Vatian News
Sứ điệp gồm 15 số, được chia thành 4 phần: Lắng nghe tiếng kêu của nhân loại đang bị đe dọa; Một sự thay đổi về văn hóa: tất cả chúng ta đều là những người mắc nợ; Hành trình hy vọng với ba đề xuất; và Mục tiêu hòa bình.
Lời cầu chúc hy vọng và bình an
Mở đầu Sứ điệp, Đức Thánh Cha “gửi những lời chúc hòa bình chân thành nhất đến với mọi người nam nữ, đặc biệt là những người cảm thấy chán nản bởi hoàn cảnh sống của mình, bị lên án bởi những lỗi lầm của mình, bị hủy diệt bởi xét đoán của người khác và không thể nhìn thấy một tia hy vọng nào cho cuộc sống của chính mình”. Ngài gửi đến mọi người “niềm hy vọng và bình an, bởi vì đây là Năm Ân Sủng nảy sinh từ Trái Tim của Đấng Cứu Chuộc!”.
Lắng nghe tiếng kêu của nhân loại đang bị đe dọa
Đức Thánh Cha nhắc lại ý nghĩa truyền thống của Năm Thánh trong Cựu Ước, là năm tha thứ và tự do cho toàn thể dân tộc. Ngài nói rằng Năm Thánh ngày nay mời gọi chúng ta lắng nghe tiếng kêu của nhân loại trước nhiều tình huống bóc lột đất đai và đàn áp người khác. Mỗi người phải cảm thấy có trách nhiệm về sự tàn phá ngôi nhà chung, cách đối xử vô nhân đạo đối với người di cư, sự suy thoái môi trường, sự nhầm lẫn cố ý được tạo ra bởi thông tin sai lệch, việc từ chối bất kỳ hình thức đối thoại nào và nguồn lực to lớn được dành cho ngành công nghiệp chiến tranh. Chúng ta được mời gọi “phá vỡ xiềng xích bất công để công bố công lý của Thiên Chúa”.
Cần có những thay đổi về văn hóa và cấu trúc
Còn cần có những thay đổi về văn hóa và cấu trúc. Việc cử hành Năm Thánh, theo Đức Thánh Cha, cũng nhắc nhở chúng ta rằng “của cải trên trái đất không chỉ dành cho một số người có đặc quyền, nhưng dành cho tất cả mọi người”. Nếu chúng ta không nhận ra của cải là do Thiên Chúa ban, chúng ta sẽ không thể nhận ra những hồng ân của Người. “Khi chúng ta phớt lờ tương quan với Chúa Cha, chúng ta bắt đầu suy nghĩ theo logic của sự bóc lột, kẻ mạnh có quyền bắt nạt người yếu”.
Cuộc khủng hoảng nợ
Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc “khủng hoảng nợ” đang đè nặng một số quốc gia, và qua đó các nước giàu khai thác bóc lột vô độ tài nguyên của nước nghèo. Ngài còn nói đến nợ sinh thái, khi các nước nghèo phải chịu hậu quả của biến đổi khí hậu do các nước giàu tạo nên. Từ đó ngài đưa ra lời kêu gọi theo tinh thần của Năm Thánh: “thực hiện các hành động để xóa nợ nước ngoài, thừa nhận sự tồn tại của món nợ sinh thái giữa miền Bắc và miền Nam thế giới”. Thay đổi về văn hóa sẽ diễn ra khi chúng ta nhận ra mình là con Chúa và tất cả chúng ta đều nợ Người và chúng ta cũng cần nhau.
Ba đề xuất
Đức Thánh Cha đưa ra 3 đề xuất để khôi phục phẩm giá cho cuộc sống của toàn thể các dân tộc và đưa họ trở lại hành trình hy vọng. Trước hết, “giảm thiểu cách đáng kể, nếu không muốn nói là xóa bỏ hoàn toàn, khoản nợ quốc tế đang đè nặng lên vận mệnh” của nhiều Dân tộc. Thứ hai, “tôn trọng phẩm giá sự sống con người, từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên”, cụ thể là xóa bỏ án tử hình. Thứ ba, “sử dụng một phần số tiền đầu tư cho vũ khí để thành lập một quỹ thế giới giải quyết dứt điểm nạn đói và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giáo dục ở các nước nghèo nhất nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu”.
“Giải trừ vũ khí cho tâm hồn”
Cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha mời gọi “giải trừ vũ khí cho tâm hồn”: không tính toán cái gì là của tôi, sẵn sàng đi đến với người khác, thừa nhận mình nợ Thiên Chúa và sẵn sàng tha nợ cho người khác, vượt qua sự chán nản về tương lai. Và với một cử chỉ đơn giản như nụ cười, tình bạn, cái nhìn huynh đệ, sự lắng nghe, sự phục vụ vô vị lợi, chúng ta đang tiến gần đến mục tiêu hòa bình.
Xin ban bình an của Ngài cho chúng con
Đức Thánh Cha kết thúc Sứ điệp với lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin tha nợ chúng con,
như chúng con tha thứ cho những kẻ mắc nợ chúng con,
và trong vòng tròn tha thứ này, xin ban cho chúng con bình an của Ngài,
bình an mà chỉ Ngài mới có thể ban
cho những người để tâm hồn của họ được cởi bỏ vũ khí,
cho những ai có hy vọng muốn tha nợ cho anh chị em mình,
cho những người không sợ hãi thú nhận rằng họ mắc nợ Ngài,
cho những người không bịt tai trước tiếng kêu của những người nghèo nhất. (CSR_5442_2024)