Nhà thờ chính toà Athens
Nhà thờ chính toà Athens được dâng kính cho thánh Dionigi thành viên Hội đồng Arêôpagô, như được đề cập trong sách Công vụ Tông đồ (17,34), giám mục đầu tiên của thành phố. Ngài đã trở lại Kitô giáo sau bài thuyết giảng của thánh Phaolô tại Hội đồng Arêôpagô.
Nhà thờ được bắt đầu xây dựng vào năm 1853 theo bản vẽ của kiến trúc sư người Đức Leo von Klenze, nhưng được hoàn thành vào năm 1865 dưới sự hướng dẫn của kiến trúc sư Hy Lạp Kaftantzoglou. Nhà thờ được nâng lên thành tiểu vương cung thánh đường vào năm 1877; đây cũng là nhà thờ đầu tiên và cuối cùng của Hy Lạp có tước hiệu này.
Khi Đức Thánh Cha đến nhà thờ, Đức tổng giám mục của Athens và cha sở của nhà thờ chào đón ngài. Sau khi hôn Thánh giá và rảy nước thánh ở lối vào chính, Đức Thánh Cha tiến vào trong nhà thờ giữa tiếng thánh ca.
Đức cha Chủ tịch Hội đồng giám mục Hy Lạp chào đón Đức Thánh Cha
Mở đầu cuộc gặp gỡ, Đức cha Sevastianos Rossolatos, tổng giám mục hưu trí của Athens và Chủ tịch Hội đồng giám mục Hy Lạp, có lời chào đón Đức Thánh Cha. Chủ tịch Hội đồng giám mục Hy Lạp bày tỏ niềm vui được Đức Thánh Cha viếng thăm cũng như sự ủng hộ của cộng đoàn Công giáo đối với sứ vụ của Đức Thánh Cha.
Nguyên tổng giám mục của Athens đã nói về thách đố của sự toàn cầu hoá cũng như ảnh hưởng của quá trình thế tục hoá, làm suy yếu sự ủng hộ của xã hội đối với đức tin truyền thống và bộc lộ những khiếm khuyết vẫn còn tồn tại trong cách chúng ta nuôi dưỡng đức tin. Kết quả là ngày nay nhiều người xa Lời Chúa và đời sống phụng vụ của Giáo hội, dẫn đến việc suy giảm ơn gọi. Ngày nay phần lớn linh mục và tu sĩ đến từ các nước khác.
Kế đến là những khó khăn về mục vụ đối với những tín hữu di dân, nhưng nhờ họ, Giáo hội Hy Lạp cũng trở nên sinh động và làm chứng cho đức tin trong một thế giới không ngừng thay đổi.
Chủ tịch Hội đồng giám mục Hy Lạp cũng nói về tương quan giữa Giáo hội Công giáo với Giáo hội Chính Thống và nhà nước. Ngài tin rằng những lời của Đức Thánh Cha sẽ giúp họ lắng nghe điều Chúa Thánh Thần nói với Giáo hội và có sức mạnh củng cố họ tìm thấy đức tin và cách thức để ra khơi thả lưới, theo sự khích lệ của Chúa.
Chứng từ của sơ Maria dòng Ngôi Lời Nhập thể
Tiếp đến, sơ Maria, người Argentina, dòng các Nữ tỳ của Chúa và của Đức Trinh Nữ ở Matara, một nhánh của gia đình Ngôi Lời Nhập thể, chia sẻ về việc thành lập một cộng đoàn tại đảo Tinos của Hy Lạp, phục vụ tại đền thánh Đức Mẹ Vrysi và cũng để giúp đỡ trong việc tông đồ của giáo phận.
Sơ chia sẻ: “Chúng tôi không biết tiếng, không nói được gì, nhưng mọi người và chúng tôi hạnh phúc như thể đã quen nhau cả đời. Ấn tượng đầu tiên là sự hiếu khách của người dân và lòng khao khát Chúa. Tôi nhớ những câu hỏi đầu tiên, và vẫn còn lặp lại với chúng tôi: tại sao lại là Hy Lạp? Sơ thích à? Và câu trả lời của chúng tôi luôn đi kèm nụ cười: “Vâng, vì đó là ý Chúa”.
Sau đó, ông Rosko, một giáo dân, đã chia sẻ về đời sống đạo của gia đình. Ông là người Công giáo thực hành đạo, còn vợ theo Chính Thống. Các con họ theo học trường Công giáo, dự lễ Chúa Nhật, lãnh nhận các bí tích. Nhưng vào năm các con ông 17 tuổi, sau một biến cố, các con ông đã không còn sống đạo. Những câu hỏi của ông được các con trả lời bằng sự thờ ơ và chế giễu khiến ông khó chịu. Ông tự hỏi có điều gì sai trong cách nuôi dạy con cái của mình. Ông đã tự trách mình.
Tuy nhiên ông vẫn kiên trì cầu nguyện và đức tin không lay chuyển. Sau khi theo lời khuyên của cha giải tội trò chuyện với các con, ông biết các con của ông vẫn có đức tin nhưng thời đại đã thay đổi và họ muốn Giáo hội có điều gì đó khác. Họ nói với ông rằng họ ở bên ông, họ là một. Câu trả lời của các con đã giúp ông nhìn cuộc sống hàng ngày của một gia đình có hôn nhân khác đạo, trong môi trường làm việc, nơi mà họ là thiểu số bằng đôi mắt của họ Ông nhấn mạnh: Nhưng thực tế là các con đã cảm nghiệm sự hiệp nhất với những người khác, như họ đã nghe ở nhà và ở trường, và đó là điều tích cực của việc trò chuyện với nhau.
Diễn văn của Đức Thánh Cha
Trong bài nói chuyện với các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, giáo lý viên của Hy Lạp Đức Thánh Cha nhắn nhủ họ về hai thái độ: tin tưởng vững vàng và đón nhận.
Hội nhập văn hoá đức tin
Trước hết Đức Thánh Cha đề cao Hy Lạp nơi là di sản của nhân loại, trên đó các nền tảng của phương Tây đã được xây dựng. Ngài nói: Tất cả chúng ta đều là những người con và những người mắc nợ đất nước của anh chị em: nếu không có thơ ca, văn học, triết học và nghệ thuật được phát triển ở đây, chúng ta sẽ không thể biết nhiều khía cạnh của cuộc sống của con người, cũng như không thể trả lời nhiều câu hỏi nội tâm về cuộc sống, về tình yêu, về nỗi đau và sự chết.
Di sản phong phú này, nhờ sự khôn ngoan của nhiều Giáo phụ, đã làm nảy sinh cuộc hội nhập văn hóa của đức tin. Nhưng người đã khởi đầu cho cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo sơ khai và nền văn hóa Hy Lạp chính là thánh Phaolô. Chính ngài là người là người tổng hợp hai thế giới đó.
Suy tư về đoạn sách Công vụ Tông đồ (xem Cv 17,16-34), thuật lại sự kiện thánh Phaolô đến Athens và thuyết giảng tại Hội đồng Arêôpagô (xem Cv 17,16-34), là hội đồng các trưởng lão và các học giả, những người có trách nhiệm đánh giá các vấn đề được công chúng quan tâm, Đức Thánh Cha nhận định rằng hai thái độ của thánh Phaolô có thể giúp cho Giáo hội trong việc hội nhập đức tin vào văn hoá.
Tin tưởng chắc chắn
Thái độ đầu tiên là sự tin tưởng chắc chắn. Thánh Phaolô gặp những khó khăn trong hành trình truyền giáo. Trước đó không lâu, tại Têxalônica, ngài đã bị ngăn cản không cho rao giảng; do tình trạng hỗn loạn do các đối thủ gây nên, ngài phải bỏ trốn khỏi thành phố vào ban đêm. Giờ đây, khi đến Athens, ngài đã bị xem là kẻ phỉnh gạt và bị đưa đến Hội đồng Arêôpagô như một vị khách không mời mà đến.
Đức Thánh Cha nhận xét: Có lẽ, nhiều khi trên hành trình, chúng ta cũng cảm thấy mệt mỏi và thậm chí thất vọng vì là một cộng đồng nhỏ bé, một Giáo hội với ít nguồn lực hoạt động trong một môi trường không phải lúc nào cũng thuận lợi. Ngài mời gọi: Hãy nghĩ về thánh Phaolô ở Athens. Ngài đơn độc, thuộc nhóm thiểu số, không được chào đón và có rất ít cơ hội thành công. Nhưng ngài không để mình bị sự nản lòng khuất phục. Ngài đã không từ bỏ sứ vụ của mình. Ngài cũng không chiều theo cám dỗ muốn phàn nàn. Đó là thái độ của một Tông đồ chân chính: tin tưởng tiến về phía trước, yêu thích sự bất trắc của những tình huống bất ngờ hơn là sự tự mãn đến từ sức mạnh của thói quen. Thánh Phaolô đã có dũng khí đó là nhờ sự tin tưởng vững chắc vào Thiên Chúa. Đó là lòng can đảm phát sinh từ sự tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng yêu thích hoàn thành những điều vĩ đại thông qua sự thấp hèn của chúng ta.
Giáo hội là một thiểu số nhưng không phải là vô nghĩa
Đức Thánh Cha khuyên tín hữu Hy Lạp hãy có lòng tín thác như thánh Phaolô, bởi vì là một Giáo hội nhỏ bé khiến chúng ta trở thành dấu chỉ hùng hồn của Tin Mừng, về Thiên Chúa được Chúa Giêsu rao truyền, Đấng đã chọn những người nghèo hèn, Đấng thay đổi lịch sử bằng những việc làm đơn sơ tầm thường. Là Giáo hội, chúng ta không được kêu gọi để có tinh thần chinh phục và chiến thắng, những con số ấn tượng hay sự vĩ đại của thế gian… Hãy xem sự nhỏ bé của mình là một phúc lành và sẵn sàng chấp nhận nó. Nó giúp các bạn tín thác vào Chúa và chỉ một mình Chúa. Là một thiểu số – và đừng quên rằng Giáo hội trên toàn thế giới là một thiểu số – không có nghĩa là tầm thường, mà là tiến gần hơn đến con đường được Chúa yêu thích, đó là con đường của sự nhỏ bé: của “kenosis” (tự huỷ mình ra không), tự hạ, hiền lành.
Sự chấp nhận
Thái độ thứ hai của thánh Phaolô được Đức Thánh Cha nêu bật chính là sự chấp nhận. Ngài nói: đây là tính cách nội tâm cần thiết cho việc truyền giảng Tin Mừng. Một thái độ chấp nhận không cố gắng chiếm chỗ và cuộc sống của người khác, nhưng để gieo tin vui vào mảnh đất cuộc sống của họ; nó học cách nhận biết và đánh giá cao những hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng họ trước khi chúng ta đến.
Truyền giáo không phải là chiêu dụ tín đồ
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Truyền giáo không phải là đổ đầy một thùng rỗng; nhưng chính là cho thấy rõ những gì Thiên Chúa đã bắt đầu hoàn thành. Và đây là phương pháp sư phạm nổi bật mà thánh Phaolô đã áp dụng với người Athens. Ngài đã không nói với họ: “Tất cả điều các bạn biết là sai lầm”, hoặc “Bây giờ tôi sẽ dạy bạn sự thật”. Ngược lại, ngài bắt đầu bằng việc chấp nhận tinh thần tôn giáo của họ… Thánh Tông đồ tôn trọng những người nghe mình và hoan nghênh lòng sùng đạo của họ. Thánh Phaolô nhìn nhận lòng khao khát đối với Thiên Chúa tiềm ẩn trong tâm hồn của những người đó, và muốn nhẹ nhàng chia sẻ với họ món quà đức tin tuyệt vời. Ngài không áp đặt; ngài đề nghị. “Phong cách” của ngài không dựa trên việc chiêu dụ tín đồ, mà dựa trên sự hiền lành của Chúa Giêsu. Điều này có thể có là nhờ thánh Phaolô có cái nhìn thiêng liêng về thực tế. Ngài tin rằng Chúa Thánh Thần hoạt động trong lòng con người, ở trên và vượt qua những nhãn hiệu tôn giáo… Trong mọi thời đại, thái độ của người tông đồ bắt đầu bằng việc chấp nhận người khác.
Cuối bài nói chuyện, Đức Thánh Cha cầu chúc các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Hy Lạp tiếp tục việc truyền giáo với sự tin tưởng và chấp nhận để nếm hưởng Phúc Âm như một kinh nghiệm của niềm vui và tình huynh đệ.
Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã cùng với mọi người đọc kinh Lạy Cha và sau đó ngài ban phép lành cho cộng đoàn.
Sau khi chào thăm từng giám mục và chụp hình chung với các ngài, Đức Thánh Cha trở về Toà Sứ thần cách đó gần 6 km và tại đây ngài có cuộc gặp gỡ riêng với các tu sĩ dòng Tên.