ĐTC Phanxicô: Kinh tế học không nên “hy sinh phẩm giá con người cho các ngẫu tượng tài chính”
Hồng Thủy
Vatican News (5.9.2020) – Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp cho các tham dự viên Diễn đàn European House – Ambrosetti, nói với họ rằng kinh tế học phải trở thành “biểu hiện của một sự quan tâm và lo lắng không loại trừ nhưng tìm cách bao gồm, không làm giảm giá trị mà tìm cách nâng cao và mang lại sự sống.”
Diễn đàn European House – Ambrosetti là sự kiện thường niên quy tụ các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, đại diện các tổ chức và lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu để thảo luận về các vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với nền kinh tế và xã hội. Diễn đàn lần thứ 46 này diễn ra ở miền Bắc nước Ý từ ngày 4-5 tháng 9, có chủ đề là “Trí thông minh trên thế giới”, Châu Âu và Ý.
Trong sứ điệp gửi đến các tham dự viên, Đức Thánh Cha lưu ý rằng Diễn đàn năm nay đề cập đến các vấn đề quan trọng liên quan đến xã hội, nền kinh tế và sự đổi mới, là những điều “kêu gọi những nỗ lực phi thường nhằm đáp ứng những thách thức do tình trạng khẩn cấp về y tế, kinh tế và xã hội hiện nay gây ra hoặc làm cho trầm trọng hơn”.
Thử thách của đại dịch
Đức Thánh Cha viết rằng kinh nghiệm về đại dịch “đã dạy chúng ta rằng không ai trong chúng ta được cứu một mình. Chính chúng ta đã kinh nghiệm về sự dễ bị tổn thương của tình trạng con người của chúng tôi và điều khiến chúng ta trở thành một gia đình.” Ngài chỉ ra rằng, “thất bại trong việc thể hiện tình liên đới về của cải và trong việc chia sẻ tài nguyên, chúng ta đã học được kinh nghiệm về sự liên đới trong đau khổ.”
Đức Thánh Cha nêu bật những bài học chúng ta học được trong thời gian thử thách này. Trong khi tỏ cho thế giới thấy sự vĩ đại của khoa học, nó cũng cho thấy những giới hạn của khoa học. Đại dịch khiến chúng ta bớt đi những thừa thãi và tập trung vào những thứ thiết yếu.
Kinh tế
Trong hoàn cảnh thế giới hiện tại, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “kinh tế học – trong ý nghĩa nhân bản sâu sắc nhất của nó giống như việc quản trị ngôi nhà trần thế của chúng ta – có tầm quan trọng lớn hơn nữa”. Ngài nói khi “khoa học và công nghệ, tự chúng, tỏ ra không đủ… Thay vào đó, điều chứng tỏ tính quyết định chính là lòng quảng đại và can đảm mạnh mẽ được thể hiện bởi rất nhiều người”. Ngài nhấn mạnh rằng điều cần thiết bây giờ chính là một cách suy nghĩ mới, “một lối suy nghĩ có thể mở rộng tầm nhìn của chúng ta và hướng dẫn công nghệ hướng tới việc phục vụ một mô hình phát triển khác, lành mạnh hơn, nhân văn hơn, xã hội hơn và toàn diện hơn”.
Phân định
Theo Đức Thánh Cha, thời gian hiện tại “là thời gian để phân định dựa trên các nguyên tắc đạo đức và công ích, vì sự phục hồi mà tất cả mọi người mong muốn… Chúa Kitô đã thúc giục tất cả những ai đã nghe Ngài, và cả chúng ta ngày nay, đừng dừng lại ở bên ngoài, nhưng phân định các dấu hiệu của thời đại một cách khôn ngoan. Để làm được như vậy, cần có hai điều, đó là hoán cải sinh thái và sáng tạo”.
Thế hệ tương lai
Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào những người trẻ tuổi. Họ là thế hệ tiếp theo của các nhà kinh tế và doanh nhân, những người sẽ là nhân vật chính của nền kinh tế ngày mai, “được chuẩn bị để phục vụ cộng đồng và tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ.”
Tương lai châu Âu
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Châu Âu được kêu gọi thể hiện sự lãnh đạo trong nỗ lực sáng tạo.” Ngài nhấn mạnh rằng nỗ lực sáng tạo đó là một trong những cách liên đới, là “liều thuốc giải độc cho virus ích kỷ, một loại virus mạnh hơn nhiều so với Covid-19”.
Ngài nói tiếp rằng con người phải giữ vai trò và chiếm vị trí trung tâm của các chính sách giáo dục, y tế, xã hội và kinh tế. “Con người phải được chào đón, bảo vệ, đồng hành và hội nhập khi học gõ cửa nhà chúng ta để tìm kiếm một tương lai hy vọng.”
Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng các cuộc thảo luận của Diễn đàn sẽ có kết quả. Ngài cũng kêu gọi những người tham gia “cố gắng phát triển những hiểu biết mới về nền kinh tế và sự tiến bộ chống lại mọi hình thức gạt bỏ ra bên lề, đề xuất phong cách sống mới và đưa ra tiếng nói cho những người không có tiếng nói.” (CSR_6370_2020)
Nguồn: vaticannews.va/vi