Vatican News
Đại hội Thánh Thể Quốc gia lần thứ hai tại Rwanda diễn ra từ ngày 4 đến ngày 8/12/2024. Trong sứ điệp được ký bởi Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Parolin, gửi tới Đức Cha Vincent Harolimana, Giám mục giáo phận Ruhengeri và đại biểu của Hội đồng Giám mục Rwanda (CEPR) tại các Đại hội Thánh Thể, Đức Thánh Cha hòa chung với “niềm vui” và lời “tạ ơn” của tất cả các tín hữu Kitô tại Rwanda.
Thánh Thể nhắc chúng ta về trách nhiệm trước cơn đói của nhân loại
Ngài nói rằng Bí tích Thánh Thể là một công cụ để trở thành “những nhà truyền giáo của tình huynh đệ” và “những dấu hiệu hữu hình của niềm hy vọng”. Nhưng cũng là lời nhắc nhở về “trách nhiệm của chúng ta” trước biết bao “cơn đói” của nhân loại. Đói về thể chất, và thường là đói về “tự do và nhân phẩm”, “hòa bình và tình yêu”. Đói “ý nghĩa”.
Việc rước lễ khuyến khích chúng ta trao tặng chính mình
Chủ đề của Đại hội, “Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể: nguồn hy vọng, tình huynh đệ và hòa bình”, mang đến cơ hội suy tư về Thánh Thể, “trung tâm của mọi đời sống Kitô hữu” và một dấu chỉ hữu hình của “tình yêu của Chúa Kitô đối với nhân loại”. Theo Đức Thánh Cha, việc rước lễ “khuyến khích chúng ta trao tặng chính mình như một món quà cho người khác”, làm việc trong sự đồng thuận chung “để xây dựng một nền văn minh tình yêu”.
Trở thành những dấu hiệu hữu hình của niềm hy vọng
Nhân dịp Năm Thánh và 125 năm loan báo Tin Mừng ở Rwanda, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu bắt đầu lại từ “Chúa Kitô, bánh sự sống”, kêu gọi họ thể hiện tình liên đới đối với “bất cứ ai ở trong tình trạng dễ bị tổn thương”. Nhắc lại sắc chỉ công bố Năm Thánh, “Spes non confundit” (Niềm Hy vọng không làm thất vọng), ngài khuyến khích “trở thành những dấu hiệu hữu hình của niềm hy vọng”.
Sống hiệp nhất
Nhắc lại “trách nhiệm” chung đối với các nhu cầu thể chất và tinh thần của nhân loại, Đức Thánh Cha nói tiếp rằng Thánh Thể khơi dậy niềm hy vọng “vào Thiên Chúa Ba Ngôi”. Bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi “về cơ bản là tương quan”, mời gọi mọi người sống “trong cộng đồng” thay vì “cô lập”. Hiệp nhất, phá bỏ rào cản “về chủng tộc, ngôn ngữ hoặc truyền thống văn hóa”.