Nguồn gốc các chặng Đàng Thánh Giá
PHỤNG VỤ
Nguồn gốc các chặng Đàng Thánh Giá
Vì Mùa Chay là mùa thống hối chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh, Gẫm đàng Thánh Giá, theo chân Đức Giêsu từ công đường (praetorium) của quan Philatô cho đến mộ Đức Giêsu, là thực hành đạo đức bình dân trong các giáo xứ. Vào thế kỷ XVI, con đường này chính thức được gọi là “Via Dolorosa” (Con đường thương khó) hay đơn giản là Đường Thánh Giá hoặc Các Chặng Đàng Thánh Giá.
Lòng đạo đức này tiến hóa qua thời gian. Truyền thống cho rằng chính Đức Mẹ đã hằng ngày đi thăm viếng lại các cảnh tượng của cuộc khổ nạn Đức Giêsu. Sau khi Hoàng đế Constantinô hợp pháp hóa Kitô giáo vào năm 312, những chặng quan trọng đã được đánh dấu trên con đường này. Thánh Giêrônimô (342-420), sống tại Bêlem suốt phần cuối đời mình, đã chứng nhận rằng có nhiều đám đông người hành hương thuộc các quốc gia khác nhau đã thăm viếng những nơi thánh và đi theo Đường Thánh Giá.
Đáng chú ý là Thánh Sylvia, trong cuốn sách hành hương Đất Thánh của mình là “Peregrination ad loca sancta” (năm 380), bà miêu tả rất chi tiết nhiều thực hành đạo đức khác nhau nhưng không đề cập đến thực hành đặc biệt hay bộ kinh theo các chặng đàng này; tuy nhiên, sự bỏ sót này không có nghĩa là những người hành hương không đi theo Đàng Thánh Giá.
Lòng đạo đức này tiếp tục được phổ biến rộng. Vào thế kỷ thứ V, một điều gây chú ý trong Giáo Hội là người ta đã “mô phỏng” các địa điểm thánh tại những miền đất khác để khách hành hương nào không thể đi đến Đất Thánh thì họ có thể đi hành hương cách thiêng liêng. Chẳng hạn, Thánh Petronius, Giám mục Bologna, đã xây dựng một quần thể các nhà nguyện tại Tu viện San Stefano, gợi lại những Đền thánh quan trọng ở Đất Thánh, gồm cả một vài chặng đàng.
Vào năm 1342, các tu sĩ Dòng Phanxicô được chỉ định làm người gìn giữ các đền thờ ở Đất Thánh. Các tín hữu nhận được ân xá khi cầu nguyện ở các chặng sau đây: dinh Philatô, nơi Đức Kitô gặp mẹ mình, nơi Ngài nói với các phụ nữ, nơi gặp ông Simon thành Cyrênê, nơi binh lính lột áo Ngài, nơi Ngài bị đóng đinh trên thập giá, và nơi mộ Ngài.
Một khách hành hương người Anh là William Wey đã viếng thánh địa vào năm 1462, được công nhận là người dùng từ “các chặng đàng” (stations). Ông mô tả cách mà khách hành hương theo chân Đức Kitô. Trước thời gian này, người ta thường đi theo hướng ngược lại với chúng ta hiện nay – đi từ Núi Calvariô đến dinh Philatô. Nhưng vào thời này, người ta đã đi từ dinh Philatô đến Calvariô.
Khi những người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi Giáo cấm không cho đến Đất Thánh, thì các chặng đàng được dựng lên tại các trung tâm tôn giáo nổi tiếng như Đan viện Đaminh ở Cordova và Tu viện Clara nghèo khó ở Messina (đầu thập niên 1400); Nuremberg (1468); Louvain (1505); Bamberg, Fribourg and Rhodes (1507); và Antwerp 1520). Nhiều chặng đàng do các họa sĩ nổi tiếng thực hiện và ngày nay được xem như là những kiệt tác. Vào năm 1587, Zuallardo thuật lại rằng những người Hồi giáo đã cấm không cho ai được “dừng lại, tỏ lòng tôn kính [các chặng đàng] với đầu trần, cũng không được có bất kỳ biểu hiện gì”, cơ bản là loại bỏ lòng sùng kính này nơi Đất Thánh, tuy nhiên, nó vẫn phát triển mạnh mẽ ở Châu Âu.
Vào thời này, các chặng đàng đã thay đổi khác nhau. William Wey kê khai 14 chặng nhưng chỉ có 5 chặng là phù hợp với các chặng của chúng ta. Có vài chặng đàng thánh giá khác bao gồm cả nhà của ông Dives (người giàu có trong câu chuyện ông Lazarô), cổng thành mà Đức Kitô đi ngang qua, dinh thự Hêrôđê và nhà ông Simon người Pharisiêu. Năm 1584, cuốn sách của Adrichomius có tựa đề Jerusalem sicut Christi Tempore floruit ghi nhận 12 chặng phù hợp với các chặng của chúng ta hiện nay. Cuốn sách này được dịch ra nhiều thứ tiếng và được phổ biến rộng rãi. Vào thế kỷ XVI, những sách đạo đức đặc biệt xuất hiện ở các quốc gia vùng thấp (Bỉ, Hà Lan và Luxembourg), có 14 chặng với lời kinh cho mỗi chặng.
Vào cuối thế kỷ XVII, việc dựng các chặng đàng thánh giá trong các nhà thờ đã trở nên phổ biến. Năm 1686, Đức thánh cha Innocentê XI nhận thấy rằng rất ít người có thể đến được Đất Thánh vì sự đàn áp của người Hồi nên đã ban phép cho Dòng Phanxicô dựng các chặng đàng trong các nhà thờ của mình cũng như ban ân xá cho các tu sĩ và những người cùng với họ thực hành việc đạo đức này như là một cuộc hành hương thật sự. Và Đức Bênêđictô XIII đã mở rộng ân xá này cho hết các tín hữu vào năm 1726.
5 năm sau, Đức Clêmentê XII cho phép lập đàng thánh giá trong các nhà thờ và xác định con số 14. Năm 1742, Đức Bênêđictô XIV khuyên các linh mục đặt các chặng đàng thánh giá trong nhà thờ của mình, bao gồm cây thánh giá và một hình ảnh của chặng đó. Việc đạo đức này cũng được các nhà giảng thuyết khuyến khích, chẳng hạn như Thánh Leonard Casanova (1676-1751) thành Porto Maurizio, nước Ý, người được cho là đã dựng 600 bộ chặng đàng thánh giá trên khắp nước Ý.
Ngày nay, có 14 chặng đàng theo truyền thống: Đức Kitô chịu xử án; Chúa Giêsu vác thánh giá; ngã lần thứ nhất; Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ; ông Simêôn vác đỡ thánh giá; bà Vêrônica lau mặt Chúa; ngã lần thứ hai; Chúa Giêsu nói với các phụ nữ thành Giêrusalem; ngã lần thứ ba; Chúa Giêsu bị lột áo; Chúa Giêsu bị đóng đinh; Chúa Giêsu chết trên thánh giá; tháo xác Chúa Giêsu; an táng Chúa Giêsu trong mồ.
Vì mối liên hệ nội tại giữa cuộc khổ nạn và cái chết với sự phục sinh của Chúa nên vài sách đạo đức hiện giờ có chặng thứ 15, tưởng niệm cuộc Phục Sinh. Một ơn toàn xá được ban cho những ai đi đàng thánh giá, từ chặng này tới chặng kia, ở nơi chúng được dựng nên cách hợp pháp, trong khi suy niệm về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa chúng ta (“Enchiridion of Indulgences” No. 63).
Những ai mắc ngăn trở không đến nhà thờ được thì cũng có thể hưởng cùng một ân xá khi đọc và suy gẫm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa chúng ta trong nửa tiếng đồng hồ. Tầm quan trọng của các chặng đàng thánh giá trong đời sống đạo đức của người Công giáo cũng đã được chứng nhận bởi Đức thánh cha Phaolô VI, người vào năm 1975 đã chuẩn y bản chặng đàng dựa trên Tin Mừng, và Đức Gioan Phaolô II, người đã soạn thảo một bản suy niệm chặng đàng thánh giá của riêng mình.
Lm. William Saunders
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ catholiceducation.org
Nguồn: gpquinhon.org