I. VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC TRONG GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI HÔM NAY
Nhìn vào xã hội Việt Nam hôm nay, không ai mà không trăn trở trước sự suy đồi đạo đức và những tệ nạn xảy ra từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Xin tạm liệt kê một vài điểm nhức nhối mà rất dễ để ai cũng nhận thấy như sau:
1. Những khủng hoảng trong đời sống gia đình và xã hội
Trước đây, mọi sinh hoạt xã hội, kinh tế, văn hóa và tôn giáo đều diễn ra trong phạm vi “lũy tre làng”, giúp mọi người có thể nhắc nhở, động viên nhau sống đạo cách dễ dàng và hiệu quả. Đến nay, trước làn sóng đô thị hóa và công nghiệp hóa, ngày càng có nhiều người rời nông thôn để tìm việc làm tại các đô thị, phần lớn trong số này là giới trẻ. Những người di dân là sinh viên, học sinh, công nhân, những người buôn bán nhỏ và còn nhiều thứ dịch vụ khác, nhiều người đi lao động hoặc nhiều phụ nữ đi làm dâu tại nước ngoài. Những vất vả trong cuộc vật lộn mưu sinh, khiến nhiều người không còn thời gian dành cho đời sống thiêng liêng, không quan tâm lắm đến việc hướng dẫn, dạy dỗ con cái.
Những thay đổi nếp sống trong xã hội hiện đại đã tác động nhiều đến con người Việt Nam, đặc biệt là người trẻ, nó tạo nên những chuyển biến về kinh tế gia đình cũng như xã hội, nhưng nó làm thay đổi quan niệm sống, đảo lộn đạo đức lễ nghĩa. Nhiều bài viết, nhiều nhận định rất có giá trị như tiếng chuông gióng lên cảnh báo về điều này. Chúng ta cũng có thể kể ra đây vài điểm như sau:
– Lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội, có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài, hiện đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một.
– Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ.
– Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa.
– Gia đình bất hòa, ly tán và đổ vỡ, và tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng.
– Quan niệm về tình yêu hôn nhân, về đời sống gia đình cũng bị biến dạng. Đã xuất hiện những trào lưu thiếu lành mạnh và sai lầm như sống thử, sống ngoài hôn nhân và tự do ly dị. Nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng, ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò.
– Nạn bạo hành gia đình và bạo hành học đường, hành vi xâm hại tình dục trẻ em và lạm dụng tình dục đang là một báo động về sự suy đồi đạo đức.
– Những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều.
2. Những con số biểu hiện sự biến tính và biến chất về đạo đức
Theo báo “Giáo Dục Tp. HCM”, kết quả khảo sát tình trạng trẻ em lao động sớm của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội trên một số quận, huyện trong giai đoạn 2009-2010, có gần 85% trẻ em tham gia lao động nặng nhọc, độc hại đang đi học, đặc biệt trong số đó có 18,3% đang học tiểu học, 54,57% đang học THCS và 27% đang học THPT. Có gần 60% trẻ em trong diện điều tra phải làm việc sau giờ đi học, gần 40% làm việc cả trước và sau giờ đi học, hầu hết trẻ em phải làm việc quanh năm. Nói như vậy có nghĩa là số học sinh từ 6 đến 14 tuổi chiếm phần lớn trong số lao động trẻ em sớm hiện nay.[1] Nạn bạo hành tại gia đình cũng như tại học đường ngày càng gia tăng. Nạn phá thai theo PGS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho biết, Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có 20 ca nạo phá thai, trong đó 30-40% người phá thai là các bạn học sinh, sinh viên và công nhân. [2]
Tình trạng này đến những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo, Hội Liên hiệp thanh niên và UNICEF vừa tiến hành nghiên cứu “Nguyên nhân bỏ học của trẻ em Việt Nam”. Qua điều tra về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam (SAVY), có tới 24% thanh niên được điều tra đã bỏ học khi chưa đến 15 tuổi, tỉ lệ bỏ học từ lớp 1-5 là 12%, lớp 6-8 là 21%. Theo SAVY, chỉ có 46,3% thanh niên Việt Nam được đi học trung học…. Tình trạng bạo lực xảy ra với học sinh cũng phần nào ảnh hưởng tới việc bỏ học của học sinh. Có tới 22% học sinh trong cuộc điều tra cho biết ở trường học đôi khi giáo viên phạt học sinh bằng các hình thức như tát, đánh, chửi mắng, dọa nạt[3]. Bạo hành học đường không chỉ ở chỗ giáo viên đánh mắng học trò, mà có vấn đề còn nhức nhối hơn là học trò đánh nhau, đánh hội đồng, đánh nhau còn quay video clip tung lên mạng. Trang Thông Tin Điện Tử Hội Phụ Nữ Việt Nam Tỉnh Khánh Hòa, ngày 27/11/2019 đã đưa tin: “Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đầu năm 2010 cả nước có 1.600 vụ học sinh đánh nhau, làm chết 7 em, nhiều học sinh phải mang thương tật suốt đời (Vì rất nhiều lý do khác nhau, kể cả những lý do rất đơn giản). Các nhà trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 em, cảnh cáo 1.558 em, đuổi học 735 em. Trung bình trong cả nước 1 ngày xảy ra trên 5 vụ bạo lực học đường. Theo báo Nhân Dân, số thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội số vụ bạo hành trong trường học năm 2012 tăng 13 lần so với 10 năm trước đây (So với 7 lần trong cộng đồng). Tính bình quân cứ 5.200 học sinh có 01 vụ đánh nhau, trong 11.000 học sinh có 01 học sinh buộc phải thôi học vì đánh nhau. Năm 2018 cả nước có hơn 2.000 vụ đánh nhau (trong thực tế con số đó còn lớn hơn nhiều).
Trang Thông Tin Điện Tử Thị Xã Phước Long, 05/08/2019 đăng tin: “Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Việt Nam cho thấy trong 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm. Số liệu báo cáo của các tổ chức phi chính phủ cũng cho thấy cứ 2-3 ngày lại có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình, mà nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em.”
Khi nói về những tội phạm trong xã hội Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ XXI, báo Tuổi Trẻ, mục Chính Trị – Xã Hội, diễn đàn Chúa nhật, ngày 05/10/2014 trích lời ông Đinh Văn Quế, nguyên chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao nói[4]:
Xã hội trước đây cũng có án giết người nhưng không có nhiều vụ man rợ, tàn bạo như bây giờ. Hồi ấy, chủ yếu là các băng đảng hình sự cướp của giết người, thanh toán lẫn nhau.
Còn bây giờ lại có nhiều vụ do chính người thân thiết ra tay ác độc với nhau. Thậm chí, có những vụ man rợ đến mức mà chính tôi suốt bao nhiêu năm ở ghế xét xử cái ác cũng phải bất ngờ, ghê rợn. Cái ác có vẻ ngày càng dữ dội hơn, khủng khiếp hơn. Nhiều người không còn sợ pháp luật nữa.
Theo ông Quế, nguyên nhân là do trong nền giáo dục của chúng ta giáo dục chỉ là để kiếm sống, để tồn tại trong xã hội, mà thiếu giáo dục hướng thiện, thiếu rèn luyện nhân cách cho con người, thiếu gương lành, pháp trị mà không đề cao nhân trị nên cũng không đi đến đâu trong việc răn đe và nghiêm trị.
Và cũng theo ông Quế, cần xây dựng một nền giáo dục hướng thiện thật sự, rèn nhân cách trước khi rèn nghề, giáo dục hiệu quả không chỉ ở một mối nơi nhà trường mà còn từ tổng hòa cả gia đình xã hội và tôn giáo. Ông Quế xác quyết rằng: “xây dựng một nền giáo dục hướng thiện phải được nhận thức là một chiến lược cấp bách của quốc gia. Nó phải được thực hiện tổng hòa trên cả nhà trường, gia đình và xã hội. Giáo dục đạo đức của chúng ta thời gian qua quá xa rời thực tế, nhiều mỹ từ to lớn mà sáo rỗng, người học không thể cảm xúc, hấp thụ được. Hãy mạnh dạn thay đổi mới mong thay đổi được bản chất xã hội.”
Đồng ý với ý kiến của ông Quế, ông Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Đại học An Ninh Nhân Dân cho rằng những hành vi tàn ác xuất hiện như một hiện tượng “bình thường” trong xã hội, đó là hậu quả của sự suy đồi chuẩn mực đạo đức trong xã hội, là hệ quả của lối sống buông thả cá nhân, là sự giải quyết không đến nơi đến chốn của chính quyền các cấp, là mâu thuẫn nội tại về lợi ích vật chất…[5]
Những dữ kiện và con số ấy biểu hiện mặt nổi, phản diện, biến tính và biến chất của xã hội Việt Nam, mà thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, là sản phẩm, là nạn nhân của một giai đoạn lịch sử của dân tộc chúng ta; và chúng ta cũng tham gia vào những lỗi lầm và tội lỗi của dân tộc mình, chúng ta bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục và lối đào tạo của một chế độ xã hội vô thần và chạy theo vật chất mà hậu quả là mang lấy những đau khổ, tội luỵ, tệ nạn.
II. THỰC TRẠNG XÃ HỘI VỀ ĐẠO ĐỨC HÔM NAY LÀ SẢN PHẨM CỦA LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC CHÚNG TA TRONG THẾ KỶ XX
Suy nghĩ đâu là thực tại xã hội của lịch sử dân tộc Việt Nam đã ảnh hưởng lên dân Việt, lên giáo hữu Việt Nam, đặc biệt là người trẻ Việt hôm nay!!? Dân tộc chúng ta trải qua một thời kỳ lịch sử, mà theo tôi, Thiên Chúa lại kêu gọi những “ngôn sứ” để nói sự thật về và cho dân tộc chúng ta. Họ làm chức năng “công tố viên” của ngôn sứ để cảnh báo cho dân tộc và cho chính chúng ta. Sau đây là vài ý tưởng làm gợi ý để chúng ta cùng đọc lại lịch sử của dân tộc mà nhìn ra thực tại xã hội hiện tại.
Câu chuyện lịch sử trải dài qua những biến cố lớn lao của dân tộc Việt Nam của thế kỷ XX đã hiện lên những sai lầm, ấu trĩ của một thời kỳ lịch sử mà bất cứ ai trong thời điểm đó, dù biết được hay không, cũng chẳng thể vượt qua…”[6] Những thời điểm lịch sử đã đẩy người dân Việt Nam vào cảnh lầm than và khốn khổ, đã để lại tang thương mất mát và khổ lụy!” [7] Khi nhìn lại thực trạng hôm nay, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho rằng những gì đang trở thành nhược điểm của người Việt Nam hôm nay chủ yếu được hình thành trong thế kỷ XX[8]. Chúng ta cùng nhau lướt qua từng biến cố lịch sử này.
Cải cách ruộng đất với chính sách “đấu tố” chỉ ra kết quả thê thảm của hành động này là hàng trăm ngàn người bị xử oan, chết oan lộ rõ một khuôn mặt xã hội phản đạo đức, phi nhân bản, trong đó con cái đấu tố cha mẹ, vợ chồng bạn bè họ hàng đấu tố nhau.[9]
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, khi nhìn lại giai đoạn khắc nghiệt đó đã đau đớn nói rằng: Sai lầm của cải cách ruộng đất càng nghĩ càng thấy có tác hại sâu sắc và lâu dài đối với truyền thống tư tưởng, văn hóa của dân tộc. Vô nhân đạo vì coi mạng người như cỏ rác. Mượn cớ căm thù giai cấp để biện minh cho cái ác. Cái ác mà được cho là đúng đắn, là cách mạng thì cái ác tất sẽ được nhân lên hàng trăm lần. Làm ác mà yên ổn với lương tâm thì thật vô cùng khủng khiếp. Cuộc cải cách đã huỷ hoại truyền thống tinh thần tốt đẹp của gia đình, họ tộc, làng xã, của văn hóa, phong tục Việt Nam [10].
Còn mô hình kinh tế hợp tác xã nông nghiệp được mô tả “giống như một cơn lũ, nó cuốn phăng đi mọi thứ của nhà nông đã tích góp từ bao đời.”[11] Kết quả tất nhiên của nó là đất nước hoàn toàn bị khánh kiệt. Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, Việt Nam rơi vào cơn khủng hoảng lương thực, dân phải ăn bo bo, khoai sắn, củ chuối thay cơm.[12] Tệ nạn kéo theo là người Việt càng nhiều hơn những tính toán chuyện bớt xén, gian lận… Điều đau khổ hơn nữa đã xảy ra, là chính cha mẹ dạy cho con cái, tập cho chúng gian lận, lươn lẹo để tồn tại… Rồi cái gian lận, cái lươn lẹo đó nó len lỏi cả vào trong đời sống đạo, trong đời tu của Giáo hội Việt Nam. Nghèo đói càng thêm nghèo đói. Tội lỗi chồng chất tội lỗi.
Cơ chế bao cấp hình thành do chế độ xã hội chủ nghĩa, nó đã làm nảy sinh hai đứa con tệ hại là thói đạo đức giả và thói vô trách nhiệm.[13] Nó đã đẩy nền kinh tế Việt Nam đến chỗ phá sản, làm cho hàng triệu người Việt Nam, đặc biệt những người có tôn giáo, hầu như không còn đất sống.
Đến thời “Đổi Mới”, Việt Nam theo gót chân Trung Quốc đã có một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, điều mà các nước Châu Âu mất 4 thế kỷ thì Việt Nam và Trung Quốc chỉ vỏn vẹn trong 40 năm. Hệ quả tất yếu là nảy sinh ra bao nhiêu tiêu cực và tệ nạn trong xã hội mà chúng ta ai cũng chứng kiến và đau xót. Đó là mặt trái của mề đay. Do vậy điều đang xảy ra hiện nay, đó là một thời đại luân lý đảo điên, nôn nóng, buông thả, sống gấp, sống cuồng, sống vội… [14] giả dối, lừa lọc, phi đạo đức lên ngôi, xã hội đang đầy rẫy những thứ giả. Chúng ta đặt vấn đề ở đây là những điều ấy có ảnh hưởng trong dòng tu, trong chủng viện, trong các trung tâm học vấn công giáo bao nhiêu phần trăm? Những tu sĩ, linh mục trẻ Việt Nam có học theo thói giả dối đó không?
Xã hội Việt Nam thời “mở cửa” này “đẻ ra” một đám người thích “xài sang”, họ xem đó là thứ thần tượng, là đẳng cấp hoàn hảo[15], họ thích họ là con người sành điệu hơn là con người nhân bản đạo đức, và lối sống ấy đã làm cho thế hệ trẻ Việt bị nhiễm lây thói thích “lên đời”!
Người tu sĩ Việt Nam hôm nay phải “trở thành ngôn sứ” cho người trẻ, nghĩa là, đồng hành với họ, cùng làm nên lịch sử với họ, giải phóng họ khỏi hoàn cảnh phi nhân tính, mang cho họ hy vọng và tự do, loan báo từ bên trong thông điệp cứu độ của Chúa Giêsu. Dù chúng ta không thể thay đổi xã hội Việt Nam một sớm một chiều, nhưng chúng ta cũng phải đầu tư những điều chúng ta có, ngay cả có ít, bằng lời nói và hành động, bằng cách sống và sự phục vụ, với đức tin và sự gần gũi thân thiện và yêu thương. Một cách hiệu quả, đó là cần có những chương trình giáo dục cho người trẻ để giúp họ tự đảm nhận việc tự huấn luyện và lớn lên trong sự hiểu biết về một nền giáo dục hướng đến trưởng thành toàn diện.
III. GIÁO DỤC GIÚP PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH VÀ TRƯỞNG THÀNH TOÀN DIỆN
1. Hiểu đúng về nhân cách
Nhân cách là tư cách và phẩm giá của con người. Tư cách là cách ăn ở, giao tiếp, cư xử của một người trong xã hội; phẩm giá là những tính chất tốt đẹp và giá trị riêng của con người. Cách ăn ở, cư xử của mỗi người làm nên giá trị của họ. Người có nhân cách là người biết ăn ở cư xử tốt đẹp đúng với phẩm giá con người, làm cho mình có giá trị hay phẩm chất.
Theo tâm lý học, “nhân cách là tổ hợp những thái độ, những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý riêng trong quan hệ hành động của từng người với thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật, với xã hội con người và với bản thân.”[16] Nhân cách được hình thành dần dần bằng các hoạt động và giao lưu của từng người trong suốt cuộc đời.
Những giá trị thường được nhấn mạnh khi nói đến nhân cách đó là: giá trị tư tưởng như lý tưởng, niềm tin, tự do, hoà bình; giá trị đạo đức như lương tâm, trách nhiệm, khoan dung, trung thực…; giá trị nhân văn như nghề nghiệp, thời trang. Trong đó niềm tin là cơ sở nền tảng định hướng các giá trị, đề ra con đường và các biện pháp nhằm hình thành và phát triển nhân cách con người
Để xứng đáng là người có nhân cách, “những gì là chân thật cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen thì anh em hãy để ý đem ra thực hành” (Pl 4,8).
2. Vai trò của giáo dục trong việc hình thành nhân cách
Sinh ra và lớn lên trong lịch sử của một dân tộc, con người bị ảnh hưởng bởi chuẩn mực đạo đức mà xã hội đương thời tác động lên nó. Tâm lý học cho thấy con người thường hành động theo những thúc đẩy vô thức, theo những uất ức chất chứa trong lòng từ thời thơ ấu. Những khát vọng ấu thơ không được thoả mãn, bị dồn nén một lúc nào đó sẽ bừng dậy, lôi cuốn con người hành động theo sự thúc đẩy của nó. Những khát vọng vô thức này thường xuất hiện trong những giấc mơ, trong những hành động vô ý thức như: lầm lẫn, nói hớ,… những thói quen đặc biệt hoặc những tâm bệnh lạ lùng. Qua những hành vi đó, ta sẽ hiểu được tâm lý sâu xa của một người, cùng những chấn động tâm lý ấu thời đã định hình cho tính nết và thái độ sống của cả đời họ. Đó là cái mà tâm lý học gọi là bản ngã.
Khi bản ngã bị chi phối nhiều bởi những xung động của bản năng tự nhiên nghiêng về, chiều theo những xung động của bản năng, con người ấy sống không khác gì con thú, chỉ biết thỏa mãn cho những nhu cầu sinh lý của thể xác giống như con thú. Giáo dục gọi đó là “con người thứ nhất có tính tự nhiên”. Đó là người chưa trưởng thành nhân cách, thiếu quân bình trong việc đối nhân xử thế. Ngược lại, bản ngã lành mạnh, con người sử dụng khả năng tinh thần, trí tuệ, thể chất một cách đầy đủ, hợp lý theo những chuẩn mực xã hội, giữ được thế quân bình trong hành vi, lời nói, ứng xử… của mình. Con người ấy có nhân cách trưởng thành.
Con người không thể tự mình phát triển toàn diện nhân cách, mà cần phải được giáo dục. Giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Giáo dục là tác động làm cho người được giáo dục biết các chuẩn mực xã hội (mục tiêu tri thức), tập cho họ sống và biến các chuẩn mực ấy trở thành của mình (mục tiêu thái độ), và thể hiện trong cuộc sống qua các hành vi giao tiếp ứng xử (mục tiêu hành vi). Giáo dục là tác động giúp cho người được giáo dục không sống theo bản năng tự nhiên như con thú, nhưng là định hướng giúp họ sử dụng tiềm năng bẩm sinh của mình để phát triển nhân cách trở thành “con người thứ hai”, sống đúng với nhân phẩm, có khả năng sống chung.
IV. CÁC CHIỀU KÍCH THĂNG TIẾN SUNG MÃN NHÂN CÁCH
Để trưởng thành cách sung mãn, con người cần phải thăng tiến nhân cách trong ba chiều kích của đời sống, đó là: (1) chiều kích nhân bản (rèn luyện nhân cách), (2) chiều kích tương quan (sống các mối quan hệ); (3) chiều kích tâm linh (đời sống nội tâm). Để thăng tiến nhân cách qua các chiều kích của đời sống, người trẻ không tự mình lớn lên, nhưng cần sự đồng hành của những “vị thầy thiêng liêng” – những “người bạn đồng hành” – những người “truyền cảm hứng”.
BẢNG 1
1. Trưởng Thành Nhân Bản
Chiều Kích Nhân Bản Trong Sự Trưởng Thành Nhân Cách: Có 3 mức độ:
1.1. Vượt qua bản năng để sống một tình yêu
Sống theo bản năng là sống theo những xung động bên trong để thỏa mãn chính mình, chỉ biết yêu mình, thích chiếm đoạt, sống vị kỷ, thu gom về mình và không chấp nhận người khác. Sống như vậy con người không có tự do.
Để trưởng thành nhân cách, con người cần vượt qua bản năng, nhờ giáo dục mà tập luyện cho mình một tình yêu biết chia sẻ, biết cho đi, biết trao ban. Nhờ thế con người ngày càng làm cho mình hiểu biết về thế giới tự nhiên, về người khác và về chính mình, làm cho mình thành người có lương tri hơn.
1.2. Vượt qua hiểu biết bằng giác quan để đạt tới sự hiểu biết bằng lý trí
Theo tự nhiên, con người tiếp xúc và nhận biết thế giới bên ngoài bằng ngũ quan: thị giác, vị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác. Nhận biết của con người như vậy chỉ là mức độ tư duy cụ thể (= thấy gì nói vậy, thích gì nói đó, muốn sao thì làm vậy)
Để trưởng thành nhân cách, con người cần được giáo dục để đạt tới tư duy trừu tượng, đạt tới sự hiểu biết của lý trí, biết nhận định, lý luận, phán đoán trước một vấn đề, một sự vật hay một sự việc…, biết nỗ lực vươn lên chứ không thỏa mãn hay chấp nhận thực tại.
1.3. Vượt qua sự lệ thuộc để sống tự do
Sống tự do đích thực là khả năng nhận biết điều tốt điều xấu và chọn lựa làm điều tốt, không làm điều xấu. Càng làm điều thiện con người càng có tự do.
Khi sống trong sự lệ thuộc, con người chưa có khả năng quyết định chọn lựa làm điều tốt, chưa dám lãnh trách nhiệm về những quyết định chọn lựa của mình. Họ chịu sự lệ thuộc của những sức mạnh, những quyến rũ bên ngoài … và thường đổ lỗi về những sai trái, lầm lỗi của mình.
Để trưởng thành trong nhân cách, con người cần được giáo dục biết phân định các điều tốt xấu, lành dữ, đâu là giả tạo, đâu là sự thật để vượt qua sự lệ thuộc của các sức mạnh bên ngoài, dám chọn lựa làm điều tốt và lãnh trách nhiệm về sự chọn lựa của mình.
BẢNG 2
2. Trưởng Thành Trong Các Mối Tương Quan
2.1. Chỉ số EQ – “Át chủ bài”[17]
IQ – chỉ số thông minh (Intelligence Quotient). IQ đo lường khả năng trí lực, năng lực học hỏi, khả năng hiểu và xử lý tình huống, năng lực suy nghĩ logic, phản biện, sự nhạy bén trong suy nghĩ…
EQ – chỉ số cảm xúc (Emotional Quotient). EQ đo lường năng lực, khả năng hay kỹ năng của một người trong cảm nhận, đánh giá, và quản lý cảm xúc của bản thân, của người khác hay của một nhóm người. EQ cao giúp con người.
SQ – chỉ số thông minh xã hội (Social Quotient). SQ là nhận thức về nhân dạng đích thực, ý nghĩa, các giá trị cốt lõi của cuộc sống và cảm nhận rõ ràng về mục đích sống.
IQ quan trọng khi giải quyết các tình huống. EQ giúp ta hành xử chừng mực với những người liên quan. Có sự quân bình trong việc vận dụng cả hai chỉ số này giúp chúng ta sống tương quan với người khác trong một thế giới quá nhiều thay đổi. Phải biết sử dụng chỉ số thông minh đúng lúc và đúng chỗ, nếu không chúng sẽ tạo ra những hạn chế trong tương quan đời sống xã hội.
Một người sử dụng tốt chỉ số IQ và EQ có thể đưa ra những ý tưởng hay, đồng thời truyền cảm hứng cho người khác hỗ trợ, cộng tác, làm việc để hoàn thành nhiệm vụ. Ở mọi trường hợp trong tương quan cuộc sống, điểm yếu chết người của một người nằm ở trí tuệ cảm xúc EQ – kẻ ấy kiêu ngạo, quá lệ thuộc vào trí tuệ, nhưng lại không có khả năng thích ứng với những thay đổi, đôi khi mất phương hướng, luôn gặp khó khăn trong làm việc chung. Nhà nghiên cứu Daniel Goleman cho rằng: sự thành công của một người dựa vào ít nhất 70% chỉ số EQ, không đến 30% còn lại là chỉ số IQ.
Khả năng biết dựa vào EQ kết hợp với sự nhạy bén trong nhận thức những cái mới nảy sinh trong xã hội để chủ động điều tiết cách ứng xử của mình trong cộng đồng. Khi cảm thấy an toàn trong tương quan xã hội, ta sẽ ít vướng vào những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, sợ hãi, ganh tỵ… theo đó chỉ số EQ lại được tăng triển mạnh hơn.
2.2. Tương quan với gia đình
Trong các mối tương quan mỗi người phải biết trân quý và xây dựng tương quan với những người trong gia đình – cộng đoàn/nhóm. Gia đình, cộng đoàn là trái tim của xã hội, nơi đó con người được bắt đầu (chào đời, đời tu), và là cái nôi cho các thế hệ. Điều tối cần thiết để liên kết, nâng đỡ, hàn gắn tương quan của các thành viên trong gia đình là cùng nhau nhìn nhận các giá trị cốt lõi được thiết lập trong gia đình, cộng đoàn/nhóm.
Các giá trị chung sẽ dễ dàng đưa mọi người trong gia đình, cộng đoàn, nhóm đến những quyết định chung. Các thành viên trong gia đình, cộng đoàn/nhóm cùng ngồi lại với nhau chọn ra (hoặc theo truyền thống) những giá trị mà tất cả đều cho là cần thiết đối với gia đình, cộng đoàn, nhóm. Hằng ngày nên tìm thời gian chung để cầu nguyện, chuyện trò, chia sẻ, lắng nghe trong một môi trường tôn trọng và an toàn. Họp mặt gia đình, cộng đoàn, nhóm (thời gian được chọn nên cố định) giúp cho mỗi thành viên cảm thấy mình là một phần trong tập thể và trong tiến trình đưa ra những quyết định và giải quyết vấn đề chung. Cũng nơi đó, mọi người chia sẻ với nhau những thành công, những kế hoạch, những niềm vui khiến cho mỗi thành viên cảm thấy mình có trách nhiệm và thân thuộc với các người khác. Đây cũng là cơ hội để mỗi thành viên giúp đỡ người khác.
Đôi khi mỗi người cũng cảm thấy mình bị làm phiền bởi hành vi của những người trong gia đình, cộng đoàn. Thật quan trọng cần phân biệt: (i) Hành vi của họ gây phiền chứ không phải bản thân họ; (ii) Chúng ta không thể thay đổi người khác, nhưng có thể thay đổi lối ứng xử của ta với họ và dần dần tạo động lực cho họ thay đổi. (iii) Hoán cải trước hết là thay đổi bản thân.
2.3. Tương quan với xã hội
Con người cần đến một đời sống xã hội. Đời sống này thuộc bản tính con người. Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội khi nói về sự lệ thuộc giữa nhân vị và xã hội đã minh định rằng, nhờ trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với tha nhân, con người phát triển các khả năng của mình và đáp lại ơn gọi làm người.[18]
Trong xã hội, con người thừa hưởng những di sản do người khác để lại để làm giàu cho căn tính của mình; thì mỗi người phải tôn trọng các quyền bính đã được xã hội thiết lập và tham gia vào việc mưu cầu công ích cho cộng đồng. Đời sống xã hội giúp con người phát triển những đức tính của con người, thì cũng kèm theo những nguy hiểm, làm cho con người nhiều khi xa cách không làm điều thiện và bị lôi kéo làm điều ác.[19]
Người trẻ cần được hướng dẫn để xác định các bậc thang đúng đắn của các giá trị: (i) Các chiều kích thể lý và bản năng phải lệ thuộc vào chiều kích thiêng liêng và nội tâm. (ii) Tránh lẫn lộn giữa phương tiện và mục đích dẫn tới việc coi những cái vốn là phương tiện như là cùng đích. (iii) Con người chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh, là đối tượng phục vụ. Cần phải được tôn trọng.
Và trong các mối tương quan xã hội cần giúp người trẻ (i) biết tôn trọng, lịch sự với người khác, chấp nhận cá biệt của mỗi người, hòa nhã, không tìm cách chiếm hữu của người khác, biết cởi mở không sống trong tự thế tự vệ, không luồn lách hay xu nịnh, cũng không khinh thường người khác. (ii) Biết gìn giữ, bảo vệ môi trường, biết ca ngợi thán phục thế giới, vũ trụ và tôn trọng và gìn giữ các thành tựu văn minh trên thế giới, các nơi công cộng, biết đọc từ các biến
cố, hiện tượng xảy ra trong thế giới và vũ trụ những ý nghĩa cuộc sống và dấu chỉ của thời đại. (iii) Biết giữ quân bình về mặt tâm lý, dám trực diện với con người thật của mình để vươn lên. Không tự ti cũng đừng tự tôn.
2.4. Tương quan với Thiên Chúa
Hạnh phúc đích thực là được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (2P 1,4) và được sự sống đời đời (Ga 17,3) trong Nước Vinh Hiển của Người. Người trẻ hôm nay bị lạc hướng trong việc đi tìm hạnh phúc đích thực, họ cần được đồng hành để nhận ra rằng, khao khát tìm hạnh phúc đích thực của con người giúp con người nhận ra rằng, mối tương quan, trước hết, của con người là tương quan với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Khác = Đấng Siêu Việt. Cần ý thức được tự mình, con người không thể nắm bắt Thiên Chúa, nhưng cần hiểu biết về Người (nhận biết những phẩm tính của Người). Tương quan của con người với Thiên Chúa chỉ được diễn tả bởi đức tin và nhờ mạc khải.
BẢNG 3:
3. Hình thành những giá trị cuộc sống và thăng tiến nhân cách như là hệ quả của việc sống các chiều kích nhân bản và tương quan
Khi một con người biết sống và lớn lên trong sự hài hòa hai chiều kích nhân bản và chiều kích tương quan, các giá trị sống dần dần hình thành nơi chính bản thân và lớn lên trong sự thể hiện những giá trị ấy, tự bản thân xây dựng được siêu ngã vượt thắng tự ngã, sống hướng tha thay vì quy ngã. Những giá trị nơi cá nhân chính là sự biện phân và phán đoán về sự thật và sự thiện, ý chí nỗ lực vượt qua mọi trở ngại, thử thách để vươn lên và tính nội tâm để nghe được tiếng nói lương tâm và hành động theo sự thúc đẩy của lương tâm giữa thế giới luôn ồn ào và quyến rũ. Những giá trị hình thành từ việc sống chiều kích tương quan, đó là sự liên đới và tinh thần trách nhiệm, lòng quảng đại và tính nhưng không trong sự phục vụ tha nhân và xã hội, sự thân thiện và gần gũi để con người biết quan tâm đến anh chị em mình, không dửng dưng trước những đau khổ của người khác.
Những giá trị cốt lõi này được hình thành ngang qua việc rèn luyện nhân cách, theo ngôn ngữ của tâm lý chiều sâu đó là sự hình thành nên “con người thứ hai” không còn sống theo bản năng tự nhiên như con thú, nhưng là định hướng giúp họ sử dụng tiềm năng bẩm sinh của mình để phát triển các giá trị cuộc sống, thăng tiến nhân cách, trở thành “ con người thứ hai”, sống đúng với nhân phẩm, có khả năng sống chung.
BẢNG 4:
4. Chiều kích trưởng thành tâm linh
4.1. Hiểu biết và kinh nghiệm về đức tin
(i) Khác biệt niềm tin và đức tin[20]
Niềm tin |
Đức tin |
– Chủ quan – Con người tạo ra – Phân chia (khác nhau) – Đa dạng – Lịch sử – Biểu tượng (diễn tả chân lý) – Mệnh đề |
– Khách quan – Do Chúa ban – Hiệp nhất – Duy nhất (chỉ là một) – Cố định – Siêu việt – Cá nhân |
(ii) Diễn giải:
Niềm tin là những diễn đạt hiểu biết của con người về mầu nhiệm Thiên Chúa. Xét theo phương diện này, niềm tin mang tính chủ quan vì xuất phát từ phía con người chứ không phải được ban cho từ trên cách khách quan. Ngược lại đức tin mang tính khách quan vì đến trực tiếp từ thực tại siêu việt của Thiên Chúa. Vì thế niềm tin phản ánh những hoàn cảnh văn hóa, mang tính lịch sử, nó đa dạng và khác nhau. Trong khi đó, đức tin duy nhất và hiệp nhất vì đức tin nhận chân lý ngay thẳng trong sự đa dạng. Như thế đức tin diễn tả chính mình trong niềm tin, nhưng không giản lược thành niềm tin.
Trong truyền thống Kitô giáo, đức tin và niềm tin có mối quan hệ gần gũi; nhưng nhiều người đồng nhất đức tin với niềm tin và làm cho đức tin có khi bị giảm xuống thành việc chấp nhận những tiền đề cơ bản. Giản lược đức tin thành niềm tin. Tin chính là đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, nghĩa là, bằng đức tin con người để trí tuệ và ý chí của mình hoàn toàn quy phục Thiên Chúa, thuận theo mạc khải của Thiên Chúa. Người trẻ cần nơi những người đồng hành một đức tin Công giáo – Tông truyền chứ không phải là người có niềm tin chung chung, một đức tin có khả năng truyền cảm hứng để đức tin được nảy mầm và bén rễ sâu trong Lời Mạc Khải, một đức tin giúp cho người trẻ có thể hội nhập vào nền văn hóa hiện đại mà không bị đồng hóa trước những trào lưu và ý thức hệ trong xã hội hôm nay.
4.2. Đức tin phải được cử hành và tham dự
Đức tin Công giáo là một hành vi đáp trả tự do của mỗi người, nhưng không phải là một hành vi riêng rẽ mà là một sự chấp nhận và dấn thân của toàn thể con người, trong cộng đoàn đức tin: Giáo Hội.
Đức tin được thánh hóa nhờ tham dự vào đời sống bí tích là hành động của Chúa Kitô và Giáo Hội trong hoạt động của Chúa Thánh Thần. Đức tin được cử hành và tham dự:
(i) Chính qua Giáo Hội mà chúng ta lãnh nhận đức tin và đời sống mới trong Chúa Kitô;
(ii) Giáo Hội trao ban đức tin cho chúng ta và dạy chúng ta ngôn ngữ của đức tin để dẫn chúng ta tới sự hiểu biết và đời sống của đức tin.
(iii) Chúng ta phải trao ban đức tin cho người khác.
Đức tin được thánh hóa nhờ tham dự vào đời sống bí tích là hành động của Chúa Kitô và Giáo Hội trong hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Người trẻ cần một môi trường sống đức tin, nơi đó họ được nhìn nhận, được đón nhận, được nâng đỡ và khuyến khích tham dự một cách sáng tạo và tươi trẻ các cử hành đức tin trong cộng đoàn. Nơi đó, họ gặp gỡ, được truyền cảm hứng bởi những chứng nhân đức tin hơn là thầy dạy; được “đụng chạm” đến một đức tin truyền thống mà không cứng nhắc. Chính trong những cử hành phụng vụ bí tích của Giáo Hội, người trẻ được cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa nơi một cộng đoàn những người tin.
4.3. Đức tin phải đưa đến hành động
Đức tin quy hướng về thực tại siêu nhiên, tập trung vào thực tại (thế giới hiện tại) có một phẩm tính nền tảng của con người, phổ quát và hiện diện trong điều kiện làm người; cá nhân nhận ra nhân vị của mình trong cộng đồng.
Đức tin sống động là đức tin thể hiện lòng mến Chúa hết lòng, hết linh hồn… và yêu người như chính bản thân mình. Đức tin dấn thân vào tình yêu, sống đức tin là dấn thân vào con đường tình yêu, là đi vào một đời sống mới trong Chúa Kitô, Đấng “là Đường, là Sự thật và là Sự sống”, nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ lực, hướng dẫn, sống theo Lời Ngài qua việc thực hiện các giới luật và mối phúc, từng bước thay đổi các hành vi và cách sống của bản thân để đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu.
Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, người trẻ cần thấy và sẽ bị thu hút bởi những người sống đức tin bằng việc làm hơn là bằng lời nói suông (Gc 2,17), việc đồng hành với người trẻ trong hành trình tìm kiếm đức tin đòi hỏi những người có trách nhiệm một đời sống chứng tá, theo cách đó, chúng ta trở thành người có khả năng thu hút người trẻ chứ không phải kẻ đi dụ dỗ họ. Để giúp đỡ người trẻ sống đức tin bằng hành động, những đề tài hướng dẫn thực hành luân lý cần làm cho họ cảm hơn là một số những lời răn dạy, ngăm đe; chính khi giúp người trẻ cảm nhận rằng sống theo luân lý Kitô giáo là tìm thấy được con đường dẫn đến hạnh phúc thật.
4.4. Đức tin cần trải qua kinh nghiệm
Kinh nghiệm có được do bởi hành vi có ý thức được thực hiện trong thực tại cuộc sống. Một kinh nghiệm sâu sắc chỉ đạt tới ý nghĩa khi có sự suy tư, lý luận và phản tỉnh.
Kinh nghiệm đức tin của Môsê đạt đến sự hiểu biết sâu xa về Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải tên của Ngài cho ông khi ông chiêm ngắm Thiên Chúa xuất hiện trong bụi gai cháy rực (Xh 3:1-4); Đấng đã ban cho Môsê Lề Luật khi ông đàm đạo với Ngài như người bạn. (Xh 33,11).
Kinh nghiệm đức tin mang tính cách biệt vị, là một cuộc gặp gỡ của từng cá nhân với chính Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, nhưng cảm nghiệm cá nhân này được cảm nghiệm của cả Giáo Hội mang theo. Thánh Gioan Tông Đồ có được kinh nghiệm này và ghi lại: “điều mà tôi đã nghe, đã thấy tận mắt, đã chạm đến, đã chiêm ngưỡng. Đó là Lời sự sống – Lời có từ lúc khởi đầu.” (1Ga 1,1). Thánh Phaolô cũng đã ghi lại kinh nghiệm đức tin của ngài: “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, …thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu.” (Cv 17,24.27).
Giúp người trẻ gặp gỡ Thiên Chúa và có kinh nghiệm cá vị với Đấng Siêu Việt qua cầu nguyện là quan trọng, chính qua kinh nghiệm về cầu nguyện mà người trẻ ngày càng có đời sống nội tâm sâu sắc để tương quan giữa họ với Thiên Chúa – Đấng Siêu Việt được củng cố ngày càng mật thiết hơn.
BẢNG 5:
V. NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT ĐỂ SỐNG SUNG MÃN NHÂN CÁCH
Nhìn sự phát triển nhân cách toàn diện dưới những khía cạnh phân tích trên, người trẻ được mời gọi quy chiếu vào con người Đức Giêsu, mẫu gương tuyệt hảo của đời sống nhân bản và của đời sống Kitô hữu. Họ cần được giới thiệu để chiêm ngắm Đức Giêsu và tìm được nơi Ngài những đức tính nhân bản và cách thế để sống đời sống nội tâm cần thiết giúp chúng ta sống đúng với tư cách là con người nhân bản, là Kitô hữu.
1. Học nơi Đức Giêsu
– Những đức tính nhân bản của một người Á đông như chúng ta: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính…
– Những đức tính nhân bản theo luân lý công giáo: Khôn Ngoan, Công Bằng, Tiết Độ, Dũng Cảm.
– Những đức tính mà Giáo Hội mong muốn nơi người thánh hiến: Khiết Tịnh, Khó Nghèo, Vâng Phục.
– Và Tin Mừng Matthêu còn ghi lại lời dạy của Chúa Giêsu: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhượng.” (Mt 11, 29).
– Sau những năm công khai giảng dạy, trước khi rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã trối lại cho các môn đệ và cũng là cho mọi Kitô hữu một điều răn mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em. Mọi người sẽ nhân biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34 – 35).
2. Đức ái mà Chúa Giêsu dạy
Đức ái mà Chúa Giêsu dạy thể hiện ở ba khía cạnh trong đời sống chúng ta đó là:
(i) Sống yêu thương, nghĩa là chúng ta phải biết sống gần gũi, thân thiện với mọi người, luôn tỏ ra thiện chí với người khác, như Chúa Giêsu “trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,22).
(ii) Sống bác ái, nghĩa là biết sống quảng đại với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ những ai cần đến chúng ta, như Chúa Giêsu đã đến với những người nghèo khổ, những người tội lỗi, những người bệnh tật. Giúp đỡ họ với một tình yêu của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,12). Giúp đỡ cách nhưng không là giúp đỡ mà không mong được đáp đền, là việc tay phải làm không cần cho tay trái biết, là làm mà không tìm để vinh danh mình mà vì muốn theo gương Chúa Giêsu để danh Cha được cả sáng, Nước Cha thể hiện.
(iii) Sống hiệp thông, nghĩa là biết sống liên đới với nhau. Liên đới với mọi người trong gia đình, trong họ đạo, trong cộng đoàn, trong thôn xóm. Liên đới đòi hỏi chúng ta phải xóa bỏ đầu óc kỳ thị, phân biệt chủng tộc, tôn giáo, màu da, giai cấp, quan điểm sống, ý thức hệ. Trách nhiệm phải liên đới với mọi người vì tất cả chúng ta đều là hình ảnh của Thiên Chúa, nhìn nhận Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau.
3. Có đời sống nội tâm
Để sống lý tưởng đời sống Kitô hữu, người trẻ cần có một đời sống nội tâm. Giáo Hội lấy từ đời sống Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta những phương thế để sống đời sống nội tâm:
– Luôn đọc, lắng nghe, suy gẫm Lời Chúa.
– Siêng năng tham dự phụng vụ và lãnh nhận các bí tích.
– Sống quy tụ thành cộng đoàn xung quanh vị Mục Tử tối cao là Đức Giêsu, cùng chung và liên kết với nhau, liên đới trách nhiệm với nhau.
– Cùng nhau cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu.
Việc tập luyện đời sống nội tâm là cách thế để gia tăng sự hiểu biết và kinh nghiệm về đời sống đức tin, lôi kéo ơn Chúa xuống trên mỗi người chúng ta, xuống cho những người chúng ta gặp gỡ và cho mọi người trên thế giới; để chúng ta sống theo gương Chúa Giêsu, trở thành môn đệ của Ngài.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 122 (Tháng 01 & 02 năm 2021)