Vatican News
Đằng sau mỗi câu chuyện đẹp đều có những điều bí mật. Ở đây cũng vậy, vào tháng 4/2015, tại Camalò của Povegliano, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Treviso ở Ý, việc gia đình Calo quyết định mở cửa đón tiếp một số người nhập cư là một câu chuyện có những điều mà người trong cuộc mới có thể cảm nhận sâu sắc nhất.
Trước đó không lâu, đã xảy ra một trong những vụ đắm tàu bi thảm nhất ở Địa Trung Hải, với 700 người thiệt mạng trên biển. Với lương tâm Kitô giáo, anh Antonio Silvio Calo và vợ là chị Nicoletta Ferrara không thể nhìn thêm thảm kịch mà không làm gì cả. Từ đó, một số căn phòng trong ngôi nhà của họ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho 6 người trẻ di cư. Đó là khởi đầu của một trải nghiệm về tình huynh đệ đích thực. Một tình huynh đệ không trên giấy tờ, không dừng lại ở lời nói nhưng thể hiện một cách cụ thể trong hành động.
Từ đó đến nay đã 9 năm trôi qua, và giờ đây gia đình Calo đang sống một trải nghiệm khác, được bắt đầu cách đây 6 năm. Trải nghiệm này không chỉ chứng tỏ rằng vẫn có thể nói về hy vọng trong một thế giới giả điếc trước nhu cầu của người khác, nhưng còn là một mẫu gương của một Giáo hội sống động, hội nhập, chào đón, yêu thương. Tóm lại đó là một Giáo hội sống hoàn toàn sứ điệp Tin Mừng.
Thực tế, để dành ngôi nhà cho người di cư, anh Antonio Silvio Calo và chị Nicoletta đã đến sống tại nhà xứ nơi họ thuộc về, cùng với cha xứ và hai người trẻ khác: một chủng sinh và một sinh viên. Trong nhà thờ vào ban đêm một số người vô gia cư được đón tiếp ngủ qua đêm.
Anh Calo nói về cuộc sống hiện nay: “Sống cùng với cha xứ mang lại cho chúng tôi cơ hội suy tư về tầm quan trọng và phức tạp của hình ảnh ‘mục tử’ của một cộng đoàn: chỉ bằng cánh sống bên cạnh một cha xứ chúng ta mới có thể hiểu sự phức tạp và nét đẹp của thừa tác vụ. Đối với chúng tôi, theo khía cạnh thiêng liêng, đó cũng là một trải nghiệm quan trọng”.
Thức dậy từ sáng sớm cùng với hai người trẻ, sau khi tham dự Thánh lễ, mọi người dùng điểm tâm và trao đổi những thông tin và chia sẻ công việc. Sau đó Calo đến trường dạy môn giáo dục công dân, lịch sử và triết học. Calo nói: “Chưa bao giờ như ngày nay môn giáo dục công dân quan trọng như vậy. Các nguyên tắc của hiến chương, trên hết các giá trị con người thường là điều để các học trò của tôi suy nghĩ”. Và thầy Calo cố gắng truyền đạt để các giá trị đó thấm nhuần vào tâm trí những người trẻ, không chỉ dừng lại ở những trang sách, bởi vì theo Calo, những lời quan trọng nhất được viết trong hành động. Calo giải thích: “Trở thành công dân tốt nghĩa là làm cho quốc gia phát triển trong hoà bình”.
Theo Calo, hòa bình bắt đầu bằng những cử chỉ nhỏ, không phải từ quá xa: hoà bình có thể đơn giản bắt đầu từ một giáo xứ, từ một nhà xứ. Sống cùng nhau, cảm thấy mình là thành viên của một gia đình rộng lớn, trong đó mỗi người đều có phần đóng góp của mình: đây là một yếu tố khác làm cho kinh nghiệm mà gia đình Calo đang trải nghiệm bên trong nhà xứ của giáo xứ nhỏ trở nên phong phú.
Về vấn đề này, Calo tuyên bố: “Thật là điều không thể tin được khi cộng đoàn giáo xứ đáp lại lời mời gọi mỗi người trở thành một phần không thể thiếu và tích cực của một Giáo hội không chỉ cầu nguyện và cử hành, những động từ cơ bản của Kitô giáo, nhưng còn giúp mỗi giáo dân cảm thấy như ‘nhà mình’ trong sự chia sẻ huynh đệ với bao mong đợi, lo lắng và hy vọng. Ví dụ, tôi nghĩ về hiệp hội ‘Đưa tay’ mà chính cộng đoàn đã tạo ra. Tất cả chúng tôi đều thấy chính mình trong đó, cùng với những người ở trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương, đang nhào bột bánh mì, nấu mì và làm các đồ thủ công: có lẽ, trong một số trường hợp, việc bán những sản phẩm này cũng có thể trở thành một khả năng tạo việc làm cho ai đó”.
Calo kết luận: “Đây là khoảnh khắc chia sẻ sâu sắc giữa chúng tôi, trong đó mọi người đều nói câu chuyện của riêng mình, cuộc sống của chính mình để phục vụ người khác. Một nhà xứ, một nhà thờ, tất cả đều dấn thân phục vụ người khác. Đây là một đời sống cộng đoàn gợi nhớ đến Giáo hội tiên khởi. Giáo hội có nghĩa là ‘ở đó’ để hiện diện với người khác, để phục vụ người khác, nghĩa là phục vụ chính Thiên Chúa”.