Suy niệm Chúa Nhật tuần 7A sau Phục Sinh

Chúa Nhật 7 PHỤC SINH. A
(Ga 17:1-11)
CẦU NGUYỆN.

Giê-su ngước mắt lên trời,
Nguyện cầu cùng Chúa, dâng lời ngợi khen.
Trần gian thế tục sang hèn,
Hiến thân cứu rỗi, phận hèn thần dân.
Lạy Cha trời đất khoan nhân,
Xin làm vinh hiển, dự phần cõi thiên.
Muôn đời sự sống thần thiêng,
Quyền trên huyết nhục, Chúa Chiên giao hòa.
Cao sang ngự chốn thiên tòa,
Cha ban quyền bính, món quà quí thay.
Chu toàn công việc hăng say,
Danh Cha cả sáng, đời này kiếp sau.
Cha trao mọi sự trước sau,
Chúng con tuân giữ, cùng nhau thi hành.
Truyền rao sự thật phúc lành,
Nguyện cầu thiên phước, nhân danh Chúa Trời.
Chúa Cha hằng có đời đời,
Chúa Con hạ thế, làm người như ta.
Thánh Thần chân lý Ngôi Ba,
Ba Ngôi cực thánh, ngợi ca muôn đời.

Chúa Giêsu đã chu toàn công việc mà Chúa Cha đã trao phó. Chúa Giêsu xin được vinh hiển nơi Cha. Ba mươi ba năm sống dưới trần gian, Chúa Giêsu đã mở ra một kỷ nguyên mới. Một sự giao kết giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài đã mặc khải cho chúng ta biết về Cha của Ngài. Một người Cha yêu thương và nhân hậu. Ngài yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một của mình để hiến thân đền tội nhân loại.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện tha thiết với Cha của Ngài. Ngài làm tất cả vì Cha và theo ý Cha. Nay mọi sự đã hoàn tất. Lời cầu nguyện chân thành của Chúa Giêsu dậy chúng ta cùng cầu nguyện không ngừng. Cầu nguyện chính là giây liên kết và là sức sống nối liền đưa dẫn chúng ta kết hợp với Chúa. Chúa Giêsu đã cầu nguyện và dậy chúng ta cầu nguyện luôn.

Mẹ Têrêxa Calcutta nói rằng cầu nguyện phát sinh niềm tin. Niềm tin phát sinh tình yêu và tình yêu dẫn đến việc phục vụ tha nhân và người nghèo khổ. Cầu nguyện chính là linh hồn của người Công Giáo. Nếu thiếu đời sống cầu nguyện, chúng ta giữ đạo trở thành máy móc và hình thức. Cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Chúa để thờ lạy, cảm tạ, đền tội và xin ơn phù trợ. Nhiều người đã cắt bớt việc cầu nguyện bằng việc cầu xin. Chỉ cần xin, Chúa ban càng nhiều càng tốt.

Cầu nguyện là thưa truyện với Chúa và phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Truyện kể: Vào một đêm kia, người mẹ gợi ý cho đứa con gái nhỏ cầu xin cho mưa xuống. Cô bé qùy trên giường và chuẩn bị cầu nguyện. Bà mẹ thấy em bé gái do dự cầu nguyện cho mưa. Mẹ hỏi tại sao con không muốn cầu nguyện? Cô bé giải thích cho mẹ nghe. Ban chiều trước khi vào nhà, con còn để hai con búp bê ngoài ghế sau nhà. Nếu mẹ đồng ý ra ngoài mang hai con búp bê vào. Cô bé sẽ cầu nguyện cho mưa.

Lời cầu nguyện đơn sơ với lòng trông cậy và tin tưởng mãnh liệt như thế, làm sao Chúa không nhận lời chứ! Chúa dạy chúng ta cầu nguyện luôn và đừng chán nản. Các tông đồ xưa đã họp nhau kiên tâm cầu nguyện để đón chờ Chúa Thánh Thần ngự xuống. Nếu không có ơn Chúa, chúng ta không thể làm gì được. Thánh Phaolô viết rằng không ai có thể nói Chúa Giêsu là Chúa, mà không do Thánh Thần.

Chúng ta hãy cầu nguyện để Nước Chúa được trị đến. Có nhiều người nhận biết danh thánh Chúa và để được kết hợp trong tình yêu của Chúa. Tình yêu sẽ triển nở qua sự hy sinh, thông cảm và tha thứ. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở về nguồn tình yêu đích thực là Thiên Chúa.

TUẤN 7 MÙA PHỤC SINH
THỨ HAI
Gioan 16: 29-33

Trải qua kinh nghiệm cuộc sống của Tin Mừng và tất cả những khó khăn phải đối diện với thế gian, đức tin của các các tông đồ mỗi ngày một thêm vững mạnh vào Chúa Kitô. Chúa nói với các môn đệ: Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian. Quyền lực thế gian rất mạnh mẽ vì khuynh hướng xấu đã tự len lỏi vào đời sống của con người qua sự sa ngã của nguyên tổ. Con người có xác thịt yếu đuối luôn hướng chiều về tội lỗi và sự ác.

Cứ theo luật tự nhiên, con người được sinh ra và phát triển không khác hơn các loài thụ tạo khác. Chúng ta quan sát các bộ lạc sống trong rừng sâu của vùng Amazon hay các sắc dân thiểu số nơi vùng cao nguyên của thế kỷ 21, họ sống cuộc sống rất đơn sơ theo bản tính tự nhiên. Tuy rằng con người có sự phát triển nhưng không vượt ra khỏi những bản năng thấp kém là luôn tranh dành đi tìm của ăn vật chất.

Xã hội văn minh, đời sống tiến bộ hơn nhiều. Con người dùng kỹ thuật khoa học để chế ngự thiên nhiên nhưng con người dần dần thay vì làm chủ mà lại làm đầy tớ cho của cải vật chất. Con người thờ cái bụng và tìm thỏa mãn tất cả những bản năng thấp hèn của thân xác.

Lậy Chúa, Chúa đã thắng thế gian nhưng thế gian cứ mải mê cúi đầu cho những thú vui thấp hèn. Lạy Chúa, xin cứu giúp.

THỨ BA
Gioan 17: 1-11a

Trong tuần cuối Mùa Phục Sinh, thánh Gioan đã ghi lại những lời khẩn cầu tha thiết của Chúa Giêsu với Cha của Ngài. Tâm tình cầu nguyện rất chân thành. Chúa Giêsu tôn vinh Chúa Cha vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi người phàm. Lời nguyện xin của Chúa Giêsu rất đẹp lòng Cha. Chúng ta nhận biết được sự gần gũi giữa Cha và Con. Chúng ta biết Thiên Chúa là Chúa của tình yêu sống động có ngôi vị chứ không phải một Thiên Chúa xa xôi và vô cảm.

Lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giêsu với Cha như một sự hiện diện gần gũi và thân mật. Còn chúng ta, có nhiều khi chúng ta cầu nguyện nhưng chúng ta chỉ dùng môi miệng đọc kinh và dừng lại nơi những bức tượng không hồn. Chúng ta không vươn hồn tới được Thiên Chúa vô hình, Ngài hiện diện đó đang lắng nghe và thấu tỏ tâm tư của chúng ta.

Chúng ta được nhắc nhở qua lời Kinh thánh: Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng nhưng lòng chúng thì xa Ta. Cầu nguyện rất cần tấm lòng chân thật. Không phải nói nhiều, hay xin nhiều mà được hưởng nhiều. Khi cầu nguyện chúng ta hướng lòng lên với Thiên Chúa và tin tưởng Chúa đang hiện diện trước mặt chúng ta. Chúa thấu tỏ lòng thành của chúng ta và biết chúng ta cần gì.

Lạy Chúa, Chúa thấu tỏ mọi sự, Chúa biết chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

THỨ TƯ
Gioan 17: 11b-19

Chúa Giêsu cầu nguyện rằng: Lạy Cha, Con không xin Cha đem họ ra khỏi thế gian nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần. Chúa Giêsu cầu nguyện để những người Chúa Cha trao ban khỏi bị hư mất nhưng để họ được nên hoàn thiện. Thế gian là nơi gian nan, đầy thử thách chông gai và là nơi con người trưởng thành và lập công đức. Người ta nói: Lửa thử vàng, gian nan thử đức.

Chúa Giêsu không cầu xin Chúa Cha cất họ sớm ra khỏi đời này nhưng gìn giữ để khỏi sa chước cám dỗ. Ai trong chúng ta cũng muốn được sống lâu trên cõi đời. Nhưng sống lâu để làm gì? Đôi khi chúng ta không biết rõ. Chúng ta sống ở đời là để nhận biết và thờ phượngThiên Chúa đã yêu thương và cứu độ chúng ta. Và sống để yêu thương anh chị em cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp để ngày sau cùng chung hưởng hạnh phúc đời đời.

Sống là một cuộc lữ hành. Cuộc lữ hành cần phải có điểm tới. Nếu chúng ta đi lang thang vô định, cuộc đời của chúng ta sẽ không có ý nghĩa và chúng ta mất đi mục đích của đời người. Thiên Chúa quan phòng ban cho mỗi người chúng ta một sự sống và một sứ mệnh cần phải chu toàn. Ngài không tạo dựng chúng ta để chúng ta trở về hư không.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã cho chúng con được sinh ra làm người và làm con Chúa để hưởng hạnh phúc.

THỨ NĂM
Gioan 17: 20-26

Chúng ta cùng tôn thờ một Chúa, lãnh nhận một đức tin và một phép rửa. Chúa Giêsu tha thiết cầu xin cho sự hiệp nhất giữa những người tin Chúa: Con cầu cho tất cả những ai tin vào con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ nên một trong chúng ta. Người ta nói: trăm người trăm ý. Sự hiệp nhất trong Giáo Hội rất quan trọng để chúng ta nên chứng nhân cho tình yêu của Chúa.

Chúa biết trước sự phân rẽ giữa con người vì sự kiêu căng và tự mãn. Giáo Hội trải qua lịch sử dài của sự phân rẽ. Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội đã bị phân chia Đông và Tây, đến thứ kỷ thứ mười lại một phân rẽ giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo, qua sự phục hưng vào giữa những thế kỷ 15-16 lại có những nhóm thệ phản khác nhau xâu xé giáo hội như Anh Giáo, Tin Lành Luther, Calvin, nhóm Thanh Giáo và có trên bảy trăm nhóm tin lành khác nhau. Có những chia rẽ trong lòng Giáo Hội về quan điểm niềm tin và sống đạo. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tha thiết cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

Giáo Hội cũng luôn cố gắng quy tụ đàn chiên về một mối nhưng con người còn nhiều khác biệt. Chúng ta có thể chấp nhận và tôn thờ Chúa nhưng chúng ta khó có thể cảm thông và chấp nhận nhau. Lạy Chúa, chúng con cùng tôn thờ Thiên Chúa là Cha, thừa hưởng ơn cứu độ của Chúa Con và lãnh nhận ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần nhưng chúng con lại không muốn hiệp nhất với nhau. Xin Chúa thương tha thứ.

THỨ SÁU
Gioan 21: 15-19

Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô: Simon, con có yêu mến Thầy hơn những người này không? Ông đáp: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa trao đàn chiên cho Phêrô chăm sóc. Đây là một vinh dự lớn lao và là một trách nhiệm nặng nề. Thánh Phêrô được Chúa trao ban quyền lãnh đạo Giáo Hội.

Phêrô là một người chài lưới. Theo Chúa học hỏi được ba năm. Khi Chúa bị giải ra pháp đường, Phêrô đã chối là không biết Thầy. Chúa nhìn ông, ông đã nhận ra lỗi của mình và đã hối lỗi. Ông đã nhiệt tình theo Chúa và chấp nhận tất cả khổ đau vì danh Chúa. Phêrô có khả năng gì để Chúa trao trách nhiệm chăm sóc cả chiên con lẫn chiên mẹ? Chúa còn trao cho Phêrô chìa khóa nước trời để cầm buộc và tháo cởi.

Phêrô tính khí nóng nảy nhưng nhiệt tình. Điều kiện để Chúa trao sứ vụ tông đồ cả chỉ vỏn vẹn trong ba câu hỏi: Phêrô, con có mến Thầy không? Tình yêu đã trả lời tất cả. Có tình yêu, Phêrô có thể làm được mọi sự trong Chúa. Yêu mến Chúa hết lòng và Phêrô đã chu toàn trách nhiệm Chúa trao. Chính Phêrô đã được phúc đóng đinh vào thánh giá vì danh Chúa Kitô. Nhưng không xứng đáng với Thầy, Phêrô đã xin được đóng đinh ngược.

Thánh Phêrô có một tình yêu lớn lao và Chúa đã trao cho ông công việc lớn lao. Phêrô phó thác tất cả trong tình yêu của Chúa. Thánh Phêrô xứng đáng là rường cột của Giáo Hội.

THỨ BẢY
Gioan 21: 20-25

Với bài suy niệm này, chúng ta chấm dứt Mùa Phục Sinh. Suốt mùa phục sinh Giáo Hội cho chúng ta nghe Tin mừng theo thánh Gioan. Một tin mừng về tình yêu. Thánh Gioan viết rất sâu sắc về đời sống của Chúa Giêsu. Ngay từ trang đầu, Gioan đã viết: Từ khởi nguyên đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Tất cả lời phúc âm, Gioan đã minh chứng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

Gioan được mệnh danh là tông đồ Chúa yêu. Gioan được theo Chúa mọi nơi trong mọi hoàn cảnh, từ những việc chữa bệnh, lên núi biến hình, trong vườn Giệtsimani và đuợc ngồi cạnh bên Chúa. Trong bữa ăn tối, Phêrô hỏi Chúa: Thưa Thầy, còn người này (Gioan) thì sao? Chúa Giêsu đáp: Nếu Thầy muốn người ấy ở lại mãi cho đến khi Thầy đến thì việc gì đến con. Phần con, hãy theo Thầy.

Chúa ban cho mỗi người một trách nhiệm. Phêrô trở thành thủ lãnh của Giáo Hội. Gioan sống một cuộc đời thầm lặng tới tuổi già. Gioan đã dành thời giờ chiêm niệm về mầu nhiệm nhập thể và viết phúc âm thứ tư. Toàn phúc âm theo thánh Gioan nói về tình yêu của Thiên Chúa. Gioan còn cho chúng ta biết rất nhiều về đời sống riêng tư nguyện cầu của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con quá bội. Chúng con cầu xin tình yêu Chúa sưởi ấm tâm hồn chúng con và những tâm hồn giá lạnh.