Hội nghị quốc tế về âm nhạc lần thứ 4 được tổ chức bởi Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa, với sự cộng tác của Học viện Giáo hoàng về Thánh nhạc và Học viện Giáo hoàng về Phụng vụ Anselmo, kéo dài trong hai ngày 4-5/2/2021, với chủ đề “Giáo hội, Âm nhạc: Bản văn và Bối cảnh.”
Kinh Thánh – nguồn linh hứng của thánh nhạc
Đức Thánh Cha nhận định rằng “Kinh Thánh đã truyền cảm hứng cho vô số cách diễn đạt âm nhạc, bao gồm cả những trang nền tảng trong lịch sử âm nhạc.” Ngài đưa ra ví dụ như nhạc bình ca, các nhà soạn nhạc như Palestrina và Bach, để nhấn mạnh rằng Kinh Thánh “đã truyền cảm hứng cho rất nhiều sáng tác trên năm châu lục và các nhà soạn nhạc đương đại khác nhau cũng đã lấy cảm hứng từ các văn bản thánh.”
Nghĩ đến các nghệ sĩ giữa khó khăn của đại dịch
Tiếp tục sứ điệp Đức Thánh Cha lưu ý rằng từ khi đại dịch bùng nổ, các hoạt động âm nhạc đã bị giảm rất nhiều. Ngài nghĩ đến các nhạc sĩ, những người bị mất việc và mất liên lạc xã hội, những người phải đương đầu, trong những bối cảnh khó khăn, với việc đào tạo, giáo dục và cuộc sống cộng đồng cần thiết. Ngài khen ngợi nhiều người đã dành những nỗ lực quan trọng để tiếp tục phục vụ âm nhạc với sự sáng tạo mới. Ngài hy vọng rằng “khía cạnh đời sống xã hội cũng có thể được tái sinh, để chúng ta có thể trở lại ca hát, chơi đàn và cùng nhau thưởng thức âm nhạc.”
Thử thách lắng nghe lẫn nhau
Đức Thánh Cha cũng suy tư về tầm quan trọng của sự thinh lặng trong tác phẩm âm nhạc; nó giúp lắng nghe, đây là điều cơ bản trong mọi cuộc đối thoại. Ngài nhận định rằng thử thách chung là lắng nghe người khác. Các nhạc sĩ có thể giúp cho các bản văn Kinh Thánh “nói” trong những bối cảnh văn hóa khác nhau theo cách mới mẻ, để Lời Chúa có thể đến với tâm trí mọi người cách hiệu quả.
Kết thúc sứ điệp Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi: “Khoảng lặng mà chúng ta đang sống, nó trống rỗng hay chúng ta đang trong quá trình lắng nghe? Chúng ta có cho phép một bài hát mới xuất hiện?”
Đức Thánh Cha cầu nguyện để “những giọng hát, các nhạc cụ và tác phẩm âm nhạc tiếp tục thể hiện trong bối cảnh hiện tại sự hòa hợp tiếng nói của Thiên Chúa, đưa đến ‘bản giao hưởng’ là tình anh em phổ quát.” (CSR_812_2021)