VAI TRÒ CỦA GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO TRONG CÔNG CUỘC TÂN PHÚC ÂM HÓA
Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.
WHĐ (08.04.2021) – Cụm từ “Tân Phúc Âm Hóa”[1] không còn xa lạ với các tín hữu Ki-tô Giáo, bất luận là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Nhưng không hẳn tất cả mọi Ki-tô hữu, kể cả linh mục hay tu sĩ, đều am tường ý nghĩa, mục đích, nội dung và phương pháp của sứ vụ rất quan trọng này khi Hội Thánh bước vào cánh đồng lúa thế giới ở thế kỷ thứ 21.
Một điều tương phùng rất thú vị đối với những ai từng học hỏi quyển “Sưu Tập Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo”[2] đó là Công Cuộc “Tân Phúc Âm Hóa” đã đón nhận phần cộng tác tích cực và hữu hiệu của tài liệu nói trên như người bạn đồng hành và đồng sự bất khả phân ly.
I. TÂN PHÚC ÂM HÓA
1. Xuất Xứ Cụm Từ “Tân Phúc Âm Hóa”
Từ lúc nào, cụm từ “Tân Phúc Âm Hóa” có mặt trong cuộc sống và hoạt động của Hội Thánh?
Có tài liệu cho rằng cụm từ này xuất hiện từ một bài giảng của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II vào chuyến viếng thăm cố hương Ba Lan năm 1979, trong đó Người đề cập đến tính cấp thiết của một công cuộc “Tân Phúc Âm Hóa.”[3]
Tuy nhiên, phải chờ cho đến khi Thông Điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc”[4] ra đời vào năm 1990 thì cụm từ “Tân Phúc Âm Hóa” chính thức đi vào bảng từ vựng chuyên dụng của Hội Thánh.[5]
Ngày 11 tháng 10, năm 2011, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ban hành Tông Thư “Cánh Cửa Đức Tin”, công bố Năm Đức Tin, khai mạc ngày 11 tháng 10, năm 2012 và kết thúc vào ngày 24 tháng 11, năm 2013, đồng thời triệu tập Công Nghị Giám Mục họp bàn vấn đề “Tân Phúc Âm Hóa Để Phục Vụ Cho Việc Lưu Truyền Đức Tin Ki-tô Giáo”, nhóm họp từ ngày 7 đến 28 tháng 10, năm 2012.
2. Ý Nghĩa Cụm Từ “Tân Phúc Âm Hóa”
Muốn quán triệt toàn diện mọi chiều kích sâu xa của công cuộc “Tân Phúc Hóa”, cần chú ý đến trước hết là bối cảnh của Hội Thánh và thế giới từ sau Công Đồng Vatican II, với tình trạng Ki-tô hữu gặp quá nhiều khó khăn và khủng hoảng đức tin, biểu hiện rõ ràng ở các nước Châu Âu từng có lịch sử kỳ cựu gắn bó với các giá trị Tin Mừng.
Công cuộc truyền giảng Tin Mừng nơi vùng đất một thời được coi như hậu phương bất khả xâm phạm của Ki-tô Giáo không những bị giảm tốc một cách bất ngờ mà còn tỏ ra như vô hiệu, lạc điệu và bị chống đối. Con số Ki-tô hữu thờ ơ với Hội Thánh không sao kiểm chứng, số người công khai hay ngấm ngầm từ bỏ nhà thờ không ngừng gia tăng.
Những câu hỏi “tại sao” thật triệt để được đặt ra. Qua nhiều thăm dò, nghiên cứu, phân tách trên mọi lãnh vực, cả phương diện lý thuyết như Thánh Kinh, thần học về Hội Thánh Học, về Cứu Thế Luận, lẫn phương diện thực hành như Truyền Giáo Học, Mục Vụ Học, Huấn Giáo Học, công cuộc “Tân Phúc Âm Hóa” được đưa ra như giải pháp hợp thời và hữu hiệu trước tình thế bất lợi khẩn cấp đối với cộng đồng Dân Chúa.
Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, thành quả của Công Nghị Giám Mục nói trên, được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ấn ký vào ngày 24 tháng 11, năm 2013, giới thiệu cho Hội Thánh và cho thế giới như bản tuyên ngôn bày tỏ quyết tâm của cộng đoàn tín hữu Chúa Ki-tô muốn canh tân và tái phục hoạt đức tin vào Đức Chúa của mình và chuyển giao niềm tin ấy cho anh chị em đồng đạo nói chung, và nói riêng những anh chị em, tuy vẫn giữ niềm tin sâu đậm vào Chúa Ki-tô, nhưng hiếm khi tham gia vào hoạt động phụng tự của Hội Thánh, đặc biệt là những anh chị em sau khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, không còn tích cực sống đức tin và thi hành những trách nhiệm của một tín hữu.
Tiên vàn, chúng tôi quan tâm đến lãnh vực công tác mục vụ thông thường, công tác được ngọn lửa của Chúa Thánh Thần ban cho sinh khí, để nhờ đó, đốt bùng lửa ấy lên trong cõi lòng các tín hữu vẫn thường xuyên tham gia vào việc phụng tự cộng đoàn và họp nhau vào Ngày Của Chúa, đón nhận lương thực do Lời và Bánh Hằng Sống Của Người. Thuộc về thành phần này gồm có cả những tín hữu tuy luôn bảo quản một đức tin sâu đậm và chân thành, biểu lộ đức tin ấy bằng nhiều cách thức khác nhau, nhưng chẳng mấy khi tham dự vào việc thờ phượng. Công tác mục vụ thường lệ tìm cách giúp đỡ các tín hữu trưởng thành về mặt tâm linh để họ biết đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa thật trọn vẹn hơn trong cuộc sống của mình.
Thứ đến là lãnh vực của “những anh chị em đã được rửa tội nhưng cuộc sống lại không phản ánh rõ những đòi hỏi của Bí Tích Thánh Tẩy”, vì họ thiếu mối tương quan sâu xa với Hội Thánh và không còn cảm nghiệm được niềm an ủi do đức tin cống hiến. Với mối quan tâm của mẹ hiền, Hội Thánh cố gắng giúp cho họ đón nhận một cuộc hoán cải có sức tái tạo niềm vui trong tâm hồn và truyền cho họ nguồn cảm hứng sẵn sàng dấn thân cho Tin Mừng.[6]
Nói cách khác, “Tân Phúc Âm Hóa” là nỗ lực làm cho sống lại mạnh mẽ và hoạt động tích cực như trước các giá trị Tin Mừng từng được gieo trồng và phát triển phong phú lâu đời nhưng nay đang dần bị suy yếu trên cựu đại lục. Phát biểu đơn giản hơn, “Tân Phúc Âm Hóa” là kế hoạch tái truyền giáo trên một vùng đất vốn đã toàn tòng từ lâu đời.
“Tân Phúc Âm Hóa” khác với việc “Phúc Âm Hóa Khai Sáng”, hay còn gọi là công cuộc truyền giáo sơ khởi, nhắm đem đức tin đến các dân tộc chưa nhận biết Thiên Chúa là Thiên Phụ của Chúa Ki-tô, và cũng khác biệt với “Phúc Âm Hóa Thường Xuyên” có chủ đích giúp nuôi dưỡng, phát triển và kiện cường đức tin và đức mến của các tín hữu, thông qua công tác huấn giáo và cử hành các Bí Tích.
3. Mục Tiêu Của “Tân Phúc Âm Hóa”
Với ngôn ngữ của một nhà thần học, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, về sau trở thành Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, giải thích ý nghĩa và mục tiêu của “Tân Phúc Âm Hóa”:
Đời người không thể tự thân mà viên thành được. Cuộc sống của chúng ta là một câu hỏi bỏ ngỏ, một dự án dang dở, chờ đạt tới thành quả và được hoàn tất. Câu chất vấn căn bản của mỗi con người là: rồi đây việc này sẽ được thực hiện ra sao – việc trở thành người? Làm sao con người học được cái nghệ thuật sống? Con đường nào sẽ dẫn tới hạnh phúc đây?
“Phúc Âm Hóa” là chỉ cho thấy con đường ấy – dạy cho biết cái nghệ thuật sống ấy. Vào lúc bắt đầu cuộc đời công khai, Chúa Giê-su nói: tôi đến giảng Tin Mừng cho người nghèo;[7] Người có ý tiết lộ: tôi có câu trả lời cho vấn nạn căn bản của các bạn; tôi sẽ chỉ cho biết con đường sống, con đường đưa tới hạnh phúc – nói cho đúng hơn: tôi chính là con đường ấy.
Người ta lâm vào một cảnh nghèo bi đát khi không còn khả năng cảm nhận được niềm vui, khi chịu đựng tình trạng kéo dài lê thê của một cuộc sống bị coi là phi lý và mâu thuẫn. Thứ nghèo vừa nói hiện giờ rất phổ biến, bằng nhiều kiểu cách trong các quốc gia giàu có về vật chất cũng như các quốc gia nghèo túng.
Tình trạng mất khả năng cảm nghiệm niềm vui ấy giả thiết và làm phát sinh tình trạng mất khả năng yêu thương, dẫn đến tâm trạng tị hiềm, keo kiệt – gồm mọi thứ khuyết tật hủy hoại cuộc sống của các cá nhân cũng như của thế giới.
Đây là lý do vì sao chúng ta cần đến một cuộc “Tân Phúc Âm Hóa” – nếu như nghệ thuật sống hãy còn là một ẩn số, thì không thể có bất kỳ thứ gì khác hoạt động được. Nhưng nghệ thuật ấy không phải là đối tượng của một khoa học – nghệ thuật ấy chỉ có thể được thông truyền nhờ một Đấng có sức sống – Đấng ấy chính là hiện thân của Tin Mừng.[8]
“Tân Phúc Âm Hóa” là trình bày, là chỉ cho những người nghèo – nghèo vì không có những điều kiện sinh sống cơ bản nhất, và cũng là nghèo vì không còn khả năng cảm nghiệm được niềm vui sống trong cuộc đời – biết nhận ra con đường sống hạnh phúc trọn vẹn và trường cửu, dạy cho họ biết nghệ thuật sống theo bản hướng dẫn của Tin Mừng Chúa Ki-tô.
4. Phương Pháp Của “Tân Phúc Âm Hóa”
Mục tiêu khác nhau tất nhiên phương pháp của “Tân Phúc Âm Hóa” cũng khác với phương pháp của công cuộc Phúc Âm Hóa truyền thống. Trong khi phải luôn bảo toàn nguyên vẹn nội dung của Tin Mừng là chính Chúa Ki-tô cùng với các Mầu Nhiệm Nhập Thể, Đau Khổ, Tử Nạn và Phục Sinh, “Tân Phúc Âm Hóa” vận dụng mọi giá trị tích cực của văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật của thế giới hôm nay để đưa Tin Mừng Tình Thương và Hòa Giải của Chúa Ki-tô đến với thính giả thuộc nhiều từng lớp, rất khác biệt nhau trong ngôn ngữ, văn hóa, giới tính, khuynh hướng triết lý hay chính trị của thời nay.
Theo tài liệu thượng dẫn,[9] tựu trung, phương pháp “Tân Phúc Âm Hóa” gồm có 4 đặc tính sau:
a) Giúp thính giả được nghe tiếng của Chúa chứ không phải tiếng của diễn giả
Khi sử dụng mọi phương tiện hiện đại sẵn có để lời công bố của chúng ta có thể đến với mọi người, chúng ta không chủ ý khoe tiếng nói đầy uy lực của các định chế phàm nhân, mà phải nhường chỗ cho tiếng nói của Đấng có quyền năng ban cho người nghe được sống.
b) Thái độ diễn giả biết từ khước bản thân
Cung cách giảng Tin Mừng khiêm cung như trên giả thiết một thái độ từ khước chính bản thân chúng ta, noi gương Chúa Ki-tô, Đấng chứng tỏ trong mọi tiểu tiết của sứ vụ công bố Tin Mừng, đã tự hủy hoàn toàn để làm vinh danh Thiên Chúa Cha.
c) Mối hiệp thông sâu sắc và thân tình của diễn giả với Chúa Ki-tô
Như Chúa Ki-tô khi thi hành sứ vụ giảng Tin Mừng luôn hiệp nhứt với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, chúng ta không chỉ là chiếc loa kêu to mà rỗng ruột, nhưng là nhân chứng cho một đời sống bác ái liên kết với nguồn mạch hiệp nhứt trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
d) Mối liên kết bất khả phân ly của diễn giả với Hội Thánh của Chúa Ki-tô
Chúa Ki-tô thành lập Hội Thánh và trao lại cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thánh hóa. Việc công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa giả định thái độ biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Ki-tô qua tiếng nói của Hội Thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng.
5. Nội Dung Của “Tân Phúc Âm Hóa”
Cũng theo tài liệu được trích dẫn bên trên,[10] những gì cần phải chuyển tải trong sứ điệp của “Tân Phúc Âm Hóa” cũng chính là những gì Chúa Ki-tô đã giảng dạy và truyền cho các Thánh Tông Đồ lặp lại qua nhiều thế hệ. Nội dung đó gồm:
a) Hoán Cải
Mở đầu sứ vụ giảng Tin Mừng cứu thoát, Chúa Ki-tô kêu gọi mỗi người hoán cải. Không thể đến với Chúa Ki-tô nếu không chấp nhận hoán cải. Cụm từ “hoán cải” theo nguyên ngữ Hy Lạp “metanoia” có nghĩa là “suy xét lại”. Chúng ta được kêu gọi nhìn nhận, suy xét, phân tích lại mọi vấn đề, mọi góc độ, không theo quan điểm của người đời, không bị chi phối vì dư luận, vì thành kiến của xã hội, nhưng hoàn toàn dưới ánh “mới, một tương quan mới với Thiên Chúa và với tha nhân.
b) Nước Thiên Chúa
Trong lời kêu gọi hoán cải hàm chứa lời công bố trước thế giới, giới thiệu cho nhân loại Đấng Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng Sáng Tạo vũ trụ càn khôn, Đấng Điều Lãnh lịch sử, Đấng Thương Xót và Cứu Sống loài người, Đấng luôn chăm sóc tất cả và từng thụ tạo, đặc biệt là con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Đó chính là Nước Thiên Chúa, không như một sự vật vô hồn, một định chế khô cứng, nhưng là một thực tại sinh động, mới lạ, như đã được Chúa Ki-tô công bố.
c) Chúa Giê-su Ki-tô
Chính Chúa Ki-tô là hiện thân hữu hình và sống động của Thiên Chúa giữa loài người – Emmanuel – hiện thực hóa lời tự giới thiệu của Đấng Hằng Hữu: “Ta Là.” Chúa Ki-tô không thể bị giản lược thành một nhân vật lịch sử, đến mức độ chối bỏ – chí ít là tránh né – yếu tố mấu chốt của Mầu Nhiệm Phục Sinh đó là Thánh Giá và Cuộc Tử Nạn của Chúa, phải được nhìn nhận như đỉnh điểm của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho loài người. Chỉ khi nào con người tuyên xưng Chúa Ki-tô là Thiên Chúa thật và hiệp nhứt với Người, con người mới thật sự được thỏa lòng mong đợi đạt tới cuộc sống trường sinh bất tử.
d) Cuộc Sống Trường Cửu
Niềm tin vào cuộc đời trường cửu không hề giảm thiểu quan tâm của chúng ta đối với cuộc sống hiện tại. Trái lại, nỗ lực xây dựng Nước Thiên Chúa bắt đầu từ việc dấn thân hết mình cho việc kiến tạo xã hội loài người thành một nơi có công lý, tình thương và hòa bình ngự trị. Tin Mừng Chúa Ki-tô không chỉ kêu gọi hoán cải và đổi mới nội giới – giản lược vào đời sống luân lý cá nhân – nhưng là lời hiệu triệu mọi người tham gia vào một cuộc cách mạng toàn diện, thay đổi diện mạo của trần gian thành một Trời Mới và Đất Mới, biến loài người thành một Thụ Tạo Mới.
Qua những phân tích về bản chất và hoạt động của công cuộc “Tân Phúc Hóa”, hình như đã hiển hiện chỗ đứng thiết yếu của Giáo Huấn Xã Hội, chẳng những như công cụ hữu dụng của việc tái truyền giảng Tin Mừng cho vùng đất phì nhiêu cũ – nay đang vì nhiều nguyên nhân mà trở nên cằn cỗi – của Ki-tô Giáo, nhưng còn là yếu tố cấu thành, bất khả chuẩn chước, là người bạn đồng hành và đồng sự bất khả phân ly của sứ vụ công bố Tin Mừng.
Song trước hết, xin mời quý độc giả làm quen với những nét căn bản của Giáo Huấn Xã Hội. Kế đến, là nhận định những yếu tố quan trọng liên kết giáo huấn nấy với công cuộc “Tân Phúc Âm Hóa.”
II. GIÁO HUẤN XÃ HỘI VÀ “TÂN PHÚC HÓA”
Giáo Huấn Xã Hội được tìm thấy trong quyển “Sưu Tập Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo”, chính thức ra mắt công chúng, cả Ki-tô hữu lẫn mọi người thiện chí ngoài Hội Thánh, vào ngày 29 tháng 6, năm 2014.
1. Nguồn Gốc Giáo Huấn Xã Hội
Như chúng ta đã tìm hiểu bên trên trong phần nói về “Tân Phúc Âm Hóa”, sứ điệp Tin Mừng ngay từ buổi đầu được Chúa Ki-tô công bố đã mang tính xã hội, bởi vì sứ điệp ấy nhắm đến thính giả là con người, vừa như là những cá nhân, vừa như một cộng đoàn. Con người đón nhận Tin Mừng ấy như lời kêu gọi thống hối, hoán cải, từ bỏ tội lỗi, quay lại với Thiên Chúa, để đón nhận ơn giải thoát khỏi quyền lực Ác Tà, cho từng người, từng cộng đoàn, từ lãnh vực luân lý cho đến lãnh vực xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị.
Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết ho được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.[11]
Theo dòng lịch sử của loài người, Tin Mừng tiếp tục được giới thiệu cho nhiều dân tộc, bằng nhiều ngôn ngữ, vừa định hình vừa chịu thích ứng theo nhiều văn hóa, nhiều mô hình xã hội, dần dần xây dựng cả một nền văn minh – văn minh Ki-tô Giáo – mang những đặc trưng không thể lầm lẫn với bất kỳ nền văn minh nào đã có trước, hoặc đồng thời, hay muộn màng về sau này.
Trong khi đảm nhận vai trò hướng dẫn lương tâm các tín hữu và những người thiện chí, những lời giảng giải của các Thánh Tông Đồ và các đấng kế vị áp dụng đạo lý Tin Mừng vào mọi lãnh vực đời sống từng bước hình thành gia sản Huấn Quyền của Hội Thánh,[12] có vị trí khả tín sau Thánh Kinh và Thánh Truyền, để hướng dẫn các Ki-tô hữu trong lối hành xử phù hợp theo chuẩn mực đức tin và luân lý.
Được triển khai, đào sâu và khuôn đúc nhờ thẩm quyền của Hội Thánh và các tác giả Ki-tô hữu uy tín về tri thức thánh khoa và gương mẫu đức tin, thành một luồng giáo huấn chuyên biệt theo các chủ đề gần cận với đời sống hằng ngày, chẳng hạn như công bình xã hội, quản trị quốc gia, tương quan giữa thần quyền và thế quyền.
Đây là nguồn gốc của Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, phát triển thành hệ thống học thuật kể từ thông điệp “Tân Sự” của Đức Thánh Cha Lê-ô XIII, năm 1892.[13]
2. Nội Dung Giáo Huấn Xã Hội
Quyển “Sưu Tập Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh” gồm phần Nhập Đề, 12 Chương, và phần Kết Luận.
Nhập Đề: Trình bày chủ trương của Hội Thánh trong việc xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới.
12 Chương:
Chương I: Kế Hoạch Yêu Thương Của Thiên Chúa Dành Cho Nhân Loại
Chương II: Sứ Vụ Của Hội Thánh Và Giáo Huấn Xã Hội
Chương III: Nhân Vị Và Nhân Quyền
Chương IV: Những Nguyên Lý Của Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh
Chương V: Gia Đình, Tế Bào Sống Còn Của Xã Hội
Chương VI: Lao Động Của Con Người
Chương VII: Đời Sống Kinh Tế
Chương VIII: Cộng Đồng Chính Trị
Chương IX: Cộng Đồng Quốc Tế
Chương X: Bảo Vệ Môi Trường
Chương XI: Cổ Vũ Hòa Bình
Chương XII: Giáo Huấn Xã Hội Và Hành Động Của Hội Thánh
Kết Luận: Trình bày nỗ lực của Hội Thánh nhắm phục vụ một nền văn minh tình thương
Nhìn qua dàn bài của quyển “Sưu Tập Giáo Huấn xã Hội Công Giáo”, các đề tài được đề cập đến rất có tính thời sự và được cập nhật sâu sát với những gì đang được mọi người trong xã hội hiện tại hết sức quan tâm, chẳng hạn như vấn đề đấu tranh cho nhân quyền ở Chương III, tích cực bảo vệ môi trường ở Chương X, vận động giải trừ vũ khí, cổ vũ hòa bình trên thế giới ở Chương XI. Mặt khác, ở Chương V, tài liệu cũng không bỏ qua một số chủ đề truyền thống và căn bản thuộc sứ vụ huấn giáo của Hội Thánh như tầm quan trọng của đời sống hôn nhân gia đình nói chung và theo quan điểm Ki-tô Giáo nói riêng.
3. Vai Trò Của Giáo Huấn Xã Hội Trong Đời Sống Hội Thánh
Ki-tô Giáo, trung thành với Đấng Sáng Lập, Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Thiên Chúa quá thương yêu loài người đến nỗi để cứu thoát tội nhân đã “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”[14] nhập thể vào cuộc đời, cùng sống kiếp con người, khóc cười với niềm vui và nước mắt của nhân sinh,[15] tóm một lời, trở thành người hoàn toàn và trọn vẹn như chúng ta chỉ trừ tội lỗi,[16] đã, đang và sẽ mãi là một tôn giáo dấn thân vì con người và với con người, đồng hành và đồng sinh đồng tử với con người.[17]
Để chu toàn ơn gọi dấn thân tích cực cho người đời và đời người theo bước chân Đấng Cứu Thế, Ki-tô hữu cần được chuẩn bị về kiến thức Thánh Kinh, giáo lý Công Giáo, và tất nhiên đạo lý Hội Thánh liên quan đến các vấn đề xã hội. Giáo Huấn Xã Hội vì thế trở thành một môn học không thể thiếu, đặc biệt trong việc đào tạo Ki-tô có ơn gọi dấn thân làm muối và men[18] vào các lãnh vực thế tục.[19]
Riêng đối với các tín hữu Công Giáo Việt Nam nói chung và những ai đang tham gia hoạt động tông đồ, công tác truyền giáo, công tác từ thiện bác ái, đã có huấn thị của các vị chủ chăn về nghĩa vụ phải học hỏi Giáo Huấn Xã Hội:
Để xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống, người Công Giáo có tấm bảng chỉ đường cụ thể là Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội. Đây là tài liệu đúc kết và hệ thống hóa những chỉ dẫn của Giáo Hội, nhằm đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập các lãnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta không thể Phúc Âm Hóa đời sống xã hội mà lại không biết gì về Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội. Vì thế, anh em linh mục đang phục vụ tại các giáo xứ hãy tạo điều kiện cho mọi thành phần Dân Chúa được tiếp cận, học hỏi, thảo luận và giúp nhau sống những giáo huấn này.[20]
4. Vai Trò Của Giáo Huấn Xã Hội Trong Công Cuộc “Tân Phúc Âm Hóa”
Từ những nghiên cứu và nhận định bên trên, “Tân Phúc Âm Hóa” và Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, một cách rất tự nhiên và hầu như đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đứng lên bên cạnh nhau như đôi bạn đồng hành và đồng sự cần đến nhau không thể miễn chuẩn, không thể phân ly, trong sứ vụ phục hồi đức tin Ki-tô Giáo nơi những con người, nơi những lãnh vực hoạt động, nơi những mảng đời sống, một thời mang đậm dấu ấn văn hóa Ki-tô nhưng nay, vì nhiều nguyên nhân vô cùng phức hợp và nan giải, đã hoặc đang lụi tàn.
Quả thật, có một bất cập là nhiều Ki-tô hữu đang sống chết với niềm tin không thể chuyển lay vào Chúa Ki-tô theo quan niệm và cách thức riêng của họ, thậm chí còn đêm ngày tích cực dấn thân, sẵn sàng trả giá bằng tù tội, và bằng chính sinh mạng mình, vào các phong trào bảo vệ công nhân bị bóc lột, bênh vực quyền lợi của dân nghèo, bị áp bức trong các chế độ độc tài toàn trị. Tuy nhiên, họ vẫn giữ một khoảng cách, không tìm thấy một đường dây mối nhợ mong manh nào đó để tiếp cận với Hội Thánh cơ cấu của Chúa Ki-tô, vốn đã có truyền thống cố cựu và ổn định với các thủ bản giáo lý dạy bảo con chiên cách giữ đạo đúng luật lệ để tránh tội và được rỗi linh hồn. Ngược lại, một điều thái quá là nhiều Ki-tô hữu, do dấn thân quá nhiệt thành và quá sâu, bằng xác tín và phương tiện hoàn toàn thế tục, vào các hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị, xao lãng hoặc đánh mất thói quen lãnh nhận trợ lực từ tác vụ giáo huấn và bí tích của Hội Thánh.
Thiết yếu và khẩn cấp cho cả mọi trường hợp vừa nêu trên, cả công cuộc “Tân Phúc Âm Hóa” lẫn việc học hỏi Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo chính là giải pháp phải được vận dụng trước khi tình thế trở thành quá muộn.
III. KẾT LUẬN
Ki-tô hữu biết rằng trong Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh có thể tìm thấy các nguyên lý để suy tư, các tiêu chí để phán đoán, và các chỉ dẫn để hành động. Tất cả hợp thành khởi điểm cho công cuộc cổ võ một chủ thuyết nhân bản toàn diện và liên đới. Do đó, nỗ lực phổ biến giáo huấn này sẽ xây dựng nên một ưu tiên mục vụ đích thực, nhờ đó mọi người sẽ được giáo huấn soi sáng, được trợ giúp để có thể giải thích những gì đang xảy ra, và biết khám phá những đường hướng hành động thích hợp: “Việc giảng dạy và truyền bá Giáo Huấn Xã Hội là một phần trong sứ vụ Phúc Âm Hóa của Hội Thánh.”
Trong tầm nhìn nói trên, việc ấn hành một tài liệu nhằm cung cấp những yếu tố nền tảng của Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh, chỉ cho thấy mối tương quan giữa giáo huấn này với công cuộc “Tân Phúc Âm Hóa”, rõ ràng là rất hữu ích.[21]
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 96 (Tháng 9 & 10 năm 2016)