỗi dậy trong Ngài, cuộc sống quá khứ của họ bị tiêu huỷ, và ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.[11]

Tuy nhiên, nếu như sự dịu dàng và cuốn hút của Mầu Nhiệm Giáng Sinh không đánh động được trái tim chúng ta, là bởi vì tâm hồn chúng ta đã quá nặng nề đến nỗi làm cho chúng ta không thể vươn mình lên được, và vì, sau bao năm ngụp lặn trong tội khiến tâm hồn chúng ta chai cứng, không thể nhận ra được tình thương và sự quan phòng của người Cha mà chúng ta đã lìa xa, Đấng mà chính chúng ta đã không coi trọng. Vì thế, hãy hướng tâm trí chúng ta đến cuộc viếng thăm khác, một cuộc viếng thăm đầy kinh hoàng và đó là ngày chung cuộc của nhân loại. Hãy để tâm suy nghĩ xem làm thế nào mà trái đất của chúng ta sẽ rung chuyển khi Đấng Thẩm Phán uy quyền ngự đến; làm thế nào mà các tầng trời sẽ chạy trốn trước Thánh Nhan của Ngài và cuộn lại như một cuốn sách[12]; làm thế nào mà con người sẽ rùng mình dưới cái nhìn giận dữ của Ngài; làm thế nào mà mọi tạo vật sẽ héo úa vì sợ hãi, khi thanh gươm hai lưỡi sắc bén được phóng ra từ miệng Đấng Tạo Hoá xuyên thấu tâm hồn con người và làm thế nào mà những người tội lỗi sẽ kêu lên: “hỡi núi non! Hãy đổ xuống chúng tôi đi, gò nổng hỡi! Phủ lấp chúng tôi đi”[13]. Những tâm hồn sầu khổ ấy đã không biết thời giờ Thiên Chúa viếng thăm[14], lúc đó họ sẽ vô ích khi muốn ẩn mình khỏi dung nhan của Chúa Giêsu. Họ đã đóng chặt lòng mình lại với vị Thiên Chúa Làm Người, Đấng đã trao ban cho họ một tình yêu vô biên và khóc thương họ: chính vì thế, trong ngày phán xét, “lửa thịnh nộ đã bùng lên trong Ta, nó đến tận đáy sâu âm phủ, thiêu hủy đất đai với cả hoa màu, làm chân núi đồi bốc cháy”.[15] Loài sâu bọ không bao giờ chết, chúng sẽ gặm nhấm họ mãi mãi vì lòng hối hận ăn năn không còn giá trị nữa.

Vì thế, hãy để cho những ai đã không chạm tới được Mầu Nhiệm Giáng Sinh của Đấng từ trời cao mà đến và là vị Mục Tử nhân lành đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên, hãy để tâm suy nghĩ trong suốt Mùa Vọng này về một chân lý cao siêu nhưng bền vững, điều mà làm cho biết bao người đã từ chối đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho mình. Họ có thể khinh thường Hài Nhi sắp được sinh ra; [16] nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa toàn năng, và liệu họ có nghĩ rằng họ có thể đứng vững trong ngày Con Người ngự đến không? Khi Ngài ngự đến, không phải để cứu độ như bây giờ, nhưng là để xét xử. Ước gì họ có thể thấu hiểu tường tận hơn về Vị Thẩm Phán thần linh này, trước mặt Ngài, ngay cả các thánh cũng phải run sợ! Hãy để những người đó sống mùa Phụng Vụ này và ở đó họ sẽ học biết được Ngài đáng kính sợ như thế nào đối với những người tội lỗi.

Chúng tôi không có ý nói rằng chỉ những kẻ tội lỗi mới cần phải kính sợ; không, mọi Kitô hữu đều nên biết kính sợ. Nỗi sợ khi không gắn liền một tình cảm cao quý hơn, thì sẽ biến con người thành nô lệ; nhưng khi nó gắn liền với tình yêu thì nó sẽ trở thành cảm xúc của một đứa con đã làm phiền lòng cha mình và tìm kiếm sự tha thứ; và cuối cùng, khi tình yêu xua tan nỗi sợ hãi,[17] thì đôi khi nỗi sợ thánh thiện này vẫn xuất hiện, như một tia chớp xuyên thấu những nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn. Nỗi sợ ấy mang lại điều tốt lành cho tâm hồn. Nó làm cho tâm hồn bừng tỉnh và ý thức sâu sắc hơn về sự khốn cùng của chính mình và về lòng thương xót nhưng không của Đấng Cứu Thế. Vì thế, đừng ai nghĩ rằng mình có thể bình an trải qua Mùa Vọng mà không tham dự vào nỗi kính sợ thánh thiện đang làm sống động Giáo Hội. Mặc dầu Giáo Hội được Thiên Chúa yêu thương vô ngần, nhưng Giáo Hội vẫn cầu xin Thiên Chúa ban cho mình ơn kính sợ này; và trong giờ Kinh Trưa, Giáo Hội kêu lên cùng Ngài: “hãy đâm thấu thân xác con bằng sự kính sợ Ngài”. Và điều này cũng dành cho những ai đang bắt đầu lại một đời sống mới, nghĩa là thời gian Mùa Vọng sẽ trở nên hữu ích một cách đặc biệt cho họ.

Thật rõ ràng, từ những gì chúng ta đã trình bày, Mùa Vọng chính là một mùa đặc biệt được ban tặng để tập luyện chiến đấu và thanh tẩy, đó là điều được diễn tả trong thư của thánh Gioan Tông Đồ cũng như được Giáo Hội lặp đi lặp lại trong suốt thời gian thánh này: Hãy chuẩn bị con đường cho Đức Chúa! Vì thế, hết thảy mọi người hãy nổ lực hết mình sửa con đường tâm hồn cho ngay thẳng để Đức Giêsu ngự đến. Theo lời dạy của thánh Tông Đồ, hãy để những người công chính quên đi tất cả những gì trong quá khứ[18], và chuyên tâm cầu nguyện để đạt được công đức mới. Hãy để những tội nhân cùng nhau bắt đầu lại và bẻ gãy xiềng xích đang trói buộc họ. Hãy để họ từ bỏ những thói quen xấu mà họ đã mắc phải. Hãy để họ làm suy yếu tính xác thịt và bước vào cuộc chiến thanh luyện tinh thần. Trên hết mọi sự, hãy để họ cầu nguyện cùng Giáo Hội. Và khi Thiên Chúa chúng ta ngự đến, họ có thể hy vọng rằng Ngài sẽ không băng qua họ mà đi nhưng sẽ bước vào và cư ngụ trong tâm hồn họ; vì Ngài đã nói về tất cả khi Ngài phán những lời này: “Này đây, Ta sẽ đứng trước cửa và gõ, ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì ta sẽ vào nhà người ấy”[19].

Nguồn: ngoiloivn.net (12/12/2024)