ĐHY Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương: Kitô hữu Syria và Gaza đang cần mọi thứ

Trò chuyện với văn phòng của Mạng lưới Truyền hình Lời Vĩnh cửu tại Vatican, Đức Hồng y Claudio Gugerotti, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, bày tỏ sự quan tâm về tình hình của Kitô hữu ở Syria và Thánh Địa, cảnh báo về sự bất ổn và thách đố về nhân đạo gia tăng trong khu vực. Ngài nói: “Họ cần mọi thứ và chúng ta không thể cho thứ gì”.
 

Vatican News

Nói về Gaza, Đức Hồng y Gugerotti nói: “Hãy nhìn vào Dải Gaza. Ai đến đó khi bom đang dội xuống đó? Người dân đang chết đói”.

Giáo hội đối thoại với các nhóm chính quyền mới

Duy trì liên lạc hàng ngày với các Giám mục ở Syria, Đức Hồng y bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về tương lai của Syria trong bối cảnh động lực chính trị thay đổi sau khi tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ. Ngài nhận định: “Tất nhiên ông Assad đã tạo ra nhiều vấn đề. Tuy nhiên, ông ấy đã sẵn sàng làm việc với các nhóm thiểu số. Chúng ta sẽ thấy trong những tháng tới điều gì sẽ xảy ra”.

Ngài lưu ý rằng các nhóm quyền lực mới nổi lên ở Syria bao gồm các cựu thành viên của Al-Qaeda và ISIS. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh cách các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương đang nỗ lực thiết lập đối thoại với các nhóm này, đặc biệt là thông qua Giám mục Hanna Jallouf ở Aleppo.

Vai trò của cộng đồng quốc tế

Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương cảnh báo rằng nếu không có sự hợp tác quốc tế, tình hình có thể xấu hơn nữa. “Nếu Hoa Kỳ, Nga, Iran, Israel và tất cả những nước khác, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, nếu họ không thể tìm được tiếng nói chung hoặc ít nhất là chia sẻ một số nguyên tắc cơ bản, chúng ta sẽ thấy sự chia rẽ hơn nữa, sự hủy diệt hơn nữa”.

Tình hình bất ổn này, theo Đức Hồng y, đang khiến cho số Kitô hữu rời khỏi khu vực này càng gia tăng. Những người này thường có trình độ học vấn cao hơn và có mối quan hệ quốc tế, có thể dễ dàng hòa nhập hơn vào các xã hội phương Tây.

Bảo tồn căn tính Công giáo Đông phương 

Đức Hồng y Gugerotti đang làm việc với các Giám mục nghi lễ Latinh để bảo tồn căn tính Công giáo Đông phương của những cộng đoàn này trong các cộng đồng di cư, và hy vọng rằng cuối cùng họ có thể trở về quê hương của họ.

Bất chấp những thách đố, Đức Hồng y nhấn mạnh rằng căn tính tôn giáo mạnh mẽ của các Giáo hội Đông phương là một yếu tố tích cực. Ngài nói: “Bất cứ nơi nào họ đến, họ đều là hình mẫu, là tấm gương cho mọi người, cho tất cả các Kitô hữu khác, bởi vì họ rất vững vàng trong đức tin của mình”. (CNA 23/12/2024)