G. Trần Đức Anh, O.P.
Hôm 28/5/2024, ông Tzachi Hanegbi, cố vấn an ninh quốc gia, được coi là cộng tác viên thân tín của thủ tướng Netanyahu, tuyên bố rằng Israel đã kiểm soát được 75% vùng trái độn giữa Gaza và biên giới Ai cập, và tiếp tục tấn công vào thành Rafah. Ông cho biết cuộc chiến đấu bài trừ Hamas dự kiến sẽ kéo dài thêm 7 tháng nữa “để củng cố những thành tựu của chúng tôi và điều mà chúng tôi định nghĩa là phá hủy khả năng cai quản và quân sự của Hamas cũng như lực lượng thánh chiến Hồi giáo Palestine”.
Tuyên bố này chắc chắn gây thêm lo âu tại Israel và nước ngoài, và ngày càng có sự gia tăng sức ép của quốc tế trên các lãnh tụ nước này để chấm dứt chiến tranh và có một kế hoạch hậu chiến trên lãnh thổ của Palestine”.
Nhận định của Viện Phụ Nicodemo Schnabel
Cha Nicodemo Schnabel, người Đức, Viện phụ Đan viện Biển Đức “Đức Mẹ An Nghỉ” của Công Giáo Đức tọa lạc trên Núi Sion ở Giêrusalem, đã nói lên nỗi lo âu của dân Palestine nói chung.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Thụy Sĩ hôm 26/5 vừa qua, nhân cuộc hành hương truyền thống của tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” ở Đan viện Biển Đức Einsieldel bên Thụy Sĩ, cha giải thích rằng:
“Phần lớn tin tức báo chí đều nói về tình hình thê thảm ở miền Gaza: tính đến những ngày cuối tháng 5 vừa qua, đã có hơn 36.500 người chết, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, trong số đó có 34 tín hữu Kitô, 80 ngàn người bị thương. Trong số dân cư tại Gaza, 3 phần 4 là những người di tản nội địa, và có 1 triệu 700 ngàn trẻ em không có người đi kèm, bị coi là mồ côi vì chiến tranh, 60% các đơn vị gia cư và 80% các cơ sở thương mại bị hư hại.
Ngoài ra còn có một “sự đau khổ vô hình” như nhận xét của Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, đó là đau khổ của khoảng 50 ngàn tín hữu Kitô sống tại miền Cisjordani, hay cũng gọi là “Bờ Tây” bị Israel chiếm đóng, cũng như tại khu vực Đông Giêrusalem. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây lên tới mức kỷ lục, khoảng 45% người ở tuổi làm việc không có việc làm.
Viện Phụ Schnabel nói “tình trạng tại Gaza giống như một Thứ Sáu Tuần Thánh, rất rõ ràng, nhưng thực tại các lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng, trong đó có khu vực phía đông thành Giêrusalem, giống như Thứ Bảy Tuần Thánh, một tình trạng chờ đợi giữa Thứ Sáu Tuần thánh và Phục Sinh”.
Kitô hữu bị thiệt thòi nhất
Trong tình trạng khủng hoảng nói chung này, “các tín hữu Kitô là những người bị tổn thương nhất, thiệt hại nhiều nhất, vì họ sống chủ yếu nhờ những hoạt động liên hệ tới các cuộc hành hương và ngành du lịch: ngoài những buổi lễ phụng vụ, đối với họ không có lễ Giáng Sinh và Phục sinh: các khách sạn trống rỗng. Những người có khách sạn, quán ăn, hướng dẫn viên du lịch, các tài xế xe bus, những người thợ điêu khắc, thủ công và các cửa hàng bán đồ lưu niệm không còn thu nhập nữa, một thảm họa thực sự đang xảy ra cho họ từ ngày 7/10 năm ngoái. Những gia đình nào có khả năng, thì ra đi nơi khác, vì họ không thấy viễn tượng tương lai….”. Trái lại, tuy tình hình kinh tế nói chung là đen tối, nhưng những người Do thái và Hồi giáo vẫn tích cực hoạt động trong các lãnh vực kinh tế khác, họ ít bị thương tổn vì chiến tranh ở Gaza.
Sa thải nhân viên
Hậu quả chiến tranh ở Gaza là: tại miền Cisjordani và Đông Giêrusalem, nhiều nhân viên bị sa thải vì mọi hoạt động trong lãnh vực hành hương và du lịch bị ngưng lại, sự đi lại bị hạn chế tối đa trong các lãnh thổ người Palestine bị Israel chiếm đóng. Tình trạng này khiến cho các gia đình Kitô hoàn toàn bị mất công ăn việc làm, mất nguồn lợi kinh tế và đang phải chiến đấu để sống còn.
Cứu trợ
Giáo Hội, đặc biệt qua Caritas Giêrusalem cố gắng giúp đỡ các tín hữu ấy, ưu tiên trong lãnh vực săn sóc sức khỏe, những phiếu thực phẩm cũng như giúp trả tiền thuê nhà, tiền điện và nước. Hàng trăm tín hữu Kitô tị nạn vì chiến tranh. Họ được đề nghị tạm trú trong các tu viện, đan viện, các nhà trọ dành cho các tín hữu hành hương và các cơ sở khác của Giáo Hội.
Tất cả các tu viện và nhà dòng đều chịu đau khổ vì tình trạng kinh khủng này, theo Đức Viện Phụ Schnabel, cũng là người phụ trách đan viện Biển Đức ở Tagha bên bờ hồ Tiberiade. Ngài nói: “Thật là một thách đố lớn đối với chúng tôi, vì chúng tôi có khoảng 30 nhân viên người địa phương, phần lớn họ đến từ Bêlem. Chúng tôi quyết định không sa thải họ, dù chúng tôi không có việc làm cho họ. Nếu chúng tôi sa thải, thì có nghĩa là chúng tôi lập tức biến họ thành những người hành khất, họ và gia đình họ! Hơn nữa, với qui luật mới của Israel, các nhân viên ấy phải rời tu viện trước 5 giờ chiều mỗi ngày, họ không có quyền ở lại trong tu viện ban đêm… Tôi nói với các cộng tác viên của tôi: tôi ở với anh chị em, tôi muốn mang lại hy vọng cho anh chị em”.
Dầu sao Viện phụ Schnabel cũng phải nhận rằng tình trạng hiện nay dường như không có lối thoát. Ngài nói: “Tôi không thấy có người nào quanh tôi mà không có một thân nhân bị thương tổn, bị thương hoặc mất tích từ sau biến cố ngày 7/10 năm ngoái khi lực lượng Hamas tấn công Israel từ Gaza. Nhưng tôi muốn rằng đan viện chúng tôi là một ốc đảo hy vọng trong đại dương đau khổ này!”
Văn phòng tòa Thượng Phụ Giêrusalem
Tại Giêrusalem, Tổng giám đốc Văn phòng tòa Thượng Phụ Công Giáo Latinh, ông Sami al-Yousef, cũng lên tiếng và nhận định rằng mức độ chết chóc và tàn phá từ khi xảy ra chiến tranh tại Gaza là điều chưa từng có. Thảm trạng về nhân mạng lên tới mức độ không thể chịu nổi. “Tại Gaza nhân tính không còn nữa!”.
Trên trang mạng của tòa Thượng Phụ, hôm 28/5, Ông Al-Yousef trấn an rằng Tòa Thượng Phụ không những sẽ góp phần tái thiết những cơ sở vật chất của Giáo Hội sau chiến tranh, nhưng còn có kế hoạch mở rộng các dịch vụ ở những khu vực khác có những nhu cầu lớn nhất.
Trong kế hoạch này, Ông Tổng giám đốc nhắc đến thỏa thuận mới được ký kết gần đây giữa tòa Thượng Phụ và Hội hiệp sĩ Malta về việc trợ giúp chung về nhân đạo tại Gaza. Tại đây, ngoài những thương tổn về nhân mạng, còn có tình trạng thê thảm về vấn đề điện, nước, hệ thống ống cống thoát nước, và các mạng thông tin liên lạc cũng như thuốc men và vật tư y tế, thực phẩm, tất cả đều bị thiếu. Các đồ cứu trợ đến chậm, không đáp ứng được một phần nhu cầu. Việc đóng cửa khẩu Rafah của Ai Cập khiến cho tình hình càng khó khăn thêm.
Ông Al-Youssef cho biết Tòa Thượng Phụ đang cố gắng giúp đỡ các tín hữu Kitô tại Gaza và miền Cisgiordani. Ngoài việc đón nhận những người di tản nội địa ở Gaza, và hằng ngày Giáo Hội còn chăm sóc khoảng một ngàn người, công cuộc trợ giúp nhân đạo cho miền Cisjordani vẫn được tiếp tục, như giúp các phiếu thực phẩm cho dân chúng, hỗ trợ tiền thuê nhà và các tiện ích, giúp đỡ về y tế, kiến tạo việc làm và giúp thanh toán học phí cho các học sinh nghèo.