TÔNG HUẤN CHÚA KITÔ ĐANG SỐNG:
NHỮNG CHỈ DẪN VỀ TRƯỞNG THÀNH TÍNH DỤC VÀ TÌNH CẢM
BBT Tập san Hiệp Thông tổng hợp từ
Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống
WHĐ (17-06-2020) – Người trẻ biết rằng thân xác và tính dục có một tầm quan trọng thiết yếu đối với đời sống và tiến trình trưởng thành trong căn tính của họ. Nhưng trong một thế giới quá đặt nặng vấn đề tình dục, thật khó giữ được một mối tương quan tốt đẹp với thân xác mình và sống bình yên các mối quan hệ tình cảm. Vì lý do này và nhiều lý do khác nữa, luân lý tính dục rất thường đi đến chỗ trở thành “lý do làm cho Hội Thánh bị hiểu lầm và xa lánh, vì bị xem như nơi để phán xét và lên án”. Tuy nhiên, người trẻ cũng bày tỏ “mong muốn được đối thoại về những vấn đề liên quan đến sự khác biệt căn tính và tính hỗ tương giữa người nam và người nữ, cùng vấn đề đồng tính luyến ái” (số 81).
Ở thời đại của chúng ta, “những phát triển khoa học và những công nghệ y sinh đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức về thân xác, dẫn đến ý tưởng rằng không còn giới hạn nào có thể ngăn cản việc cải biến thân thể. Khả năng chỉnh sửa DNA, khả năng chèn những yếu tố nhân tạo vào cơ thể (cyborg) và sự phát triển của khoa học thần kinh tạo ra một lợi ích rất lớn, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều vấn đề nhân học và đạo đức”. Những điều này có thể dẫn chúng ta đi đến chỗ quên rằng sự sống là một ân ban và chúng ta là những thụ tạo giới hạn, chúng ta có thể dễ dàng bị những kẻ có quyền lực về công nghệ biến thành công cụ. “Hơn nữa, trong một số môi trường, có nhiều người trẻ ngày càng bị lôi cuốn vào những hành vi mạo hiểm, như một cách để khám phá bản thân, để tìm kiếm cảm giác mạnh và để được người khác công nhận… Các thế hệ mới bị tiếp xúc thường xuyên với những hiện tượng này khiến họ khó có thể thanh thản trưởng thành (số 82).
Nơi người trẻ có những va vấp, những thất bại và những kí ức buồn thảm sâu trong tâm hồn. Thường đó là “thương tích gây ra bởi những thất bại trong lịch sử của chính mình, bởi những ước muốn không thành, bởi những kỳ thị và những bất công phải chịu, hoặc vì không cảm thấy được yêu thương hay công nhận”. Hơn nữa, “có cả những thương tích tinh thần, đó là sức nặng của những lỗi lầm đã phạm, của mặc cảm tội lỗi sau khi phạm sai lầm”. Giữa những thập giá này mà người trẻ phải vác lấy, có Đức Giêsu ở đó để trao ban cho họ tình bạn, niềm an ủi và sự đồng hành có sức chữa lành của Người. Còn Hội Thánh muốn trở nên khí cụ của Đức Giêsu trên con đường này, con đường dẫn đến phục hồi nội tâm và bình an cho tâm hồn (số 83).
Người trẻ cảm thấy tiếng gọi tình yêu rất mãnh liệt; họ ước mơ gặp đúng người để xây dựng một gia đình và sống chung với nhau. Rõ ràng đây là một ơn gọi mà chính Thiên Chúa kêu mời qua những tình cảm, những khát vọng và những ước mơ của người trẻ. Về chủ đề này, cha đã nói đầy đủ trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình Yêu). Cha mời tất cả các bạn trẻ hãy đọc chương Bốn và Chương Năm của Tông Huấn ấy (số 259).
Cha thích nghĩ rằng “Hai người Kitô hữu kết hôn với nhau nhận ra nơi chuyện tình của mình lời mời gọi của Chúa, đó là ơn gọi kết hợp hai người một nam và một nữ thành một thân xác, một cuộc sống duy nhất. Và bí tích Hôn nhân bao bọc tình yêu ấy bằng ân sủng của Thiên Chúa, làm cho tình yêu ấy bén rễ trong chính Thiên Chúa. Với quà tặng này, với sự chắc chắn của lời mời gọi này, họ có thể tiến bước trong bình an mà không sợ chi cả, họ có thể cùng nhau đương đầu với mọi sự” (số 260).
Trong bối cảnh này, cha nhắc lại rằng Thiên Chúa dựng nên chúng ta như những hữu thể có giới tính. Chính Ngài “đã tạo dựng tính dục, là quà tặng kỳ diệu cho các thụ tạo của Ngài”. Trong ơn gọi hôn nhân, chúng ta cần nhìn nhận và tạ ơn Chúa vì “tính dục, giới tính là một quà tặng của Thiên Chúa. Chẳng có cấm kị. Đó là quà tặng của Thiên Chúa, món quà Chúa dành cho chúng ta, với hai mục đích: yêu thương nhau và lưu truyền sự sống. Đó là một đam mê, một tình yêu đam mê. Tình yêu đích thực thì đam mê. Tình yêu giữa một người nam và một người nữ, khi đam mê, sẽ dẫn tới việc trao ban sự sống. Luôn luôn là thế, Và trao ban sự sống với cả thân xác và linh hồn” (số 261).
Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng “Gia đình tiếp tục là điểm tham chiếu chính yếu cho giới trẻ. Con cái quý trọng tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ, họ tha thiết với các mối liên hệ gia đình và hy vọng, đến lượt mình, họ cũng lập nên được một gia đình. Không thể phủ nhận rằng tình trạng gia tăng ly thân, ly dị, tái hôn và gia đình cha hoặc mẹ đơn thân, có thể gây ra những đau khổ lớn lao và cuộc khủng hoảng căn tính nơi con cái. Đôi khi con cái phải gánh vác những trách nhiệm không tương xứng với tuổi của mình và buộc họ phải trở thành người lớn trước tuổi. Sự đóng góp của bậc ông bà về mặt tình cảm và trong lãnh vực giáo dục tôn giáo thường mang tính quyết định: sự khôn ngoan của tuổi tác khiến ông bà là mối dây liên kết chính trong tương quan giữa các thế hệ” (số 262).
Quả thật những khó khăn mà người trẻ phải gánh chịu trong gia đình mà họ sinh trưởng đã khiến nhiều người trẻ tự hỏi rằng liệu có đáng để lập gia đình hay không, có đáng để chung thủy và quảng đại hay không. Cha muốn nói với các bạn ấy rằng chắc chắn là rất đáng. Thật đáng để dành mọi công sức cho gia đình; ở đó họ sẽ tìm thấy những động lực tốt nhất để trưởng thành và tìm thấy những niềm vui đẹp nhất để chia sẻ. Các con đừng để mình bị tước mất tình yêu thực sự. Đừng để mình bị lừa phỉnh bởi những kẻ rủ rê sống cuộc đời bê tha theo chủ nghĩa cá nhân mà cuối cùng chỉ dẫn tới cô lập và cô đơn (số 263).
Ngày nay, nền văn hóa đang thống trị là nền văn hóa của cái phù du, ảo tưởng. Tin rằng chẳng có gì mang tính quyết định là một điều lừa phỉnh và dối trá. “Có những người bảo rằng hôn nhân ngày nay là chuyện “lỗi thời” (…) Trong một nền văn hóa của cái phù du tương đối, nhiều người rao giảng rằng điều quan trọng là “hưởng thụ” khoảnh khắc hiện tại, rằng thật không đáng để giao ước suốt đời, để quyết định dứt khoát (…) Còn cha, trái lại, cha kêu gọi các con hãy lội ngược dòng; cha muốn các con hãy phản kháng nền văn hóa của cái phù du này, một nền văn hóa không tin rằng các con có đủ khả năng lãnh trách nhiệm, có đủ khả năng yêu thương thực sự”. Cha tin tưởng các con, và vì thế cha khuyến khích các con lựa chọn sống đời hôn nhân (số 264).
Cần chuẩn bị cho hôn nhân, và điều này đòi hỏi phải tự huấn luyện mình, phát huy những đức tính tốt, nhất là yêu thương, nhẫn nại, khả năng đối thoại và phục vụ. Điều này cũng đòi hỏi phải giáo dục về tính dục, để càng ngày càng bớt trở thành phương tiện lợi dụng tha nhân, và càng ngày càng thêm khả năng hiến mình hoàn toàn cho một người khác, một cách độc hữu và quảng đại (số 265).
Đối với những ai không được kêu gọi sống đời sống hôn nhân hay đời sống thánh hiến, phải luôn nhớ rằng ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất là ơn gọi của bí tích Thánh Tẩy. Những người độc thân, dù đó không phải là chủ ý chọn lựa của họ, có thể trở nên một chứng tá đặc biệt của ơn gọi ấy bằng con đường trưởng thành thiêng liêng của riêng mình (số 267).
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 117 (tháng 3 & 4 năm 2020)