Trong sứ điệp dài gửi các Hội Giáo hoàng truyền giáo, công bố hôm 21/5/2020, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi suy tư về những nền tảng của sứ vụ truyền giáo. Sứ vụ này là một hồng ân nhưng không của Thánh Linh, chứ không phải là kết quả của các chiến lược.
Hiện nay, Giáo hội có bốn Hội Giáo hoàng truyền giáo là: Hội truyền bá đức tin, Hội thánh Phêrô tông đồ, Hội nhi đồng truyền giáo và sau cùng là Liên hiệp Giáo sĩ truyền giáo. Ngoài công tác động viên tinh thần truyền giáo của cộng đồng dân Chúa, ba hội đầu tiên còn có nhiệm vụ quyên góp tài chánh nơi các tín hữu để tài trợ các hoạt động tại các xứ truyền giáo, như thiết lập các cơ cấu giáo hội địa phương, nâng đỡ hàng giáo sĩ bản xứ, đào tạo các chủng sinh, tu sĩ nam nữ và giáo lý viên.
Hằng năm, vào tháng Năm, khoảng 120 vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo hoàng truyền giáo vẫn về Roma nhóm họp, dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ truyền giáo, và đặc biệt là Đức Tổng giám mục Đồng Tổng thư ký của Bộ này, cũng là Chủ tịch các Hội Giáo hoàng truyền giáo. Các vị thường dành ba ngày đầu khóa họp để đào sâu linh đạo truyền giáo và ba ngày sau đó để cứu xét việc tài trợ các dự án tại các xứ truyền giáo.
Đức Thánh cha Phanxicô dự tính sẽ tham dự khóa họp thường niên năm nay của các vị Giám đốc toàn quốc Hội Giáo hoàng truyền giáo, nhưng vì đại dịch Covid-19 nên khóa họp bị bãi bỏ. Vì thế, ngài gửi sứ điệp dài để nhắn nhủ các vị.
Nội dung tổng quát sứ điệp
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha lần lượt bàn tới các nền tảng của công cuộc truyền giáo, những nét nổi bật của sứ vụ này, những tài năng cần phát triển, những cạm bẫy cần xa tránh, những lời khuyên cho hành trình truyền giáo. Sau cùng, Đức Thánh cha cũng bàn tới việc quyên góp ngân khoản tài trợ cho các xứ truyền giáo.
Nhiều ý tưởng về nền tảng, các đặc điểm nổi bật, những cạm bẫy cần xa tránh trong công cuộc truyền giáo được rút từ Tông huấn “Evangelii Gaudium”, Niềm Vui Phúc Âm, được coi là đại hiến chương của triều đại Đức Thánh cha Phanxicô.
Vấn đề quyên góp và sử dụng tài chánh
Đặc biệt về vấn đề quyên góp tài chánh, Đức Thánh cha kêu gọi đừng biến các Hội Giáo hoàng truyền giáo thành một thứ NGO, một tổ chức phi chính phủ nhắm lạc quyên tài chánh. Nếu tại một số miền, việc quyên góp tài chánh bị suy giảm, thì đừng rơi vào cám dỗ muốn che đậy vấn đề bằng cách chỉ đi tìm kiếm các đại ân nhân. Điều nên làm là tiếp tục ưu tiên kêu gọi sự đóng góp của đông đảo các tín hữu đã chịu phép rửa, và nhắm đến một cách thức mới trong việc lạc quyên tại tất cả các thánh đường tại mọi quốc gia vào tháng Mười, nhân dịp Ngày Thế giới truyền giáo.
Đức Thánh cha nói thêm rằng: trong việc sử dụng các ngân khoản quyên góp được, cần để ý đến những nhu cầu sơ đẳng của các cộng đoàn, tránh những hình thức duy trợ giúp, có nguy cơ nuôi dưỡng trong Giáo hội những hiện tượng “khách hàng ỷ lại vào sự viện trợ”; và không được quên những người nghèo.
Tránh áp đặt văn hóa
Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng các Hội Giáo hoàng truyền giáo, với hệ thống rộng lớn của mình, phản ánh một dân tộc có hàng ngàn khuôn mặt, và vì thế không được áp đặt một hình thức văn hóa nhất định nào cùng với đề nghị Tin mừng: chủ trương tiêu chuẩn hóa hình thức loan báo Tin mừng có thể làm lu mờ đặc tính phổ quát của đức tin Kitô. Đức Thánh cha nhắc nhở rằng các Hội Giáo hoàng truyền giáo không phải là những thực tại biệt lập, nhưng giữa các hội này có một mối liên hệ với Người Kế vị thánh Phêrô.
Và Đức Thánh cha kết luận sứ điệp với những lời của thánh Ignatio, nhắn nhủ các Hội Giáo hoàng truyền giáo chu toàn công việc của mình, như thể “tất cả tùy thuộc anh chị em, với ý thức rằng trong thực tế tất cả đều tùy thuộc Thiên Chúa”.
(Vatican News 21-5-2020)