Các lãnh đạo tôn giáo châu Phi kêu gọi giảm nợ cho châu lục dịp Năm Thánh 2025

Trong cuộc họp tại thủ đô Rwanda tuần qua, đại diện các Giáo hội Kitô, cộng đồng Hồi giáo, và các hội đồng liên tôn của 13 quốc gia châu Phi, đã thảo luận và đưa ra lời kêu gọi giảm nợ cho châu lục, dịp Năm Thánh 2025.
 

Vatican News

Trong lời kêu gọi gửi đến Nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế lớn (G20), Nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp pháp triển (G7), Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và Ngân hàng Thế giới (WB), các vị lãnh đạo tôn giáo nói rằng một lần nữa việc trả nợ làm cho các quốc gia nghèo hơn không thể hỗ trợ người dân. Phải có những thay đổi trong hệ thống kinh tế toàn cầu thì các quốc gia này mới có thể phát triển và đầu tư vào các dịch vụ xã hội, y tế và giáo dục cho người dân.

Tuyên bố viết: “Một lần nữa, các quốc gia của chúng tôi phải đối diện với những lựa chọn khó khăn giữa chi tiêu và đầu tư cho người dân và trả nợ cho các chủ nợ. Chỉ riêng trong năm nay, châu Phi phải chi 90 tỷ đô la Mỹ để trả nợ công, trong khi tổng chi tiêu trung bình của các quốc gia châu Phi cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội là 2/3 số nợ”.

Các vị lãnh đạo tôn giáo nhắc lại chiến dịch đã thành công của các cộng đoàn đức tin và các nhà hoạt động hướng tới Năm Thánh 2000, dẫn đến sáng kiến giảm nợ chung lớn nhất từ trước đến nay. Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ Năm Thánh 50 năm của dân Israel xưa, mà Giáo hội Công giáo cử hành 25 năm một lần như là thời gian canh tân thiêng liêng nhằm tha thứ và hòa giải với Thiên Chúa và người khác. Sáng kiến Năm Thánh 2000 đã huy động được 130 tỷ đô la Mỹ nhằm giảm nợ cho phép thực hiện các khoản đầu tư quan trọng vào công cuộc giảm nghèo ở một số quốc gia.

Do đó, các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi các quốc gia cho vay điều chỉnh hành động và quyết định của họ trong những tháng tới với các giá trị của Năm Thánh “đặt con người và Trái đất lên trên nợ nần”. Cụ thể, xóa các khoản nợ không thể trả được, không gây nguy hiểm cho việc đạt được các mục tiêu về khí hậu và phát triển của Liên Hiệp Quốc vào năm 2030. Tiếp đến, thực hiện nguyên tắc trách nhiệm của hai bên, bên vay và cho vay: ngăn chặn sự xuất hiện các chu kỳ mới về các khoản nợ không thể trả, chia sẻ rủi ro giữa hai bên trong hợp đồng, như thảm hoạ đại dịch vừa qua. Cuối cùng, tuyên bố kêu gọi tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực để phát triển theo các điều kiện không tạo ra nợ và có giả cả phải chăng.