Vatican News – Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh ở Giêrusalem than phiền thành thánh Giêrusalem đang bị mất đi tính trung tâm hoà bình và điểm quy chiếu cho ba tôn giáo độc thần; cũng như việc bảo vệ căn tính, hoàn cảnh của các Kitô hữu ngày càng khó khăn.
Đức Tổng Giám Mục đang tham gia phiên họp của Thượng Hội đồng Giám mục cấp đại lục diễn ra từ ngày 13 đến 18/02. Phát biểu tại cuộc họp, ngài nói: “Chúng ta đến từ những thực tại khác nhau, nhưng chúng ta có điểm chung là cùng thuộc về các quốc gia đang có chiến tranh, với những căng thẳng chính trị và chia rẽ sâu sắc. Nhưng cũng có những khoảng cách về địa lý hay văn hoá. Chỉ ở khu vực của tôi, chúng tôi nói ba thổ ngữ Ả Rập khác nhau: Jordan, Ai Cập và Libăng và bây giờ, vì Sýp, chúng tôi cũng phải nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ”.
Vào thời điểm tình hình đang trở nên bùng nổ ở Israel, Đức Thượng Phụ muốn thảo luận về những vấn đề liên quan đến Giáo hội và khu vực. Thực tế, Giáo hội Công giáo Latinh đang sống và hoạt động trong một xã hội có những khác biệt sâu sắc. Chưa kể đến Giêrusalem, trung tâm tinh thần của các Kitô hữu, người Do Thái và Hồi giáo, ở đây có một thực tế chính phủ không còn là một thể chế hoà bình, “luật kẻ mạnh hơn” dường như ngày càng thắng thế.
Đức Thượng Phụ mong muốn Giêrusalem tiếp tục là một thành phố dành cho tất cả mọi người như Toà Thánh mong muốn. Ngài nói: “Đúng là khi nói về việc bảo vệ, người ta hay đề cập đến bảo vệ căn tính, chính trị… vì thế cần phải có một số cánh cửa, nhưng chúng ta không nhất thiết phải loại trừ. Chúng ta phải học cách hoà nhập, không loại bỏ”.
Mối quan tâm của Đức Phượng Phụ không chỉ dành cho các tín hữu Công giáo Latinh -không quá 55.000 người ở giữa Israel và Bờ Tây- nhưng còn cho tất các người dân hiện diện trong giáo phận, trong đó có hàng chục ngàn người di cư đến từ châu Á. Mạng lưới mục vụ của Giáo hội Latinh bao gồm nhiều cơ cấu đón tiếp.
Ngài nhìn nhận: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn, với các cuộc săn lùng thực sự do quân đội Israel khởi xướng và các hành động phá hoại và hận thù chống Kitô hữu đang nhân lên bởi một số nhóm cực đoan Do Thái. Các quốc gia trong khu vực dường như bị bắt làm con tin, bằng cách này hay cách khác, điều này giải thích cho tình trạng chảy máu người mà tất cả chúng ta đều thấy. Đặc biệt điều này ảnh hưởng đến các Kitô hữu, nhưng không thể ngăn cản các thế hệ trẻ muốn thoát khỏi tình trạng không có chân trời. Theo quan điểm này, Libăng là quốc gia mà tất cả các Kitô hữu của thế giới Ả Rập hướng về, để tìm sức mạnh và mang lại ý nghĩa cho sự hiện diện của họ trong khu vực”.