Cách để Trở nên khiêm tốn
Một ca khúc nhạc đồng quê có câu như sau “Thật khó để khiêm tốn khi bạn hoàn hảo về mọi mặt”. Dĩ nhiên không mấy người cho rằng họ hoàn hảo tất cả mọi mặt, nhưng để sống khiêm tốn cũng không dễ, đặc biệt nếu bạn sống trong một xã hội đề cao sự cạnh tranh và cái tôi cá nhân.
Thế nhưng trong một xã hội như vậy sự nhún nhường vẫn là một phẩm chất quan trọng. Học cách sống khiêm tốn là điều tối quan trọng trong hầu hết các nền văn hóa, và sự khiêm tốn có thể giúp bạn phát triển toàn diện hơn, tạo mối quan hệ tốt đẹp hơn với mọi người, tạo ra cơ hội và dành được sự tôn trọng của người khác.
1.Thừa nhận giới hạn của bản thân .Bạn phải chấp nhận là mình không giỏi tất cả hay bất kì việc gì. Cho dù bạn tài năng đến đâu thì sẽ luôn có người giỏi hơn bạn ở một khía cạnh nào đó. Nhìn vào những người giỏi hơn và xem xét tiềm năng phát triển bản thân. Không có ai là giỏi nhất, bất kể xét ở mặt nào.
-Cho dù bạn ‘giỏi nhất’ thế giới về việc nào đó, luôn luôn có những việc khác mà bạn không thể làm và có lẽ không bao giờ có thể làm.
2.Nhận ra khuyết điểm của bản thân.Chúng ta thường phán xét người khác vì điều đó dễ hơn nhiều so với nhận xét chính mình. Tiếc là việc này hoàn toàn không tốt và còn có hại trong nhiều trường hợp. Phán xét người khác gây ra bất hòa trong mối quan hệ, ngăn cản sự phát triển của các mối quan hệ mới. Tệ hơn nữa là chúng ta không thể tiến bộ nếu có thói quen này. Mọi người đều có sai sót.
– Chúng ta thường xuyên phán xét người khác mà không nhận ra. Bạn có thể tập thói quen này: cố gắng phát hiện những lúc mình có suy nghĩ phán xét người khác, khi đó thay vì phán xét họ, bạn hãy phán xét chính mình. Xem xét cách để cải thiện bản thân, thay vì suy nghĩ đến cách người khác nên hành động. Sau cùng, bạn không thể kiểm soát hành vi và lựa chọn của người khác, nhưng của bạn thì được.
-Làm việc với khuyết điểm của mình. Nhớ rằng sự phát triển và tiến bộ là một quá trình kéo dài suốt đời và không bao giờ ngừng, cho dù bạn đã rất giỏi việc gì đó.
3. Biết ơn những gì bạn có. Giả sử bạn tốt nghiệp từ trường đại học Ivy League với số điểm cao nhất lớp. Hiển nhiên bạn xứng đáng được tín nhiệm cao nhờ thời gian dài học tập và ý chí kiên cường. Dù vậy bạn nên biết rằng cũng có ai đó thông minh và siêng năng như bạn, đơn giản là họ ít được bố mẹ hỗ trợ, lớn lên ở nơi khác hoặc có quyết định sai lầm trong cuộc đời. Nếu không may thì có thể bạn đã ở vào vị trí của họ.
-Luôn luôn nhớ rằng một lựa chọn sai ngày hôm qua có thể mang lại một cuộc đời khác hôm nay, và thêm nữa, hôm nay có thể là ngày mà sự lựa chọn sáng suốt sẽ thay đổi cuộc đời bạn.
-Mặc dù bạn thật sự làm việc siêng năng để có được những thứ hiện tại, nhưng có thể bạn sẽ không thành công nếu không được người khác hỗ trợ. Mọi việc chúng ta làm là kết quả của những gì người khác đã làm cho chúng ta. Tất cả là nhờ những người xung quanh mà chúng ta được trang bị đầy đủ và trở nên giỏi hơn vào một lúc nào đó để hoàn thành mục tiêu của mình.
4.Không sợ phạm lỗi. Một phần của sự khiêm tốn đó là hiểu rằng bạn sẽ phạm lỗi. Hiểu được điều này và hiểu rằng mọi người đều phạm lỗi, bạn sẽ gạt được gánh nặng khỏi đôi vai mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn nên làm việc cẩu thả – cố gắng tránh những sai sót quá đơn giản nhưng không sợ thử các phương pháp hay cách thức mới để đạt được mục tiêu.
Mỗi người chỉ có thể trải nghiệm một phần nhỏ của cuộc sống vào một thời gian nào đó. Luôn luôn có những người lớn tuổi hơn và khôn ngoan hơn bạn. Ý kiến của người lớn tuổi hơn đáng để bạn tham khảo, nhưng bạn phải quyết định dựa trên sự hiểu biết của mình đối với họ.
5. Thừa nhận những sai sót. Có lẽ bạn sợ người ta sẽ nổi giận hoặc bực mình với bạn, nhưng thừa nhận sai sót vẫn luôn tốt hơn là che giấu. Cho dù bạn phạm sai lầm trong vai trò người quản lý, bố mẹ hoặc bạn bè bình thường, người ta vẫn đánh giá cao việc bạn sẵn sàng thừa nhận khuyết điểm và bạn đang cố gắng cải thiện bản thân hay khắc phục tình hình. Việc thừa nhận sai lầm cho thấy bạn không cố chấp, không ích kỷ hoặc cam chịu trở thành người không hoàn hảo trong mắt người khác.
Thừa nhận sai lầm cũng khiến người ta tôn trọng bạn hơn, cho dù đó là con cái bạn hoặc đồng nghiệp.
6. Tránh khoác lác. Có lòng tự trọng lành mạnh hoặc cảm thấy tự hào về thành tựu của mình là chuyện bình thường, nhưng không ai thích người thường xuyên kéo sự chú ý về họ và thành công của họ. Nếu bạn cảm thấy mình đã làm được một việc thật tuyệt vời, nhiều khả năng người khác đã nhận ra điều đó và họ sẽ tôn trọng bạn nhiều hơn vì sự khiêm tốn.
Điều này không có nghĩa bạn nên nói dối về việc đã làm được điều gì; nếu ai hỏi bạn có tham gia cuộc thi marathon không thì cứ thản nhiên nói ‘có’. Nhưng bạn không nên thao thao nói về sự tuyệt vời của mình trong cuộc đua, hoặc về các mục tiêu khác đã đạt được.
7. Ý tứ khi nói chuyện. Người khiêm tốn không nhất thiết phải làm một bông hoa e thẹn – khiêm tốn không có nghĩa là không có tí lòng tự trọng nào. Tuy nhiên, người khiêm tốn nên lưu tâm đến những người đang nói chuyện với họ và không nói lấn lướt hay cắt ngang lời bất kì ai. Muốn làm người khiêm tốn bạn nên thừa nhận rằng mọi người, kể cả bạn, có mục tiêu và ước mơ riêng và họ cũng muốn nói về thành tựu và quan điểm của mình đối với các sự việc.
8. Khen người khác. Hãy khen ngợi người bạn yêu hay ai đó mà bạn hầu như không biết về họ. Nói với cộng sự của bạn rằng hôm nay họ trông rất đẹp, khen kiểu tóc mới của đồng nghiệp, hoặc nói với cô thu ngân ở siêu thị rằng bạn thích đôi bông tai của cô ấy. Hoặc bạn có thể đi xa hơn là khen ngợi một nét cá tính của người khác. Mỗi ngày đưa ra tối thiểu một lời khen và bạn sẽ thấy người ta có thể đóng góp rất nhiều cho thế giới.
-Tập trung vào những đặc điểm tích cực của người khác, thay vì luôn tìm ra khuyết điểm của họ.
9. Xin lỗi. Nếu bạn phạm sai lầm thì nên thú nhận mình đã sai. Cho dù nói lời xin lỗi mang lại cảm giác đau đớn nhưng bạn phải vượt qua sự kiêu hãnh để nói với họ rằng bạn rất tiếc về những tổn hại đã gây ra. Cuối cùng nỗi đau sẽ dịu, thay vào đó là cảm giác nhẹ nhàng vì bạn biết mình đã sửa sai. Người đó sẽ nhận thấy bạn xem trọng họ và hành động này cũng thể hiện rằng bạn dám thừa nhận sai lầm của mình.
-Giao tiếp bằng mắt khi xin lỗi để chứng tỏ sự quan tâm thật lòng của bạn.
-Không phạm sai sót thường xuyên. Xin lỗi về điều gì đó không có nghĩa bạn được phép tái phạm. Phạm sai lầm thường xuyên sẽ khiến người khác mất lòng tin vào bạn và những gì bạn nói.
10. Nghe nhiều hơn nói. Đây là cách tuyệt vời để thể hiện sự tôn trọng người khác và tỏ ra khiêm tốn hơn. Lần tới khi bạn tham gia buổi nói chuyện, hãy để người khác nói, không ngắt lời, sau đó đặt câu hỏi để họ tiếp tục nói và chia sẻ. Mặc dù bạn nên đóng góp vào buổi nói chuyện nhưng hãy tạo thói quen để người khác trình bày ý kiến nhiều hơn mình, như vậy bạn sẽ không tỏ ra chỉ quan tâm đến những việc xảy ra trong cuộc sống của mình.
Đặt câu hỏi để cho thấy bạn hiểu người đó đang nói về điều gì. Không chỉ chờ họ ngừng nói để bạn có thể bắt đầu nói. Nên nhớ nếu bạn bận suy nghĩ về những gì định nói tiếp theo thì sẽ rất khó tập trung vào những gì người khác đang nói.
Nguồn: https://www.wikihow.vn/Tr%E1%BB%9F-n%C3%AAn-khi%C3%AAm-t%E1%BB%91n