Các cơ quan nhân đạo thúc đẩy lệnh ngừng bắn khẩn cấp ở Gaza

Một lá thư được đồng ký bởi một nhóm các tổ chức nhân quyền và xây dựng hòa bình quốc tế, với hàng chục năm kinh nghiệm ở các Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, gây áp lực lên Thủ tướng Anh để yêu cầu dừng cuộc tấn công của Israel và kêu gọi ngừng bắn.
 

Vatican News

Tổ chức CAFOD – cánh tay nhân đạo của Hội đồng Giám mục Công giáo Anh và xứ Wales – nằm trong số 22 cơ quan nhân đạo đã đồng ký một lá thư gửi Thủ tướng Anh Rishi Sunak yêu cầu ông gây áp lực buộc Israel phải đồng ý ngừng bắn ở Gaza.

Lá thư này được đưa ra trong bối cảnh Lực lượng Phòng vệ Israel tuyên bố họ đang chuẩn bị tiến hành một chiến dịch trên bộ ở Rafah, phía nam Dải Gaza, một khu vực được chỉ định là “vùng an toàn”, nơi hơn một triệu người hiện đang bị mắc kẹt.

Israel đã tấn công Dải Gaza kể từ cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10, trong đó khoảng 1.200 người thiệt mạng và 240 người bị bắt cóc. Số người chết ở phía Palestine đã lên tới 28.663.

Bà Janet Symes, Giám đốc Khu vực Châu Á và Trung Đông của CAFOD, nói với Vatican News, bà tin rằng lệnh ngừng bắn ngay lập tức là cách duy nhất để ngăn chặn thiệt hại thêm về sinh mạng dân thường, đảm bảo việc thả con tin và cho phép các viện trợ nhân đạo được thực hiện.

Bà Symes giải thích về lời kêu gọi của CAFOD: “Chúng tôi đã viết thư cho Thủ tướng Anh vì chúng tôi cảm thấy điều vô cùng cần thiết là chính phủ Anh và các chính phủ khác trên thế giới phải làm mọi thứ có thể để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza”.

Bà Symes cho biết thêm, các chiến dịch bắn phá dữ dội và mối đe dọa sắp xảy ra về một cuộc xâm lược trên bộ ở Rafah đang làm tăng tính cấp thiết phải ngăn chặn các hành động thù địch ngay lập tức, đồng thời tạo cơ hội đàm phán và cung cấp hỗ trợ nhân đạo thiết yếu cho người dân Gaza.

Bà nói, việc thả con tin rất quan trọng, nhưng nó phải đạt được thông qua một quá trình đàm phán để đảm bảo an toàn cho thường dân Palestine.

Phản ánh về thực tế đau thương mà người dân Gaza phải chịu, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bà Symes cho biết “khoảng 8000 bệnh nhân đang thực sự chờ đợi để có thể rời Gaza để được chăm sóc sức khỏe ở những nơi khác mà họ không có được ở Gaza”.

Hậu quả bi thảm của chiến tranh và những ảnh hưởng thảm khốc của nó đối với trẻ em là “những trẻ em bị thương nhưng không còn ai trong gia đình sống sót”.

Bình luận về điều này, bà Symes giải thích cuộc xung đột này đã gây nên tác động tàn khốc đến các gia đình ở Gaza vì mật độ dân số dày đặc, nghĩa là toàn bộ và nhiều gia đình phải sống cùng nhau trong một đơn vị nhà ở. “Vì vậy, khi một tòa nhà bị trúng bom, cả gia đình sẽ bị mất”.

Và dĩ nhiên, chính thực tế này thật bi thảm nhưng cũng gây ra những vấn đề nghiêm trọng về tương lai của những đứa trẻ này và toàn bộ dân chúng.

Bà lưu ý rằng tương lai của Gaza là không chắc chắn, không chỉ về mặt xây dựng lại cơ sở vật chất mà còn ở một công việc to lớn hơn là xây dựng lại các gia đình và cộng đồng bị tan vỡ do xung đột.

Bà Symes nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng “trong chiến tranh, không có người chiến thắng”, đồng thời nhấn mạnh đến những hậu quả lâu dài của cuộc khủng hoảng hiện nay. Bà nói: “Việc có thể xây dựng lại, có thể tạo nên một nền hòa bình bền vững sẽ là một thách thức to lớn trong hoàn cảnh này”.