Phúc Nhạc
Trong thông điệp “Laudato sì” về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, được Đức Thánh cha Phanxicô công bố cách đây 5 năm và đang được Tòa Thánh cùng nhiều nơi khác trong Giáo hội, dành trọn một năm để đào sâu và đưa vào thực hành. Qua chương thứ I, Đức Thánh cha trình bày những vấn đề mà trái đất đang phải chịu, nhất là nạn khai thác bừa bãi các tài nguyên thiên nhiên, như nạn phá rừng nhiệt đới đang diễn ra tại miền Amazzonia ở Nam Mỹ, nạn ô nhiễm sông ngòi, biển khơi, không khí, nạn hâm nóng trái đất tạo nên những hiện tượng gia tăng thiên tai, v.v…
Tổng quan chương II
Trong chương thứ hai với tựa đề “Tin mừng về sự sáng tạo”, Đức Thánh cha trình bày những nền tảng giáo huấn Kinh thánh thúc đẩy các tín hữu phải dấn thân bảo vệ môi trường, đương đầu với những vấn đề, những tai ương và tệ nạn đã trình bày trong chương thứ I của thông điệp. Đức Thánh cha đọc lại các trình thuật Kinh thánh, và trình bày một cái nhìn toàn diện đến từ truyền thống Do Thái – Kitô và nêu rõ “trách nhiệm lớn lao” (90) của con người đối với thiên nhiên, mối liên hệ thâm sâu giữa tất cả các loài thụ tạo và sự kiện “môi sinh là một thiện ích chung, là gia sản của toàn thể nhân loại và là trách nhiệm của mọi người” (95).
Sửa sai quan niệm sai lầm
Đức Thánh cha đặc biệt sửa sai một quan niệm nơi nhiều tín hữu Kitô, cho rằng Chúa đã tạo dựng nên trái đất và vũ trụ, và đặt con người thống trị thiên nhiên. Vì thế, con người có thể đối xử với trái đất theo ý riêng của mình. Trong đoạn số 67, ngài viết: “Chúng ta không phải là Thiên Chúa. Trái đất đi trước chúng ta và được ban cho chúng ta. Điều này giúp trả lời cho một lời cáo buộc chống tư tưởng Do Thái – Kitô cho rằng từ trình thuật của sách Sáng thế mời gọi con người thống trị trái đất (Xc. St 1,28), người ta cổ võ sự khai thác thiên nhiên một cách man rợ, bừa bãi, trình bày một hình ảnh con người như kẻ thống trị và tàn phá. Đó không phải là một sự giải thích đúng đắn về Kinh thánh như Giáo hội hiểu. Cho dù đôi khi các tín hữu Kitô đã giải thích Kinh thánh một cách không đúng, ngày nay chúng ta phải mạnh mẽ bác bỏ lập trường cho rằng vì được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và theo mệnh lệnh thống trị trái đất, ta có thể rút ra một sự thống trị tuyệt đối của con người trên các thụ tạo khác. Điều quan trọng là đọc các văn bản Kinh thánh trong mạch văn của nó, với một sự giải thích đúng đắn, và nhớ rằng các văn bản đó mời gọi chúng ta hãy “vun trồng và gìn giữ” vườn của thế giới (Xc St 2,15). Trong khi “vun trồng” có nghĩa là cầy bừa, vun xới thửa đất, thì “gìn giữ” có nghĩa là bảo vệ, chăm sóc, bảo tồn, canh chừng. Điều này bao hàm một tương quan trách nhiệm hỗ tương giữa con người và thiên nhiên. Mỗi cộng đoàn có thể rút từ đất tốt những gì mình cần để sinh tồn, nhưng cũng có nghĩa vụ bảo vệ và đảm bảo cho đất đai ấy tiếp tục được màu mỡ cho các thế hệ mai sau. Xét cho cùng, “trái đất là của Chúa” (Tv 24,1), “trái đất và tất cả những gì chứa đựng trong đó là của Chúa” (Dnl 10.14). Vì thế, Thiên Chúa phủ nhận mọi chủ trương về quyền tư hữu tuyệt đối: “Đất đai không thể bị bán mãi mãi, vì đất là của Ta và các ngươi ở nơi Ta như ngoại kiều và khách ngụ cư” (Lv 25,23).
Con người phải tôn trọng các luật lệ thiên nhiên
Trong đoạn số 68 của thông điệp, Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng: “Trách nhiệm đứng trước trái đất của Thiên Chúa bao hàm điều này, là “con người, với trí thông minh, phải tôn trọng các luật lệ thiên nhiên và sự quân bình tế nhị giữa các hữu thể của thế giới này, vì như thánh vịnh 148 đã nói, “Các hữu thể ấy hiện hữu theo lệnh truyền của Chúa. Ngài làm cho chúng được ổn định mãi mãi qua thời gian; Ngài đã ấn định một sắc lệnh mãi mãi” (Tv 148, 5b-6).
Nhìn nhận giá trị của các sinh vật
Trong đoạn số 69 kế tiếp, Đức Thánh cha cũng khẳng định rằng: “Trong khi chúng ta sử dụng sự vật trong tinh thần trách nhiệm, chúng ta cũng được kêu gọi nhìn nhận các sinh vật khác cũng có giá trị riêng của chúng trước mặt Thiên Chúa và “nguyên sự kiện chúng hiện hữu, chúng chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa” (SGLCG n.2416), vì Chúa vui mừng trong các công trình của Ngài (Xc. Tv 104,31). Chính vì phẩm giá có một không hai và có trí tuệ thông minh, nên con người được kêu gọi tôn trọng thiên nhiên với những luật lệ nội tại của chúng, vì “Chúa đã thiết lập trái đất trong sự khôn ngoan của Ngài” (Cn 3,19). Ngày nay, Giáo hội không nói một cách đơn giản rằng các thụ tạo khác hoàn toàn phục vụ cho thiện ích của con người, như thể chúng không có giá trị nơi chúng và chúng ta có thể sử dụng chúng tùy theo sở thích. Các giám mục Đức đã giải thích rằng đối với các thụ tạo khác, “ta có thể nói sự tôn trọng chúng chiếm ưu tiên so với sự hữu ích của chúng” (Tuyên ngôn về các vấn đề môi trường và cung cấp năng lượng, 1980, II,2). Sách Giáo lý Công giáo đặt lại vấn đề một cách trực tiếp và nhấn mạnh chống lại chủ trương coi con người là trung tâm một cách lệch lạc, khi khẳng định rằng “Mỗi thụ tạo có sự tốt lành và sự hoàn hảo riêng. […]. Các thụ tạo khác nhau, – được Chúa muốn chúng hiện hữu – đều phản ánh một chút sự khôn ngoan và sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa, vì thế con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng của mỗi thụ tạo, để tránh sử dụng sự vật một cách bừa bãi” (SGLCG, n.339).
Nói tóm lại, qua những dòng trên đây, thông điệp Laudato sì của Đức Thánh cha sửa sai quan niệm coi con người là chủ tể mà mọi công trình thiên nhiên phải phục vụ, để rồi con người có thể làm làm gì thì làm đối với các công trình thiên nhiên Thiên Chúa dựng nên.
Không thể thống trị độc đoán trên các sinh vật
Cũng trong chiều hướng đó, Đức Thánh cha viết thêm trong đoạn số 82, rằng: “Cũng là điều sai lầm khi nghĩ rằng các sinh vật khác chỉ là những đồ vật tùy thuộc sự thống trị độc đoán của con người. Khi người ta chọn cho mình một quan niệm coi thiên nhiên chỉ là đối tượng để mưu lợi lộc và phục vụ sở thích của mình, thì điều đó sẽ đưa tới những hậu quả trầm trọng cho xã hội. Quan niệm ấy càng củng cố quyền của kẻ mạnh hơn và đã góp phần tạo nên những chênh lệch rất lớn lao, những bất công và bạo lực cho phần lớn nhân loại, vì các tài nguyên trở thành sở hữu của người nào tới trước hoặc của kẻ nào có quyền lực hơn: kẻ chiến thắng chiếm đoạt tất cả. Lý tưởng về sự hòa hợp, công bằng, tình huynh đệ và hòa bình mà Chúa Giêsu đề nghị chính là thuốc giải độc cho kiểu mẫu như thế, và Chúa Giêsu đã biểu lộ kiểu mẫu đó khi nói về các quyền bính trong thời đại của Ngài: “Những kẻ cầm quyền cai trị các dân nước thống trị các nước và các thủ lãnh đè nén họ. Nơi các con thì không thể như vậy; ai muốn làm lớn trong các con, thì hãy trở thành đầy tớ phục vụ các con” (Mt 20,25-26)
Bảo tồn sắc thái đặc thù của các sinh vật
Trong phần kế tiếp của chương hai trong thông điệp, Đức Thánh cha minh xác rằng sự kiện con người không phải là chủ tể của vũ trụ, “không có nghĩa là mọi sinh vật đều giống như nhau và tước bỏ giá trị đặc thù của chúng”; và “cũng không bao hàm sự thần thánh hóa trái đất, làm cho chúng ta không còn ơn gọi cộng tác và bảo vệ sự mong manh của trái đất” (90), nhưng “một tâm tình kết hiệp thâm sâu với các hữu thể khác trong thiên nhiên, không thể là một tâm tình chân chính, nếu đồng thời trong tâm hồn không có sự dịu dàng, cảm thông và quan tâm đến con người” (91). Cần ý thức về một sự hiệp thông đại đồng: “Được cùng một Cha dựng nên, tất cả hữu thể của vũ trụ chúng ta được liên kết với nhau bằng những mối dây vô hình và chúng ta họp thành một thứ gia đình đại đồng, […] thúc đẩy chúng ta có thái độ tôn trọng thánh thiêng, yêu thương và khiêm tốn” (89).
Tài nguyên thiên nhiên nhắm mưu ích cho mọi người
Sau cùng, Đức Thánh cha nhấn mạnh nguyên tắc “mọi tài nguyên thiên nhiên Chúa dựng nên là để mưu ích cho tất cả mọi người”. Ngài viết trong đoạn số 93 của thông Điệp: “Ngày nay, các tín hữu và những người không tín ngưỡng đều đồng ý với nhau về sự kiện trái đất cốt yếu là một gia sản chung, hoa trái của nó phải mưu ích cho tất cả mọi người. Đối với các tín hữu, điều này trở thành một vấn đề trung thành với Đấng Tạo Hóa, vì Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới cho tất cả mọi người. Vì thế, mọi phương pháp bảo vệ môi sinh phải bao hàm một viễn tượng xã hội, để ý đến những quyền căn bản của những người kém may mắn nhất. Do đó, nguyên tắc quyền tư hữu phải tùy thuộc chủ đích phổ quát của các tài nguyên thiên nhiên và quyền của tất cả mọi người được sử dụng chúng chính là “khuôn vàng thước ngọc” của cách hành xử xã hội, và là nguyên tắc đầu tiên của mọi trật tự đạo đức xã hội” (Centesimus annus n.31). Truyền thống Kitô giáo không bao giờ coi quyền tư hữu là điều tuyệt đối và không thể đụng chạm tới và nêu bật chức năng xã hội của bất kỳ quyền tư hữu nào.