5 CÁCH ĐỂ CỦNG CỐ TÌNH YÊU THƯƠNG TRONG GIA ĐÌNH
Emily Jaminet
WHĐ (13.12.2022) – Các mối tương quan gia đình có quan trọng với bạn không? Công việc và cuộc sống cá nhân dễ có nguy cơ cản trở việc mỗi thành viên quan tâm và dành thời giờ cho nhau. Nghiên cứu về thanh thiếu niên cho thấy nếu trẻ em có mối tương quan thân thiết với gia đình sẽ ít có nguy cơ tham gia vào những hành vi sai phạm hơn, và có khả năng phục hồi cao hơn. Ngoài ra, tương tác với gia đình theo cách tích cực cho phép trẻ nhận biết vị thế của mình cũng như biết cách liên hệ với người khác.
Nhưng, như là Kitô hữu, thì đức tính nào đóng vai trò quan trọng nhất để giúp củng cố mối tương quan gia đình của chúng ta? Câu trả lời có lẽ là Đức mến!
Theo sách Giáo lý Công giáo, đức mến là điều thiết yếu giúp tạo nên nền tảng của đời sống chúng ta như là Kitô hữu, “Đức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người lân cận như chính mình” (GLCG, 1822).
Sau đây là 5 gợi ý để chúng ta đổi mới mối tương quan dựa trên mối dây đức ái trong chính gia đình mình.
1. Đến Với Mẹ Maria
Đức mến có sức mạnh hàn gắn khi chúng ta cảm thấy mối tương quan trong gia đình bị rạn nứt và ban sức sống mới để chúng ta biết yêu mến Thiên Chúa và những người thân, như chính mình. Về phương diện này, Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo, và Mẹ luôn sẵn sàng giúp chúng ta lớn lên trong đức ái.
Khi thưa “Xin Vâng” để cưu mang và hạ sinh Con Thiên Chúa, cũng là lúc Mẹ chấp nhận hành trình cuộc đời đầy thử thách, gian nan, và đau khổ. Theo cách diễn tả của Tin Mừng Luca, trái tim Mẹ như bị bảy lưỡi đòng đâm thâu, vậy thì, nếu trong cuộc sống, có lúc nào đó chúng ta thấy tâm hồn chao đảo, con tim mình nhói đau, hãy chạy đến với Mẹ, để được nâng đỡ và an ủi.
Với trái tim Hiền Mẫu, Mẹ Maria mong mỏi để đưa chúng ta đến gần Con của Mẹ, nhờ đó, chúng ta biết chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu bằng đôi mắt đức tin giống như Mẹ và nhận ra rằng Ngài yêu thương chúng ta biết bao. Và nếu trải nghiệm được tình yêu Chúa dành cho mình, thì việc chúng ta yêu thương, hy sinh cho người bạn đời và con cái để là điều rất khả thi.
2. Dành thời gian cho nhau
Gia đình là quà tặng Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Tình yêu thương và sự chăm sóc mà chúng ta dành cho nhau là món quà chúng ta dâng lại cho Ngài.
Thực tế cho thấy rằng, sự bận rộn, hối hả có thể tạo ra những rào cản và khiến mối tương quan gia đình trượt xuống vị trí cuối cùng. Trái lại, sự hiện diện về mặt thể chất và tinh thần sẽ củng cố sự gắn bó nên việc biết sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, hy sinh một số thời gian cho bản thân để trò chuyện, đối thoại, giải trí với nhau là điều rất cần thiết. Do đó, chúng ta hãy:
– Tận dụng tối đa thời gian để “tâm sự với nhau”, một đàng là tạo cơ hội cho các thành viên trong gia đình chia sẻ về những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc sống, và đàng khác là đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong gia đình đều được lắng nghe, nhất là những đứa trẻ đang ở tuổi vị thành niên. Con cái luôn dõi theo mọi hành động của chúng ta và một ngày nào đó chúng sẽ giống như chúng ta… Đôi khi chúng ta cần tự vấn: Cảm xúc của tôi thế nào? Tôi có cảm giác bị tổn thương và tôi có làm tổn thương người thân của tôi không? Tôi có sẵn sàng khi người bạn đời và con cái cần đến tôi không?
– Việc quan tâm và dành thời gian để biết những gì đang xảy ra trong cuộc sống của nhau là một yếu tố rất quan trọng để tăng cường sự kết nối trong gia đình. Bất kể tình trạng mối tương quan gia đình của chúng ta như thế nào, thì việc thực hiện một cử chỉ nhỏ thể hiện sự quan tâm và lòng biết ơn là điều nên làm. Hãy tận hưởng niềm vui trong những việc nhỏ xảy ra hàng ngày. Đánh giá cao, khích lệ những thành công, an ủi những thất bại, trợ giúp những khó khăn của nhau. Biết được ngôn ngữ yêu thương của nhau có thể giúp mỗi người bày tỏ lòng biết ơn theo những cách có ý nghĩa đối với nhau.
– Cân nhắc việc dành thời gian cụ thể cho việc cầu nguyện và thảo luận, bao gồm cả thời gian để thể hiện sự tha thứ, nói lên lời yêu thương dành cho nhau. Khi mỗi người biết tìm kiếm sự hòa giải và làm sáng tỏ những hiểu lầm, trái tim có thể được chữa lành và có thể bước tiếp về mặt cảm xúc, điều này sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau hơn như một gia đình.
3. Thể hiện hoa trái của cầu nguyện là Đức ái
“Một gia đình cầu nguyện cùng nhau sẽ ở bên nhau.” Do đó, đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của lời cầu nguyện chung gia đình. Chẳng ai có thể cho điều mình không có, chúng ta cần tình yêu của Chúa lấp đầy trái tim, để có thể chia sẻ tình yêu đó với những người gần mình nhất. Hãy học cách nương tựa vào Chúa với lời cầu nguyện “Lạy Chúa, chén tình yêu của con đang cạn, xin hãy rót đầy cho con!”, chắc chắn tình yêu của Chúa sẽ có sức cảm hoá và biến đổi!
Đức ái cần được phát xuất từ trái tim Đức Giêsu để chúng ta có thể đáp lại không phải bằng sự lạnh nhạt, dửng dưng, nhưng bằng lòng nhân hậu và cảm thông. Thánh Phaolô đã diễn tả rất rõ:
Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. (1 Cor13, 4–7)
4. Vươn tới những người khác
Trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu (Amoris Laetitia), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi gia đình “đơm hoa kết trái”, một sự sinh hoa kết trái đến từ việc mở rộng thiện chí, tràn đầy tình yêu thương đối với người khác và sẵn sàng gặp gỡ họ ở bất cứ đâu!
Việc giúp gia đình suy nghĩ bên ngoài bản thân họ là một cách tuyệt vời để phát triển đức ái và mở rộng quan điểm của gia đình. Chúng ta có thể tự hỏi: Gia đình tôi có thể làm gì để phục vụ người khác? Gia đình tôi có thể tiếp cận với những người đang gặp khó khăn, không chỉ nhu cầu vật chất mà cả nhu cầu tinh thần như thế nào? Khi có dịp gặp gỡ, chuyện trò với bạn bè và gia đình họ về việc nuôi dạy con cái, bạn đang hợp tác như một cộng đồng và hướng tới một mục đích lớn hơn.
5. Sống tinh thần truyền giáo
Là gia đình Công giáo, ơn gọi của chúng ta là đưa gia đình lên thiên đàng. Đây là một trật tự cao và đòi hỏi lòng can đảm, sự kiên trì, những lựa chọn khó khăn, và rất nhiều lời cầu nguyện. Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn chúng ta làm chứng cho Người: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15),
Do đó, chúng ta cần sống đức tin của mình trong các việc và bổn phận hàng ngày và nêu gương cho thế giới về cách sống trọn vẹn với Tin Mừng! Khi không chỉ thắt chặt mối dây liên kết, triển nở tình yêu thương trong cuộc sống gia đình mà còn tự tin bước ra thể hiện đức ái với người khác.
Xin cho gia đình chúng ta bừng cháy lên tình yêu Chúa Kitô để chúng ta trở thành chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa nơi mỗi người chúng ta gặp gỡ.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicdigest.com