TÔI Ở ĐÂU TRONG CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA ?
+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Thứ Sáu Tuần thánh
1. Trong Tuần thánh, người Công giáo nghe đọc Bài Thương Khó hai lần, một lần vào Chúa nhật Lễ Lá và một lần vào Thứ Sáu Tuần thánh. Câu hỏi đặt ra là chúng ta nghe với tâm thế nào? Nghe như nghe kể câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ xa xôi ở một đất nước xa lạ, hay nghe để tham dự vào một biến cố cứu độ? Câu trả lời đã rõ, người Công giáo nghe đọc hay hát Bài Thương Khó trong cử hành phụng vụ, nên chắc chắn không chỉ để biết về một sự kiện lịch sử mà mình đã biết rồi, nhưng là để chính mình tham dự vào biến cố trung tâm của mầu nhiệm cứu độ, tức là cuộc Vượt qua của Chúa Kitô. Vậy, làm thế nào để có thể tham dự cách tích cực và hiệu quả?
2. Tôi nhớ đến hình ảnh hai tên gian phi cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Thánh Gioan chỉ ghi nhận Chúa Giêsu bị đóng đinh cùng hai người khác nữa (19,18). Thánh Matthêu và Marcô nói rõ hơn: “giữa hai tên gian phi” (Mt 27,38; Mc 15,27). “Gian phi” cũng là từ thánh Gioan dùng để nói về Baraba (Ga 18,40), và trong bối cảnh chính trị thời Chúa Giêsu, từ này cũng được hiểu là những người chủ trương dùng bạo lực để chống lại đế quốc Rôma, giành lại chủ quyền của dân tộc Do Thái (x. Benedict XVI, Jesus of Nazareth, tome II, 196). Cách hiểu này cũng có thể áp dụng cho hai người bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu, vì nếu chỉ là phạm tội trộm cắp thông thường, có lẽ họ không phải chịu hình phạt thảm khốc vốn chỉ dành cho các phạm nhân khét tiếng.
Thánh Gioan chỉ kể là Chúa Giêsu bị đóng đinh cùng với hai người nữa và không nói gì thêm, còn thánh Luca cung cấp thêm nhiều chi tiết (Lc 23,39-43), giúp chúng ta suy nghĩ. Hai tên gian phi rõ ràng là chung một tội, nhưng phản ứng và thái độ của họ với Chúa Giêsu lại không giống nhau.
Người ở bên tả Chúa Giêsu không nhìn nhận mình có tội, anh ta chỉ tập trung vào một điều là làm sao thoát khỏi cực hình, vì thế anh ta nói với Chúa Giêsu với giọng mỉa mai: “Ông không phải là Đấng Kitô sao?” rồi anh ta nói thêm như thách thức, “Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi nữa”.
Còn người chịu đóng đinh bên hữu Chúa nhìn nhận mình có tội khi anh nói với bạn của mình: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng vì xứng với việc đã làm”. Đồng thời anh khám phá nơi Chúa Giêsu những điều rất lạ: anh biết là Chúa Giêsu vô tội nên khẳng định, “Ông này có làm gì xấu đâu”; hơn nữa anh còn nghe Chúa Giêsu kêu lên, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”, anh hết sức ngạc nhiên vì con người này không những không oán thù những kẻ đánh đập, hành hạ mình, mà lại còn tìm cách bênh vực họ; như thế, chắc là Vương quốc, thế giới của ông ấy phải đẹp đẽ lắm, một Vương quốc không có hận thù, chỉ tràn ngập tình thương. Và anh kêu lên, “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Anh đã nhận được lời hứa cứu độ của Chúa Giêsu: “Ta bảo thật, hôm nay, anh sẽ được ở với Ta trên Thiên đàng”. Danh hiệu “người trộm lành” trở thành tên gọi của anh và là hình mẫu cho những ai muốn nghe Bài Thương Khó để dự phần vào biến cố cứu độ.
3. Theo gương người trộm lành, người Công giáo được mời gọi khám phá chính mình nơi những con người và sự kiện diễn ra trong cuộc thương khó của Chúa. Ông Philatô biết rõ Chúa Giêsu vô tội nhưng vẫn chiều ý của các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái để lên án Chúa vì ông sợ mất ghế! Còn tôi thì sao, liệu có giống như Philatô khi đồng lõa với gian dối để bảo vệ địa vị của mình? Ông Giuđa thật đáng kinh tởm, chỉ vì ít đồng bạc mà bán rẻ Thầy mình! Còn tôi thì sao, lại chẳng có những lần vì lòng tham mà bán rẻ lương tâm sao? Ông Phêrô nữa, chỉ bị dọa nạt một chút mà đã chối bỏ Thầy Giêsu! Còn tôi thì sao, chưa bao giờ tôi chối Chúa sao?
Thay vì đứng bên ngoài mà phê bình, lên án, cần phải bước vào cuộc thương khó của Chúa và thấy chính mình nơi những nhân vật mình phê bình, lên án. Sự nhìn nhận chân thành đó khơi dậy tâm tình sám hối, ăn năn, như thánh Phêrô “sực nhớ lời Chúa đã bảo: Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần. Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61-62).
Sám hối, nếu chỉ là cái nhìn nội quy mà thôi, sẽ có nguy cơ trở thành mặc cảm tội lỗi với những dằn vặt không lối thoát. Như Giuđa nhìn nhận mình đã làm sai, ông đem tiền trả lại cho các thượng tế và kỳ mục, rồi ra đi thắt cổ (Mt 27,3-6). Sám hối đích thực là cùng với sự ăn năn bên trong, dám mở lòng ra với Đấng giàu lòng thương xót, và kêu lên: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Khi đó, chúng ta thực sự được đưa vào quỹ đạo của ơn cứu độ.
Nguồn: giaophanmytho.net