TÔNG DU LUXEMBOURG VÀ BỈ
DIỄN VĂN CỦA ĐTC PHANXICÔ
Gặp gỡ Cộng đoàn Công giáo
Luxembourg, Nhà thờ Chính tòa, 26/09/2024
Kính thưa Đại Công tước,
Kính thưa Đức Hồng Y và anh em Giám Mục,
anh chị em thân mến!
Tôi rất vui mừng được ở đây với anh chị em, trong Nhà thờ Chính tòa tráng lệ này. Tôi biết ơn Đại Công tước và gia đình ông vì sự hiện diện của họ; và tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich vì những lời tốt đẹp của ngài, cũng như Diogo, Christine và Sơ Maria Perpetua vì những chứng từ của họ.
Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra trùng với Năm Thánh Mẫu quan trọng, trong đó Giáo hội Luxembourg kỷ niệm bốn thế kỷ tôn sùng Đức Maria Đấng An Ủi của những người đau khổ, Đấng Bảo trợ của đất nước. Chủ đề anh chị em đã chọn cho chuyến viếng thăm này rất phù hợp với tước hiệu này: “Để phục vụ”. Thật vậy, an ủi và phục vụ là hai khía cạnh cơ bản của tình yêu mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, tình yêu mà Người đã ủy thác cho chúng ta như một sứ vụ (x. Ga 13,13-17) và là tình yêu mà Người đã chỉ cho chúng ta như là con đường duy nhất để đạt tới niềm vui trọn vẹn (xem Cv 20, 35). Đó là lý do mà lát nữa đây, trong lời cầu nguyện khai mạc Năm Thánh Mẫu, chúng ta sẽ cầu xin Mẹ Thiên Chúa giúp chúng ta trở thành “những nhà truyền giáo, sẵn sàng làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng”, đồng hóa tâm hồn chúng ta với tâm hồn Mẹ “để đặt mình phục vụ anh chị em chúng ta”. Giờ đây chúng ta có thể dừng lại và suy tư về ba từ này: phục vụ, sứ vụ và niềm vui.
Trước hết là phục vụ. Cách đây không lâu người ta đã nói rằng Giáo hội Luxembourg muốn trở thành “Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô, Đấng không đến để được phục vụ mà để phục vụ” (x. Mt 20,28; Mc 10,45). Và hình ảnh Thánh Phanxicô ôm lấy người cùi và chăm sóc vết thương cho anh cũng được nhắc lại. Nói về phục vụ, tôi muốn giới thiệu với anh chị em một khía cạnh rất cấp bách hôm nay: đó là khía cạnh chào đón. Tôi đề cập đến điều này ở đây với anh chị em chính là vì đất nước anh chị em có truyền thống lâu đời về vấn đề này, một truyền thống vẫn còn tồn tại, như Sơ Maria Perpetua đã nhắc nhở chúng ta. Chúng ta đã nghe về điều này trong các chứng từ khác và trong những tiếng hô vang liên tục của anh chị em “todos, todos, todos!”, “mọi người, mọi người, mọi người!”, được lặp đi lặp lại trong nhiều dịp khác nhau. Đúng vậy, tinh thần của Tin Mừng là tinh thần chào đón, cởi mở với tất cả mọi người và không cho phép bất kỳ hình thức loại trừ nào (xem Tông huấn Evangelii gaudium, 47). Do đó, tôi khuyến khích anh chị em hãy trung thành với di sản này, tiếp tục biến đất nước của anh chị em thành một ngôi nhà thân thiện cho bất cứ ai gõ cửa nhà anh chị em để xin giúp đỡ và sự đón tiếp.
Việc chào đón là một yêu cầu của lòng bác ái nhưng trước hết, đó là vấn đề công lý, như Thánh Gioan Phaolô II đã nói khi ngài nhắc lại cội nguồn Kitô giáo của văn hóa Châu Âu. Ngài khuyến khích giới trẻ Luxembourg hãy vạch ra con đường hướng tới “một Châu Âu không chỉ của hàng hóa và của cải, mà còn của các giá trị, con người và trái tim”, trong đó Tin Mừng được chia sẻ “trong lời loan báo và trong các dấu hiệu của tình yêu” (Diễn văn gửi giới trẻ của Đại công quốc Luxembourg, 16 tháng 5 năm 1985, 4). Tôi nhấn mạnh điều đó: một Châu Âu và một thế giới trong đó Tin Mừng được chia sẻ bằng lời loan báo kết hợp với những dấu chỉ tình yêu.
Và điều này đưa chúng ta đến chủ đề thứ hai: sứ vụ. Cách đây không lâu, Đức Hồng Y Tổng Giám mục đã nói về “sự phát triển của Giáo hội Luxembourg trong một xã hội tục hóa”. Tôi thích cách diễn đạt này: Giáo hội, trong một xã hội tục hóa, tiến hóa, trưởng thành và phát triển. Giáo hội không co cụm, buồn bã, cam chịu, oán giận; đúng hơn, chấp nhận thách thức, trung thành với các giá trị của mọi thời đại, khám phá lại và đánh giá lại các con đường loan báo Tin Mừng theo cách thức mới, ngày càng chuyển từ cách tiếp cận đơn giản là chăm sóc mục vụ sang cách tiếp cận loan báo truyền giáo. Và để làm được điều này, Giáo hội sẵn sàng phát triển: ví dụ – như Christine đã nhắc nhở chúng ta – trong việc chia sẻ trách nhiệm và mục vụ, cùng nhau đồng hành như một cộng đoàn công bố và biến tính hiệp hành thành một “cách liên hệ lâu dài” giữa các thành viên của mình.
Những bạn trẻ của chúng ta đã cho chúng ta thấy hình ảnh đẹp về giá trị của sự tăng trưởng này thông qua màn trình diễn một cảnh trong vở nhạc kịch Laudato Si’. Thật hay! Cảm ơn món quà của các bạn! Công việc của các bạn, kết quả của nỗ lực cộng đồng có sự tham gia của nhiều người trong Tổng Giáo phận, là một dấu hiệu mang tính ngôn sứ kép cho tất cả chúng ta! Trước hết, nó nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của chúng ta đối với “ngôi nhà chung”, nơi chúng ta là những người bảo vệ chứ không phải những kẻ chuyên quyền. Đồng thời, điều này cũng khiến chúng ta suy tư rằng nếu chúng ta cùng nhau sống sứ vụ này, nó sẽ trở thành một bản nhạc tuyệt vời mà chúng ta có thể hát để công bố vẻ đẹp của Phúc Âm cho tất cả mọi người. Và điều này rất quan trọng đối với chúng ta: điều thúc đẩy chúng ta thực hiện sứ mạng, thực ra, không phải là nhu cầu “làm tăng số lượng”, thực hiện “việc chiêu dụ tín đồ”, mà là ước muốn làm cho ngày càng nhiều anh chị em nhận thức được niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.
Vì vậy, khi chúng ta vượt trên những khó khăn, sự năng động sống động của Chúa Thánh Thần đang tác động trong chúng ta! Tình yêu thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng bằng cách mở ra với người khác, và thách thức của việc loan báo giúp chúng ta phát triển như một cộng đoàn, giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi khi đi theo những con đường mới và thúc đẩy chúng ta đón nhận sự đóng góp của mọi người với lòng biết ơn. Đó là một năng động đẹp đẽ, lành mạnh, vui tươi mà chúng ta nên vun đắp trong chính mình và giữa những người xung quanh chúng ta.
Và giờ đây chúng ta đến với từ thứ ba: niềm vui. Diogo, khi nói về kinh nghiệm của Đại hội Giới Trẻ Thế Giới, đã nhớ lại niềm hạnh phúc mà anh cảm nhận được vào đêm canh thức lễ hội, khi cùng với các bạn đồng trang lứa thuộc mọi nguồn gốc và quốc gia chờ đợi giây phút gặp gỡ của chúng ta, cũng như cảm xúc khi thức dậy trong buổi sáng hôm sau, xung quanh có rất nhiều bạn bè; và cả sự nhiệt tình của anh trong quá trình cùng nhau chuẩn bị ở Bồ Đào Nha cũng như niềm vui sau một năm được đoàn tụ với những người khác tại Luxembourg. Anh chị em có thấy không? Đức tin của chúng ta là như thế này: nó vui tươi, “nhảy múa”, bởi vì nó nói với chúng ta rằng chúng ta là con cái của một Thiên Chúa là bạn của con người, Đấng muốn chúng ta hạnh phúc và hiệp nhất, và là Đấng vui mừng trên hết vì ơn cứu rỗi của chúng ta (xem Luca 15, 4-32; Thánh Grêgôriô Cả, Các Bài giảng về Tin Mừng, 34,3).
Tôi muốn kết thúc vấn đề này bằng cách nhắc lại một truyền thống tốt đẹp khác của đất nước anh chị em mà tôi đã được kể: cuộc rước mùa xuân – Springprozession – diễn ra tại Echternach vào Lễ Hiện Xuống, để tưởng nhớ công việc truyền giáo không mệt mỏi của Thánh Willibrord, nhà truyền giáo của những vùng đất này. Toàn bộ thành phố đổ ra đường, nhảy múa trên khắp các đường phố và quảng trường, cùng với nhiều người hành hương và du khách đến đó, cuộc rước trở thành một vũ điệu hoành tráng, độc đáo. Già trẻ lớn bé, mọi người cùng nhau khiêu vũ, hướng về Nhà thờ Chính tòa – năm nay ngay cả khi trời mưa, tôi đã được biết – để làm chứng một cách nhiệt tình, để tưởng nhớ Vị Mục Tử thánh thiện, thật tuyệt vời biết bao khi được cùng nhau bước đi và gặp tất cả anh chị em quanh bàn tiệc của Chúa chúng ta.
Anh chị em thân mến, sứ mạng mà Chúa giao phó cho chúng ta thật cao đẹp, sứ mạng an ủi và phục vụ, noi gương và với sự trợ giúp của Đức Maria. Cảm ơn anh chị em vì công việc anh chị em làm và cũng vì sự giúp đỡ quảng đại mà anh chị em muốn chia sẻ với những người thiếu thốn. Tôi chúc lành cho anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em. Và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi.