Vào Năm Thánh sắp tới, Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô sẽ có hàng triệu người đi qua. Cửa Thánh tượng trưng cho Chúa Kitô và lòng thương xót của Người. Trong nhiều thế kỷ, lịch sử về Cửa Thánh đã không được để ý. Việc Giám mục Roma mở hai cánh cửa đồng vào ngày 24/12 sẽ đánh dấu sự khởi đầu của Năm Thánh.
Vatican News
Việc bước qua cửa thánh có ý nghĩa rằng nhờ Chúa Kitô, nhân loại được cứu chuộc, nhưng cũng nhắc nhở rằng để bước vào ngôi nhà chào đón, cần phải trở nên bé nhỏ nhằm bước vào một chiều kích nhỏ bé. Cửa Thánh, một yếu tố đặc trưng của Năm Thánh gợi lên điều này. Bằng cách mở hai cánh cửa của Đền thờ Thánh Phêrô, Giám mục Roma mời gọi cộng đoàn Giáo hội bước vào nhà Chúa.
Chúa Giêsu là Cửa
Điều đặc biệt ý nghĩa là với Cửa Thánh chúng ta chỉ có thể bước vào và không có thể bước ra từ đó. Thực ra, bước qua Cửa Thánh có nghĩa là bày tỏ ước muốn được đi vào trái tim Chúa Kitô, cùng cảm thức với Người, để đón nhận vòng tay thương xót của Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu, trong câu 9 chương 10 Tin Mừng Gioan, đã nói: “Tôi là Cửa, ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu”.
Một hành trình ngoại thường
Nghi thức mở Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô đánh dấu sự khởi đầu của Năm Thánh, mở ra cho các tín hữu một “hành trình ngoại thường” của tâm hồn. Cửa Thánh cũng có trong các vương cung thánh đường lớn khác của Roma và trong nhiều nhà thờ, theo truyền thống là điểm đến của các cuộc hành hương, và với sự cho phép của Giáo hoàng, có thể lãnh ơn toàn xá.
Cửa Thánh đầu tiên
Có lẽ vào năm 1423, lần đầu tiên trong lịch sử các Năm Thánh, Đức Giáo Hoàng Martin V đã mở Cửa Thánh ở Roma. Đó là Đền thờ Laterano. Tuy nhiên, một Cửa Thánh lâu đời nhất đã có trước Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử, được Đức Giáo Hoàng Bonifaciô VIII công bố vào năm 1300: đó là cửa nằm trên bức tường bên trái Vương cung thánh đường Collemaggio ở L’Aquila. Cửa được liên kết với sự Tha thứ do Đức Giáo Hoàng Celestine V thiết lập vào năm 1294: ngày nay cửa chỉ mở trong một ngày, từ chiều tối 28/8 đến tối 29/8.
Nguồn gốc Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô
Khó xác định chính xác nguồn gốc hiện diện của Cửa Thánh trong Đền thờ Thánh Phêrô. Trong một nghiên cứu chi tiết gần đây, bà Antonella Ballardini đã chỉ ra rằng một cửa thánh ở đền thờ thánh Phêrô đã được thực hiện bởi Đức Giáo hoàng Niccolò V Parentuccelli (1447-1455), người đã cử hành đại Năm Thánh vào năm 1450. Và bà cũng thêm rằng cánh cửa thứ sáu được thêm vào mặt tiền của vương cung thánh đường cũ, một cánh cửa nhỏ (“Porta parvula”) và mạ vàng (“Porta aurea”), một cửa bằng tường và không có cánh để chỉ được đập ra vào những năm thánh. Cánh cửa nhỏ và mạ vàng đó đã được dựng lại tại nhà nguyện Niccolina bởi Beato Angelico, được gỡ ra bởi Đức Giáo Hoàng Sixto IV vào vọng Năm Thánh 1475, sau đó cửa được thay thế bằng một “cửa thánh” mới vào năm 1499.
Trong vương cung thánh đường mới, vị trí của Cửa Thánh vẫn được giữ nguyên, ở mặt tiền bên trong, ở cuối phía bắc của sảnh. Như thời xa xưa, cánh cửa cuối cùng này (chỉ để vào chứ không để ra) được cố tình làm nhỏ hơn và hẹp hơn, như Tin Mừng nói: “Hãy đi cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang sẽ dẫn đến diệt vong (…)” (Mt 7, 13-14; x. Lc 13, 23-24 Ps 118, 20).
Theo truyền thống, vào cuối mỗi Năm Thánh, cánh cửa này tiếp tục được đóng lại và được ghi thời hạn đã được mở cho Năm Thánh thông thường hoặc ngoại thường, và có thể có ghi thêm một số sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt.
Huy hiệu của các Giáo hoàng
Việc mở Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô chỉ diễn ra trong Năm Thánh, lúc đầu là 50 năm một lần, sau đó – bắt đầu từ năm 1475 – cứ 25 năm một lần. Trong lịch sử, đã có 30 Năm Thánh được cử hành, bao gồm 6 năm thánh ngoại thường, trong đó có Năm Thánh Lòng Thương Xót năm 2015-2016. Cửa Thánh hiện tại được ghi nhớ bằng huy hiệu của các Giáo hoàng xen kẽ với những hình ảnh lịch sử được khắc trên Cửa Thánh cao 3,60 mét và rộng 2,15 mét, là một tác phẩm bằng đồng do điêu khắc gia Vico Consorti người vùng Toscana thực hiện. Cửa được làm, dưới sự hướng dẫn của thần học gia Manlio Savelli, tại xưởng đúc Marinelli ở Firenze trong dịp Năm Thánh 1950. Sau 200 năm, cánh cửa gỗ cổ kính được khánh thành vào ngày 24/12/1749 bởi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV đã được thay thế bằng cánh cửa bằng đồng.
Cửa được hoàn thành chỉ trong chín tháng
Ông Pietro Zander, người phụ trách về di sản nghệ thuật và khảo cổ của Đền thờ thánh Phêrô, cho biết thêm, điêu khắc gia Consorti sinh năm 1902 và qua đời 1949 đã thực hiện cửa thánh mới chỉ trong 9 tháng, cùng thời gian điêu khắc gia Michelangelo thực hiện tượng Đức Mẹ Sầu Bi của Đền thờ Thánh Phêrô. Trước đó đã có một cuộc thi quốc tế cho ba cửa Đền thánh.
Ông Consorti đã tham gia cuộc thi và là một trong số 12 người có mặt trong vòng chung kết cho cuộc tuyển chọn thứ hai diễn ra vào ngày 31/05/1948. Mười hai người được trao mề đay vàng, nhưng vẫn chưa chọn được người chiến thắng. Trong số những người được chọn còn có Giacomo Manzù, được một số thành viên ủy ban cuộc thi coi là “quá hiện đại đối với Đền thờ Thánh Phêrô”.
Trong những năm tiếp theo và giữa hai giai đoạn của cuộc thi thiết kế các cửa cho Đền thờ, việc thiết kế Cửa Thánh mang tính bổ sung đã được đưa vào. Công việc này được ủy quyền bởi Ludovic Kaas, thư ký kinh tế của Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô (Fabbrica di San Pietro) và cũng là thư ký của Ủy ban. Ông Kaas đã chọn điêu khắc gia Vico Consorti, người đã đi vào lịch sử vì đã thực hiện năm cánh cửa bằng đồng, và giao cho ông làm Cửa Thánh của Đền thờ. Hợp đồng từ ngày 01/3/1949 và hai cánh cửa phải hoàn thành trước ngày 15/12.
Trang trí
Chính thư ký kinh tế của Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô là người đã đề xuất các chủ đề được làm bằng đồng và lấy từ Kinh Thánh: mô tả, theo các tiêu chuẩn thẩm mỹ bắt nguồn từ nghệ thuật Toscana thế kỷ 14 và 15, lịch sử loài người cần sự tha thứ của Chúa. Ở tấm cuối cùng – tấm duy nhất có thể tháo ra, vì theo ý định ban đầu có thể thay thế vào mỗi Năm Thánh – miêu tả với một ngọn nến trên tay khi tham dự lễ khai mạc Năm Thánh của Đức Giáo Hoàng Pio XII vào ngày 24/12/1949 .
Năm tha thứ và sự trở lại
Nguồn cảm hứng cho toàn bộ dự án mang tính biểu tượng này là lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Pio XII đăng trên báo Quan sát viên Roma vào ngày 01/01/1949: “Ước gì đối với mọi người Năm Thánh là một năm thanh luyện và thánh hóa, năm đời sống nội tâm và đền tạ, năm của sự trở lại và tha thứ”.
Cảnh Kinh Thánh
Trong mười sáu tấm trên hai cánh cửa bằng đồng, điêu khắc gia Consorti kể lại bằng những hình ảnh kèm theo chú thích, những sự kiện trong Kinh Thánh đề cập đến chủ đề tội lỗi của con người và sự tha thứ của Thiên Chúa. Từ cuộc trốn chạy phân ly của tổ tiên và các loài động vật khỏi Địa Đàng trần thế cho đến sự yên bình kín đáo của buổi Truyền Tin, trong đó Đức Maria với lời “xin vâng” nhắc nhở rằng Thiên Chúa không phải là đối thủ, nhưng là người bạn đích thực và duy nhất của con người.
Từ Phép Rửa của Chúa Kitô, Đấng đi vào lịch sử để nâng lịch sử lên, cho đến cử chỉ đầy ấn tượng của người mục tử đưa tay ra để tìm lại con chiên lạc đã rơi xuống khe núi. Từ cái ôm chúc lành của Chúa Cha, phục hồi phẩm giá cho người con lạc lối trở về, cho đến người bại liệt được chữa lành về thể xác và trước đó cả về linh hồn. Sự tha thứ luôn có thể lãnh nhận được nếu con người sẵn sàng nhận ra rằng mình đã đi sai đường, như trường hợp của người phụ nữ, với nước mắt và mái tóc của mình, đã làm ướt và lau chân Chúa Kitô. Một sự tha thứ không giới hạn đòi hỏi sự hoán cải và sám hối: từ bỏ lối suy nghĩ của con người và đón nhận lối suy nghĩ của Thiên Chúa. Đó là kinh nghiệm mà Phêrô đã trải qua sau ba lần chối Chúa trong những giây phút bi thảm của Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô hoặc của người trộm lành, vào lúc chết, ơn cứu độ đã được công bố: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng”.
Một thông điệp đẹp đến khó tin: Chúa Giêsu đến gặp gỡ sự không thể của chúng ta trong việc chào đón Người và cho phép chúng ta chạm vào thân xác sống động phục sinh của Người, như Người đã làm với tông đồ Tôma. Sau đó, Người ban Thánh Thần trên các Tông đồ để tới lượt mình các ông nhân danh Người tha thứ tội lỗi. “Không còn phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi”, Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Galát, được thể hiện trong tấm thứ 15 tại giây phút hoán cải trên đường đi Đamas.
Những cảnh chưa bao giờ thực hiện
Dự án ban đầu bao gồm một số cảnh chưa bao giờ được thực hiện: chẳng hạn như trên tấm thứ sáu và thứ bảy, Năm Thánh đầu tiên năm 1300 và Năm Thánh năm 1950 lẽ ra phải được cử hành. Những tấm này sau đó được thay thế tương ứng bằng các dụ ngôn về con chiên lạc và đứa con hoang đàng.
Nghi thức phá bỏ bức tường
Ông Zander giải thích thêm rằng từ thời đầu, cánh cửa thánh được xây bằng tường và chỉ được sử dụng trong Năm Thánh, với mục đích đóng cửa Đền thờ. Thực vậy, nghi thức khai mạc Năm Thánh không phải là mở các cánh cửa, nhưng hoàn toàn tập trung vào biểu tượng phá bỏ bức tường. Đức Giáo Hoàng dùng búa đập ba lần và bức tường đổ xuống và được đưa đi, sau đó được dựng lên trở lại vào cuối Năm Thánh và chính ngài với một chiếc bay được trang trí đẹp và vôi, niêm phong một cách tượng trưng ba viên gạch đầu tiên, một viên mạ vàng và hai viên mạ bạc.
Cuộc cải cách của Thánh Phaolô VI
Một hình ảnh còn lưu lại trong lịch sử là đêm Giáng sinh năm 1974, sau ba lần đập búa của Thánh Phaolô VI, một số mảnh tường đã rơi xuống người Đức Giáo Hoàng. Có lẽ chính điều này cũng dẫn đến việc sửa đổi nghi lễ. Từ năm 1975, vào cuối Năm Thánh, Đức Giáo Hoàng muốn làm nổi bật những cánh cửa bằng đồng của điêu khắc gia Vico Consorti bằng cách đặt chúng cố định trên bản lề của Đền thờ.
Trở nên nhỏ bé
Kể từ đó Đức Giáo Hoàng khai mạc Năm Thánh bằng cách mở hai cánh cửa đồng và là người đầu tiên bước qua Cửa Thánh. Ông Zander nhận xét thêm: “Tất cả chúng ta đều ghi nhớ hình ảnh của Thánh Gioan Phaolô II, khi ngài mở cánh cửa trong Năm Thánh 2000, đưa Giáo hội bước vào thiên niên kỷ mới. Bước qua Cửa có nghĩa là làm cho mình trở nên nhỏ bé, có nghĩa là phó thác bản thân cho lòng thương xót Thiên Chúa để được tha thứ và nhờ đó bước vào Giáo hội với một tinh thần mới. Cánh Cửa thực sự mở ra Urbi et Orbi, cho Roma và thế giới. Đó là một khái niệm rất đẹp, nhắm đến tất cả mọi người, những người có đức tin cũng như những người chưa đức tin đến Quảng trường Thánh Phêrô được chào đón bởi đôi tay rộng mở của Mẹ Giáo hội, được biểu tượng bằng hình bầu dục với hàng cột của Bernini và sau đó đến cổng để vào Cửa Thánh”.
Khi kết thúc Năm Thánh, mặt ngoài của cửa vẫn còn được nhìn thấy rõ ràng ở tiền sảnh Đền thờ Thánh Phêrô. Tuy nhiên, mặt trong của cánh cửa, một bức tường được đắp lên, bên dưới bức tranh khảm Thánh Phêrô do Ciro Ferri thực hiện. Bức tường được xây bằng gạch mang dấu hiệu của Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô. Tường được sơn màu trắng với thánh giá vàng được dán lên trên. Bức tường sẽ được phá bỏ vài ngày trước lễ khai mạc Năm Thánh. Vào dịp này, việc xác thực sẽ diễn ra, nghĩa là khi bức tường được đập, một chiếc rương nhỏ sẽ được lấy ra, trong đó chứa chứng thư đóng Cửa Thánh trước đó, chìa khóa, đồng xu và các huy hiệu Giáo hoàng.
Trong nhiều thế kỷ, hàng triệu người hành hương đã đến Roma vào mỗi Năm Thánh, mang theo những vất vả của cuộc sống, những niềm vui, nỗi buồn và những lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, Chúa của lịch sử. Đó là những chứng tá ý nghĩa được khắc ghi nơi khung cẩm thạch của Cửa Thánh Đền thờ bởi dòng người hành hương, những người đã rời bỏ sự an toàn trong gia đình, được thúc đẩy bởi ước muốn có một cuộc sống mới và được cứu chuộc trong Đấng Phục Sinh.