Giới trẻ trưởng thành trong tình yêu – phần I

GIỚI TRẺ TRƯỞNG THÀNH TRONG TÌNH YÊU (PHẦN I)

Tuổi trẻ được ví như mùa Xuân của cuộc đời, luôn đầy tràn năng lượng, sức trẻ và khát khao vươn lên mỗi ngày. Để đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện” theo lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và cách riêng của Tổng Giáo Phận Hà Nội trong tháng Tư với chủ đề nên thánh đối với giới trẻ, bài viết này thảo luận với người trẻ, đặc biệt là các bạn trong tuổi vị thành niên, hướng tới sự trưởng thành toàn diện qua việc trưởng thành trong tình yêu. Qua việc tìm hiểu tình yêu dưới khía cạnh tâm lý và thần học, chúng ta cùng nhau suy tư và định hướng, để làm sao trưởng thành một cách toàn diện hơn trong cuộc sống và cách riêng để sống tốt năm phụng vụ 2020 theo tinh thần của Giáo Hội.

Đặc điểm tâm lý của tuổi vị thành niên

Nói đến giới trẻ, chúng ta nghĩ đến lứa tuổi vị thành niên (còn gọi là tuổi thiếu niên). Theo học thuyết tâm lý xã hội phát triển của Erik Erikson, tuổi vị thành niên (từ 12-18, 19 tuổi) là thời gian các em hình thành đặc thù nhân cách về “cái Tôi” của mình. Đây là giai đoạn các bạn trẻ dần dần nhận thức khá rõ về bản thân mình là người như thế nào và lớn lên muốn làm gì cho tương lai. Ở giai đoạn này, các bạn trẻ dần hình thành nên sự đồng nhất của “cái Tôi” của mình qua việc thể hiện các vai trò khác nhau và những chọn lựa cho cuộc đời như trường học, chuyên ngành, nghề nghiệp, tìm bạn đời và chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân và gia đình. Bố mẹ và những người thân tiếp tục có vai trò quan trọng trong việc giúp các em hình thành nhân cách. Tuy nhiên, các em ở tuổi vị thành niên bắt đầu có mối quan hệ xã hội và bạn bè rộng hơn với các bạn cùng học và các nhóm hoạt động ngoài xã hội hay các tổ chức tôn giáo. Sự trung thành trong các mối quan hệ là nhân đức quan trọng cần được hình thành và phát triển ở thời kỳ này. Trong đó, khả năng liên hệ với người khác và tạo các mối quan hệ chân thành sẽ giúp các em thành công trong các giai đoạn tiếp theo.

Ngược lại, nếu các bạn trẻ không hình thành được sự đồng nhất về đặc tính của mình, họ sẽ có khuynh hướng cảm thấy các vai trò bị lẫn lộn. Họ sẽ không tự xác định được hướng đi cho bản thân và thường gặp khó khăn khi ứng xử tương giao với người khác. Trong tình yêu, nhiều bạn trẻ sợ bị lạm dụng, không dám quyết định những lựa chọn riêng tư cho mình. Thay vào đó, họ để bố mẹ và những người thân quyết định, sắp xếp hướng đi cho cuộc đời của mình. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ không làm chủ được bản thân trong quan hệ giới tính, khiến cho tình yêu của họ trở nên bế tắc, nghèo nàn và nhiều khi phải ân hận suốt đời. Có nhiều bạn phải bắt đầu cuộc sống hôn nhân gia đình sớm, làm việc học tập và các khao khát sự nghiệp bị gián đoạn. Có những bạn bị đổ vỡ trong tình yêu, bị tổn thương quá nặng về tâm lý tình cảm. Và có những người đi đến những quyết định sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng như phá thai, tự tử.

Thay đổi cơ thể ở tuổi dậy thì

Tuổi vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, là thời gian trưởng thành và khám phá bản thân. Do sự phát triển vượt bậc về thể chất và thay đổi hormone sinh lý, cơ thể của các bạn trẻ tuổi vị thành niên có một loạt sự thay đổi liên quan đến việc hoàn thiện các đặc tính sinh dục và khả năng sinh sản. Đây cũng là giai đoạn có nhiều thay đổi về hình dáng, tâm sinh lý, hành vi, và nhận thức xã hội. Khởi đầu ở giai đoạn vị thành niên, trẻ nữ thường dậy thì sớm hơn trẻ nam khoảng 2 tuổi (từ 10-16 tuổi); trẻ nam (từ 13-18 tuổi). Đây là giai đoạn các bạn trẻ thấy nhiều sự thay đổi về cơ thể như: tăng vọt về phát triển chiều cao, cân nặng, và phát triển bộ phận sinh dục; hông có thể rộng hơn vai; thay đổi mùi cơ thể; và nổi mụn trứng cá. Sự khác biệt giới tính trong sự phát triển ở tuổi dậy thì là nữ giới tăng độ nữ tính với giọng nói trở nên dịu dàng và vóc dáng mềm mại hơn. Trong khi đó, nam giới tăng độ nam tính với thân hình vạm vỡ, chắc khoẻ và giọng nói trầm ấm hơn sau một thời gian bị vỡ giọng.

Phát triển tâm lý

Thay đổi thể lý ở tuổi dậy thì ảnh hưởng đến phát triển tâm lý của trẻ vị thành niên. Cùng với sự phát triển của cơ thể, các bạn thiếu niên bắt đầu để ý đến diện mạo của mình. Do bị ám ảnh bởi hình thể của mình, nhất là trong thời gian đầu của tuổi dậy thì, thời gian nhiều em không hài lòng với thể diện của mình. Dẫn đến nhiều em thiếu niên thường xuyên cảm thấy lo lắng. Bên cạnh đó, các em ở tuổi vị thành niên bắt đầu cảm thấy bị thu hút trước những người khác, nhất là những người khác giới. Trong tâm trí các em nhiều khi có những câu hỏi như: làm sao để có thể bày tỏ tình cảm của mình cho người mình có cảm tình? Các em thiếu niên dần dần khám phá về tình dục và có thể dẫn đến có quan hệ tình dục. Họ trở nên sống khép kín hơn đối với cha mẹ và người lớn. Quan hệ với bố mẹ được thể hiện theo cách khác: không còn thân mật và gần gũi như trước. Nhà không còn là tổ ấm duy nhất nữa. Các bạn trẻ tương giao với bạn bè và thế giới rộng hơn, đôi khi vượt xa khỏi sự an toàn của gia đình, bố mẹ và quê hương của mình. Chẳng hạn, nhiều bạn không còn đi đâu cũng đi cùng bố mẹ, hay không còn kể hết chuyện riêng tư cho bố mẹ nữa. Dần dần các em trở nên thân mật với bạn bè hơn, bắt đầu hẹn hò và có bạn trai/gái.

Tuổi dậy thì là thời gian có nhiều dao động và chuyển hướng liên tục. Đây cũng là thời kỳ quan trọng trong đời sống tâm sinh lý và tâm linh, vì là lúc các em thiếu niên bắt đầu một cuộc sống riêng tư của mình, và bắt đầu hành trình hướng tới sự trưởng thành trong tình yêu và tình huynh đệ. Bên cạnh đó, tuổi vị thành niên là thời kỳ với những đột phá bất ngờ làm cho chính bản thân các em nhiều khi mất phương hướng. Thể lý và tâm lý được hâm nóng bằng một năng lực mạnh mẽ của tính dục khiến cho con người trẻ thơ an bình và thoải mái của các em trở nên những thiếu niên với tâm tính thay đổi thất thường và luôn bồn chồn, lo âu. Dường như một cuộc sống mới với nhiều cơ hội đang chờ đợi họ khám phá.

Một điều đáng chú ý trong sự phát triển tự nhiên ở tuổi thiếu niên là trong cơ thể có nhiều hormone sinh dục phát triển trước cả khi các em trưởng thành về mặt tình cảm và trí tuệ. Điều này nhiều khi khó để giúp họ hiểu biết một cách hợp lý và sáng tạo của những chuyển vận năng lượng trong cơ thể mình. Bản chất sinh lý và thể lý tự nhiên thật là mâu thuẫn do sự khác thường này: người trẻ có một cơ thể người lớn trước khi họ trưởng thành về tình cảm, trí tuệ, và lý trí. Đó là lý do tại sao có rất nhiều rủi ro và nguy hiểm xảy ra cho các em thiếu niên đang phát triển. Một trong những rủi ro gây hậu quả nghiêm trọng là dễ quan hệ tình dục trước hôn nhân và dẫn đến phá thai. Ở Việt Nam, tỷ lệ mang thai và phá thai ở tuổi vị thành niên khá cao, đặc biệt là ở thanh thiếu niên. Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Việt Nam được xếp hạng đầu tiên trong khu vực và thứ 5 trên thế giới về tỷ lệ phá thai, với khoảng 250.000 đến 300.000 trường hợp phá thai mỗi năm, trong đó khoảng 75% rơi vào độ tuổi từ 15 đến 19. Mỗi ngày có khoảng 900 ca phá thai xảy ra ở Việt Nam. Đây là một con số báo động và đau lòng cho tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ và các bậc phụ huynh.

Ở lứa tuổi vị thành niên, lối suy nghĩ của các bạn trẻ trở nên trừu tượng và lý tưởng hóa hơn. Nhiều bạn trẻ khi không được bố mẹ và người lớn hướng dẫn đúng đắn và khi không cảm nghiệm được tình yêu thương của người thân, hay khi họ sống bị bỏ rơi, bị từ chối hay bị lạm dụng về thể xác và tinh thần, các bạn trẻ này sẽ dễ sa ngã. Điều này thể hiện qua các hành vi sống vô kỷ luật, phá phách của công, trộm cắp, đi lang thang bụi đời, yêu đương sớm, sống bừa bãi, sống thử trước hôn nhân, nghiện rượu, nghiện thuốc phiện, và nghiện cờ bạc. Ngày nay, các bạn trẻ tiếp cận với Internet và các mạng xã hội nhiều hơn, nên có nhiều cám dỗ và dễ rơi vào các tệ nạn xã hội khác như nghiện game, nghiện internet, và nghiện tình dục trên mạng internet. Bên cạnh đó, các bạn trẻ thường có tình trạng cảm xúc thay đổi thất thường: khi thì tích cực, khi thì tiêu cực. Có lẽ lý do một phần là bị ảnh hưởng của sự thay đổi hormone sinh lý và do phải đương đầu với nhiều điều thay đổi và cảm xúc khác lạ xuất hiện trong mình. Do thay đổi thất thường những suy nghĩ, hành vi, và cảm xúc thậm chí chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhiều bạn trẻ có biểu hiện của kinh nghiệm “khủng hoảng” tuổi vị thành niên. Chẳng hạn như lo lắng, mất ngủ, trầm cảm, rối loạn ăn uống, giảm chú ý dẫn đến kết quả học tập sa sút. Điều này khiến cho bố mẹ và những người thân cảm thấy mệt mỏi và lo lắng vì không biết phải cư xử và chăm sóc con cái mình như thế nào.

Theo nhà tâm lý Abraham Maslow, cùng với các nhu cầu thể lý căn bản như ăn, uống, ngủ nghỉ, tình dục và không khí trong lành, nhu cầu được sống an toàn và cảm thấy mình được quan tâm, được yêu và được tôn trọng là những nhu cầu cảm xúc căn bản của con người. Để chuẩn bị bước vào thế giới của người lớn và trở thành người tự lập với những lựa chọn về học vấn, nghề nghiệp và tình yêu, các bạn tuổi vị thành niên cần có người lớn quan tâm một cách hợp lý, đặc biệt là bố mẹ, người thân trong gia đình và những người quan trọng trong cuộc sống của các em như các thầy cô giáo, hàng xóm láng giềng, hay những người đứng đầu các nhóm trong các hội đoàn và giáo xứ như Giới Trẻ, Thiếu Nhi Thánh Thể… Khi có người lớn quan tâm đồng hành (Role model), các bạn trẻ cảm thấy người lớn hiểu và tôn trọng mình, cảm thấy mình có giá trị và cảm thấy có người lớn là nguồn trợ giúp chúng. Điều này sẽ giúp các bạn trẻ thành công trong cuộc sống.

Trong thực tế ngày nay, nhiều bạn trẻ dậy thì sớm (11-12 tuổi) và lập gia đình chậm hơn trước kia (khoảng trên dưới 30 tuổi). Điều này đặt ra câu hỏi: làm sao các bạn trẻ có thể trưởng thành trong tình yêu qua việc dung hòa tính dục của mình với cảm xúc và những giá trị đạo đức của họ trong khoảng thời gian khá dài từ khi dậy thì cho đến khi lập gia đình? Như đã đề cập ở trên, có sự mâu thuẫn tự nhiên trong sự phát triển tâm sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên: cho họ một cơ thể người lớn trưởng thành về thể lý và tính dục trước khi họ trưởng thành về tình cảm, trí tuệ, và lý trí. Là người Kitô giáo, chúng ta có thể hỏi: Dường như Thiên Chúa có kế hoạch gì đó trong khi tạo dựng bản chất con người với những mâu thuẫn như vậy?

Trưởng thành trong tình yêu

Để trưởng thành trong tình yêu, các bạn trẻ cần phải cảm nghiệm mình được yêu trong môi trường gia đình, để từ đó các em có thể chia sẻ tình yêu đó cho bạn bè và những người khác trong xã hội. Các bạn trẻ trưởng thành dần trong tình yêu từ tương quan tình yêu với những người thân yêu của mình là bố mẹ và gia đình, và sau đó qua tình yêu bạn bè và tình yêu nam nữ. Cùng với những khát khao cháy bỏng về tình yêu theo sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và những mâu thuẫn trong sự phát triển của mình, các bạn trẻ không chỉ bị giới hạn mình trong tình yêu sắc dục nữa, nhưng luôn được mời gọi vươn lên và hoàn thiện bằng tình yêu Agapé của Đức Kitô (xem các thể loại tình yêu trong Giới trẻ trưởng thành trong tình yêu, phần II).

Tình yêu của Đức Kitô là tình yêu cao cả nhất, còn gọi là tình yêu tự hiến, hy sinh chính mình vì người khác. Đó là tình yêu của người dám thí mạng sống của mình vì bạn hữu (Gioan 15:13). Tình yêu Agapé là nền tảng của tình yêu Kitô giáo. Tình yêu tự hiến luôn đi đôi với tình yêu vị tha và lòng khoan dung tha thứ. Tình yêu tự hiến là tình yêu được thanh lọc mỗi ngày để con người không chỉ dừng lại ở khoái lạc tình ái nhất thời chóng qua, mà luôn đưa con người đến hạnh phúc đích thực.

Đức Kitô Chúa Giêsu chính là mẫu gương cho các bạn trẻ sống trưởng thành trong tình yêu và sống có trách nhiệm. Tình yêu chân thực đòi hỏi có sự thanh luyện và trưởng thành trong quyết định tự do và tự chủ bản thân. Trưởng thành trong tình yêu đòi buộc chúng ta phải học và thực hành sống theo cách yêu thương của Chúa Giêsu. Đó là chúng ta phải sống khoan dung, trưởng thành trong việc làm chủ cảm xúc và tình cảm, biết sống tha thứ và bỏ qua những lỗi lầm của người khác, yêu thương nhau bằng tình yêu phổ quát (yêu thương tất cả mọi người), tình yêu vô vị lợi, tình yêu đi bước trước, tình yêu tha thứ, tình yêu quảng đại, tình yêu hy sinh phục vụ vì sự tốt đẹp của người khác.

Trên thực tế, để trưởng thành và sống tình yêu như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta không phải lúc nào cũng dễ dàng. Lý do là vì cách thể hiện tình yêu của chúng ta phụ thuộc vào kinh nghiệm sống của chúng ta trong tương giao với bố mẹ, người thân trong gia đình, bạn bè và người bạn trai hay bạn gái của chúng ta. Mỗi lần có sự hiểu lầm, xung đột hay làm mất lòng nhau, chúng ta có khuynh hướng tạo một nút thắt và nói với lòng mình rằng: tôi sẽ không yêu bố mẹ, anh chị em hay người thân thương của tôi cho đến khi họ biết lỗi và giải quyết được những khúc mắc với tôi. Tùy vào lỗi lầm của người khác mà nút thắt có thể to hay nhỏ khác nhau. Và cứ như vậy, chúng ta thương yêu người khác một cách không trọn vẹn bằng cách giữ lại cho mình một phần vì sự phẫn nộ và đau đớn người khác gây cho chúng ta. Và rồi chúng ta thường chờ cho đến khi người khác thay đổi theo cách của chúng ta thì ta mới yêu họ như một cách tự do và không tính toán.

Đó là sự khác biệt giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta là những tội nhân, là những con người bất toàn, mỏng giòn và dễ sa ngã. Chúa yêu ta như những gì chúng ta có và chúng ta là, chứ không phải như những gì chúng ta nên có và nên là. Nhiều người vì mặc cảm và xấu hổ với tội lỗi của mình mà không dám đến gần Chúa để nhận sự thương xót và tha thứ của Chúa. Trên thực tế, Chúa luôn sẵn sàng tha cho ta khi chúng ta ăn năn sám hối và biết quay trở về cùng Chúa như trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Luca 15: 11-32).

Để hướng tới sự trưởng thành toàn diện, các bạn trẻ không những được mời gọi sống tinh thần của Cựu Ước trong sách Lêvi 19: 18 với bản Luật Vàng (Golden Rule): “Các ngươi muốn người ta làm cho mình thể nào, hãy làm cho người ta thể ấy” (Matthew 7: 12; Luca 6: 31). Chúa còn mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta hãy yêu nhau như Chúa Giêsu yêu chúng ta. Khi xưa Chúa nói với các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 13, 34). Yêu như Chúa yêu đó là thứ tình yêu Agapé. Tình yêu Thiên Chúa sẽ thúc bách chúng ta có thể làm được những sự mà tự bản thân chúng ta không thể làm được.

Để hướng tới sự hoàn thiện trong tình yêu, chúng ta cần đi con đường mà Đức Kitô đã đi và luôn sống trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta cần có một sự thay đổi, cần cải biến cách chúng ta yêu thương nhau qua cách yêu thương của Chúa. Để làm được điều đó, chúng ta cần ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Xin Chúa giúp mở lòng chúng ta để chúng ta có thể mặc lấy tâm tình yêu thương của Chúa như kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành vi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Để yêu được người khác như Chúa yêu, chúng ta cần cảm nghiệm mình được Chúa yêu, kể cả khi chúng ta là những người tội lỗi và bất toàn. Khi chúng ta sống và cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa với mình, chúng ta sẽ được thúc đẩy sống tình yêu đó với người thân, bạn bè, gia đình, và người bạn gái/trai của chúng ta như Thánh Phaolô nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5:14).

Lời kết

Đức Kitô là mẫu gương của sự trưởng thành toàn diện mà người trẻ luôn khát vọng hướng tới. Đức Kitô đạt tới sự trưởng thành toàn diện trong tình yêu qua mầu nhiệm nhập thể, nhập thế và mầu nhiệm thương khó và phục sinh của Ngài. Đức Kitô là nguồn năng lực vô hạn như mặt trời luôn tỏa sức nóng để hun nóng lửa nhiệt huyết tông đồ và là ngọn lửa soi sáng cho người trẻ biết con đường tìm về chân-thiện-mỹ. Đức Kitô là tâm điểm giúp người trẻ có được niềm tin vững vàng, lòng mến sốt sáng và niềm hy vọng trong những lúc gặp gian truân thử thách. Đức Kitô xuống thế làm người vì yêu nhân loại và để cứu chuộc nhân loại lầm than, tội lỗi. Tình yêu, lòng thương xót, và thứ tha của Chúa vượt lên trên tất cả.

Là các bạn trẻ Kitô giáo, chúng ta được mời gọi luôn sống với, sống trong Đức Kitô, và sống làm nhân chứng cho Chúa trong lòng thế giới hôm nay để chúng ta “sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian,” hay sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Ước gì mỗi người trẻ chúng ta luôn cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa trong cuộc đời để chúng ta chia sẻ tình yêu đó cho bố mẹ, những người thân trong gia đình, bạn bè và người chúng ta thương mến.

Sr. Maria Lê Kim Yến, Dòng MTG Hà Nội

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org