Tiến Trình Và Tổ Chức Một Buổi Gặp Gỡ Giáo Lý

LTS. Bộ Giáo Lý Hiệp Thông của TGP Sàigòn (Lm.Phêrô Nguyễn Văn Hiền chủ biên) đã được đưa vào giảng dạy rộng rãi. Để giúp Giáo lý viên tiếp cận với phương pháp sử dụng bộ sách này trong việc huấn giáo, chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của Cô Maddalena Phạm thị Thúy. Tác giả là là Thư Ký Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN, đồng thời là Giám học chương trình đào tạo Giáo lý viên của TGP Sàigòn và là thành viên ban biên soạn bộ sách Giáo Lý Hiệp Thông.

Việc dạy giáo lý không đơn giản là dạy (1) giáo thuyết đức tin, nhưng bao gồm các hoạt động như (2) giáo dục phụng vụ, (3) huấn luyện luân lý, (4) dạy cầu nguyện, (5) giáo dục đời sống cộng đoàn và (6) khai tâm cho việc truyền giáo (HDTQ 85 & 86).

Thế nhưng làm sao có thể thực hiện đầy đủ các chức năng này trong một giờ giáo lý? Để thực hiện điều ấy, người hướng dẫn và người thụ giáo cần phải làm gì và làm như thế nào? Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35) cho thấy chúng ta có thể thực hiện những yêu cầu trên khi chúng ta dạy giáo lý dưới hình thức gặp gỡ và đối thoại.

HÀNH TRÌNH EMMAU – NỀN TẢNG CỦA TIẾN TRÌNH GẶP GỠ GIÁO LÝ

Tại sao chúng ta chọn lộ trình Emmau để xây dựng tiến trình một buổi gặp gỡ giáo lý?

Chúng ta chọn lộ trình Emmau để xây dựng tiến trình một buổi gặp gỡ giáo lý vì những lý do sau:

– Trong hành trình này, Chúa Giêsu hành động như người loan báo Tin Mừng và như vị tôn sư; Người sử dụng khả năng nhà chú giải và giảng viên giáo lý để cung cấp lời giải thích cho các môn đệ (Suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long, “Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ Emmau”).

– Trong hành trình này thể hiện một tiến trình đào sâu, trong đó Đức Giêsu nổi bật hoặc như là đối tượng hoặc như là chủ thể.

– Kết quả là từng cá nhân và cộng đoàn đạt được một sự hiểu biết ngày càng sâu hơn về hành trình của Đức Giêsu và hành trình đức tin của mình. Có một sự nhận biết ngày càng chắc chắn hơn về sự Phục Sinh của Đức Giêsu và sống sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong cuộc đời mình (cf. Lm. FX. Vũ Phan Long, suy niệm Tin Mừng CN III PS).

Quan sát & phân tích bản văn:

Có thể nói, lộ trình Emmaus là lộ trình khứ hồi của 2 môn đệ: Giêrusalem – Emmau – Giêrusalem.

• Chuyến đi: 2 môn đệ rời bỏ cộng đoàn – buồn rầu – không nhận ra Đức Giêsu đi bên cạnh.

• Chuyến về: 2 môn đệ trở lại Giêrusalem – hân hoan – loan báo tin vui đã gặp Đức Giêsu.

Chúng ta cùng quan sát diễn tiến và thái độ của Chúa Giêsu cũng như của hai môn đệ trong phần phân tích sau, từ đó đối chiếu với những hướng dẫn việc dạy giáo lý của Giáo Hội để thấy rõ hơn vai trò của người giáo lý viên và cách thức cần có cho tiến trình dạy giáo lý.

1. Tiến đến và cùng đi: Khi bước đến và cùng đi với các môn đệ, Chúa Giêsu dấn mình vào một cuộc đối thoại nhằm giúp các ông tiến bước trong hành trình đức tin. Dạy giáo lý một cách nào đó cũng là đồng hành với người thụ giáo hướng đến một đức tin trưởng thành.

“Việc dạy giáo lý được trình bày như một tiến trình, một lộ trình, một dấn bước theo Đức Kitô của Tin Mừng, trong Thánh Thần, đến với Chúa Cha, đạt tới sự trưởng thành Đức tin ‘tùy theo mức độ ân sủng Đức Kitô ban cho’ (Ep. 4,7), cũng như đạt tới những khả năng và những nhu cầu của mỗi người” (HDTQ, s.143)

2. Lắng nghe và chấp nhận: Cuộc đối thoại bắt đầu bằng việc Chúa Giêsu lắng nghe hai môn đệ bày tỏ cảm nguyện và tâm tư của mình, đồng thời chấp nhận các ngài với tất cả những gì các ngài hiện có, với cái hay và cái dở, cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai.

“Người môn đệ của Đức Kitô tự đáy lòng mình chia sẻ ‘những niềm vui và hy vọng, những buồn sầu và lo lắng của nhân loại ngày nay’ (GS, s.1), người môn đệ nhìn và tham dự vào lịch sử nhân loại không phải chỉ bằng lý trí mà còn bằng đức tin” (HDTQ, s.16).

3. Thấu hiểu và cảm thông: Khi ân cần lắng nghe và chấp nhận các môn đệ, Chúa Giêsu để cho mình tự do đi vào thế giới riêng của các ông, cố gắng nắm bắt hay lãnh hội ý nghĩa của những kinh nghiệm mà họ chia sẻ để thấu hiểu và cảm thông. Ngài không tìm cách áp đặt cảm nghiệm hoặc tâm tư của mình lên các môn đệ, nhưng để cho các ông tự do bộc lộ cảm nghĩ của mình cách đầy đủ và rõ ràng.

“Trong việc dạy giáo lý, người đón nhận phải có thể tỏ ra là một chủ thể tích cực, ý thức và cùng chịu trách nhiệm, chứ không như một máy thu thanh im lặng và thụ động.” (HDTQ, s.167)

Hình ảnh Chúa Giêsu bước đến và cùng đi với các môn đệ như người bạn đồng hành giúp chúng ta nhìn lại tâm tình và thái độ của mình đối với những người học giáo lý: chúng ta có thái độ gần gũi và thân thiện, lắng nghe và chấp nhận họ không? Chúng ta có quan tâm đến tình cảm và ý nghĩ riêng của họ và tạo điều kiện cho họ tự do bộc lộ cảm nghiệm và tâm tư của mình không?

“Truyền đạt văn hóa theo lối “encadrement” (rập khuôn) là tập cho ai nấy ‘vào khuôn vào phép’ bề ngoài. Trong tổ chức “tư giáo” (équipe d’animation pastorale), thì khuôn phép của đạo Kitô gồm có ba yếu tố: a) một số tín điều cần phải biết, tóm tắt trong Kinh Tin Kính, và trong Sách Bổn; b) một số điều luật phải giữ trong đời sống cá nhân và trong tổ chức Giáo Hội; c) một số nghi lễ phụng tự phải cử hành cho phải phép, cho thành phép. Tất cả đều dựa vào Phúc Âm, chứ không phải do ai tự tiện đặt ra. Điều thiếu sót là ít ai để ý đến kinh nghiệm và niềm thâm tín của cá nhân” (Trần Văn Toàn, “Thần học sau Công đồng Vatican II”, Hiệp Thông số 63, tháng 1&2 năm 2011).

Tiếp đến, Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh, làm cho tâm hồn các ông bừng cháy lên niềm vui, và cho các ông một dấu chỉ để nhận ra Ngài.

4. Giải thích Kinh Thánh: Những gì các môn đệ đã thấy và nghe về cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu làm cho họ buồn sầu và nản chí. Hình ảnh của Đức Giêsu mà các ông cất giữ trong lòng là hình ảnh của Đấng chết treo thập tự đã ba ngày rồi, nên khi nghe các bà báo tin Ngài vẫn sống thì các ông không tài nào hiểu được. Khi giải thích những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh, Chúa Giêsu giúp các môn đệ khám phá Kinh Thánh theo một cách thức mới mẻ; khám phá thập giá không là một thất bại nhưng là một hoàn tất và một khởi hành mới (x. Verbum Domini, s. 54).

Trong tông huấn “Lời của Chúa”, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: “…tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt rằng khoa giáo lý ‘phải thấm nhuần và nắm vững tư tưởng, tinh thần và thái độ Kinh Thánh và Tin Mừng nhờ việc chuyên cần tiếp xúc với chính các bản văn; điều này cũng muốn nhắc nhớ rằng khoa giáo lý sẽ càng phong phú và hiệu quả hơn, nếu như đọc các bản văn với khối óc và con tim của Giáo Hội’ và được gợi hứng từ suy tư và đời sống suốt hai ngàn năm qua của Giáo Hội” (Verbum Domini, s.74).

5. Dấu chỉ bẻ bánh: Lời giải thích của Chúa Giêsu xem ra mới chỉ “khai trí” chứ chưa “mở lòng” hai môn đệ, mãi cho đến khi Chúa Giêsu “cầm bánh trong tay, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ…”, họ mới thực sự nhận ra Người. “Sự hiện diện của Đức Giêsu, trước tiên qua lời nói, sau đó qua cử chỉ bẻ bánh, đã cho phép các môn đệ nhận ra Người” (Verbum Domini, s. 54). Thoạt đầu, lời Chúa Giêsu nói dường như còn “ở bên ngoài” các môn đệ; nhưng sau đó, cử chỉ bẻ bánh đã giúp các ông nhớ lại trong lòng cử chỉ mà Chúa đã làm khi nhân năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều để nuôi hơn năm ngàn người trong hoang mạc hoặc cử chỉ mà Ngài cử hành trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ trước khi tự nguyện chịu khổ hình; lúc ấy, các ông mới “ngộ” ra Ngài vẫn sống.

“Việc dạy giáo lý phải liên kết mật thiết toàn thể sinh hoạt phụng vụ và bí tích. Thế mà thường xuyên việc dạy giáo lý chỉ có một tương quan yếu ớt và rời rạc với phụng vụ. Người ta ít chú tâm đến dấu chỉ và nghi thức phụng vụ và ít làm nổi bật nguồn mạch phụng vụ. Các giáo án rất ít hay không hề gắn với năm phụng vụ và những cử hành phụng vụ và những cử hành phụng vụ trong đó chỉ là chuyện phụ” (HDTQ, s. 30).

6. Nhận ra Chúa Giêsu: Các môn đệ không thể nhận ra Chúa Giêsu và tuyên xưng Ngài là “Đức Chúa” mà không được Thánh Thần dẫn dắt (x. 1 Cr 12,3). Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã giúp các ông lớn lên trong đức tin và dẫn các ông vào đời sống mới phát xuất từ cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chúa Thánh Thần là giáo lý viên đầu tiên, là vị thầy nội tâm của mọi tín hữu.

“Trong việc thực hành huấn giáo, không phải các kỹ năng sư phạm tân tiến nhất, cũng chẳng phải giáo lý viên có nhân cách lôi cuốn nhất, có thể thay thế cho hành động thầm lặng và kín đáo của Chúa Thánh Thần. ‘Chính Ngài là người chủ chốt đích thực của tất cả sứ mạng Hội Thánh’ (Redemptionis Missio, s. 21); chinh Ngài là giáo lý viên đầu tiên; chính Ngài là ‘vị Thầy nội tâm’ của những người lớn lên trong Đức Kitô” (x. Catechesi Tradendae, s. 72).

Nếu Chúa Giêsu đã dùng Kinh Thánh để mở đường cho các môn đệ gặp gỡ và bước vào đời sống thân tình với Chúa cũng như với mọi người, thì Lời Chúa có tầm quan trọng như thế nào trong việc dạy giáo lý của chúng ta ngày nay? Lời Chúa thường được công bố và lắng nghe với tâm tình và thái độ nào? Người học giáo lý có được tiếp xúc và tìm hiểu chính bản văn Kinh Thánh không?

Giáo sư Trần Văn Toàn có nhận xét sau: “Khi đi truyền giáo thì các giáo sĩ Tin Lành thường đưa sách Phúc âm ra giảng ngay từ đầu. Ngược lại, các giáo sĩ Công Giáo thì mang khuôn phép đã có sẵn ra dạy, là: Sách Bổn, Sách Kinh, Sách Các Phép, và ít sách nguyện gẫm…Thành ra người Công Giáo Việt Nam trong mấy thế kỷ đã bị thiệt thòi, vì không được đọc thẳng lời Phúc Âm.” (Trần Văn Toàn, “Thần học sau Công đồng Vatican II”, Hiệp Thông số 63, tháng 1&2 năm 2011).

7. Chúa Giêsu biến mất: Cuối cùng, Chúa Giêsu biến mất, nhưng thực ra Ngài vẫn hiện diện một sự “hiện diện cách vắng mặt” để các môn đệ có được: (1) một khoảng lặng cần thiết, cả bề ngoài lẫn bề trong, để suy đi nghĩ lại hay nội tâm hóa những lời Chúa đã nói và những việc Chúa đã làm cho mình, (2) một không gian thể hiện tự do và trách nhiệm đối với chính mình, và (3) một khoảng cách giúp các ông nhìn lại chính mình với những cái hay cần phát huy và những cái dở cần khắc phục; từ đó, hăng say dấn bước. Chúa Giêsu đã không quyết định thay, không áp đặt chọn lựa hay quyết định của mình lên các môn đệ, cũng chẳng dặn dò khuyên bảo chi, nhưng để cho các môn đệ tự do định đoạt.

“Lời (Chúa)chỉ có thể được công bố và lắng nghe trong thinh lặng,cả bề ngoài lẫn bề trong.Thời đại chúng ta không cổ võ cho sự tĩnh lặng, nên đôi khi chúng ta có cảm tưởng người ta sợ tách mình ra khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng, dù chỉ trong khoảnh khắc. Chính vì thế, ngày nay cần phải giáo dục Dân Thiên Chúa về giá trị của sự thinh lặng.” (Verbum Domini, s. 66)

“Việc dạy giáo lý được coi là đích thực, khi giúp nhận ra tác động của Thiên Chúa trong suốt chặng đường đào luyện bằng cách tạo nên một bầu khí lắng nghe, tạ ơn và cầu nguyện, bằng cách thôi thúc con người đáp trả một cách tự do, bằng cách khuyến khích những người học giáo lý tích cực tham gia.” (HDTQ, s. 145)

8. Các môn đệ nhớ lại – nội tâm hóa: “mắt họ mở ra và họ nhận ra Ngài” đó là một kinh nghiệm sống động gọi được là “xuất thần,” một thứ xuất thần của ánh sáng, của gặp gỡ vui tươi. Khoảnh khắc ân sủng này đã trở thành niềm vui của đổi mới tất cả từ bên trong, thành khởi điểm mới cho một cuộc lên đường ra khỏi chính mình để về lại “mái nhà xưa” là cộng đoàn, nơi mình được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin.

“Sư phạm giáo lý chỉ hữu hiệu nếu cộng đoàn Kitô hữu trở thành điểm quy chiếu cụ thể và gương mẫu cho hành trình đức tin của mỗi người.” (HDTQ, s. 158)

“Việc dạy giáo lý mang lại cho người Kitô hữu khả năng sống cộng đoàn, tham gia tích cực vào đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh… Khi giáo dục đời sống cộng đoàn, việc dạy giáo lý… khuyến khích thái độ huynh đệ với những thành viên của Giáo Hội và các cộng đoàn Kitô hữu khác.” (HDTQ, s. 86)

“Việc khai tâm Kitô giáo lý không phải chỉ là việc riêng của giáo lý viên hay của các linh mục, mà còn là việc của toàn thể cộng đoàn tín hữu, nhất là những người đỡ đầu.” (HDTQ, s. 90)

9. Các môn đệ đứng dậy & quay trở lại Giêrusalem, thuật lại cho các bạn hữu nghe: được nuôi dưỡng bởi lời Chúa và lôi cuốn vào cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa nhờ cử chỉ bẻ bánh Ngài ban cho, các môn đệ trở thành người truyền đạt những gì đã lãnh nhận được nhờ ơn Chúa. Các ngài không thể giữ lại cho riêng mình những lời ban sự sống đời đời, những lời đã được ban cho mình qua cuộc gặp gỡ với Chúa, những lời được dành cho mọi người vì tất cả đều cần đến sứ điệp này (x. Verbum Domini, s. 91).

“Việc dạy giáo lý cũng mở ra cho sự năng động truyền giáo và cố gắng làm thế nào để các môn đệ Chúa Giêsu biết hiện diện với tư cách là người Kitô hữu trong xã hội, trong đời sống nghề nghiệp, văn hóa và xã hội. Nó cũng chuẩn bị cho họ cộng tác trong các việc phục vụ khác nhau của Hội Thánh, tùy theo ơn gọi của mỗi người.” (HDTQ, s. 86)

MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH

Trong hành trình này, Chúa Giêsu đã hành động thế nào?

Khi đồng hành với hai môn đệ, Chúa Giêsu hoàn toàn không quyết định thay, không áp đặt chọn lựa hay quyết định của Ngài lên các môn đệ, cũng chẳng dặn dò khuyên bảo, nhưng tạo điều kiện để các ông cân nhắc và quyết định. Ngài đã “bước vào và ra khỏi” cuộc đối thoại đúng thời đúng lúc, để sự hiện diện của Ngài luôn mang lại hiệu quả cao nhất. Khoảng lặng Ngài để lại, khoảng cách Ngài thiết lập hoặc không gian Ngài tạo ra, đều phục vụ cho sự triển nở đức tin nơi hai môn đệ.

• Trước hết, Chúa Giêsu đã bước đến, cùng đi, lắng nghe, chấp nhận, thấu hiểu và cảm thông với hai môn đệ.

• Kế đến, Ngài đã dùng Sách Thánh mà giải thích cho các ông hiểu những gì liên quan đến mình, làm cho tâm hồn các ông bừng cháy lên và cho các ông nhận ra Ngài qua dấu chỉ bẻ bánh.

• Cuối cùng, Ngài biến đi để hai môn đệ có được một khoảng lặng cần thiết, cả bề ngoài lẫn bề trong, để suy đi nghĩ lại hay nội tâm hóa những lời Chúa đã nói (giải thích Kinh Thánh) và những việc Chúa đã làm (bẻ bánh). Từ đó, tự do đáp trả theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và khả năng riêng của chính mình.

Hai môn đệ đã được biến đổi ra sao?

Với thiện chítìm kiếm và tích cực cộng tác, hai môn đệ đã được biến đổi từ tâm trạng buồn rầu vì không có Chúa đến thái độ hân hoan, mạnh mẽ làm chứng vì đã gặp Chúa trong hành trình cuộc đời mình.

• Trước hết, hai môn đệ rời bỏ cộng đoàn, ra đi trong tâm trạng buồn rầu, thất vọng.

• Trên đường đi, hai ông dừng lại với chính mình và bế tắc trong những vấn đề của mình nên không nhận ra có Chúa đồng hành.

• Sau cùng, hai ông đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó để thuật lại cho các ông nghe chính mình đã nhận ra Chúa như thế nào.

PHÁC HỌA TIẾN TRÌNH MỘT BUỔI GẶP GỠ GIÁO LÝ (60 phút)

Dựa vào hành trình Emmau, chúng ta có thể thiết kế một tiến trình cho buổi gặp gỡ giáo lý gồm các bước như sau:

BƯỚC HOẠT ĐỘNG THỜI LƯỢNG

1. Đón tiếp và chuẩn bị 5 phút

2. Cầu nguyện mở đầu 3 phút

3. Dẫn nhập bằng kinh nghiệm sống 7 phút

4. Trình bày Lời Chúa

a/ Thuật lại đoạn Lời Chúa.

b/ Quan sát bản văn: lưu ý đến một vài chi tiết trong bản văn.

c/ Tìm hiểu ý nghĩa của bản văn: khám phá sứ điệp Lời Chúa. 15 phút

5. Nội tâm hóa sứ điệp Lời Chúa

a/ Hiện tại hóa và cá nhân hóa sứ điệp Lời Chúa.

b/ Các em gặp gỡ Chúa trong thinh lặng

c/ Các em diễn đạt cảm nhận của mình và trao đổi với giáo lý viên 10 phút

6. Cầu nguyện giữa giờ 4 phút

7. Quyết tâm: các em chọn lựa một vài việc để thực hiện trong tuần. 7 phút

8. Củng cố: nhắc lại trọng tâm của buổi gặp gỡ 3 phút

9. Ghi nhớ: học thuộc lòng. 3 phút

10. Cầu nguyện kết thúc: lượng giá buổi gặp gỡ, dâng Chúa quyết tâm. 3 phút

*Các bước quan trọng: 4, 5, 6, 7 60 phút

TỔ CHỨC MỘT BUỔI GẶP GỠ GIÁO LÝ

Để buổi giáo lý thực sự là một cuộc gặp gỡ thì chính giáo lý viên, như các tông đồ, phải là người gặp Chúa trước rồi mới dẫn các em đến gặp Chúa, và sau đó cùng với Chúa và các em ra đi gặp gỡ mọi người và từng người trong môi trường sống. Muốn thế, cần hình thành một vòng tròn gặp gỡ, được liên kết bởi 3 thời điểm quan trọng: trước, trong và sau giờ gặp gỡ giáo lý.

TRƯỚC buổi gặp gỡ giáo lý: Giáo lý viên gặp gỡ cá vị với Chúa

Chuẩn bị xa

• Giáo lý viên đọc, suy ngắm, chiêm niệm, cầu nguyện với Lời Chúa, đặc biệt là đoạn Lời Chúa của buổi gặp gỡ.

• Soạn và nắm vững nội dung (tìm hiểu chủ đề trên các bình diện nhân học, thần học và Thánh Kinh). Nắm vững yêu cầu từng bước và phương pháp thực hiện. Chuẩn bị các phương tiện hỗ trợ (Tìm tài liệu, dụng cụ cần thiết để quãng diễn, minh hoạ).

Chuẩn bị gần

• Giáo lý viên nên đến trước giờ khai mạc 5-10 phút để chuẩn bị khung cảnh , dụng cụ… và đón tiếp các em.

• Trong khi chờ đợi các em đến đông đủ, giáo lý viên có thể tập cho các em một bài hát hoặc tổ chức cho các em chơi một trò chơi có liên quan đến chủ đề. Khi các em đến đông đủ, giáo lý viên giúp các em nhớ lại trọng tâm của buổi gặp gỡ trước và giới thiệu chủ đề buổi gặp gỡ mới.

TRONG giờ giáo lý: Giáo lý viên dẫn các em đến gặp gỡ Chúa

Như một người dẫn đường và đồng hành, giáo lý viên giúp các em gặp Chúa nhờ những bước sau:

– Cầu nguyện mở đầu nhằm giúp các em đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, Đấng đã hứa rằng “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Chúa đã có sẵn ở đó và chờ đợi các em đến với Ngài, Ngài sẵn sàng đi vào cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các em.

– Tiếp đó, giáo lý viên cho các em thực hiện một hoạt động nhằm giúp các em nhớ lại một trải nghiệm trong cuộc sống và dùng trải nghiệm đó dẫn vào câu chuyện/ trình thuật trong Sách Thánh.

– Tiếp cận bản văn Lời Chúa: Giáo lý viên dẫn các em gặp Chúa qua Lời của Ngài: không nhất thiết phải công bố Lời Chúa bằng cách đọc lại đoạn văn Sách Thánh, tốt nhất là thuật lại trong khi minh họa đoạn văn ấy hoặc cho các em tham gia bằng cách nhập vai.

Tìm hiểu: giáo lý viên cho các em ghi nhận một vài chi tiết trong bản văn, những chi tiết giúp khám phá ý nghĩa của bản văn.

Khám phá & lắng nghesứ điệp Lời Chúa cho hôm nay: Giáo lý viên chuyển dịch ý nghĩa của bản văn mà tác giả Sách Thánh muốn truyền đạt sang ý nghĩa đối với các tín hữu, đặc biệt với các em trong bối cảnh hiện tại.

– Khơi dậy khát khao gặp gỡ Chúa nơi từng em – nội tâm hóa: để khơi lên trong tâm hồn các em niềm khao khát được gặp Chúa và trò chuyện riêng với Ngài, giáo lý viên nhắc lại những gì Chúa đã làm hoặc muốn làm cho cá nhân từng em. Những chuẩn bị bên trong cần được hỗ trợ bằng những chuẩn bị bên ngoài như giúp các em ngồi thẳng lên, thở đều, mắt khép lại, hai chân chạm đất, giữ thinh lặng vv… Thời gian thinh lặng lâu mau tùy khả năng tập trung của các em, tuy nhiên, phải có một khoảng thinh lặng tối thiểu, để các em thực sự có được những phút hồi tâm.

Sau phút hồi tâm để gặp gỡ Chúa, giáo lý viên cho các em diễn tả ra bên ngoài những ý nghĩ và tâm tình mà các em có được từ cuộc gặp gỡ riêng với Chúa, bằng cách vẽ, tô mầu, nặn hình, kể lại, viết lời nguyện vv… Dựa vào những gì các em diễn tả, giáo lý viên trao đổi với các em (chung hoặc riêng) nhằm củng cố mối tương quan cá nhân của các em với Chúa.

– Cộng đoàn sống thân tình với Chúa: Cuộc gặp gỡ riêng tư giữa các em với Chúa giờ đây mở ra cho cuộc gặp gỡ chung với Ngài trong phần cầu nguyện giữa giờ. Giáo lý viên có thể cho một vài em đọc lớn tiếng lời nguyện riêng của mình rồi kết thúc bằng một kinh nguyện chung như Kinh Lạy Cha hay một bài hát bày tỏ lòng yêu mến, ca tụng, tin tưởng và cậy trông vào Chúa.

– Hoa trái của buổi gặp gỡ: quyết tâm, có thể thấy được nơi ước muốn làm một việc gì đó để tỏ lòng yêu mến Chúa của các em. Giáo lý viên gợi ra hay đề nghị một vài việc các em có thể chọn để thực hiện trong tuần, với sự trợ giúp của cha mẹ các em trong gia đình.

– Nhớ lại: Giáo lý viên cho các em nhắc lại trọng tâm của buổi gặp gỡ và ghi nhớ một câu Lời Chúa cũng như vài câu giáo lý theo dạng hỏi thưa nhằm tóm lược chủ đề và những ý chính của buổi gặp gỡ trước khi khép lại buổi gặp gỡ trong tâm tình tạ ơn và xin ơn thực hiện quyết tâm – cầu nguyện kết thúc.

SAU giờ giáo lý: Giáo lý viên và các em cùng nhau gặp gỡ Chúa trong cuộc sống

• Giờ giáo lý được tiếp tục nơi gia đình, học đường, giáo xứ… ở những nơi đó, giáo lý viên và học viên tiếp tục sống sứ điệp Tin Mừng, sống bí tích, sống bác ái, huynh đệ…

• Bài giảng sống động nhất của người giáo lý viên không hệ tại bởi những lời giảng giải lôi cuốn hoặc những phương pháp sinh động hấp dẫn trong giờ giáo lý, nhưng là đời sống cầu nguyện, phụng vụ-bí tích và thái độ sống đức tin trước mọi biến cố lớn nhỏ hằng ngày.

Để kết

Tôi xin mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi nói chuyện với các giáo lý viên dự Hội nghị giáo lý tại Rôma nhân dịp bế mạc năm Đức Tin 9/2013 để kết thúc phần trình bày trên: Giáo dục đức tin là gì nếu không phải là giúp cho đức tin lớn lên trong mỗi người, nhất là các em thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, người lớn mỗi ngày một biết và yêu mến Chúa nhiều hơn. “Là” giáo lý viên quan trọng hơn “làm” giáo lý viên, vì giáo lý viên trước hết là một “ơn gọi” chứ không phải một “nghề nghiệp”, do vậy, sứ mạng của giáo lý viên là dẫn người ta đến gặp gỡ Đức Kitô bằng chính lời nói và cuộc sống của mình, nghĩa là bằng việc làm chứng. Về điều này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng nhắc nhở chúng ta: “Hội Thánh không phát triển nhờ cải đạo nhưng nhờ sự thu hút”, mà điều thu hút người khác chính là việc làm chứng của chúng ta.

Maddalena Phạm thị Thúy

THAM KHẢO:

Lm Pr Nguyễn Văn Hiền, Dạy giáo lý là đồng hành. Tài liệu thường huấn GLV giáo phận Kontum, tháng 5/2012.

Ban Giáo lý Tổng Giáo phận Saigon, Bộ sách Giáo lý Hiệp Thông, “Lời ngỏ”, 2014.

ĐTC Phanxicô, Bài nói chuyện với 1600 Giáo lý viên dip Hội nghị quốc tế về Giáo Lý tại Rôma, 26-29/9/2013.