Vào lúc 7 giờ tối giờ Roma ngày 24/2/2022, Đức Thánh Cha sẽ kết nối trực tuyến với các sinh viên toàn châu Mỹ. Sự kiện là sáng kiến cũng như được tổ chức bởi khoa thần học của đại học Loyola của dòng Tên ở Chicago, với sự cộng tác của Uỷ ban Toà Thánh về Mỹ châu Latinh.
Trong vòng hơn một giờ đồng hồ, 4 sinh viên di dân thuộc Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Trung Mỹ, sẽ cùng Đức Thánh Cha thảo luận theo phong cách “hiệp hành” về các vấn đề giáo dục, di dân, bền vững môi trường, công bằng kinh tế, phát triển con người toàn diện.
Các tham dự viên sẽ được chia thành bốn khối theo các nhóm khu vực. Họ sẽ trình bày với Đức Thánh Cha các dự án và công việc của họ và đặt ra với ngài những câu hỏi về hiện tại và tương lai của đất nước họ, của thế hệ của họ, của cuộc sống của họ.
“Xây dựng những cây cầu”
Đức Thánh Cha sẽ trả lời các câu hỏi và giúp những người trẻ này “Xây dựng những cây cầu”, như tiêu đề của sáng kiến đã nêu, cụ thể là tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại xác thực và mang tính xây dựng giữa những người đã vượt qua biên giới địa lý, văn hóa và xã hội, làm việc trong các dự án và hỗ trợ kỹ năng của mỗi người để xây dựng các mối quan hệ lâu dài dẫn đến sự hiểu biết, sự cảm thông, và trí tuệ.
Kinh nghiệm của những người di cư
Nữ thần học gia người Argentina Emilce Cuda, mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Hội đồng Toà Thánh về châu Mỹ Latinh, cho biết, trong số những người trẻ sẽ đối thoại với Đức Thánh Cha cũng sẽ có những người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ: “Những người di cư không chỉ từ nước này sang nước khác, từ Bắc xuống Nam, mà còn cả những người di tản ‘nội địa’, những người di chuyển từ vùng ven vào trung tâm, có lẽ vì các vấn đề kinh tế và những người không có bất kỳ hình thức bảo vệ nào”. “Chúng tôi chú ý đến vấn đề di cư trong các quốc gia Mỹ Latinh hoặc từ các quốc gia vùng Caribê. Có những sinh viên nhập cư, con cái của người di cư hoặc những người khác, rất nhiều người lớn, dấn thân vì vấn đề di cư. Chúng tôi không muốn giải quyết vấn đề di cư vì đã có nhiều tổ chức trên thế giới làm việc đó, bao gồm cả Bộ phát triển con người toàn diện, nhưng chúng tôi cho rằng cần có sự đóng góp về mặt học thuật, khoa học và công nghệ để can thiệp vào thảm kịch này”.