Mục đích chung của hai vị là chấm dứt chiến tranh, nhưng con đường dẫn đến mục tiêu này, theo lập trường của hai bên, là hai con đường không gặp nhau. Những người mong đợi “những thay đổi ngoạn mục” sau cuộc gặp gỡ tỏ ra thất vọng, và có những người gọi đây là một “thất bại ê chề” của ngành ngoại giao Tòa Thánh. Nhưng cũng có nhiều lập trường thực tế hơn.
Thông tin của Tòa Thánh
Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh không nói gì về nội dung những gì Đức Thánh Cha nói với tổng thống Zelensky trong 40 phút gặp gỡ và chỉ ghi thêm rằng: “Trong cuộc trao đổi thân mật dài 30 phút giữa Tổng thống và Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Toà thánh Paul Gallagher, có đề cập trước tiên về chiến tranh hiện nay tại Ucraina và những vấn đề cấp thiết gắn liền với cuộc chiến ấy, đặc biệt là những vấn đề nhân đạo và về sự cần thiết phải tiếp tục những cố gắng để đạt tới hòa bình”.
Thông tin của Zelensky
Trái ngược với thông tin vắn tắt trên đây, trong một twitter sau cuộc gặp gỡ, Tổng thống Zelensky kể rằng: “Tôi đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi cám ơn ngài vì đã đích thân quan tâm đến thảm trạng của hàng triệu người Ucraina. Tôi nói về hàng chục ngàn trẻ em Ucraina bị phát lưu. Chúng tôi phải làm hết sức để đưa các em hồi hương. Hơn nữa, tôi xin Đức Giáo Hoàng lên án những tội ác tại Ucraina, vì không thể có sự bình đẳng giữa nạn nhân và kẻ gây hấn. Tôi cũng nói về kế hoạch hòa bình của chúng tôi như con đường hữu hiệu duy nhất để đạt được hòa bình công chính. Tôi đã đề nghị tiến hành bằng cách áp dụng kế hoạch hòa bình ấy”.
Ban chiều cùng ngày thứ Bảy 13/5, trong chương trình đặc biệt “Porta a Porta” của Đài truyền hình RAI, tổng thổng Ucraina càng nói rõ ràng hơn: “Với tất cả sự kính trọng đối với Đức Giáo Hoàng, chúng tôi không cần những người trung gian, chúng tôi cần một nền hòa bình công chính… Chúng tôi đã mời Đức Giáo Hoàng, cũng như các vị lãnh đạo khác, hãy làm việc cho một nền hòa bình công chính, nhưng trước tiên chúng tôi phải làm một cái gì khác”. Và theo tổng thống, không có vấn đề đối thoại với Nga bây giờ.” Bạn không thể thương thuyết với Putin, không có nước nào trên thế giới có thể làm điều đó”.
Tổng thống Ucraina cũng nói: “thật là một vinh dự được gặp Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài biết lập trường của tôi, chiến tranh ở Ucraina và kế hoạch hòa bình phải là của Ucraina… Chúng tôi rất muốn đưa Vatican vào trong kế hoạch hòa bình của chúng tôi”.
Kế hoạch của Tổng thống Zelensky gồm 10 điều trong đó đòi Nga phải rút quân khỏi Ucraina, tái lập biên giới năm 1991 giữa Nga và Ucraina, Nga phải ký hiệp ước tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina và hiệp định với các nước Tây Phương về việc cung cấp các phương tiện phòng vệ cho Ucraina. Tóm lại đó là một loạt các điều kiện dẫn tới chiến thắng của Ucraina.
Quà tặng phản ánh lập trường khác biệt
Giới báo chí cũng ghi nhận sự khác biệt lập trường của Đức Thánh Cha với tổng thống Zelensky qua việc trao đổi quà tặng. Ngài tặng tổng thống một tượng bằng đồng diễn tả cành cây ôliu biểu tượng hòa bình và nhiều tài liệu của ngài về hòa bình cũng như về tình huynh đệ; còn Tổng thống Ucraina tặng Đức Thánh Cha một ảnh Mẹ Thiên Chúa, tưởng niệm 253 trẻ em chết trong 53 ngày đầu của chiến tranh, ảnh được dán bằng một mảnh áo giáp chống đạn.
Kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm của Ucraina cũng khác với kế hoạch 7 điểm do Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học công bố hồi tháng 9 năm ngoái (2022), đề nghị để đổi lấy hòa bình thì thiết lập một quy chế đặc biệt cho bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập, và lập quy tắc tự trị cho miền Luhansk và Donetsk trong lãnh thổ Ucraina. Nhưng Ucraina không chấp nhận đề nghị này, ít là cho đến bây giờ. Trong tương lai điều này tùy thuộc tình trạng chiến tranh diễn biến ra sao và để xem Ucraina có chiến thắng Nga về quân sự hay không.
Tổng thống Ucraina đã lập lại lời mời Đức Thánh Cha đến viếng thăm Ucraina để nhìn tận mắt những tàn phá và đau khổ của quốc gia này. Nhưng Đức Thánh Cha không trả lời, vì cho đến nay ngài vẫn đặt điều kiện là khi thăm Ucraina, ngài cũng có thể đến thăm Mátxcơva. Nhưng cả điều này hiện nay cũng không thể chấp nhận được đối với Ucraina.
Dư luận tiêu cực tại Ucraina về Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh
Để hiểu rõ hơn lập trường của Tổng thống Zelensky, cũng cần để ý rằng trong những tháng gần đây, nhiều cơ quan truyền thông ở Ucraina đã đăng nhiều bình luận tiêu cực, ví dụ họ gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô là “đồng bạn của Putin”, một điều dĩ nhiên là không đúng sự thật.
Tình trạng đó cũng được thấy rõ trong cuộc thăm dò dư luận do “Trung tâm Ucraina nghiên cứu về kinh tế và chính trị” thực hiện và công bố trước cuộc viếng thăm của tổng thống Zelensky tại Vatican.
Thăm dò cho thấy một nửa những người Ucraina được hỏi ý kiến không biết lập trường của Đức Giáo Hoàng về chiến tranh tại Ucraina và những cố gắng của ngài hòa giải các phe lâm chiến. Chỉ có 9,1% ủng hộ ước muốn của Đức Giáo Hoàng muốn chấm dứt chiến tranh với bất kỳ giá nào. Một cuộc gặp dò các nơi ở Ucraina cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô không gợi lên một quan tâm đặc biệt nào nơi người Ucraina. Theo sự thẩm định về mức độ tín nhiệm nơi các vị lãnh đạo tôn giáo, Đức Giáo Hoàng chỉ được 3,1% người Ucraina tín nhiệm. 14,1% nói là họ chẳng coi những lời của ngài về Ucraina là quan trọng. 34% tỏ thái độ tiêu cực đối với lập trường của Đức Giáo Hoàng về chiến tranh giữa Nga và Ucraina. 23,8% dân Ucraina bất mãn vì Đức Giáo Hoàng đặt người Nga và Ucraina ngang hàng nhau, coi cả hai dân tộc đều là nạn nhân chiến tranh, thậm chí có 10,3% dân Ucraina nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng “hoạt động cho điện Kremlin của Nga”.
Đại sứ Ucraina cạnh Tòa Thánh trấn an
Đứng trước dư luận có phần tiêu cực, “thất vọng” của nhiều người ở Ý về cuộc gặp gỡ giữa Tòa Thánh Ucraina và Đức Giáo Hoàng, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người đưa tin chiều” ở Ý, Đại sứ Ucraina cạnh Tòa Thánh, ông Andriy Jurash, phủ nhận những tin tức cho rằng có khủng hoảng giữa chính phủ Ucraina và Tòa Thánh. Theo ông, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Zelensky là một “cuộc trao đổi cởi mở và hữu ích” về các ý kiến. Ông nói: “Nếu sự trung gian của Vatican gồm những điểm trong kế hoạch hòa bình của Ucraina thì chắc chắn đó là điều được chào đón. Không có tranh biện gì. Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc Tòa Thánh muốn cộng tác dựa trên cơ bản ít nhất một vài điểm trong kế hoạch hòa bình”. Ông cũng nhấn mạnh rằng quan hệ giữa Ucraina và Tòa Thánh chưa hề khẩn trương như hiện nay. Ông xác nhận Tổng thống Zelensky đã lập lại lời mời Đức Thánh Cha đến Kiev, nhưng ông nghi ngờ là chuyến đi này có thể bao gồm cuộc viếng thăm tại Mátxcơva.
Giáo sư Riccardi
Về phần giáo sư Andrea Riccardi, người sáng lập Cộng đoàn thánh Egidio, ông nhận định rằng hy vọng có một phép lạ sau cuộc gặp gỡ 40 phút giữa Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Ucraina là điều không thực tế, nhưng đó là một bước quan trọng. “Xét cho cùng, lần đầu tiên Zelensky nói với một vị quốc trưởng có một lập trường về chiến tranh khác với các vị nguyên thủ quốc gia khác mà ông gặp. Lập trường ngay từ đầu của hai bên đã khác nhau: Zelensky hiện đang bận rộn với cuộc tấn công quân sự, nên ngôn từ của ông là “chiến thắng của chúng tôi và sự khôi phục lãnh thổ của chúng tôi”. Phía Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh thì muốn nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần có hòa bình, và những con đường mở rộng để đối thoại, “lập trường này được diễn tả qua ngôn ngữ ngoại giao hơn là ngôn từ hùng biện, tuyên truyền và đối đầu”.
Cha Antonio Spadaro
Sau cùng, cha Antonio Spadaro, Giám đốc tạp chí Civiltà Cattolica, Văn minh Công Giáo, ở Ý, người đã tháp tùng Đức Thánh Cha trong 41 cuộc tông du nước ngoài, nhận xét rằng không ai tại Tòa Thánh nuôi ảo tưởng về sự sớm chấm dứt chiến tranh tại Ucraina. Dưới ánh sáng tình hình chiến trường và cuộc viếng thăm mới đây của tổng thống Zelensky tại Vatican, cha nói: “Tôi e rằng cuộc xung đột còn kéo dài, viễn tượng duy nhất dường như là tình hình sẽ trở nên giống như chiến tranh Triều Tiên với những biên giới khép kín mít và vũ khí im tiếng. Dầu vậy, Đức Thánh Cha đang tìm hết cách để đạt tới sự chấm dứt xung đột.”
“Theo tôi, vấn đề nòng cốt không phải là lập trường Tòa Thánh bị gạt ra ngoài lề hay không, nhưng đúng hơn là sự kiện Kiev cũng như Matxcơva không muốn nói về hòa bình, hoặc thương thuyết. Bởi vì như thế có nghĩa là thua trước mắt kẻ thù và chính nhân dân của mình. Zelensky không muốn tỏ ra là có phần yếu thế.”
“Đức Giáo Hoàng có phần nào bi quan về kết quả cuộc xung đột, nhưng không vì thế mà ngài thoái lui không làm tất cả những gì có thể để đạt tới hòa bình. Ngôn từ chiến thắng là điều không tránh được trong một cuộc chiến tranh. Điều quan trọng trong giai đoạn này là từ “hòa bình” vẫn còn trong ngữ vựng của Mátxcơva và Kiev. Những từ vũ khí và chiến thắng dẫn tới những thành tựu chóng qua và không giải quyết các vấn đề.”