Vài cảm nghĩ về Tuần lễ Laudato Sí (từ ngày 16-24/05/2020)
Vài cảm nghĩ về Tuần lễ Laudato Sí (từ ngày 16-24/05/2020)
Manila, Tháng Hoa 2020
Phêrô Phạm Minh Triều CM.
Vào ngày 03/03/2020, vaticannews.va đã loan đi bản tin: Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các cộng đoàn Công giáo trên toàn thế giới cử hành Tuần lễ Laudato Sí từ ngày 16-24/05/2020, nhân kỷ niệm 5 năm thông điệp được ban hành.
Nhân dịp này, xin được có vài cảm nghĩ về Thông điệp khi tuần lễ kỷ niệm bắt đầu được diễn ra trong tuần này.
Phương pháp luận trong Laudato Sí [1]
Năm năm (2015-2020) đã trôi qua kể từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành thông điệp về môi sinh Laudato Sí, có lẽ đây là tác phẩm chứa đựng nhiều nhất các Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội Công giáo kể từ Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII về các vấn đề xã hội (1891). Điều có lẽ hấp dẫn nhất trong Laudato Sí, là nó đưa ra quan điểm rõ ràng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về hệ thống và phương pháp luận thần học.
Quy chiếu phương pháp luận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được thể hiện rõ khi ngài tuyên bố hai lần rằng: thực tại thì quan trọng hơn ý tưởng (Laudato Sí, số 110 và 201) – điều này đã từng được ngài đưa ra trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng Evangelii Gaudium “thực tại thì quan trọng hơn ý tưởng” (Evangelii Gaudium, số 231).
Như là một sự tiếp nối với các quy chiếu phương pháp luận của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm như Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng phương pháp Xem-Xét-Làm để suy tư thần học và giải thích thực tại (hoặc các dấu chỉ của thời đại, nếu bạn muốn dùng như thế), với mục tiêu thay đổi các vấn đề về công lý và hành vi xã hội sai trái.
Phương pháp Xem-Xét-Làm được đề xuất bởi Đức Hồng y Joseph Cardijn (thập niên 1920), mặc dù nguồn gốc của nó có thể được tìm thấy trong mô tả của thánh Tôma Aquinô, trong phần nói về tri thức của Đức khôn ngoan. Phương pháp của Đức Hồng y Cardjin được phát triển sau đó bởi Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh (CELAM) và các nhà thần học giải phóng, với những triển khai gần đây được thực hiện bởi các nhà thần học thực tiễn Bắc Mỹ. [2]
Sau đó phương pháp này đã trở nên dấu ấn của tinh thần Công đồng Vatican II. Văn kiện đầu tiên chính thức đề cập đến phương pháp này là Thông điệp Mater et Magistra (Mẹ và Thầy) của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, sau đó cũng đã có nhiều văn kiện khác áp dụng, đặc biệt là Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes đã được cấu trúc theo phương pháp Xem – Xét- Làm này. [3]
Trong Laudato Sí, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mô tả thực tế phương pháp luận mà ngài sử dụng để xây dựng lập luận thần học của mình (Laudato Sí, số 15). Ngài nói rằng, ngài bắt đầu bằng việc xem xét các thành quả tốt đẹp của việc tìm tòi khoa học, để nhìn sâu xa và nêu lên một nền tảng cụ thể đường hướng đạo đức và tinh thần (Xem), sau đó xem xét các nguyên tắc (Xét) từ truyền thống Do thái-Kitô giáo (Judeo-Christian), và trong ánh sáng của suy tư thần học, ngài sẽ thúc đẩy các đề xuất đối thoại và hành động (Làm) ở cả cấp độ cá nhân và toàn cầu để cải thiện vấn đề về môi sinh.
Tiến trình ba bước này trình bày một phương pháp luận định hướng thực tiễn, điều mà ưu tiên một đánh giá phê bình về thực tại (bước 1 – Xem) để thay đổi thực tại (bước 3 – Làm) thông qua suy tư thần học phê bình như một bước trung gian (bước 2 – Xét). Sự biện minh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc ngài sử dụng phương pháp này được nêu rõ khi ngài nói: “những suy tư thần học hay triết học về tình trạng con người và vũ trụ xem ra chỉ có thể là những sứ điệp lập lại và trừu tượng, nếu như chúng không đối mặt một cách mới mẻ với liên hệ hiện hành, khi nhìn vào những gì chưa hiện diện nhưng cần thiết cho lịch sử nhân loại. Vì thế, trước khi nhìn xem niềm tin mang đến cho chúng ta những động lực và những đòi hỏi mới mẻ khi đối diện với thế giới mà chúng ta đang sống, tôi xin đề nghị dừng lại một chút để nhận ra những gì đang diễn ra trong ngôi nhà chung của chúng ta” (Laudato Sí, số 17).
Sau phần tổng quan này, Đức Giáo Hoàng bắt đầu chương I bằng cách diễn giải các phân tích khoa học để mô tả về những gì đang xảy ra với ngôi nhà chung của chúng ta. Sau đó, ngài chuyển sang bước hai với suy tư thần học về Tin Mừng về sự Sáng Tạo. Khi ngài bắt đầu quá trình này, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở độc giả rằng: “đối thoại giữa khoa học và đức tin có thể tạo ra cuộc đối thoại hiệu quả hay nói cách khác năng động và hữu ích cho cả hai phía” (Laudato Sí, số 62).
Vị Giáo Hoàng của chúng ta đặc biệt lập luận rằng: “khi chú tâm vào sự đa dạng của cơn khủng hoảng môi trường và các nguyên nhân muôn mặt của nó, chúng ta phải công nhận, các giải pháp không thể đến từ một con đường duy nhất do việc giải thích thực tại và thay đổi chúng” (Laudato Sí, số 63). Ngài tiếp tục nói rằng: “nếu chúng ta thật sự muốn gầy dựng một môi trường sinh thái, tái lập lại những gì chúng ta đã hủy hoại, thì không được phép bỏ qua những ngành khoa học và các hình thức khôn ngoan, ngay cả tôn giáo cũng như ngôn ngữ tôn giáo.” Ở điểm khác, Đức Giáo Hoàng cho biết thêm: “một loại khoa học muốn đưa ra những giải đáp cho những đòi hỏi lớn lao, cần phải nhận thức tất cả sự hiểu biết về những bình diện kiến thức, bao gồm cả triết học và đạo đức xã hội” (Laudato Sí, số 110).
Cách tiếp cận phương pháp luận này thì tương thích với truyền thống Công giáo, vì Giáo hội luôn sẵn sàng đối thoại với các tư tưởng triết học (ví dụ, thánh Tôma Aquinô và triết học Aristotle). Tuy nhiên, đồng thời nó không chỉ là việc xem xét vấn đề trong việc kết hợp đức tin và lý trí không mà thôi, mà còn bao gồm các diễn ngôn xã hội khác như xã hội học, nhân chủng học, lý thuyết phê bình và các phương pháp khoa học khác nhau.
Lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho việc nghiên cứu liên ngành phải tập hợp các lĩnh vực tri thức khác nhau, bao gồm cả kinh tế học, để có một tầm nhìn tích hợp và thống nhất hơn. Để chắc chắn, đến cuối thông điệp, một lần nữa, Đức Giáo Hoàng lại kêu gọi một phương pháp liên ngành đối với phương pháp luận, khi ngài nói có tính phê bình rằng: “người ta không thể nói rằng các khoa học thực nghiệm giải thích hoàn toàn sự sống, cơ cấu các thụ tạo và sự toàn vẹn của các thực tại. Có nghĩa là, chúng đã bước ra khỏi ranh giới thực nghiệm của mình. Nếu người ta suy nghĩ trong khung đóng kín này, thì cảm nghiệm vẻ đẹp, thi phú và cả khả năng lý trí để nhận ra ý nghĩa và mục đích vạn vật, cũng tiêu tan” (Laudato Sí, số 199).
Thay vì cách tiếp cận phương pháp hạn chế như vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố rằng các bản văn tôn giáo cổ điển vẫn có thể đưa ra một ý nghĩa cho tất cả mọi thời đại, có một sức lực tác động luôn khai mở một chân trời mới, nên chúng cần được thống nhất để theo đuổi sự hiểu biết về các cuộc khủng hoảng nhân đạo như hiện tại, chẳng hạn như về vấn đề môi sinh, điều đặt để một câu hỏi gần đây chú ý về tương lai của sự sống trên trái đất.
Gần đây nhất, như một mối dây liên hệ, một Đức Hồng y người Peru nhấn mạnh rằng: Thượng Hội Đồng Amazon có những vùng nước sâu: vùng nước sâu nằm trong Thông điệp Laudato Sí, một thông điệp mà đã được viết cho các người Công giáo, cho những người tin và cho tất cả dân cư trên thế giới, và kêu gọi chúng ta hành động: bởi vì Mẹ Trái Đất của chúng ta đang gào thét và những người nghèo đang khóc vì trái đất đang hấp hối.
Đức Hồng y này nói rằng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ý thức rằng người ta đã cắt 20% lá phổi (rừng) của hành tinh và ngài muốn ngăn chặn điều phá hủy ấy khỏi tệ hơn. Ngài mô tả về Laudato Sí như là sức mạnh sâu sắc của Thượng Hội Đồng, trong đó chúng nêu ra những vấn đề thực sự. Tại Thượng Hội Đồng về vùng Amazon, ngài nói rằng, chúng ta đang khám phá vùng nước sâu của Chúa, và những gì Chúa đang yêu cầu chúng ta về việc truyền giáo cho khu vực Amazon.
Nhưng để làm sao để biết những hành động can thiệp của con người trong vấn đề môi sinh mang lại hiệu quả. Điều này rất khó để đưa ra các bằng chứng cụ thể, vì những gì được đưa ra hầu hết là dựa trên những chỉ số và các dự đoán của các nghiên cứu khoa học. Nhưng gần đây, mọi người có thể thấy được một bằng chứng rõ ràng về việc nếu con người thực sự áp dụng các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi sinh thì sẽ mang lại những kết quả đáng khả quan.
Trận đại dịch Covid-19 vừa qua vô tình đã trở nên một cuộc “đại bảo trì” môi sinh chưa từng có trong lịch sử kể từ khi nền công nghiệp phát triển. Vì hầu hết các nước đều áp dụng luật phong tỏa, đóng cửa biên giới, giới nghiêm vv… từ đó đã dẫn đến việc các nhà máy ngừng hoạt động và các xe cộ đều “bất động”, nên đã giảm thiểu một lượng vô cùng lớn khí thải và rác thải vào trong môi trường. Chính điều này đã tạo nên một hiệu ứng tích cực cho môi trường, điều mà trước đây các nhà chính trị và các nhà môi sinh đều mong ước có những vấn đề cắt giảm khí thải nhưng xem ra bất khả thi.
Cụ thể cho những tín hiệu tích cực này trong vấn đề môi sinh có thể một số nguồn thông tin đã đề cập như: người dân ở miền bắc Ấn Độ đã có thể nhìn thấy dãy Himalaya, thậm chí từ khoảng cách200km, nhờ các biện pháp chống dịch Covid-19 như Tuổi trẻ online đưa tin ngày 10/04/2020; hay Dòng sông (Hằng) ô nhiễm nhất thế giới trong lại sau 50 năm; theo Reuters, dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy từ ngày 14 đến 25-3, ô nhiễm không khí do chất NO2 ở những thành phố lớn tại các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý giảm khoảng 40% như Tuổi trẻ online đưa tin.
Tuy nhiên, người ta cũng lo ngại rằng sau đại dịch thì dân chúng sẽ sản xuất “bù”, đi lại “bù”, thì có khả năng càng làm cho vấn đề ô nhiễm lại nghiêm trọng hơn. Cho nên vấn đề bây giờ là mong sao các nhà chính trị, chính phủ các nước và các nhà hoạt động môi sinh có những can thiệp thích hợp để duy trì được hiệu quả môi sinh này lâu dài và tránh tái ô nhiễm sau này. Một chuyên gia về môi trường của trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không Khí sạch (CREA) đã có một nhận xét xác đáng rằng: “cuộc khủng hoảng hiện nay đã cho chúng ta thấy rằng bầu trời trong lành và không khí dễ thở có thể đạt được rất nhanh nếu thực hiện các hành động cụ thể nhằm giảm thiểu đốt cháy nhiên liệu hóa thạch” như một số báo chí Phương tây đã đưa tin gần đây.
Cụ thể, để kỷ niệm 5 năm ngày ra đời của thông điệp này, tất cả mọi người Kitô hữu, một lần nữa cũng được kêu gọi để có những hành động cụ thể trong vấn đề bảo vệ môi trường ngay từ gia đình, ngay từ trong cộng đoàn mình đang sống: như phân loại rác thải ngay từ nguồn và xử lý đúng cách; tham gia các ngành sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường; nói không với việc sử dụng túi nilon, đồ plastic trong trường học, giáo xứ, học viện hay cộng đoàn dòng tu; trồng cây xanh, tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt, v.v… mong rằng khi vấn đề bảo vệ môi sinh đi từ tập thể nhỏ như thế sẽ góp phần tốt hơn cho môi trường ở bình diện lớn hơn. Mong thay!
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm Thông điệp Laudato Sí, xin được đóng góp một vài suy tư nhỏ về vấn đề ô nhiễm không khí được xem xét dưới khía cạnh của thần học môi sinh. (Xin xem file đính kèm)
Phương pháp luận để xem xét các vấn đề mục vụ trong Gia đình Vinh Sơn (famvin) [4]
Một phương pháp đơn giản giúp chúng ta dừng lại, đứng trước một tình huống và suy nghĩ về nó trước khi chúng ta nhảy vào và đưa ra hành động. Tiến trình này giúp chúng ta triển khai sự xem xét mang tính phê bình về các tình huống, sự kiện và cấu trúc qua tiến trình Xem-Xét-Làm như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã áp dụng phương pháp luận này để xem xét về tình trạng môi sinh và đưa ra hành động cụ thể để cải thiện môi sinh tốt hơn trong Thông điệp Laudato Sí.
Trong gia đình Vinh Sơn phương pháp luận Xem -Xét- Làm có thể được dùng trong các vấn đề về mục vụ hay còn gọi chu trình mục vụ khi áp dụng phương pháp phân tích xã hội này. Khi các thành viên Vinh Sơn đang đứng trước một vấn đề nào đó về mục vụ, rồi áp dụng từng bước của phương pháp luận này vào thực tế, sau đó tìm cách để đi đến một can thiệp mục vụ hữu hiệu cho vấn đề đang gặp phải. Tiến trình này có thể được tiến hành theo trình tự bằng cách nêu lên các câu hỏi cho mỗi tiến trình như famvin đã đề xuất:
XEM
– Điều gì đang diễn ra?
– Những ai là người liên quan?
– Ai có lợi được từ tình trạng này? Ai thua thiệt?
– Những gì tình trạng này đang ảnh hưởng đến dân chúng?
– Tại sao nó lại xảy ra? Tại sao nó tiếp tục?
XÉT
– Chúng ta cảm thấy như thế nào về tình huống này?
– Chúng ta đã bao giờ cư xử hoặc hành động như bất kỳ ai trong tình huống này chưa? Nếu vậy, chuyện gì đã xảy ra? Tại sao? Làm thế nào chúng ta và / hoặc những người liên quan cảm nhận thấy?
– Chúng ta nghĩ điều gì sẽ xảy ra?
– Đức tin của chúng ta nói gì về điều này?
– Truyền thống Vinh Sơn của chúng ta nói gì về điều này?
LÀM
– Chúng ta có thể làm gì để thu hẹp khoảng cách giữa những gì đang xảy ra (thực tế) và những gì nên xảy ra (lý tưởng/những gì đức tin của chúng ta nói về điều này?)
– Chúng ta sẽ làm gì?
– Người nào có thể liên quan trong hành động của chúng ta?
Để kết luận về giá trị thực tiễn của phương pháp luận này trong một số tài liệu huấn quyền, trong đó điển hình như Thông điệp Laudato Sí, cũng như trong các vấn đề mục vụ – xã hội, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII trong Thông điệp Mẹ và Thầy (Mater et Magistra) (1961), đã từng khẳng định tầm quan trọng của phương pháp này: “thường ai quyết thực hành học thuyết xã hội phải trải qua ba giai đoạn: điều tra cho biết tình hình một cách tỉ mỉ; nhận xét hiện tượng dưới ánh sáng học thuyết công giáo; rồi quy định đường lối áp dụng vào thời thế hoàn cảnh những nguyên tắc vĩnh cửu của Giáo Hội. Ba giai đoạn ấy, thường gọi là kiến thức, luận xét và hành động (xem, xét, làm)” (Mater et Magistra, số 236).
Nguồn: vinhson.net