Tiếp kiến chung 26/6/2024: Ngăn chặn sản xuất và buôn bán ma túy là nghĩa vụ đạo đức

Trong bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 26/6/2024, nhân Ngày thế giới phòng chống lạm dụng và buôn bán ma túy bất hợp pháp, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu dấn thân giúp đỡ những người nghiện ma túy để mang lại cho họ cuộc sống mới xứng với nhân phẩm. Ngài cũng mời gọi cầu nguyện cho những kẻ cung cấp ma túy cho giới trẻ được hoán cải.
 

Vatican News 

Đức Thánh Cha nói rằng nghiện ma túy là một tai họa xã hội, tàn phá không chỉ nhân phẩm của những người liên quan mà còn tàn phá phúc lợi của toàn xã hội. Cùng với việc chống lại việc buôn bán ma túy bất hợp pháp và những tệ nạn mà nó sinh ra, cần có những nỗ lực lớn hơn để ngăn chặn việc sử dụng ma túy và đưa ra sự hỗ trợ, giúp đỡ cho các nạn nhân của nó. Để giảm nạn nghiện ma túy cần phải chấm dứt việc sản xuất và buôn bán những chất nguy hiểm này.

Ngài ca ngợi những nỗ lực của tất cả các cá nhân và nhóm, được Tin Mừng hướng dẫn, mang lại sự chữa lành cho những người nghiện ngập, thiết lập các mạng lưới và chương trình phục hồi, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến ​​lập pháp để kiểm soát sự lây lan của việc sử dụng ma túy, đặc biệt là trong số những người trẻ.

Trước khi Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý, cộng đoàn cùng nghe đoạn thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Côrintô (1Cr 6, 12-14):

“Tôi được phép làm mọi sự”; nhưng không phải mọi sự đều có ích. “Tôi được phép làm mọi sự”; nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi. Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại.

Và sau đó Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Phòng chống Lạm dụng và Buôn bán Ma túy Bất hợp pháp, được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thành lập vào năm 1987. Chủ đề của năm nay là Bằng chứng rõ ràng: cần đầu tư vào việc ngăn ngừa.

Lắng nghe, yêu thương, chữa lành người nghiện

Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng “việc lạm dụng ma túy làm nghèo mọi cộng đồng có sự hiện diện của ma túy. Nó làm suy giảm sức mạnh con người và sợi dây đạo đức. Nó làm suy yếu các giá trị quý giá. Nó phá hủy mong muốn sống và đóng góp cho một xã hội tốt đẹp hơn”[1]. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta hãy nhớ rằng mỗi người nghiện ma túy “có một câu chuyện cá nhân khác nhau, cần được lắng nghe, thấu hiểu, yêu thương và, trong chừng mực có thể, được chữa lành và thanh tẩy. […] Hơn bao giờ hết, họ tiếp tục có phẩm giá như là những con cái của Thiên Chúa”.[2]

Những kẻ buôn ma túy phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa

Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua những ý định và hành động xấu xa của những kẻ buôn bán ma túy. Họ là những kẻ giết người. Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã dùng những lời lẽ gay gắt trong chuyến viếng thăm một cộng đồng trị liệu: “Tôi yêu cầu những kẻ buôn bán ma túy hãy suy ngẫm về tác hại mà chúng đang gây ra cho vô số người trẻ và người lớn thuộc mọi tầng lớp xã hội: Thiên Chúa sẽ yêu cầu bạn chịu trách nhiệm về những gì bạn đã làm. Phẩm giá con người không thể bị chà đạp theo cách này”.[3] Và ma túy chà đạp phẩm giá con người.

Chấm dứt sản xuất và buôn bán ma túy là nghĩa vụ đạo đức

Không thể giảm bớt nạn nghiện ngập ma túy bằng cách tự do hóa việc tiêu thụ ma túy, như đã được một số quốc gia đề xuất hoặc được thực hiện. Đã biết nhiều câu chuyện bi thảm của những người nghiện ma túy và gia đình họ, tôi tin rằng việc chấm dứt sản xuất và buôn bán những chất nguy hiểm này là nghĩa vụ đạo đức. Biết bao nhiêu kẻ buôn cái chết – bởi vì những kẻ buôn bán ma túy là những kẻ buôn bán cái chết! – bị điều khiển bởi logic của quyền lực và tiền bạc bằng bất cứ giá nào! Tệ nạn này, thứ sinh ra bạo lực và gieo rắc đau khổ và chết chóc, đòi hỏi một hành động can đảm của toàn thể xã hội.

Ngăn ngừa bằng cách giáo dục giới trẻ, đồng hành với người gặp khó khăn

Sản xuất và buôn bán ma túy cũng có tác động tàn phá đến ngôi nhà chung của chúng ta. Ví dụ, điều này ngày càng trở nên rõ ràng ở lưu vực sông Amazon.

Một cách quan trọng khác để chống lạm dụng và buôn bán ma túy là thông qua ngăn ngừa, được thực hiện bằng cách thúc đẩy công lý tốt hơn, giáo dục giới trẻ về các giá trị xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng, đồng hành cùng những người gặp khó khăn và mang lại niềm hy vọng cho tương lai.

Giáo hội dấn thân trong các chương trình giúp người nghiện phục hồi 

Trong các chuyến tông du của mình tại các giáo phận và các nước khác nhau, tôi đã có thể đến thăm nhiều cộng đồng phục hồi khác nhau, hoạt động theo sự linh hứng của Tin Mừng. Các cộng đồng này là một chứng từ mạnh mẽ và đầy hy vọng về sự dấn thân của các linh mục, các tu sĩ và giáo dân trong việc thực hành dụ ngôn Người Samari nhân hậu. Cũng thế, tôi được an ủi bởi những nỗ lực được các Hội đồng Giám mục thực hiện nhằm thăng tiến luật pháp và chính sách đúng đắn về việc điều trị những người nghiện ma túy và việc ngăn chặn tai họa này.

Để làm ví dụ, tôi muốn chỉ ra mạng lưới La Pastoral Latinoamericano de Acompañamiento y Prevençión de Adicciones (PLAPA). Quy chế của mạng lưới này công nhận rằng “nghiện rượu, chất kích thích thần kinh và các hình thức nghiện khác (nội dung khiêu dâm, công nghệ mới, v.v.) … là một vấn đề ảnh hưởng đến chúng ta mà không có sự phân biệt, vượt ra ngoài sự khác biệt về địa lý, xã hội, văn hóa, tôn giáo và tuổi tác. Bất chấp những khác biệt… chúng tôi muốn tổ chức thành một cộng đồng: chia sẻ kinh nghiệm, sự nhiệt huyết và những khó khăn”[4].

Tôi cũng đề cập đến các Giám mục Nam Phi, vào tháng 11 năm 2023, đã triệu tập một cuộc họp về chủ đề “Trao quyền cho giới trẻ như những tác nhân của hòa bình và hy vọng”. Các đại diện giới trẻ có mặt tại cuộc họp đã công nhận hội nghị đó là “một cột mốc quan trọng hướng tới giới trẻ khỏe mạnh và năng động trong toàn khu vực”. Họ cũng hứa: “Chúng tôi chấp nhận vai trò đại sứ và những người ủng hộ cuộc chiến chống sử dụng ma túy. Chúng tôi yêu cầu tất cả các bạn trẻ hãy luôn đồng cảm với nhau”.[5]

Cầu nguyện cho những kẻ buôn ma túy được hoán cải

Anh chị em thân mến, trước tình trạng bi thảm của nạn nghiện ma túy của hàng triệu người trên thế giới, trước tệ nạn sản xuất và buôn bán trái phép các loại ma túy này, “chúng ta không thể thờ ơ. Chúa Giêsu dừng lại, đến gần, chữa lành các vết thương. Theo phong cách gần gũi của Người, chúng ta cũng được mời gọi hành động, dừng lại trước những hoàn cảnh mong manh và đau khổ, biết lắng nghe tiếng kêu cô đơn và thống khổ, cúi xuống để nâng dậy và mang lại sự sống mới cho những người rơi vào cảnh nô lệ của ma túy”.[6] Và chúng ta cũng cầu nguyện cho các tội phạm, những kẻ cung cấp ma túy cho giới trẻ: họ là tội phạm, họ là những kẻ giết người. Chúng ta cầu nguyện cho họ hoán cải.

Trong Ngày Thế giới Chống Ma túy này, với tư cách là các Kitô hữu và các cộng đoàn Giáo hội, chúng ta hãy canh tân sự dấn thân của mình trong việc cầu nguyện và hoạt động chống ma túy. Cám ơn anh chị em!

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

[1] Sứ điệp gửi các tham dự viện Hội nghị Quốc tế ở Vienna về lạm dụng và buôn bán bất hợp pháp ma túy (04/06/1987)

[2] Diễn văn nói với các tham dự viện cuộc gặp gỡ được tổ chức bởi Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học về chủ đề: “ Ma túy: Vấn đề và giải pháp cho vấn đề toàn cầu này” (24711/2016).

[3] Diễn văn với cộng đoàn “Faenza da Esperança”, Brazil, 12/05/2007.

[4] https://adn.celam.org/wp-content/uploads/2023/09/Carta-a-la-Iglesia-de-ALC-PLAPA-14sept2023-CL.pdf

[5] https://imbisa.africa/2023/11/21/statement-following-the-imbisa-youth-meeting/

[6] Sứ điệp gửi đến các tham dự viên Hội nghị Quốc tế thứ 60 các pháp y khám phá độc chất (26/08/2023)