Nguyên văn Bí Mật Fatima phần III và lời giải thích của Giáo hội
Trần Văn Nhượng chuyển ngữ từ vatican.va
Bí Mật Fatima phần thứ ba đã được Tòa Thánh tiết lộ trọn vẹn ngày 26/6/2000. Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin chính thức công bố bí mật này trong một Văn kiện với chữ ký của vị Tổng Trưởng Thánh Bộ là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger và của vị Tổng Thư Ký Thánh Bộ là Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Bertone, SDB. Văn kiện dày 40 trang này đã được phổ biến bằng 7 thứ tiếng là Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Bồ Đào Nha và Ba Lan, với một nội dung bao gồm 7 phần chính yếu theo thứ tự sau đây:
1. Lời giới thiệu tổng quát của Đức Tổng Giám Mục Bertone;
2. Bí Mật Fatima thứ nhất và thứ hai;
3. Bí Mật Fatima thứ ba (cả ảnh của nguyên bản do chính tay chị Lucia viết);
4. Bức thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi chị Lucia đề ngày 19/4/2000;
5. Cuộc trao đổi gặp gỡ giữa hai vị đại diện của ĐTC và chị Lucia ngày 27/4/2000;
6. Lời Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano cuối lễ phong Á Thánh 13/5/2000;
7. Dẫn giải thần học của Đức Hồng Y Tổng Trưởng về Bí Mật Fatima phần thứ ba.
Phần 1: Lời giới thiệu tổng quát của Đức Tổng Giám Mục Bertone
THÁNH BỘ VỀ TÍN LÝ ÐỨC TIN
SỨ ÐIỆP FATIMA
THÀNH PHỐ VATICAN
Trích – Libreria Editrice Vaticana – 00120 Città del Vaticano
PHẦN GIỚI THIỆU
Của Ðức Tổng Giám Mục Bertone
Thư Ký Thánh Bộ Tín Lý và Ðức Tin
Khi đệ nhị nhường chỗ cho đệ tam thiên niên kỷ, Ðức Giáo-hoàng Gio-an Phao-lô II đã quyết định công bố văn bản phần thứ ba của ” bí mật Fatima”.
Thế kỷ thứ 20 đã là một trong những thế kỷ mấu chốt nhất trong lịch sử con người, với những biến cố thảm thương và bạo tàn của nó, đã đạt tới cao điểm trong vụ mưu sát “Ðức Ki-tô diệu hiền trên trái đất”. Bây giờ một tấm màn được kéo lên trên một chuỗi biến cố tạo thành lịch sử và giải thích lịch sử theo chiều sâu, theo nhãn quan thiêng liêng khác hẳn với những xu hướng đương thời mà thường bị băng hoại bởi duy lý chủ nghĩa. Trải suốt dòng lịch sử đã có những cuộc hiện ra và những dấu chỉ siêu nhiên đi thẳng vào trung tâm những biến cố của con người và, trước sự ngạc nhiên của cả những người tin cũng như những người không tin, nó góp phần của mình vào việc giải mã lịch sử. Những cuộc hiển lộ này không bao giờ có thể phản lại với nội dung đức tin được, và do đó chúng phải quy hướng thẳng vào cốt lõi việc rao giảng của Ðức Ki-tô là: tình yêu của Thiên Chúa Cha, tình yêu đưa dẫn con người đến việc hoán cải và ban tặng ân sủng, đã đòi buộc con người phải từ bỏ chính mình cho Ngài với lòng sùng mến hiếu thảo. Ðây cũng là sứ điệp Fatima, với lời kêu mời khẩn thiết để hoán cải và đền tội, sứ điệp lôi kéo chúng ta tới trọng tâm của Tin-mừng. Fatima chắc chắn là cuộc hiện ra mang tính chất tiên tri nhất trong thời hiện đại. Phần một và phần hai của “bí mật” – mà bây giờ cũng được công bố theo thứ tự để tài liệu được đầy đủ trọn vẹn – đặc biệt nói đến thị kiến kinh hoàng của hỏa ngục, đến việc tôn sùng Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ Maria, đến thế chiến thứ hai, và cuối cùng là nói trước đến sự tàn phá lớn lao mà nước Nga sẽ làm cho nhân loại khi từ bỏ đức tin Ki-tô mà ôm lấy chủ nghĩa Cộng-sản độc tài. Vào năm 1917 không ai đã có thể tưởng tượng được hết chuyện này: ba em bé chăn cừu (pastorinhos) ở làng Fatima mục kích, lắng nghe và ghi nhớ, và Lucia, nhân chứng duy nhất đang còn sống, đã viết hết chúng xuống giấy khi được lệnh của Ðức Giám-mục địa phận Leiria và được phép của Ðức Mẹ mà viết lại. Về hai phần đầu của “bí mật”, những phần đã được phổ biến và được biết đến từ trước, thì chúng tôi đã chọn bản viết của Sơ Lucia trong tập Hồi-ký Thứ-ba đề ngày 31 tháng Tám, 1941; một số ghi chú đã được thêm vào trong tập Hồi-ký Thứ-tư vào ngày 8 tháng Mười Hai, 1941 Phần thứ ba của “bí mật” được viết ra theo “lệnh của Ðức Giám-mục địa phận Leiria và của Mẹ Rất Thánh của chúng ta.” vào ngày 3 tháng Giêng, 1944. Chỉ có một bản viết tay duy nhất mà ở đây chỉ tái bản lại theo hình chụp mà thôi. Phong bì được niêm ấn thoạt đầu do Ðức Giám-mục địa phận Leiria cất giữ. Nhưng để chắc chắn “bí mật” được bảo toàn, phong bì đã được đặt ở Văn-khố mật của Thánh-bộ ngày 4, tháng Tư, 1957. Ðức Giám-mục địa phận Leiria đã thông báo cho Sơ Lucia biết chuyện này. Theo hồ sơ của Văn-khố mật thì vị Ðại-diện của Thánh-bộ, cha Phê-rô Phao-lô Phi-líp-phê dòng Ða-minh, với sự đồng ý của Ðức Hồng-y Alfredo Ottaviani, đã mang phong bì chứa phần thứ ba của “bí mật Fatima” đến cho Ðức Giáo-hoàng Gio-an XXIII ngày 17 tháng Tám, 1959. “Sau một chút lưỡng lự” Ðức Thánh Cha đã nói: “Chúng ta sẽ đợi. Cha sẽ cầu nguyện. Cha sẽ cho con hay điều Cha quyết định”. (1) Trong thực tế, Ðức Giáo-hoàng Gio-an XXIII đã quyết định hoàn lại phong bì có niêm ấn lại cho Thánh-bộ và đã không công bố phần thứ ba của “bí mật”.
Ðức Phao-lô VI đã đọc nội dung cùng với vị Phụ-tá, Ðức Tổng Giám-mục Angelo Dell’Acqua, vào ngày 27 tháng ba, 1966, và đã hoàn trả phong bì lại cho Văn-khố của Thánh-bộ và quyết định không công bố bản viết.
Về phần mình, Ðức Gio-an Phao-lô II đã hỏi đến phong bì chứa đựng phần thứ ba của “bí mật” sau cuộc mưu sát ngày 13 tháng Năm, 1981.. Ngày 18 tháng Bảy, 1981, Ðức Hồng-y Franjo Seper, Tổng-trưởng Thánh-bộ, đã trao hai phong bì cho Ðức Tổng Giám-mục Eduardo Martinez Somalo, Phu-tá Phủ Quốc-vụ-khanh: một phong bì trắng chứa bản viết chính gốc của Sơ Lucia bằng tiếng Bồ-đào-nha; phong bì kia màu vàng cam với bản chuyển ngữ điều “bí mật” ra tiếng Ý. Ðến ngày 11 tháng Tám tiếp theo, Ðức Tổng Giám-mục Martinez đã hoàn trả cả hai phong bì lại cho Văn-khố của Thánh-bộ. (2) Như mọi người biết, Ðức Giáo-hoàng Gio-an Phao-lô II ngay lập tức đã nghĩ đến việc dâng hiến thế giới cho Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ Maria, và chính Ngài đã sáng tác ra kinh nguyện mà Ngài gọi là “Nghi-thức Phó-dâng” đã được cử hành tại Vương-cung Thánh-đường Ðức Bà Cả ngày 7 tháng Sáu, 1981, ngày Lễ Trọng-thể kính Chúa Thánh-thần Hiện-xuống, ngày được chọn để kỷ niệm 1600 năm Công-đồng Constantinople và 1550 năm Công-đồng Ê-phê-sô. Vì Ðức Giáo-hoàng không thể hiện diện được, nên bài diễn văn ghi âm của Ngài đã được phát thanh. Sau đây là phần liên hệ đặc biệt đến Nghi-thức Phó-dâng: ” Lạy Mẹ của từng người và của mọi dân tộc, Mẹ biết tất cả những thống khổ và hy vọng của họ. Tự nơi trái tim hiền mẫu, Mẹ cảm nhận được tất cả những tranh giành giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, những tranh giành đang làm rối loạn thế giới: xin nhận lời van nài của chúng con, trong Chúa Thánh-thần, dâng thẳng lên Trái Tim Mẹ, và với tình yêu của Hiền-mẫu và Nữ-tỳ của Thiên Chúa, xin Mẹ ấp ủ những ai hết mực mong chờ sự ấp ủ này, và kể cả những ai mà Mẹ cũng đang mong chờ để họ thực hành nghi thức phó dâng cách đặc biệt này nữa. Ôi lạy Mẹ, xin đặt dưới sự che chở hiền mẫu của Mẹ toàn thể gia đình nhân loại mà chúng con phó dâng lên Mẹ với tình yêu trìu mến. Chớ gì mọi người được hưởng hừng đông của một thời hòa bình và tự do, một thời sự thật, công lý và hy vọng”. (3)
Ðể đáp trả trọn vẹn hơn nữa những nguyện vọng của “Mẹ chúng ta”, Ðức Thánh Cha đã ước ao, trong Năm-thánh Cứu-chuộc, thực hiện công khai hơn nhiều hơn nữa Nghi-thức Phó-dâng của ngày 7 tháng Năm, 1981, nghi thức đã được lập lại tại Fatima ngày 13 tháng Năm ,1982. Ngày 25 tháng Ba, 1984 tại Quảng-trường thánh Phê-rô, khi đọc lại lời xin vâng mà Ðức Maria thốt lên trong Ngày Truyền-tin, Ðức Thánh Cha, trong sự hiệp thông tinh thần với các Giám-mục hoàn vũ được ” kêu mời” trước đó, đã phó dâng mọi người nam nữ và mọi dân nước lên cho Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ Maria, bằng những ngôn từ gợi nhớ những lời tha thiết đã được nói lên vào năm 1981: ” Lạy Mẹ của mọi người nam nữ và của mọi dân tộc, Mẹ biết tất cả những thống khổ và hy vọng của họ, với chăm lo của người mẹ, Mẹ thấy được những tranh giành giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, những tranh giành đang gây thương tích cho thế giới hiện đại, xin nhận lấy tiếng khóc than mà chúng con, nhờ được Chúa Thánh-thần tác động, dâng thẳng lên Trái-tim Mẹ. Xin Mẹ dùng tình yêu của Hiền-mẫu và Nữ-tỳ của Thiên Chúa mà ấp ủ thế giới loài người chúng con, thế giới mà chúng con phó dâng và tận hiến cho Mẹ, vì chúng con hết sức quan tâm đến định mệnh thế trần và vĩnh cửu của từng mỗi cá nhân lẫn của các dân tộc. Chúng con xin phó dâng và tận hiến cho Mẹ cách đặc biệt những người và những dân tộc cần được phó dâng và thánh hiến nhất. “Lạy Mẹ Thiên Chúa Chí-thánh! Chúng con xin chạy lại với sự che chở của Mẹ. Xin đừng bỏ lời chúng con khẩn nguyện trong cơn túng quẫn”. Rồi Ðức Giáo-hoàng tiếp tục nhấn mạnh hơn và dùng nhiều tham chiếu đặc thù hơn như là Ngài phẩm bình Sứ-điệp Fatima trong việc thành toàn đầy đau buồn của nó:
“Ôi lạy Mẹ Ðức Ki-tô! Khi chúng con đứng trước nhan Mẹ, trước Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ, chúng con, cùng với toàn thể Giáo-hội, ước ao kết hợp chúng con vào với việc hiến tế, mà vì yêu chúng con, Con Mẹ đã dâng chính thân mình lên Thiên Chúa Cha: Ngài nói, “Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” ( Gio. 17:19). Chúng con mong ước được kết hợp với Cứu Chúa của chúng con trong việc hiến tế này của Ngài cho thế gian và cho nhân loại, mà trong Trái-tim Thiên-tính của Ngài, nhân loại có được sức nhận ơn tha thứ và bảo đảm việc đền bù. Sức mạnh của việc thánh hiến này trải dài mọi thời đại và bao trùm mọi cá nhân, mọi dân tộc và mọi quốc gia. Nó vượt thắng mọi sự dữ mà thần của tối tăm có khả năng khơi dậy, và quả thực, chúng đã khơi dậy trong thời đại chúng con, trong trái tim và trong lịch sử con người.
Chúng con cảm thấy sâu xa biết chừng nào nhu cầu cần phải tận hiến nhân loại và thế giới – thế giới hiện đại của chúng con – trong sự kết hợp với chính Ðức Ki-tô! Bởi vì công cuộc cứu thế của Ðức Ki-tô phải được cả thế giới thông phần qua Giáo-hội.
Năm Cứu-chuộc hiện tại chứng tỏ điều này: Năm-thánh Toàn-xá đặc biệt của toàn thể Giáo-hội. Vượt trên mọi tạo vật, nguyện xin Mẹ được chúc phúc, vâng lạy Mẹ, Nữ-tỳ của Thiên Chúa, Mẹ đã vâng phục lời Thiên Chúa kêu mời cách đầy đủ trọn vẹn nhất.
Kính mừng Mẹ, Ðấng đã hoàn toàn kết vào cuộc hy tế cứu độ của Con Mẹ!
Lạy Mẹ của Giáo-hội! Xin khai sáng Dân Chúa dọc theo những nẻo đường đức tin, đức cậy và đức mến! Xin đặc biệt khai sáng những dân tộc mà Mẹ đang mong chờ chúng con phó dâng và tận hiến. Xin giúp chúng con sống trong sự thật của hy tế mà Ðức Ki-tô đã dâng cho toàn thể gia đình nhân loại của thế giới hiện đại này.
Ôi lạy Mẹ! Trong khi phó dâng cho Mẹ thế giới, mọi con người và mọi dân tộc, chúng con cũng xin phó dâng lên Mẹ chính việc tận hiến đặc biệt này là đặt cả thế giới vào Trái-tim từ mẫu của Mẹ.
Lạy Trái-tim Vô-nhiễm! Xin giúp chúng con chiến thắng những đe dọa của sự dữ, những điều dễ dàng bám rễ trong tâm hồn con người ngày nay, và những hiệu lực không thể đo lường được của nó đã đang đè nặng trên thế giới hiện đại của chúng con và dường như ngăn chặn những nẻo đường hướng về tương lai!
Khỏi đói khát và chiến tranh, xin giải thoát chúng con.
Khỏi chiến tranh nguyên tử, khỏi sự tự hủy diệt khôn kể, khỏi tất cả mọi hình thức chiến tranh, xin giải thoát chúng con.
Khỏi tội lỗi chống phá sự sống con người ngay từ thuở khai nguyên của nó, xin giải thoát chúng con.
Khỏi lòng căm thù và khỏi việc hạ thấp phẩm giá những người con của Thiên Chúa, xin giải thoát chúng con.
Khỏi mọi hình thức bất công trong cuộc sống xã hội, tại mỗi quốc gia cũng như quốc tế, xin giải thoát chúng con.
Khỏi việc sẵn lòng chà đạp những giới lệnh của Thiên Chúa, xin giải thoát chúng con.
Khỏi những cố gắng dập tắt nơi lòng con người chính sự thật của Thiên Chúa, xin giải thoát chúng con.
Khỏi đánh mất ý thức về điều lành và điều dữ, xin giải thoát chúng con.
Khỏi những tội phạm đến Chúa Thánh-thần, xin giải thoát chúng con, xin giải thoát chúng con.
Lạy Mẹ Ðức Ki-tô! Xin nhận lấy tiếng kêu khóc chất chứa thương đau của tất cả mọi cá nhân con người, ngập tràn những thống khổ của toàn cả các xã hội. Xin giúp chúng con, với sức mạnh của Chúa Thánh-thần, chiến thắng mọi tội lỗi: tội cá nhân và ‘tội của thế giới’, tội trong tất cả mọi dạng thức của nó. Xin hiển lộ trong lịch sử thế giới, một lần nữa, sức mạnh cứu độ vô cùng của ơn Cứu-chuộc: sức mạnh của Tình-yêu đầy xót thương! Mong rằng sức mạnh ấy ngăn được sự dữ! Ước gì sức mạnh ấy biến cải lương tâm! Nguyện xin Trái-tim Vô-nhiễm giãi bày ánh sáng Hy-vọng cho tất cả mọi người!” (4)
Cá nhân Sơ Lucia đã khẳng định là việc thánh hiến trọng thể và phổ quát này phù hợp với điều Ðức Mẹ muốn (” Sim, està feita, tal como Nossa Senhora a pediu, desde o dia 25 de Marco de 1984″ : ” Vâng, điều đó được thực hiện đúng như Ðức Bà đã xin ngày 25 tháng Ba, 1984″: Thư đề ngày 8 tháng Mười Một 1989).
Như thế bất cứ cuộc tranh luận hoặc đề nghị nào sau này đều không có căn bản. Trong tập tài liệu trình bày ở đây có 4 văn bản khác được thêm vào bản viết tay của Sơ Lucia: 1) lá thư của Ðức Thánh Cha gửi Sơ Lucia ngày 19 tháng Tư, 2000; 2) một bản tường trình về cuộc đàm thoại với Sơ Lucia ngày 27 tháng Tư, 20000; 3) bản công bố Ðức Thánh Cha đã chỉ định Ðức Hồng-y Angelo Sodano, Quốc-vụ-khanh Tòa-thánh, đọc ngày 13 tháng Năm, 2000; 4) bài bình luận thần học của Ðức Hồng-y Joseph Ratzinger, Tổng-trưởng Thánh-bộ về Tín-lý Ðức-tin.
Sơ Lucia đã đưa ra một chỉ dẫn để diễn giải phần thứ ba của “bí mật” trong lá thư Sơ gửi cho Ðức Thánh Cha đề ngày 12 tháng Năm, 1982:
” Phần thứ ba của bí mật liên hệ đến những lời của Ðức Mẹ: ‘ nếu không, nước Nga sẽ gieo rắc lầm lạc trên khắp thế giới, gây nên những cuộc chiến và bách hại Giáo-hội. Người lành sẽ phải tử đạo; Ðức Thánh Cha sẽ gặp nhiều điều phải đau khổ; một số quốc gia sẽ bị diệt vong’ (13-VII-1917). Phần thứ ba của bí mật là một mạc khải biểu tượng, qui hướng về phần sau này của Sứ-điệp với điều kiện là chúng có chấp nhận hay không điều mà chính Sứ-điệp đòi hỏi chúng ta: ‘nếu những yêu cầu của Mẹ được lưu tâm đến thì nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình; nếu không, nó sẽ gieo rắc lầm lạc trên khắp thế giới, vv..’
Bởi vì chúng ta đã không lưu tâm đến lời kêu mời này của Sứ-điệp nên chúng ta thấy điều đó đã thể hiện, là nước Nga đã xâm chiếm thế giới với những lầm lạc của nó. Và nếu như chúng ta chưa nhìn thấy sự hoàn tất trọn vẹn phần cuối cùng của lời tiên tri này, thì chúng ta cũng đang chậm chậm bước tới bằng những bước thật dài. Nếu chúng ta không từ bỏ con đường của tội lỗi, oán hận, trả thù, bất công, của những vi phạm đến nhân quyền của con người, của vô luân và bạo lực vv..thì chúng ta đừng nói rằng đó là vì Thiên Chúa đang trừng phạt chúng ta theo cách thức ấy; trái lại, chính vì con người đang sắp sẵn hình phạt cho riêng mình. Bằng tấm lòng nhân hậu của mình, Thiên Chúa cảnh cáo chúng ta và mời gọi chúng ta đi theo nẻo đường ngay chính, trong khi Ngài vẫn tôn trọng sự tự do mà Ngài đã ban cho chúng ta; như thế, con người phải mang lấy trách nhiệm”. (5)
Quyết định của Ðức Giáo-hoàng Gio-an Phao-lô II để công bố phần thứ ba của “bí mật” Fatima kết thúc một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bằng sự thèm khát quyền lực và sự dữ đầy bi thảm của con người, nhưng dầu sao vẫn là giai đoạn lịch sử được thấm nhuần với tình yêu đầy thương xót của Thiên Chúa và với sự chăm lo chu đáo của Mẹ Chúa Giê-su và Mẹ Giáo-hội.
Việc làm của Thiên Chúa, Chúa của lịch sử, cùng với sự đồng trách nhiệm của con người trong tấm bi kịch của tự do đầy tính chất sáng tạo của mình, tạo thành hai trụ cột mà trên chúng, lịch sử con người được xây dựng lên. Ðức Mẹ, Ðấng đã hiện ra tại Fatima, nhắc nhớ lại những giá trị đã bị lãng quên này. Ngài nhắc nhớ chúng ta rằng tương lai con người là ở nơi Thiên Chúa, và rằng chúng ta là những cộng sự viên hoạt động và trách nhiệm tạo nên tương lai ấy.
+ Tarcisio Bertone, SDB
Tổng Giám-mục Hiệu-tòa thành Verselli
Thư-ký Thánh-bộ về Tín-lý Ðức-tin
Phần 2: Nguyên văn Bí Mật Fatima phần thứ nhất và thứ hai (Bản gốc và bản dịch)
“BÍ MẬT” FATIMA
PHẦN THỨ NHẤT VÀ THỨ HAI CỦA “BÍ MẬT”
THEO TƯỜNG THUẬT DO SƠ LUCIA GHI LẠI
CHO ÐỨC GIÁM MỤC LEIRIA-FATIMA
TRONG TẬP “HỒI KÝ THỨ BA” NGÀY 31 THÁNG TÁM 1941
(Bản dịch)
“Ðiều này sẽ thay thế việc con phải nói về bí mật, và như vậy là trả lời xong câu hỏi thứ nhất.
Bí mật là gì? Ðối với con thì con cho là con có thể nói ra được, vì con đã được phép từ Trời Cao để làm như thế. Những vị đại diện của Thiên Chúa ở trần gian đã cho phép con làm chuyện này nhiều lần và trong nhiều lá thư khác nhau, mà trong số đó, con tin là Ðức Cha đang giữ một lá. Lá thư này do Cha José Bernado Goncalves viết, trong đó ngài khuyên con nên viết cho Ðức Thánh Cha, thì ngài đề nghị, cùng với nhiều chuyện khác, là con nên tiết lộ bí mật. Con đã nói vài lần về bí mật đó rồi. Nhưng để không làm cho thư con quá dài, vì con được lệnh viết ngắn gọn, nên con chỉ tập trung vào những điều chính yếu thôi, còn lại để dành cho Thiên Chúa sẽ cung ứng một dịp khác thuận tiện hơn.
Trong phần thứ hai con đã trình bày chi tiết mối nghi ngờ đã dầy vò con từ ngày 13 tháng Sáu đến 13 tháng Bảy, và đã hoàn toàn biến mất thế nào trong lần Hiện-ra hôm đó.
Vâng, bí mật gồm có 3 phần tách biệt, hai phần đầu con sắp sửa tiết lộ bây giờ.
Phần thứ nhất là thị kiến về hỏa ngục.
Ðức Mẹ cho chúng con thấy một biển lửa lớn lao xem ra như là nằm dưới lòng đất. Nhào nặn trong biển lửa này là các quỉ dữ và các linh hồn mang hình dạng con người, giống như những cục than hồng đang cháy trong suốt, tất cả đều đen đủi hay màu đồng đánh bóng, đang vật vờ trôi nổi giữa vùng hỏa hoạn, lúc thì bị tung lên không trung do những ngọn lửa hồng phát ra tự chính bản thân họ cùng với những đám khói khổng lồ, lúc thì té xuống tứ phía như những đốm lửa trong một biển lửa vĩ đại, không trọng lượng cũng chẳng thăng bằng, và giữa những tiếng la hét và rên siết của đau đớn và tuyệt vọng làm chúng con kinh hoàng và khiến chúng con run rẩy vì sợ hãi. Quỉ dữ có thể phân biệt ra được vì chúng giống đến độ kinh hoàng và dễ sợ những con vật khiếp đảm không tên, tất cả đều đen thui và trong suốt. Thị kiến này kéo dài chỉ một khoảnh khắc. Làm sao chúng con có thể tạ ơn cho đủ Người Mẹ trên trời dịu hiền của chúng con, Người đã sửa soạn chúng con với lời hứa, trong lần Hiện-ra thứ nhất, là sẽ đem chúng con về thiên đàng. Nếu không, con nghĩ là chúng con đã chết đi vì khiếp sợ và kinh hoàng.
Rồi chúng con nhìn lên Ðức Mẹ, Ngài đã nói với chúng con bằng một giọng rất êm đềm và buồn bã:
” Chúng con đã nhìn thấy hỏa ngục nơi các linh hồn của những tội nhân khốn nạn phải tới. Ðể cứu vớt họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới việc tôn sùng Trái-tim Vô-nhiễm Nguyên-tội của Mẹ. Nếu điều Mẹ nói với các con được thi hành, thì nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình. Chiến tranh sẽ chấm dứt: nhưng nếu con người không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, thì một trận chiến tàn khốc hơn sẽ bộc phát trong thời đại Giáo-hoàng của Ðức Pi-ô XII. Khi chúng con thấy một đêm được rọi sáng bằng một luồng sáng lạ thường, thì hãy biết rằng đây là dấu hiệu vĩ đại Thiên Chúa báo cho chúng con biết là Ngài sắp trừng phạt thế giới vì những tội ác của nó, qua hình thức chiến tranh, đói khát và những cuộc bách hại Giáo-hội và Ðức Thánh Cha. Ðể ngăn ngừa điều này, Mẹ đòi hỏi phải dâng hiến nước Nga cho Trái-tim Vô-nhiễm Mẹ, và phải Rước Lễ đền tạ trong các ngày thứ Bảy đầu tháng. Nếu những đòi hỏi của Mẹ được lưu tâm đến, nước Nga sẽ trở lại, và sẽ có hòa bình; nếu không, nó sẽ gieo rắc những lầm lạc của nó trên khắp thế giới, gây nên những cuộc chiến và bách hại Giáo-hội. Người lành sẽ phải tử đạo; Ðức Thánh Cha sẽ gặp nhiều điều phải đau khổ; một số quốc gia sẽ bị diệt vong. Nhưng cuối cùng, Trái-tim Vô-nhiễm Mẹ sẽ toàn thắng. Ðức Thánh Cha sẽ dâng hiến nước Nga cho Mẹ, và nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ được ân hưởng một thời gian thái bình.” (6)
Phần 3: Nguyên văn Bí Mật Fatima phần thứ ba (cả ảnh của nguyên bản do chính tay chị Lucia viết)
(Bản gốc)
(Bản dịch)
“J.M.J.
Phần thứ ba của bí mật được mạc khải tại Cova da Iria-Fatima ngày 13 tháng Bẩy, 1917.
Con viết vì vâng lời Chúa, lậy Thiên Chúa của con, Ðấng truyền cho con phải làm thế qua Ðức Giám- mục điạ phận Leiria và qua Mẹ Chí-thánh của Chúa và của con.
Sau hai phần mà con đã giải thích rồi, ở phía bên trái Ðức Mẹ và hơi cao lên một chút, chúng con thấy một Thiên-thần với thanh gươm bừng cháy trong tay trái; sáng rực lên, nó như tung ra những ngọn lửa giống như là chúng sẽ đốt cháy thế giới; nhưng chúng tắt ngấm đi khi chạm vào ánh vinh quang mà Ðức Mẹ dùng tay phải chiếu sáng về phía thiên thần từ tay phải của Mẹ: chỉ tay phải xuống trái đất, Thiên thần hô lớn lên rằng: ‘Ðền tội, Ðền tội, Ðền tội!’ Và chúng con thấy trong luồng sáng chan hòa chính là Thiên Chúa:’chuyện giống như người ta thấy mình trong gương thế nào khi họ đi ngang qua nó’ thì cũng giống như vậy ‘một vị Giám-mục mặc màu trắng’ mà chúng con có cảm tưởng đó là Ðức Thánh Cha’.Quí vị Giám-mục khác, quí Linh-mục, quí Tu-sĩ nam nữ đang bước lên một ngọn núi thẳng đứng mà trên đỉnh núi có một cây Thánh-gía lớn làm bằng thân cây còn sần sùi như loại gỗ bấc còn cả vỏ; trước khi đến tới nơi Ðức Thánh Cha đã đi ngang qua một thành phố lớn mà một nửa đã bị tiêu hủy và một nửa thì đang rung rinh với bước chân ngập ngừng, ảnh hưởng của đớn đau và phiền muộn, Ngài đã cầu nguyện cho những linh hồn của những tử thi Ngài gặp dọc đường; khi đã tới đỉnh núi, khi đang quì dưới chân cây Thánh gía lớn thì Ngài bị giết bởi một nhóm binh sĩ bắn những viên đạn và những mũi tên vào Ngài , và cũng bằng một cách như thế, đã chết ở đó người nọ nối tiếp người kia là các vị Giám-mục khác, các Linh-mục, các Tu-sĩ nam nữ, và nhiều giáo dân khác của nhiều tầng lớp và địa vị khác nhau. Bên dưới hai cánh tay Thánh-giá có hai Thiên-thần, mỗi vị cầm trong tay một bình đựng nước thánh bằng pha lê, các ngài thu máu các vị Tử đạo lại vào các bình này và rảy trên các linh hồn đang tìm đường đến với Thiên Chúa.
Tuy-3-1-1944″. (7)
Phần 4: Bức thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi chị Lucia đề ngày 19/4/2000
VIỆC GIẢI THÍCH “BÍ MẬT”
THƯ CỦA ÐỨC THÁNH CHA GIO-AN PHAO-LÔ II
GỬI SƠ LUCIA.
(Bản gốc)
(Bản dịch)
Gửi Sơ đáng kính Maria Lucia
Thuộc Nhà dòng Coimbra
Trong niềm vui lớn lao của Lễ Phục-sinh, Cha gửi lời thăm hỏi con bằng những lời Chúa Giê-su Phục- sinh đã nói với các tông đồ: “Bình an cho con”!
Cha rất hạnh phúc sẽ có thể gặp được con vào ngày đã chờ đợi từ lâu, ngày phong Chân-phúc cho Phan-xi-cô và Gia-xinh-ta, mà để đẹp lòng Thiên Chúa, Cha sẽ cử hành vào ngày 13 tháng 05 năm nay.
Bởi vì hôm đó sẽ chỉ đủ thời giờ để chào hỏi thôi chứ không đủ giờ để đàm thoại, nên Cha nhờ Ðức Tổng Giám-mục Tarcisio Bertone, Thư-ký Thánh-bộ về Tín-lý Ðức-tin đến nói chuyện với con. Ðây là Thánh-bộ làm việc gần gũi nhất với Ðức Giáo-hoàng trong việc bảo vệ đức tin Công-giáo chân truyền, và từ năm 1957, như con biết, Thánh-bộ đã lưu giữ bức thư viết tay của con chứa đựng phần thứ ba của “bí mật” được mạc khải ngày 13 tháng Bảy, 1917 tại Cova da Irie, Fatima.
Ðức Tổng Giám-mục Bertone cùng với Ðức Giám-mục điạ phận Leiria, tức là Ðức Cha Serafim de Sousa Ferreira e Silva, sẽ đại diện Cha đến để hỏi con một số câu hỏi về việc giải thích “phần thứ ba của bí mật”.
Sơ Maria Lucia thân mến, con có thể nói công khai và tự nhiên với Ðức Tổng Giám-mục Bertone, người sẽ trình lại những câu trả lời của con trực tiếp cho Cha.
Cha tha thiết cầu nguyện với Mẹ của Chúa Sống-lại cho con, thưa Sơ đáng kính, cho Hội dòng ở Coimbra và cho toàn thể Giáo-hội. Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của nhân loại lữ hành, giữ cho chúng ta luôn luôn được kết hợp với Chúa Giê-su, Con yêu quí của Mẹ và là anh chúng ta, Chúa của sự sống và vinh quang.
Cha chúc lành cho con với Phép-lành Tông-toà đặc biệt của Cha.
Tại Vatican, 19 tháng Tư, 2000.
IOANNES PAULUS PP. II
Phần 5: Cuộc trao đổi gặp gỡ giữa hai vị đại diện của ĐTC và chị Lucia ngày 27/4/2000
BUỔI ÐÀM THOẠI
VỚI SƠ MARIA LUCIA
CỦA CHÚA GIÊ-SU VÀ TRÁI TIM VÔ NHIỄM
Buổi gặp gỡ giữa Sơ Lucia với Ðức Tổng Giám-mục Tarcio Bertone, Thư-ký Thánh-bộ về Tín-lý Ðức- tin, đặc sứ của Ðức Thánh Cha, và Ðức Cha Serafim de Sousa Ferreira e Silva, Giám-mục địa phận Leiria-Fatima, đã xảy ra vào ngày Thứ Năm, 27 tháng Tư, 2000, tại dòng Ca-mê-lô của thánh Tê-rê-sa ở Coimbra.
Sơ Lucia thì vừa sáng suốt vừa thoải mái; Sơ rất sung sướng được biết là Ðức Thánh Cha sẽ đến Fatima để phong Chân-phúc cho Phan-xi-cô và Gia-xinh-ta, chuyện mà Sơ đã chờ đợi từ lâu. Ðức Giám-mục địa phận Leiria-Fatima đã đọc thủ bút lá thư của Ðức Thánh Cha giải thích những lý do Ngài sẽ đến thăm. Sơ Lucia cảm thấy rất vinh hạnh vì chuyện này, nên chính Sơ đã đọc lại lá thư, chiêm ngưỡng nó trong đôi tay của mình. Sơ nói là mình đã chuẩn bị để thành thật trả lời tất cả mọi câu hỏi.
Ðến lúc này, Ðức Tổng Giám-mục Bertone đưa cho Sơ hai phong bì: một phong bì ở ngoài đựng một phong bì bên trong, là phong bì chứa phần thứ ba của “bí mật” Fatima. Ngay khi chạm những ngón tay vào phong bì này, Sơ đã kêu lên: “Ðây là thư của con”, rồi lại nói khi đang đọc thư: ” Ðây là chữ viết của con”. Bản viết nguyên thủy bằng tiếng Bồ-đào-nha được Ðức Giám-mục địa phận Leiria-Fatima giúp để đọc lại và diễn giải. Sơ Lucia đã đồng ý với sự diễn giải rằng phần thứ ba của “bí mật” là một thị kiến tiên tri giống như những lần trong lịch sử thánh. Sơ lặp lại sự xác tín rằng thị kiến Fatima, trên hết, liên quan đến cuộc đấu tranh của chủ nghĩa cộng sản vô thần chống lại Giáo-hội và chống lại các Ki-tô hữu, và diễn tả những khổ nhục kinh khủng mà các nạn nhân của đức tin trong thế kỷ thứ 20 phải chịu.
Khi được hỏi: ” Có phải nhân vật chính trong thị kiến là Ðức Giáo-hoàng không?”, Sơ Lucia đã lập tức trả lời đúng như vậy. Sơ nhớ lại là ba em đã rất buồn vì Ðức Giáo-hoàng phải đau đớn, và Gia-xinh-ta cứ nói hoài:” Coitadinho do Santo Padre, tenho muita pena dos pecadores!” (” Tội nghiệp Ðức Thánh Cha, em rất buồn vì những tội nhân!”). Sơ Lucia lại nói tiếp: “Chúng con đã không biết tên Ðức Giáo-hoàng; Ðức Mẹ không nói cho chúng con biết tên Ðức Giáo-hoàng; chúng con không biết có phải là Ðức Bê-nê-đi-tô XV hay Ðức Pi-ô XII hay Ðức Phao-lô VI hay Ðức Gio-an Phao-lô II hay không; nhưng đúng là một vị Giáo-hoàng đang đau đớn và làm cho chúng con cũng đau đớn nữa”
Còn về đoạn văn nói Ðức Giám-mục mặc màu trắng, nghĩa là, Ðức Thánh Cha – như các em đã nhận ra được ngay lập tức trong khi “thị kiến” – bị đánh chết và ngã xuống đất, Sơ Lucia đã hoàn toàn đồng ý với lời công bố của Ðức Giáo-hoàng là “chính bàn tay của một người mẹ đã đẩy đưa đường đạn bay và trong cơn đau cùng cực, Ðức Giáo-hoàng đã dừng lại ngay trước ngưỡng cửa của thần chết” ( Ðức Giáo-hoàng Gio-an Phao-lô II, Suy-niệm từ Policlinico Gemelli gửi các Giám-mục Ý, 13 tháng Năm, 1994).
Trước khi trao phong bì có niêm ấn đựng phần thứ ba của “bí mật” cho Ðức Giám-mục địa phận Leiria-Fatima thời bấy giờ, Sơ Lucia đã viết ở ngoài bì thư là phong bì chỉ được mở ra sau năm 1960 mà thôi, hoặc do Ðức Thượng-phụ thành Lisbon hoặc do Ðức Giám-mục địa phận Leiria. Thế nên Ðức Tổng Giám-mục Bertone đã hỏi: “Tại sao chỉ được mở sau năm 1960? Có phải Ðức Mẹ đã chọn niên lịch đó không?” Sơ Lucia trả lời: “Không phải Ðức Mẹ. Con đã chọn niên lịch đó bởi vì con đã có trực giác rằng trước năm 1960 thì không hiểu được nó, mà chỉ sau này mới có thể hiểu được nó thôi. Bây giờ thì hiểu nó tường tận hơn. Con đã viết xuống điều gì con đã thấy; tuy nhiên, phần giải thích không thuộc về con nhưng thuộc về Ðức Giáo-hoàng”.
Cuối cùng, một tập bản thảo viết tay chưa được phổ biến mà Sơ Lucia đã soạn sẵn như một bài trả lời chung cho các thư từ, do các người mộ mến Ðức Mẹ và các khách hành hương gửi tới, cũng đã được nhắc đến. Tác phẩm được gọi là Os apelos da Mensagem de Fatima và dưới hình thức giáo lý và khuyến dụ nó thâu gồm lại với nhau những tư duy và những suy niệm, diễn tả những cảm nghiệm của Sơ Lucia, và đời sống tu đức trong suốt và không bị ảnh hưởng gì của Sơ. Ðược hỏi là nếu tập bản thảo được xuất bản Sơ có sung sướng không thì Sơ trả lời: “Nếu Ðức Thánh Cha đồng ý thì con rất sung sướng, còn không, con sẽ tuân phục điều Ðức Thánh Cha quyết định”. Sơ Lucia muốn đệ trình bản thảo để nhận được sự chuẩn nhận của giáo quyền, và Sơ hy vọng rằng điều gì mình đã viết ra sẽ giúp hướng dẫn mọi người nam nữ có lòng thành đi trên con đường dẫn tới Thiên Chúa, mục đích tối hậu của mọi khao khát của con người. Buổi đàm thoại chấm dứt bằng việc trao đổi tràng chuỗi mân côi. Sơ Lucia được Ðức Thánh Cha tặng một chuỗi và Sơ đã tặng lại một số tràng chuỗi do chính tay Sơ làm ra.
Buổi gặp gỡ được bế mạc bằng phép lành được gửi đến nhân danh Ðức Thánh Cha.
Phần 6: Lời Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano cuối lễ phong Á Thánh 13/5/2000
BẢN CÔNG BỐ CỦA ÐỨC HỒNG Y ANGELO SODANO
QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH
Vào cuối Thánh-lễ mà Ðức Thánh Cha chủ tế tại Fatima, Ðức Hồng-y Angelo Sodano, Quốc-vụ Khanh Tòa Thánh, đã đọc bản công bố này bằng tiếng Bồ-đào-nha, được dịch ra như sau:
Kính thưa Anh Chị Em trong Chúa!
Vào lúc bế mạc buổi đại lễ trọng thể này, tôi cảm thấy bó buộc phải dâng lên Ðức Thánh Cha yêu quí Gio-an Phao-lô II, thay mặt cho tất cả mọi người hiện diện, những lời cầu chúc tốt đẹp nồng ấm nhất nhân dịp Ngài sắp tới ngày sinh nhật thứ 80, và cám ơn Ngài vì sứ mạng mục vụ quan trọng Ngài làm cho lợi ích của toàn thể Hội-thánh Chúa; chúng ta hãy dâng lên Ngài những lời nguyện chúc nồng nhiệt nhất của toàn thể Giáo-hội.
Trong dịp thăm viếng Fatima trọng thể này của Ngài, Ðức Thánh Cha đã chỉ định tôi đọc một bản công bố tới quí anh chị em. Như quí anh chị em biết, mục đích của chuyến đến Fatima của Ngài là để phong Chân-phúc cho hai “mục đồng tí hon”. Dầu sao, Ngài cũng mong ước chuyến hành hương của mình một lần nữa trở thành nghĩa cử tạ ơn Ðức Mẹ vì sự che chở của Mẹ trong những năm tháng thuộc thời đại Giáo-hoàng của Ngài. Sự chở che này cũng được xem như có liên hệ đến điều được gọi là phần thứ ba của “bí mật” Fatima.
Văn bản đó chứa đựng một thị kiến tiên tri giống như những thị kiến tìm thấy trong Kinh-thánh, không diễn tả hình cảnh những chi tiết của những biến cố tương lai, nhưng tổng hợp và thu gọn lại vào một bối cảnh duy nhất những sự kiện được trải dài qua thời gian theo một thứ tự và thời hạn không nhất định. Thế nên kết luận là văn bản phải được giải thích theo tính chất biểu tượng.
Quan trọng hơn hết là thị kiến Fatima liên quan tới cuộc chiến do những hệ thống vô thần đưa ra chống lại Giáo-hội và những Ki-tô hữu, và diễn tả sự thống khổ vô bờ mà những chứng nhân đức tin phải gánh chịu trong thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ. Ðó là Chặng-đàng Thánh-giá vô cùng tận được dẫn đầu bởi các Ðức Giáo-hoàng của thế kỷ 20.
Theo sự giải thích của các “mục đồng tí hon”, điều mà Sơ Lucia cũng đã xác nhận mới đây, thì ” vị Giám-mục mặc màu trắng” đang cầu nguyện cho tất cả các tín hữu là Ðức Giáo-hoàng. Khi Ngài phải khó khăn lắm mới tiến về phía Thánh-giá ở giữa những tử thi của những người đã tử đạo ( Các Giám- mục, Linh-mục, Tu-sĩ nam nữ và nhiều giáo dân), Ngài cũng ngã xuống đất, giống như đã chết, dưới hàng loạt súng đạn.
Sau vụ mưu sát ngày 13 tháng năm, 1981, thật tỏ tường là có “bàn tay của một người mẹ đẩy đưa đường đạn bay”, khiến cho “Ðức Giáo-hoàng trong cơn đau đớn cùng cực” dừng được lại ngay “trước ngưỡng cửa của thần chết” ( Ðức Giáo-hoàng Gio-an Phao-lô II, Suy-niệm từ Policlinico Gemelli gửi các Giám- mục Ý, Insegnamenti, XVII,1 [1994], 1061).
Trong dịp Ðức Giám-mục địa phận Leiria-Fatima viếng thăm Rô-ma, Ðức Giáo-hoàng đã quyết định tặng ngài viên đạn đã nằm trong xe díp sau vụ mưu sát, để nó có thể được đặt tại địa điểm hành hương. Theo quyết định của Ðức Giám-mục, viên đạn sau này đã được đặt vào triều thiên của thánh tượng Ðức Mẹ Fatima.
Rồi những biến cố liên tiếp của năm 1989, cả trong liên bang Sô-viết lẫn trong một số nước Ðông Âu, đã dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản cổ võ chủ thuyết vô thần. Cũng vì sự kiện này mà Ðức Thánh Cha dâng lên Ðấng Rất Thánh Ðồng-trinh những lời cảm tạ nồng nàn thiết tha. Tuy nhiên, nơi nhiều vùng đất khác trên thế giới, những cuộc tấn công chống Giáo-hội và Ki-tô hữu, mà họ phải gánh chịu những thống khổ, vẫn đau buồn tiếp diễn. Cho dù nếu như các biến cố mà phần thứ ba của “bí mật” Fatima nói đến bây giờ xem ra có vẻ như là đã thuộc về quá khứ, nhưng lời kêu gọi của Ðức Mẹ về việc hoán cải và đền tội, được ban ra vào thời đầu thế kỷ thứ 20, thì ngày nay vẫn còn hợp thời và cấp bách.
“Bà Chúa của sứ điệp xem như đọc được dấu chỉ của các thời đại – những dấu chỉ thuộc thời đại chúng ta – với một tri thức nội tại đặc biệt.Việc Mẹ Maria Chí-thánh kiên trì mời gọi phải đền tội chẳng là gì ngoại trừ biểu lộ mối quan ngại hiền mẫu của Ngài cho số phận của gia đình nhân loại đang cần ơn hoán cải và thứ tha.” ( ÐGH Gio-an Phao-lô II, Sứ-điệp Ngày Quốc-tế dành cho Bệnh nhân, số 1, Insegnamenti, XIX, 2 [1995], 561).
Ðể các tín hữu có thể lãnh hội sứ điệp của Ðức Mẹ Fatima tối đẹp hơn, Ðức Giáo-hoàng đã trao trọng trách cho Thánh-bộ về Tín-lý Ðức-tin việc phổ biến phần thứ ba của “bí mật”, sau khi đã sửa soạn một bài bình luận thích hợp.
Anh Chị Em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Ðức Mẹ Fatima vì ơn Ngài che chở. Chúng ta hãy phó dâng Giáo-hội thuộc đệ tam thiên niên kỷ cho sự cầu bầu hiền mẫu của Mẹ.
Sub tuum praesidium cofugimus, Santa Dei Genetrix! Intercede pro Ecclesia. Intercede pro Papa nostro Ioanne Paulo II. Amen.
Fatima, 13 tháng Năm, 2000.
Phần 7: Dẫn giải thần học của Đức Hồng Y Tổng Trưởng về Bí Mật Fatima phần thứ ba.
BÀI BÌNH LUẬN THẦN HỌC
Hồng-y Joseph Ratzinger
Tổng-trưởng Thánh-bộ về Tín-lý Ðức-tin
Việc đọc cẩn thận văn bản của điều được gọi là phần thứ ba của “bí mật”, được ấn hành nơi đây toàn bộ đầy đủ dữ kiện thật sự và do quyết định của Ðức Thánh Cha, sẽ có thể chứng minh rằng tất cả chỉ hoặc là thất vọng hoặc là ngỡ ngàng những sự suy diễn mà bí mật đã khơi lên. Không có mầu nhiệm vĩ đại nào được mạc khải; cũng chẳng có tương lai nào được tiết lộ. Chúng ta thấy Giáo-hội của các vị tử đạo trong thế kỷ vừa qua, đã biểu lộ trong một cảnh trí được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ biểu tượng và rất khó mà đọc được ám hiệu. Ðây có phải là điều Mẹ Thiên Chúa muốn truyền đạt cho Ki-tô giáo và cho nhân loại vào thời điểm khó khăn và chán nản hết sức không? Nó có giúp chúng ta chút nào vào bước đầu của thiên niên kỷ mới không? Hoặc giả đây chỉ là những dự phóng thuộc thế giới nội tâm của trẻ nhỏ, được phát sinh từ cực điểm của lòng sùng đạo đồng thời cũng bị ngả nghiêng vì giông bão đang đe dọa thời đại của chúng? Chúng ta phải hiểu thị kiến như thế nào? Từ đó chúng ta nghiệm ra được điều gì?
Mạc-khải Công-khai và những mạc khải riêng tư – và vị thế thần học của chúng: Trước khi thử đưa ra một giải thích, thì trong bản công bố mà Ðức Hồng-y Sodano đọc ngày 13 tháng 05 năm nay vào cuối Thánh-lễ do Ðức Thánh Cha cử hành tại Fatima, chúng ta đã tìm gặp những dòng chữ chính yếu cần một vài soi dẫn cách thức căn bản, căn cứ theo giáo huấn của Giáo-hội, để những hiện tượng như là Fatima phải được hiểu trong đường sống đức tin. Giáo huấn của Giáo-hội phân biệt giữa “Mạc-khải Công-khai” và “những mạc khải riêng tư”. Hai thực thể này khác nhau không những chỉ trong nồng độ mà còn cả trong bản chất nữa. Cụm từ “Mạc-khải Công-khai” liên quan đến hành động mạc khải của Thiên Chúa trực tiếp cho nhân loại như một toàn thể nói chung và được tìm thấy nơi văn chương biểu thị trong hai phần của Kinh-thánh: Sách Cựu-ước và Tân-ước. Ðược gọi là “Mạc-khải” bởi vì trong đó Thiên Chúa đã từ từ cho con người biết được Ngài, cho đến độ chính Ngài trở thành con người, mục đích để kéo cả thế giới về với Ngài và kết hợp nó với Ngài qua Người Con Nhập-thể, Chúa Giê-su Ki-tô. Do đó, đó không phải là vấn đề của truyền đạt thần học, nhưng là một tiến trình ban sự sống mà Thiên Chúa đến để gặp con người. Ðồng thời tiến trình này cũng tự nhiên tạo ra những dữ kiện của trí tuệ và của nhận thức về sự nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ðó là một tiến trình liên hệ đến con người, con người toàn diện, do đó bao gồm cả lý trí, nhưng không phải chỉ có lý trí mà thôi. Bởi vì Thiên Chúa là Một, nên lịch sử mà Ngài thông chia cho nhân loại cũng chỉ là một. Lịch sử đó mãi đúng trong mọi thời và đã đạt tới sự viên mãn của nó trong sự sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô. Trong Ðức Ki-tô, Thiên Chúa đã nói hết mọi sự, nghĩa là, Ngài đã mạc khải chính Ngài cách trọn vẹn, và do đó nên Mạc-khải đã chấm dứt với việc thành toàn mầu nhiệm của Ðức Ki-tô được giãi bày trong Tân-ước. Ðể giải thích sự chấm dứt và sự vẹn tròn của Mạc-khải, Sách Giáo-lý của Giáo-hội Công-giáo trích dẫn lời của thánh Gio-an Thánh-giá: “Trong việc trao ban Con Mình cho chúng ta, Ngôi Lời duy nhất của Ngài ( vì Ngài không còn Lời nào khác ), Ngài đã nói hết mọi sự cùng một lúc cho chúng ta trong Ngôi Lời duy nhất này – và Ngài không còn gì để nói thêm. Bởi vì điều Ngài đã nói trước kia qua các ngôn sứ chỉ là từng phần, còn bây giờ Ngài nói tất cả cùng một lúc bằng việc ban cho chúng ta Ngài-Trọn-Vẹn là Người Con của mình. Bất cứ ai thắc mắc với Thiên Chúa hay đòi hỏi một vài thị kiến hoặc mạc khải, sẽ không những chỉ có tội vì hành động ngu xuẩn mà còn vì xúc phạm đến Ngài, vì họ đã không mở mắt nhìn trọn vẹn vào Ðức Ki-tô mà đang sống với mong ước một vài chuyện hoang đường nào đó” ( Số 65; Thánh Gio-an Thánh-giá, Trèo núi Ca-mê-lô, II, 22 ).
Bởi vì cuộc Mạc-khải duy nhất của Thiên Chúa cho tất cả mọi người đã được thành toàn nơi Ðức Ki-tô và chứng tích của Ngài trong những sách Tân-ước, nên Giáo-hội được buộc liền vào với biến cố duy nhất này của lịch sử thánh và vào lời của Kinh-thánh là quyển sách bảo đảm và giải thích nó. Nhưng điều này không có nghĩa là Giáo-hội chỉ có thể nhìn lại quá khứ và cứ phải lập lại cách khô khan. Sách Giáo-lý của Giáo-hội Công-giáo nói về việc này như sau: “… dù cho Mạc-khải đã chấm dứt hẳn rồi, nhưng nó không hoàn toàn minh bạch; nó dành lại cho đức tin Ki-tô để từ từ nắm bắt được ý nghĩa trọn vẹn của nó trên một quá trình trải dài nhiều thế kỷ” ( Số 66 ). Cách thế mà Giáo-hội bị ràng buộc vào tính chất duy nhất của biến cố cũng như vào tiến trình để hiểu được nó thì đã được giảng giải rất rõ ràng trong diễn từ biệt ly của Chúa khi Ngài sửa soạn rời các Tông-đồ, Ngài nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần-khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” ( Gio. 16:12-14 ). Một đàng, Thần-khí hoạt động như người hướng đạo khai mở sự thông hiểu mà trước đây không thể đạt được vì thiếu vắng tiền đề – đây chính là chiều rộng và chiều sâu vô biên của đức tin Ki-tô. Ðàng khác, được hướng dẫn bởi Thần-khí tức là cũng được ” rút tỉa ra ” từ sự phong phú của chính Chúa Giê-su Ki-tô, chiều sâu không bao giờ cạn, hiển hiện trên con đường mà Thần-khí dẫn đi. Về điểm này, sách Giáo-lý nhắc lại những lời nói sâu xa của Ðức Giáo-hoàng Grêgoriô Cả: ” Kinh-thánh tăng trưởng theo đà người ta đọc Kinh-thánh” (Số 94; Ðức Grêgoriô Cả, Homilia in Ezechielem 1,7,8). Công-đồng Vatican II ghi nhận 3 đường lối căn bản mà Thần-khí dùng để dẫn dắt Giáo-hội, và do đó có 3 phương thức để ” Lời tăng trưởng”, đó là: qua việc chiêm niệm và học hỏi của tín hữu, qua sự thông hiểu sâu đậm nhờ vào kinh nghiệm siêu nhiên, và qua việc giáo huấn của ” những người, mà nhờ vào việc được kế nhiệm trách vụ của Giám-mục đoàn, đã lãnh nhận được đặc sủng vững vàng của sự thật” ( Dei Verbum, 8).
Trong văn mạch này thì bây giờ trở thành có thể hiểu đúng được ý niệm về “mạc khải riêng tư”, liên quan đến tất cả các thị kiến và mạc khải đã xảy ra từ lúc Tân-ước đã hoàn tất. Ðây là chủng loại chúng ta phải áp dụng vào với sứ điệp Fatima. Về phương diện này, chúng ta hãy một lần nữa lắng nghe Sách Giáo-lý của Giáo-hội Công-giáo: “Qua các thế hệ, đã có nhiều lần được gọi là cuộc mạc khải ‘riêng tư’, mà một vài lần đã được thẩm quyền của Giáo-hội công nhận. Vai trò của chúng không phải là hoàn tất sự Mạc-khải chung cuộc của Ðức Ki-tô, nhưng là để giúp sống Mạc-khải đầy đủ hơn trong một thời điểm nhất định nào đó trong lịch sử” ( Số 67 ). Việc này làm sáng tỏ hai điều:
1. Thẩm quyền của mạc khải riêng tư thì tự căn bản đã khác hẳn với Mạc-khải Công-khai đã hoàn tất. Mạc-khải Công-khai đòi phải có đức tin; trong đó chính Thiên Chúa thực sự nói với con người bằng ngôn ngữ loài người và qua trung gian của một cộng đồng sống động của Giáo-hội. Tin vào Thiên Chúa và tin vào Lời của Ngài thì khác xa với bất cứ hình thức tin, tin tưởng hay ý kiến của nhân loại nào khác. Sự chắc chắn rằng Thiên Chúa đang nói, mang lại cho ta sự bảo đảm rằng ta đang chạm tới chính sự thật. Nó mang lại cho ta sự chứng thực vượt qua sự kiểm nhận bằng kiến thức của con người qua mọi phương cách. Ðó là sự chứng thực mà ta dùng để xây dựng cuộc sống và là điều ta phó thác bản thân mình khi chết đi.
2. Mạc khải riêng tư là sự trợ giúp cho đức tin này, và tỏ ra mức khả tín của nó cách khúc chiết bằng việc dẫn ta trở lại với Mạc-khải Công-khai cuối cùng. Về vấn đề này, Ðức Hồng-y Prospero Lambertini, tức Ðức Giáo-hoàng Bê-nê-đi-tô XIV tương lai, trong bài khái luận cổ điển của Ngài, mà sau này đã trở thành tiêu chuẩn để phong chân phúc và phong thánh, nói: ” Sự thừa nhận tín ngưỡng của đức tin Công-giáo không lệ thuộc vào những mạc khải được công nhận cách này; và không thể như vậy được. Những mạc khải này đúng ra là đi tìm một sự thừa nhận niềm tin nhân loại sao cho phù hợp với đòi hỏi của sự khôn ngoan, một sự thừa nhận niềm tin đặt những mạc khải trước chúng ta như là khả thể và khả tín cho lòng mến mộ”. Nhà thần học Phần-lan E. Dhanis, một học giả nổi bật trong bình diện này, nói cách ngắn gọn rằng sự chuẩn nhận một mạc khải riêng tư của Giáo-hội gồm đủ ba nguyên tố: sứ điệp không có gì ngược lại với đức tin hay luân lí; hợp pháp để phổ biến; và tín hữu được phép chấp nhận với sự khôn ngoan. ( E. Dhanis, Sguardo su Fatima e bilancio di una discussione, trong tập Civiltà Cattolica 104 [1953], II, 392-406, đặc biệt trang 397).
Do đó, định chuẩn cho sự thật và giá trị của một mạc khải riêng tư là sự hướng định của nó qui về chính Ðức Ki-tô. Khi nó đưa chúng ta lìa xa khỏi Ngài, khi nó trở thành độc lập khỏi Ngài hoặc có khi còn tự cho mình là một chương trình cứu rỗi khác tốt đẹp hơn, quan trọng hơn của Tin-mừng, thì chắc chắn lúc đó nó không phải đến từ Chúa Thánh-thần, Ðấng dẫn đưa chúng ta vào sâu trong Tin-mừng hơn chứ không xa khỏi Tin-mừng. Ðiều này không có nghĩa rằng một mạc khải riêng tư sẽ không đưa ra được những xung động mới hay dựng lên những nghi thức sùng mộ mới, hoặc đào sâu thêm hay quảng bá những nghi thức đã có. Tuy nhiên, trong tất cả, phải có việc nuôi dưỡng đức tin, đức cậy và đức mến, những nhân đức làm thành con đường bất di dịch của ơn cứu rỗi cho mọi người. Chúng ta có thể thêm rằng những mạc khải riêng tư thường được phát sinh từ lòng sùng đạo thông thường và để lại ấn tích trên đó, đem lại cho nó một xung động mới hoặc mở ra cách thức cho những nghi thức sùng đạo mới. Ðiều này cũng chẳng loại trừ việc chúng sẽ có cả ảnh hưởng tới phụng vụ, thí dụ như chúng ta thấy trong lễ trọng kính Mình Máu thánh Ðức Ki-tô và lễ trọng kính Thánh-tâm Chúa Giê-su. Dưới một khía cạnh nào đó, mối liên quan giữa Mạc-khải và những mạc khải riêng tư trông giống như mối liên quan giữa phụng vụ và lòng sùng đạo thông thường: phụng vụ là tiêu chuẩn, đó là hình thức sống động của Giáo-hội như một toàn thể được nuôi dưỡng trực tiếp bằng Tin-mừng. Lòng sùng đạo thông thường là dấu chỉ rằng đức tin đang lan rễ sâu vào trong tâm hồn của một người đến độ đức tin tỏ lộ ra trong cuộc sống hằng ngày. Lòng đạo đức thông thường là tư thế đầu tiên và căn bản của việc “khai sáng” đức tin. Trong khi hướng dẫn và qui chiếu của lòng sùng đạo phải lấy từ phụng vụ, nhưng đến lượt nó, nó lại làm giàu đức tin bằng việc lôi cuốn con tim.
Như thế, chúng ta đã từ những minh định hơi tiêu cực cần thiết lúc ban đầu, để tới định nghĩa tích cực của những mạc khải riêng tư. Làm thế nào để xếp loại cho chính xác những mạc khải này trong mối liên hệ với Kinh-thánh? Chúng thuộc về loại thần học nào? Lá thư lâu đời nhất của thánh Phao-lô được bảo toàn, có lẽ là tài liệu xưa cũ nhất của Tân-ước, Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca, đối với tôi xem ra chỉ cho cách phải làm. Thánh Tông-đồ nói: “Anh em đừng dập tắt Thần-khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ;” (5: 19-21). Trong mọi thời đại, Giáo- hội đã nhận được thần sủng của ơn nói tiên tri, điều cần được kiểm xét kỹ lưỡng nhưng không bị khinh khi. Về điểm này, cần phải nhớ trong đầu là nói tiên tri trong nghĩa Kinh-thánh không có nghĩa là nói trước về tương lai, nhưng là giải thích thánh ý của Thiên Chúa cho thời hiện tại, và như thế là chỉ rõ con đường đúng phải theo trong tương lai. Một người nói trước được điều gì sắp xảy ra đáp ứng được tính hiếu kỳ của trí khôn muốn vén bức màn che tương lai. Vị ngôn sứ nói tới mù lòa về ý chí và lý luận, và tuyên bố thánh ý Thiên Chúa như một định chuẩn và một đòi hỏi cho thời hiện tại. Trong trường hợp này, tiên đoán về tương lai trở thành thứ yếu. Ðiều căn bản là sự thể hiện thực sự của Mạc- khải chung cuộc, Mạc-khải liên quan tới cá nhân tai ở mực độ sâu đậm nhất. Lời tiên tri là một lời cảnh giác hay lời khuyên nhủ, hoặc cả hai với nhau. Theo nghĩa này thì có mối liên hệ giữa thần sủng của ơn tiên tri với chủng loại của “những dấu chỉ thời đại”, mà Công-đồng Vatican II đã đem ra ánh sáng mới: ” Cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?” (Luca 12:56). Trong câu nói này của Chúa Giê-su, “những dấu chỉ thời đại” phải được hiểu như con đường Ngài đang lãnh nhận, quả thực nó phải được hiểu là chính Chúa Giê-su. Ðể giải thích những dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng đức tin tức là để nhận thức được sự hiện diện của Ðức Ki-tô trong mọi thời đại. Trong những mạc khải riêng tư được Giáo-hội công nhận – và do đó có cả Fatima – thì đây là chính điểm: chúng giúp chúng ta để hiểu được những dấu chỉ thời đại và đáp ứng lại những dấu chỉ ấy cách đúng đắn trong đức tin.
Cấu trúc theo khoa nhân chủng và những mạc khải riêng tư :Trong những tư duy trên, chúng ta đã đạt tới mức xác định được vị thế thần học của những mạc khải riêng tư. Trước khi vào việc giải thích sứ điệp Fatima, chúng ta còn phải cố đưa ra một vài sự minh định cách ngắn gọn về đặc tính nhân chủng ( tâm sinh lí ) của chúng nữa. Trong phạm vi này, khoa nhân chủng thần học phân biệt 3 hình thái tri thức hay “thị kiến”: thị kiến qua giác quan, và như vậy gọi là tri thức thể lý, tri thức nội tâm, và thị kiến thiêng liêng (visio sensibilis – imaginativa – intellectualis ). Thật là minh bạch, những thị kiến tại Lộ-đức, Fatima và những nơi khác thì không có thắc mắc gì về tri thức bên ngoài bình thường của giác quan: những hình ảnh và hình thể được nhìn thấy không tại vị giữa từng không, giống như trường hợp một thân cây hay một ngôi nhà chẳng hạn. Ðây là chuyện hoàn toàn tỏ tường, thí dụ như đối với thị kiến về hỏa ngục ( được mô tả trong phần thứ nhất của “bí mật” Fatima), và cả thị kiến được mô tả trong phần thứ ba của “bí mật” nữa. Nhưng đối với những thị kiến khác cũng dễ dàng tỏ ra y như thế, đặc biệt là không phải mọi người hiện diện được nhìn thấy, mà chỉ có “những người thụ khải” mà thôi. Cũng rất rõ ràng là không phải vấn đề “thị kiến” trong tâm trí mà không cần một hình ảnh nào, như xảy ra trong phái chiêm niệm ở bậc cao nhất. Do đó, chúng ta nói tới loại ở giữa, loại tri thức nội tâm. Ðối với người được thị kiến, thì loại tri thức này chắc chắn có mãnh lực của một sự hiện diện đối với họ tương đương với sự biểu hiện bề ngoài đối với các giác quan.
Thị kiến nội tâm không có nghĩa là mơ tưởng, tức chỉ là việc biểu lộ sự tưởng tượng chủ quan, không hơn. Thị kiến nội tâm đúng ra là linh hồn được đánh động bởi một điều gì thực sự, vượt cả ra ngoài các giác quan. Ðược hiểu là khả năng nhìn thấy điều vượt trên các giác quan, điều không thể thấy được – khả năng thấy được nhờ vào “những giác quan nội tâm”. Nó liên quan đến “những đối tượng” thực sự đánh động linh hồn, cho dù ‘những đối tượng” này thuộc về thế giới cảm tính cư ngụ của chúng ta. Ðây là lý do tại sao tâm hồn cần phải có một sự tỉnh thức nội tâm, tâm hồn thường được dự phóng bởi sức ép dầy đặc của thực tại bên ngoài và của những hình ảnh và tư tưởng đang tràn ngập linh hồn. Một người được dẫn dắt vượt qua thể chất ngoại tại và được đánh động do những chiều kích sâu thẳm hơn của thực tại mà người ấy có thể thấy được. Có lẽ điều này cắt nghĩa tại sao các em nhỏ thường là những kẻ được nhìn thấy các cuộc hiện ra này: linh hồn các em chưa bị quấy nhiễu, tiềm năng tiếp thị nội tại của các em chưa bị lệch lạc. “Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen”, Chúa Giê-su dùng Thánh Vịnh 8 (câu 3) để đáp lại lời phê phán của những Thầy-cả Thượng-phẩm và những kỳ mục, những kẻ xét đoán những la lối “hosanna” của các em là không thích hợp (xem Mat. 21:16).
“Thị kiến nội tâm” không phải là mơ tưởng nhưng, như chúng ta đã nói, nhưng là phương thế đích thực và vững chắc cho việc chứng thực. Tuy nhiên nó cũng có giới hạn của nó. Ngay trong thị kiến bề ngoài thì nguyên tố đối tượng phải luôn luôn hiện diện. Chúng ta không thấy rõ được hết chính đối tượng, mà phải qua lăng kính giác quan để đến với chúng ta, đặc biệt khi đối tượng liên quan đến những thực tại mà chính chúng lại thăng hoa nhãn quan của chúng ta lên. Chủ thể hay người thụ khải còn liên can mạnh mẽ hơn nữa. Họ có thể nhìn thấy xa hết mức có thể, trong những cách thế mà sự biểu hiện và ý thức của họ cho phép. Trong trường hợp thị kiến nội tâm, diễn tiến giải thích còn bao quát hơn thị kiến bề ngoài nhiều, bởi vì chủ thể chia sẻ trong tư thế rất căn bản vào sự tạo dựng hình ảnh xuất hiện. Người ấy chỉ có thể tạo dựng được hình ảnh theo khả năng và khả thể của họ mà thôi. Do đó, những thị kiến như thế không bao giờ là “ảnh chụp” thuần túy của một thế giới khác, nhưng chúng bị ảnh hưởng bởi những khả thể và giới hạn của chủ thể tri thức.
Ðiều này có thể được biểu chứng trong tất cả các thị kiến lớn của các thánh; và tự nhiên là cũng rất đúng đối với thị kiến của các em nhỏ tại Fatima. Những hình ảnh các em diễn tả không thế nào được coi là một diễn tả đơn thuần của mơ tưởng nơi các em, nhưng là kết quả của một thị kiến đích thị có một nguồn gốc cao vời và sâu đậm hơn. Nhưng cũng không được nghĩ tới các em như là trong giây lát tấm màn của thế giới nào khác đã được vén lên, với thiên đàng hiển lộ đúng bản tính đơn thuần của nó, giống như chúng ta hy vọng một ngày sẽ thấy nó trong sự kết hợp chung cục với Thiên Chúa. Theo cách nói thông thường, thì các hình ảnh đúng ra là một tổng hợp của xung động từ trên cao ban xuống và của khả năng lãnh hội xung động này của các người thụ khải, tức là các em nhỏ. Vì lý do này, ngôn ngữ tả hình của các thị kiến chỉ là biểu tượng. Về điểm này, Ðức Hồng-y Sodana đã nói: “[các em] không diễn tả hình cảnh những chi tiết của những biến cố tương lai, nhưng tổng hợp và thu gọn lại vào một bối cảnh duy nhất những sự kiện được trải dài qua thời gian theo một thứ tự và thời hạn không nhất định”. Việc thu gọn thời gian và không gian vào một hình ảnh duy nhất là đặc tính của các thị kiến như thế, những thị kiến mà phần lớn chỉ có thể được giải mã khi nhìn lại sau này mà thôi. Không phải mọi nguyên tố của thị kiến đều phải mang một ý nghĩa lịch sử đặc thù. Thị kiến được coi như một toàn thể mới là quan trọng, và những chi tiết thì phải được hiểu trên căn bản của những hình ảnh trong toàn bộ của chúng. Nguyên tố chính yếu của hình ảnh được biểu lộ khi nó phù hợp với chính điểm của việc “tiên tri” Ki-tô giáo: trọng điểm được tìm thấy ở chỗ thị kiến trở thành một lời mời và một hướng dẫn tới thánh ý Thiên Chúa.
Một cố gắng giải thích “bí mật” Fatima: Phần thứ nhất và thứ hai của “bí mật” Fatima đã được bàn luận rộng rãi trong số khá nhiều tài liệu đến nỗi không cần bàn lại thêm gì về chúng ở đây nữa. Tôi chỉ muốn gợi lại rất ngắn điểm quan trọng nhất thôi. Trong một lúc kinh hoàng, các em đã được thị kiến về hỏa ngục. Các em đã thấy “các linh hồn của những tội nhân khốn nạn” rơi xuống. Và bây giờ các em được nói cho biết lý do tại sao các em lại phải đối diện với giây phút này: “để cứu các linh hồn” – để chỉ cho con đường đến ơn cứu độ. Hãy nhớ lại những lời trong thư thứ nhất của thánh Phê-rô: “” bởi đã nhận được thành quả của đức tin nên con nhận được ơn cứu độ cho linh hồn mình” (1:9). Ðể đạt được mục đích này, con đường được chỉ định – rất ngạc nhiên đối với những người thuộc thế giới văn hóa Anglo-Saxon và Ðức quốc – là việc tôn sùng Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ Maria. Một lời bình luận ngắn chắc cũng đủ để giải thích điều này. Trong ngôn ngữ Kinh-thánh, từ “trái tim” định chỉ trung tâm của cuộc sống con người, điểm mà lý luận, ý chí, tính tình và cảm tính đều qui tụ về, nơi mà con người tìm được bản ngã cá biệt và hướng chiều nội tâm của mình. Theo thánh Mát-thêu 5:8, thì ” trái tim vô nhiễm” là trái tim, mà với ơn thánh của Thiên Chúa, đã trở nên một bản ngã cá biệt thiện toàn nội tâm và do đó “nhìn thấy Thiên Chúa”. Thế nên, “sùng mộ” Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ Maria nghĩa là mặc lấy thái độ của trái tim đã dâng lời fiat – “xin ý Ngài được thành toàn” – trung tâm quyết định của cả cuộc sống con người. Có thể có người cho là chúng ta không được đặt một nhân vật nào giữa chúng ta và Ðức Ki-tô. Thế nhưng chúng ta cũng nhớ rằng thánh Phao-lô đã không ngần ngại mà nói với các giáo đoàn của Ngài rằng:”hãy bắt chước tôi” ( 1Cor. 4:16; Phil. 3:17; 1 Th. 1:6; 2 Th. 3:7,9). Nơi thánh Tông đồ, người ta có thể thấy cụ thể làm sao để theo Ðức Ki-tô. Nhưng chúng ta có thể học hỏi nơi ai trong mọi thế hệ tốt hơn là nơi Mẹ của Chúa?
Như thế, cuối cùng cũng dẫn chúng ta tới phần thứ ba của “bí mật” Fatima, phần lần đầu tiên mới được công bố toàn bộ. Cũng rõ ràng như tài liệu được trình bày ở đây, việc giải thích được Ðức Hồng-y Sodano đưa ra trong bản công bố của Ngài vào ngày 13 tháng Năm, trước tiên đã được trao tận tay cho Sơ Lucia. Sơ Lucia trả lời là Sơ đã chỉ nhận được thị kiến mà không nhận được sự giải thích. Sơ nói, việc giải thích không tùy thuộc nơi người thụ khải, nhưng tùy thuộc nơi Giáo-hội. Tuy nhiên, sau khi đọc bản thảo, Sơ đã nói rằng bản giải thích phù hợp với điều mà Sơ đã có kinh nghiệm và rằng về phần mình, Sơ nghĩ là bản giải thích đúng. Do đó, sau đây chúng tôi chỉ cố cung ứng một nền tảng sâu xa hơn cho việc giải thích này dựa trên căn bản của những tiêu chuẩn đã được khảo sát trước.
“Ðể cứu các linh hồn” đã nổi bật lên như những lời then chốt của phần thứ nhất và thứ hai của “bí mật”, còn lời then chốt của phần thứ ba là lời 3 lần kêu gọi: “Ðền tội, Ðền tội, Ðền tội!” Nhớ phần mở đầu của Tin-mừng: ” Hãy sám hối và tin vào Tin-mừng” (Mc. 1:15). Hiểu những dấu chỉ thời đại nghĩa là chấp nhận nỗi cấp bách của đền tội – của hoán cải – của đức tin. Ðây là sự đáp ứng đúng với giây phút lịch sử, được biểu thị chân tướng bằng những nguy hiểm trầm trọng được phác họa qua những hình ảnh theo sau. Xin phép cho tôi kể lại một hồi tưởng cá nhân ở đây: trong buổi đàm luận với tôi, Sơ Lucia đã nói rằng đối với Sơ thật là rõ ràng hơn bao giờ hết mục đích của những lần hiện ra là để giúp cho con người thăng tiến mỗi ngày một hơn trong đức tin, đức cậy và đức mến – tất cả những điều khác đều dẫn tới điểm này.
Bây giờ chúng ta thử nghiệm xét những hình ảnh giống nhau cách khít khao hơn. Thiên thần với thanh gươm bừng cháy ở bên trái Mẹ Thiên Chúa nhắc đến những hình ảnh trong sách Khải-huyền. Ðiều này tượng trưng mối đe dọa của phán xét đang bao phủ thế giới. Ngày nay, viễn tượng về việc thế giới có thể biến thành tro bụi bằng một biển lửa xem ra như không còn là một mộng tưởng nữa: chính con người, với những phát minh của mình, đã luyện ra thanh gươm lửa. Rồi thị kiến lại chứng tỏ quyền lực đối đầu với mãnh lực hủy diệt – vẻ huy hoàng của Mẹ Thiên Chúa, và từ điểm này, trong một nghĩa nào đó, rút ra được lời kêu gọi đền tội. Bằng cách này, tầm quan trọng của sự tự do con người được nhấn mạnh: tương lai, trong thực tế, không phải là một định sẵn không thể đổi thay, và hình ảnh các em đã thấy không cách nào được coi như một cuốn phim tiên chiếu của tương lai, trong đó không gì có thể thay đổi được. Thật vậy, toàn điểm của thị kiến là mang sự tự do vào cảnh trí và lèo lái sự tự do theo đường hướng tích cực. Mục đích của thị kiến không phải là trình chiếu một cuốn phim về một tương lai định sẵn không thể đổi thay. Ý nghĩa của thị kiến thì lại hoàn toàn trái ngược: nó dụng ý để di động các mãnh lực đổi thay theo chiều hướng ngay thẳng. Vì thế, chúng ta phải triệt để bãi bỏ những giải thích mộng tưởng về “bí mật”, tỉ như tuyên bố rằng cuộc mưu sát ngày 13 tháng Năm, 1981 được Ðấng Quan Phòng sử dụng chỉ như một dụng cụ suông trong chương trình thần thiêng của Ngài, và do đó, đã không thể được hành xử cách tự do được. Ðúng hơn, thị kiến nói về những mối hiểm nguy và làm sao để chúng ta có thể được cứu thoát khỏi những nguy hiểm ấy.
Những đoạn tiếp theo của văn bản một lần nữa chứng tỏ rõ ràng đặc tính biểu tượng của thị kiến: Thiên Chúa vẫn còn là bao la vô tận, và Ngài là nguồn sáng vượt quá mọi thị kiến của chúng ta. Con người nhân linh xuất hiện như bóng trong gương. Chúng ta luôn luôn phải nhớ tới những giới hạn của chính thị kiến được biểu thị ở đây. Tương lai xuất hiện chỉ là “thấy lờ mờ như trong một tấm gương” (1 Cor. 13:12). Bây giờ chúng ta hãy soi xét những hình ảnh riêng rẽ tiếp theo trong văn bản của “bí mật”. Nơi xảy ra sự việc được diễn tả bằng 3 biểu tượng: một ngọn núi thẳng đứng, một thành phố lớn chỉ còn lại những đổ nát, và cuối cùng là một cây Thánh-giá lớn sần sùi. Ngọn núi và thành phố tượng trưng cho đấu trường của lịch sử con người: lịch sử như một cuộc trèo núi gian khổ để lên tới đỉnh, lịch sử như một hí trường của sáng tạo nhân linh và hài hòa xã hội, nhưng đồng thời cũng là nơi của phá hoại, nơi mà con người thực sự phá hủy những thành quả do việc làm của chính mình. Thành phố có thể là nơi của hiệp thông và thăng tiến, nhưng cũng có thể là chốn của hiểm nguy và của những đe dọa cực đoan nhất. Trên núi dựng một cây Thánh-giá – mục tiêu và hướng tiến của lịch sử. Thánh-giá biến sự hủy diệt thành ơn cứu độ; Thánh-giá đứng như một dấu chỉ cho sự bất hạnh của lịch sử, nhưng cũng như một hứa hẹn cho lịch sử.
Vào lúc này, những nhân vật xuất hiện: Ðức Giám-mục mặc màu trắng (“chúng con đã có ấn tượng đó là Ðức Thánh Cha”), những vị Giám-mục khác, các Linh-mục, quí Tu-sĩ nam nữ, và đàn ông đàn bà thuộc những tầng lớp và địa vị xã hội khác nhau. Có vẻ như Ðức Giáo-hoàng đi trước những người khác, run rẩy và đau đớn vì tất cả những nỗi kinh hoàng chung quanh Ngài. Không những chỉ có những ngôi nhà trong thành phố bị tiêu hủy một nửa, nhưng Ngài còn đi tới trên đường giữa những tử thi người chết. Thế đó, con đường của Giáo-hội được mô tả như Via Crucis (Chặng-đàng Thánh-giá), như cuộc hành trình xuyên qua thời đại của bạo lực, phá hủy và bách hại. Lịch sử của trọn thế kỷ có thể nhìn thấy như được trình bày trong hình ảnh này. Giống như những khoảng không gian nơi mặt đất được diễn tả hợp chung vào hai hình ảnh, ngọn núi với thành phố, và được hướng định về phía cây Thánh-giá, thì thời gian cũng được trình bày theo cách quy nạp như vậy. Trong thị kiến, chúng ta có thể nhận thức được thế kỷ vừa qua là thế kỷ của tử đạo, thế kỷ của khổ đau và bách hại đối với Giáo-hội, thế kỷ của những Thế-chiến và nhiều cuộc chiến tranh địa phương tràn ngập 50 năm cuối cùng và đã gây thương tích bằng những hình thức dã man chưa từng có. Trong “tấm gương” của thị kiến, chúng ta thấy những chứng tá đức tin từ thập niên này qua thập niên khác băng qua trước mặt chúng ta. Có lẽ rất thích hợp để nhắc lại ở đây một đoạn trong lá thư Sơ Lucia gửi Ðức Thánh Cha ngày 12 tháng Năm, 1982: ” nếu không, [nước Nga] sẽ gieo rắc lầm lạc trên khắp thế giới, gây nên những cuộc chiến và bách hại Giáo- hội. Người lành sẽ phải tử đạo; Ðức Thánh Cha sẽ gặp nhiều điều phải đau khổ; một số quốc gia sẽ bị diệt vong”.
Trong Chặng-đàng Thánh-giá của toàn thế kỷ, dung nhan Ðức Thánh Cha đóng một vai trò đặc biệt. Trong cuộc leo núi gian khổ của mình, chúng ta có thể chắc chắn thấy được một điểm đồng qui nơi các vị Giáo-hoàng. Bắt đầu từ Ðức thánh Giáo-hoàng Pi-ô X cho đến Ðức Giáo-hoàng đương nhiệm, tất cả các Ngài đều thông chia những đau thương của thế kỷ và đã quyết chí bước tới xuyên qua tất cả những muộn phiền trải dài dọc theo con đường dẫn đến Thánh-giá. Trong thị kiến, cả Ðức Giáo-hoàng cũng bị giết chết cùng với các vị tử đạo. Sau vụ mưu sát ngày 13 tháng Năm, 1981, sau khi Ðức Thánh Cha truyền đem văn bản phần thứ ba của “bí mật” đến cho Ngài, khi nào là lúc không phải tất nhiên mà Ngài đã thấy được số phận mình nằm trong đó? Ngài đã rất gần với sự chết, và Ngài đã tự giải thích sự sống sót của mình bằng những lời sau: “.. có bàn tay của một người mẹ đẩy đưa đường đạn bay và Ðức Giáo-hoàng trong cơn đau đớn cùng cực đã dừng lại trước ngưỡng cửa của thần chết” ( 13 tháng Năm, 1994). Nghĩa là “bàn tay của một người mẹ” đã làm trật viên đạn số mệnh ở đây chỉ chứng tỏ thêm một lần nữa rằng không có số mệnh đã an bài, rằng đức tin và cầu nguyện là những mãnh lực có thể ảnh hưởng trên lịch sử, và rằng, cuối cùng thì cầu nguyện mạnh hơn súng đạn và đức tin mạnh hơn những đoàn hùng binh.
Phần kết thúc của “bí mật” sử dụng những hình ảnh mà Lucia có lẽ đã thấy trong những tập sách đạo đức và là những hình ảnh được gợi hứng từ những trực cảm lâu đời của đức tin. Ðó là một thị kiến ủi an tìm mở lịch sử của máu và nước mắt ra cho quyền lực chữa lành của Thiên Chúa. Dưới hai cánh tay Thánh-giá, các thiên thần đang thu góp máu các vị tử đạo, và với máu này, các ngài mang lại sự sống cho những linh hồn đang tìm đường về với Thiên Chúa. Ở đây, Máu thánh Ðức Ki-tô và máu các vị tử đạo được coi là một: máu các vị tử đạo chảy xuống từ đôi tay Thánh-giá. Các vị tử đạo chết trong sự thông hiệp với cuộc Khổ-nạn của Ðức Ki-tô, và sự chết của các ngài trở nên một với sự chết của Ngài. Vì danh Máu thánh Ðức Ki-tô, các ngài đã hoàn tất những gì còn thiếu nơi sự thương khó của Ngài ( x. Col. 1:24). Ðời sống của các ngài tự nó đã trở thành Hiến-tế Thánh-thể, một phần thuộc mầu nhiệm của hạt lúa mì mang lại hoa trái dư đầy khi chết đi.
Máu của các vị tử đạo là hạt giống sinh ra những người tín hữu, Tertullian đã nói thế. Cũng như Giáo- hội được sinh ra từ sự chết của Ðức Ki-tô và từ thương tích nơi cạnh sườn của Ngài, thì sự chết của các chứng nhân sẽ mang đầy hoa trái cho đời sống tương lai của Giáo-hội. Vì thế, thị kiến thuộc phần thứ ba của “bí mật”, thoạt đầu rất chán chường thất vọng, nhưng được kết thúc bằng một hình ảnh của niềm hy vọng: không một đau khổ nào sẽ bị uổng phí đi, và chính Giáo-hội đau khổ, Giáo-hội của các vị tử đạo, trở thành trụ chỉ đường cho con người trên công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Vòng tay yêu thương của Thiên Chúa không những chỉ đón chào những người chịu khổ nhục như La-da-rô, người đã tìm được ở đó nguồn an ủi lớn lao, mà còn thay mặt Ðức Ki-tô cách bí nhiệm, Ðấng muốn trở thành La-da-rô nghèo hèn cho chúng ta nữa. Và còn thêm nữa: một sức mạnh thanh tẩy và đổi mới được phát sinh từ nỗi thống khổ của các chứng nhân, bởi vì sự khổ nhục của các ngài là sự thể hiện thực tế cuộc khổ nạn của chính Ðức Ki-tô, và là sự thông hiệp, ở đây và bây giờ, vào hiệu lực cứu rỗi của nó.
Và như thế là chúng ta đi đến thắc mắc cuối cùng: Ðâu là ý nghĩa của “bí mật” Fatima toàn bộ (gồm cả 3 phần)? Nó nói với chúng ta điều gì? Trước hết, chúng ta phải công nhận với Ðức Hồng-y Sodano: “.các biến cố mà phần thứ ba của “bí mật” Fatima có liên hệ đến, bây giờ xem ra có vẻ như là đã thuộc về quá khứ”. Chỉ kể tới việc những biến cố riêng lẻ được diễn tả, thì chúng thuộc về quá khứ. Những người mong đợi những mạc khải cánh chung đầy kích thích về ngày tận cùng của thế giới, hoặc về hành trình tương lai của lịch sử thì buộc phải thất vọng. Fatima không thỏa mãn tính hiếu kỳ của chúng ta cách này, giống như đức tin Ki Tô nói chung không thể rút gọn lại thành một đối tượng suông cho tính hiếu kỳ được. Ðiều còn lại thì đã rõ ràng một khi chúng ta bắt đầu suy gẫm bản văn của “bí mật”: là sự thôi thúc để cầu nguyện như con đường “cứu các linh hồn”, và cũng như thế, là lời kêu gọi để đền tội và hoán cải.
Sau cùng, tôi xin được nhắc lại một câu căn cơ khác của “bí mật” đã đáng được trở thành thời danh, đó là: “Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ sẽ toàn thắng”. Ðiều này nghĩa là gì? Trái-tim rộng mở cho Thiên Chúa, được thanh tẩy bằng chiêm niệm về Thiên Chúa, thì mạnh hơn bất cứ loại súng đạn nào. Lời fiat của Mẹ Maria, lời phát ra tự trái tim Mẹ, đã thay đổi lịch sử thế giới, bởi vì nó mang Ðức Cứu Chúa vào thế gian – bởi vì, nhờ lời Xin-vâng của Mẹ, Thiên Chúa đã có thể trở thành một con người trong thế giới chúng ta và còn ở lại mãi mãi. Thần Dữ có quyền lực trong thế gian này như chúng ta vẫn thấy và kinh nghiệm liên miên; nó có quyền lực chính vì chúng ta để cho sự tự do của mình liên tục tự tách rời xa khỏi Thiên Chúa. Nhưng vì chính Thiên Chúa đã nhận cho mình một trái tim nhân loại và như thế, Ngài đã lái sự tự do của con người hướng về điều thiện, việc tự do chọn sự dữ không còn là chọn lựa cuối cùng nữa. Từ thời điểm này trở đi, lời nói ưu tiên phải là: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên; Thầy đã thắng thế gian” (Gio. 16:33). Sứ điệp Fatima mời gọi chúng ta tín thác vào lời hứa này.
Hồng-y Joseph Ratzinger
Tổng-trưởng Thánh-bộ về Tín-lý Ðức-tin
Nguồn: simonhoadalat.com
___________
Chú Thích
1. Trích từ nhật ký của Ðức Gio-an XXIII, 17 tháng Tám 1959: “Thính giả: cha Phille, Ðặc sứ của Thánh-bộ, người đã mang cho Ta lá thư chứa đựng phần thứ ba của bí mật Fatima. Ta định sẽ đọc nó với cha giải tội của Ta”.
2. Bình luận của Ðức Thánh Cha tại buổi triều kiến chung ngày 14 tháng Mười 1981 về “Chuyện gì đã xảy ra vào tháng Năm: Một cuộc Thử-thách vĩ đại của Thiên Chúa” phải được nhắc lại: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, IV,2 (TP. Vatican, 1981), 409-412.
3. Sứ điệp phát thanh trong Nghi-lễ Tôn-sùng, Cảm-tạ và Phó-dâng cho Ðức Mẹ Ðồng-trinh Mẹ Thiên Chúa (Thetokos) tại Vương-cung Thánh-đường Ðức Bà Cả: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, IV,1(TP. Vatican, 1981), 1246.
4. Trong ngày Năm-thánh cho Gia-đình, Ðức Giáo-hoàng đã phó dâng mọi người và mọi quốc gia cho Ðức Mẹ: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, VII,1 (TP. Vatican, 1984), 775-777.
5.
6. Trong “Hồi-ký Thứ-tư”, Sơ Lucia còn thêm: ” Ở Bồ-đào-nha, tín điều về đức tin luôn luôn phải được bảo toàn, vv.
7. Về phần chuyển ngữ, văn bản chính truyền đã được tôn trọng, kể cả những chấm câu không đúng chính tả, vì dù gì chúng cũng không ngăn cản sự thông hiểu điều mà người được thị kiến muốn nói lên.