CHÚA PHỤC SINH DẪN GIÁO HỘI ĐI ĐÂU?… VỀ ĐÂU?…


LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC THÁNG 9 – 2021

CHÚA PHỤC SINH DẪN GIÁO HỘI ĐI ĐÂU?… VỀ ĐÂU?…

Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,

Tôi rất trân trọng mục ‘Lời Chủ Chăn’, là dịp hàng tháng tôi được hầu chuyện anh chị em. Những tâm tư này chúng ta chia sẻ từ cuộc đời, cho cuộc đời và nhằm tăng ý nghĩa cuộc đời… trong đó có những cuộc đời dâng hiến.

Đôi dòng này đến anh chị em vào giữa thời cao điểm đại dịch Covid-19, với biến chủng mới, tại quê hương, lan tràn như thác vỡ bờ… Nó đang gây ra những thảm cảnh… những cơn đói, khổ… dằn vặt bao người… những cái chết ‘cô đơn’ dễ dàng như ‘trở bàn tay’, không một lời tạ từ kẻ ở lại, cũng không được một lời người thân nâng đỡ…

Đi vào tuyến đầu phục vụ, anh em linh mục dòng và giáo phận, các phó tế, chủng sinh, tu sĩ, bạn trẻ, giáo lý viên – huynh trưởng… đang âm thầm vượt hiểm nguy làm nên những chứng từ…  trao một phần cơm, chuyển một viên thuốc, một cử chỉ… giản dị bằng một chút hiện diện… mà thắm nghĩa nhân văn, đầy ắp tình nhiệm mầu…

Giáo phận cầu nguyện, muốn nghe tiếng Chúa, không muốn ngồi trong ‘phòng máy lạnh’ bảo rằng hãy mến yêu anh em… không muốn khoanh tay vô cảm trước những nỗi đau, đau đáu… của những người thoi thóp, hay những người ‘phải ở’ trong những nơi tập trung thiếu thốn… Giáo phận biết không còn thời giờ chuẩn bị theo ‘quy trình’ lý tưởng… và nhờ ơn Chúa,  cũng biết, sau khi trang bị phòng hộ y khoa cho người dấn thân hết sức có thể, phải uyển chuyển thực hiện ‘cấp cứu’… và cũng hoàn toàn muốn thánh hoá ‘việc thiện nguyện’ thành ‘việc lòng mến’…

Hơn mọi lúc, thời gian này một câu hỏi xuyên các thời đại đến trong tâm-trí ta:

‘Nhân sinh hà tại? (Đời con người tự đâu?)

Tại thế hà như? (Ở đời nghĩa lý gì?)

Hậu thế như hà?’ (Sau cõi đời sẽ ra sao?)…

Giáo hội từng nhắc đến những ưu tư căn bản ấy của nhân loại:

‘Con người là ai? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chết? Sao chúng còn tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ? Bao nhiêu chiến thắng đạt được với một giá đắt ấy có nghĩa gì? Con người có thể đem lại gì cho xã hội và có thể trông đợi gì ở xã hội? Cái gì sẽ tiếp theo sau cuộc sống trần gian này?’[1]

Giáo hội nhập cuộc cõi nhân sinh ‘tại thế’ và cả ‘hậu thế’, tự đáy lòng mình, gởi trao vào từng tâm hồn niềm xác tín:

‘Giáo hội tin rằng Chúa Kitô đã chết và sống lại cho mọi người… Cũng thế, Giáo hội tin rằng đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Đức Kitô là Chúa và là Thầy của Giáo hội’[2].

Giáo hội ‘trải nghiệm sức mạnh tình thương của Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện từ phụ của Người… không thể không công bố và chia sẻ’[3] về những điều Giáo hội ‘đã thấy và đã nghe’ (Cv 4: 20) nơi Đấng là Chúa và là Thầy của Giáo hội’.

Giáo hội nhận biết Chúa Phục sinh dẫn mình ‘đi đâu?’… và ‘về đâu?’…

1. Chúa Phục Sinh dẫn Giáo hội ‘đi đâu?’…:

Đi ‘Loan Tin Mừng’… Đi đưa muôn dân vào ơn Phục Sinh (jusqu’aux Pâques)

a. Chúa Giêsu Phục Sinh đã ban tặng chính mình, sự hiện diện này được thể hiện trong hơi thở Thánh Thần, cho các đệ tử, cho Giáo hội, biến đổi các ngài thành những chứng nhân (Lc 24: 48):

b. Thánh Tông đồ Phêrô và Giáo hội tiên khởi tìm người thay thế chỗ của Giuđa Iscariot và xác định sứ mạng chứng nhân theo tiêu chuẩn: ‘Vậy trong hàng những người đã cùng đi với chúng tôi, suốt cả thời gian Chúa Giêsu đã ra vào giữa chúng tôi, khởi từ lúc Gioan thanh tẩy, cho đến ngày Đức Giêsu bị cất khỏi chúng tôi, phải chọn thêm một người để cùng với chúng tôi làm chứng cho sự sống lại của Người’ (Cv 1: 21.22).

c. Biến cố trên đường Đamas, được Thánh Luca tường thuật và được chính Thánh Phaolô hoài niệm nhiều lần, khắc ghi ấn tín ‘Chúa Giêsu Phục Sinh và Thánh Thần’ vào cuộc đời Phaolô: ‘Hananya ra đi và vào nhà, và đặt tay cho Saolô, ông nói: ‘Anh Saul, Chúa đã sai tôi, Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra cho anh trên đàng anh đến, để anh lại được thấy, và được đầy Thánh Thần’ (Cv 9: 17).

d. Thánh Tôma, thật ‘hú hồn’, chẳng biết mình sẽ ra sao, nếu không được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh… ‘Vào lúc xế chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi ở của các môn đồ các cửa đều đóng kín, vì sợ người Dothái, Đức Giêsu đã đến, đứng giữa họ…’, trong khi ‘Ngài cho họ thấy tay và cạnh sườn Ngài…’: ‘Ngài thổi hơi trên họ và nói với họ: ‘Hãy chịu lấy Thánh Thần…’ ‘Tôma, nghĩa là ‘sinh đôi’, là một người trong nhóm Mười hai, không ở với họ khi Đức Giêsu đến’ (Ga 20: 24). Tám ngày sau, các môn đồ lại ở trong nhà, có Tôma ở với họ. Đức Giêsu đến, đang lúc các cửa đều đóng kín, Ngài đứng giữa họ… Đoạn Ngài nói với Tôma: ‘Hãy đem ngón tay ngươi đặt đây, này tay Ta, hãy đem tay ngươi tra vào cạnh sườn Ta và đừng ở như người cứng tin mà là như người thành tín!’ (x. Ga 20: 19-31).

e. Với hơi thở Thánh Thần, Chúa Giêsu Phục Sinh thiết lập Giáo hội trên các Tông đồ. Chúa sai các Tông đồ ‘Cũng như Cha đã sai Ta. Ta cũng sai các ngươi’ (Ga 20: 21). ‘Hãy đi khắp cả thiên hạ…’ (Mc 16: 15).

Vâng lệnh Chúa truyền, mang trong cuộc đời Chúa Phục Sinh ‘Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế’, và trong ‘Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Ta’ (Mt 28: 18), các chứng nhân mang ơn Phục Sinh cho nhân loại.

f. Các ngài ‘rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo’ (Mc 16: 15), ‘dạy chúng giữ hết mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi’ (Mt 28: 20) (Sứ vụ Tiên tri).

Các ngài ‘chịu lấy Thánh Thần. Các ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha, các ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ’ (Ga 20: 22.23). Các ngài ‘thanh tẩy… nhân danh Cha và Con và Thánh Thần’ (Mt 28: 19) (Sứ vụ Tư tế).

Các ngài ‘đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân’ (Mt 28: 19) làm nên cộng đoàn Giáo hội… ‘Hết thảy họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, và Maria, Mẹ Đức Giêsu và các anh em Ngài’ (Cv 1: 14)… ‘Họ chuyên cần với giáo huấn của các Tông đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện… lòng hân hoan, dạ đơn thành, trong lời ngợi khen Thiên Chúa, trong sự mến phục của toàn dân’… (x. Cv 2: 42-47) (Sứ vụ Vương giả).

g. Thánh Phaolô nhiều lần bật lên niềm vui loan Tin Mừng, ‘Tôi, Phaolô, đã trở thành người phục vụ’ (Col 1: 23)…, là người cha của các cộng đoàn ‘Trong Đức Kitô Giêsu. Nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em’ (1Co 4: 15)… Phaolô dành cho các cộng đoàn tình phụ tử ‘hiến mạng’ để đoàn chiên ‘được có sự sống, và có một cách dồi dào’ (Ga 10: 10).

Thánh Grêgôriô Cả chiêm ngắm tài nghệ lạ lùng Thánh Tông đồ chiến đấu chống sói dữ bên ngoài và khôn ngoan uốn nắn những lệch lạc bên trong cộng đoàn:

‘Vị ấy (Phaolô) nói: Bên ngoài phải chiến đấu, bên trong phải lo sợ… Nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em… phải vất vả mệt nhọc, phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn, nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng… Người chiến sĩ… còn nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh… vị ấy can đảm chiến đấu, và đầy lòng thương xót, vị ấy hy sinh chính mình để bảo vệ anh em.’[4]

2. Chúa Phục Sinh dẫn Giáo hội ‘về đâu?’…:

Về phúc Tử Đạo (jusqu’au Martyre) 

a. Chân dung cuộc đời Thánh Phêrô nổi bật ngay sau khi ngài gặp Chúa Phục Sinh và nhận ơn Thánh Thần. Sách Công vụ trình bày ngài như vị đứng đầu Giáo hội tại Giêrusalem mà sau này Thánh Giacôbê đảm trách nhiệm vụ tại Giêrusalem cũng không ra ngoài uy tín của Phêrô. Là người đứng đầu của nhóm mười hai, Phêrô, thường được Gioan tháp tùng, công bố ‘Lời’, làm những việc lạ ‘nhân danh Chúa Giêsu’ (x. Cv 3: 1-10; 5: 15; 9: 32-43), chủ toạ cộng đoàn (Cv 1: 15-26; 5: 1-11), được đề cử đi Samarie (Cv 8: 14-25), ban bí tích Rửa Tội cho người ngoại đầu tiên (Cv 10: 1-48), và những lần bị giam giữ, đánh đòn, xiềng xích…

Thánh Phêrô là vị Tông đồ của ơn quan phòng nối kết cho liên tục hai ‘nhịp gẫy’ trong sứ vụ tại thế của Chúa Giêsu. Nhịp gẫy thứ nhất, Chúa Giêsu ‘gục đầu xuống, Ngài phó thác Thần khí’ (Ga 19: 30)… Phêrô luôn có mặt với anh em… hiện diện cùng anh em trước cảnh tượng u buồn ‘Họ thấy viên đá đã lăn ra khỏi mồ, nhưng khi vào trong, họ không gặp thấy xác Chúa Giêsu…’ Phêrô vẫn sống chung với anh em, gọi anh em đi đánh cá… ai ngờ… Chúa Phục Sinh đã đón các ông trước tại bờ hồ… và những tiếng reo vui Chúa phục sinh thường có tên Phêrô dẫn đầu: ‘Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho Simon’ (Lc 24: 34)… ‘Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho nhóm Mười hai’ (1Co 15: 5)… Trong nhịp gẫy thứ hai…, Phêrô là nhịp cầu đem ơn cứu độ cho dân ngoại (Cv 10: 1-48) làm nên Giáo hội phổ quát ‘Công giáo’ của Chúa, một yếu tố, nhân trước vấn đề ‘cắt bì hay không’ cho dân ngoại đã đón nhận lòng tin, Thánh Phaolô bảo vệ sự mới mẻ tuyệt đối của ơn cứu độ trong Chúa Kitô.

Quả thật như lời Thầy chí thánh dẫn dắt, nâng đỡ đệ tử: ‘Simon, Simon… Ta đã cầu xin cho ngươi, ngõ hầu lòng tin của ngươi khỏi bị tiêu diệt. Phần ngươi, một khi đã trở lại, ngươi hãy củng cố anh em ngươi’ (Lc 22: 31.32)… Phêrô đã trung thành, đã chữa lại ba lần yếu đuối và đã nên trọn lời Thầy tại bờ hồ Tibêria, đã tận tuỵ chăm sóc đoàn chiên… và đã ‘Quả thật, quả thật, Ta bảo ngươi: khi ngươi còn trẻ, ngươi tự thắt lưng mình và đi đâu tuỳ ý; nhưng khi đã về già, ngươi sẽ giăng tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho và lôi đi nơi ngươi không muốn’ (Ga 21: 18).

b. Thánh Phaolô một đời bôn ba gian khổ… Sau khi gặp Chúa Phục Sinh, tin theo Chúa… sau hàng chục năm lặng lẽ, ‘một thời Nazareth’, thấm nhuần Tin Mừng, ‘Tin Mừng tôi rao giảng không phải là một Tin Mừng do loài người… nhưng nhờ mạc khải của Đức Giêsu Kitô’ (Gal 1: 11.12), đã sải bước khắp ‘dưới gầm trời’ (Col 1: 23) miệt mài loan báo sẻ chia…

Từ năm 45-48: Đảo Chypre, Pamphilie, Pysidie, Lycaonie…

Năm 49: Gặp Phêrô và Giacôbê tại Giêrusalem

Từ 50-52: Dong duổi Phrygie, Macédoine, Philippes, Salonique, Bérée, Athènes và Corinthe

Năm 53: Mùa Xuân, đi Ephèse, Macédoine…

Năm 57-58: Mùa Đông, Corinthe, các đảo Égée, Asia…

Về Giêrusalem dịp Hiện Xuống năm 58, tại đây những người Dothái âm mưu giết thánh nhân, tạo cớ cho nhà cầm quyền Rôma giam giữ 2 năm tại Césarée, điệu về Rôma giam giữ thêm 2 năm, sau đó trả tự do cho Ngài. Phaolô tận dụng thời gian này thăm các Giáo đoàn Crète, Éphèse, Troas, Macédoine, Épire và có lẽ cả Tây Ban Nha… Có lẽ tại Tiểu Á, binh lính của Néron bắt giữ thánh nhân, và tại Rôma, giam tù và xử trảm thánh nhân…

Suốt đời ‘Tôi, Phaolô, tù nhân của Đức Kitô Giêsu… Tôi quỳ gối trước mặt Cha, do tự Người mọi gia tộc trên trời dưới đất được có tên, xin Người chiếu theo sự giàu có vinh quang của Người, ban cho anh em: được phấn chấn đầy dũng lực, nhờ bởi Thần khí của Người, để thành người bên trong, được Đức Kitô ngự trong lòng anh em, nhờ bởi lòng tin, ngõ hầu khi đã đâm rễ sâu, và có nền móng trong lòng mến, anh em cùng hết thảy các thánh, có sức hội ra được mọi chiều: rộng, dài, cao, sâu, của lòng mến, được biết lòng mến của Đức Kitô siêu vời vượt quá trí tri; để anh em được sung mãn, hòng được vào trong tất cả sự sung mãn của Thiên Chúa’ (Ep 3: 1. 14-19).

Thánh nhân bền bỉ can trường trong sứ mạng: ‘Hãy cầu nguyện cho tôi với, xin Thiên Chúa mở miệng tôi, ban cho tôi lời dạn dĩ thông báo mầu nhiệm Tin Mừng, tôi được làm sứ giả loan báo và vì vậy mà bị xiềng xích, xin cho tôi được dạn dĩ rao giảng…’ (Ep 6: 19.20).

Và thánh nhân đã thuỷ chung son sắt: ‘Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta’ (Rm 8: 38-39).

Chưa về được ‘phúc tử đạo’… chưa là đệ tử tâm phúc của Thầy Giêsu…

Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,

Chúng ta thấy gì… có thấy không những tông đồ thời đại… thời Covid-19…, sức sống Chúa Phục Sinh thấm nhuần nơi người dấn thân và cả nơi bệnh nhân… qua những dòng nhật ký:

‘Tưởng chừng trong bệnh viện, ai cũng giống ai: một bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, là tu sĩ hay là ai đi chăng nữa thiết tưởng, chẳng có ai nhận ra. Thế nhưng, thứ ngôn ngữ không lời trong tình yêu của người phục vụ vẫn đủ để người ta nhận ra người của Chúa. Vẫn chỉ là những cử chỉ lau lọt, nâng lên hạ xuống, những thìa cháo mang chút hơi ấm,… hết sức bình thường mà giờ đây nó trở thành một thứ ngôn ngữ không lời và truyền tải tình yêu đến người khác. Và đã là thứ ngôn ngữ của tình yêu thì chỉ có thể đáp trả lại bằng tình yêu: giọt nước mắt. Đã có một cuộc đối thoại ngắn gọn nhưng cũng đủ để cả hai hiểu rằng cuộc đời này thật đẹp, thật đáng sống:

– Cô là người có tâm, nếu còn sống tôi nhất định sẽ đáp ơn Cô!

– Không Bác ơi! Công xá chi. Con tình nguyện phục vụ mà, con là người đi tu đạo Chúa…

Và rồi những giọt nước mắt… trong sự nghẹn ngào:

– Cô… nói… Chúa… cho tôi.

Tôi như bị khựng lại một lúc vì tự nhiên lúc đó bao nhiêu thứ thần học đã được học, những hiểu biết về Chúa đi đâu hết mà chỉ còn lại sự im lặng và sự im lặng. Im lặng trong sự hạnh phúc trào dâng khi một người họ muốn biết về Chúa.

Bất giác tôi trả lời:

– Bác ơi! Bác cứ nghỉ ngơi đi ạ. Chúa của con nói Chúa yêu bác nhiều lắm nên mới gửi con đến chăm bác…

Một cuộc đối thoại ngắn nhưng nó đã trở thành động lực lớn để tôi tiếp tục phục vụ. Tôi biết rằng tình yêu của Chúa vẫn đong đầy cuộc sống của tôi. Chúa không ở đâu xa xôi, nhưng ở ngay trong thực tại mà có những lúc ta đã lãng quên’[5].

Anh chị em chúng ta, hầu hết đang ở nhà, chăn ấm nệm êm… được bảo vệ an toàn… không mấy ai phiền hà đến mình… ‘phải’ (nhưng tự nguyện): ‘rập đời sống con’ theo mầu nhiệm ‘Thánh Giá – Phục Sinh’ của Chúa…, dù thuận buồm hay ngược gió… để ‘Vượt Qua’…

Không phải tất cả chỉ làm một việc… nhưng ‘chung một con đường Giêsu, chung một ưu tư Giêsu’…  ‘blooming where you are planted’ (trổ bông tại nơi bạn ‘được trồng’)…

Ngay thời còn ở tập viện, chủng viện… chúng ta đã được dẫn lối cần sống thế nào cho phải… linh đạo… nhân bản, tri thức, thiêng liêng, mục vụ… thanh thoát, vâng phục, độc thân khiết tịnh… và càng cần thể hiện trong mùa đại dịch Covid này… thời đại ‘tân tiến’ này…

Mỗi Cha, mỗi Tu sĩ… đã trưởng thành, đã tự đứng được trên đôi chân của mình…

Với tâm tình chuyển cầu của Đức Trinh Mẫu Vô Nhiễm Diễm Phúc, Thánh Cả, đặc biệt trong năm dâng kính Ngài, nguyện xin Chúa Phục Sinh đưa chúng ta đi Loan Tin Mừng và dẫn về phúc ‘Tử Đạo’… cũng là về cùng Chúa Phục Sinh…

+ Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Nguồn: giaophanxuanloc.net