Trưa Chúa nhật 21/6/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu, tại quảng trường thánh Phêrô. Đây là buổi đọc kinh thứ tư của ngài với các tín hữu, tụ tập ở quảng trường sau nhiều tuần lễ đọc kinh trực tuyến vì đại dịch Covid-19.
Lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc, trong căn hộ Giáo hoàng ở lầu ba của dinh Tông Tòa để chủ sự kinh Truyền tin, với khoảng hơn 1.500 tín hữu, tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô bên dưới.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa nhật thứ XII thường niên năm A, với lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ đừng sợ hãi trước những khó khăn, nghịch cảnh.
Bài huấn dụ
Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài Tin mừng Chúa nhật này (Xc Mt 10,26-33) vang lên lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của ngài đừng sợ, nhưng hãy can cảm và tín thác, đứng trước những thách đố của cuộc sống. Chúa báo trước cho các môn đệ về những nghịch cảnh đang chờ đợi họ. Đoạn Tin mừng hôm nay là thành phần bài diễn văn truyền giáo, qua đó Chúa là Thầy chuẩn bị cho các tông đồ kinh nghiệm đầu tiên về việc loan báo Nước Trời. Chúa đặc biệt khuyên nhủ các tông đồ “đừng sợ”, và Ngài mô tả ba hoàn cảnh cụ thể mà họ sẽ phải đương đầu.
Sự đố kỵ
Trước tiên là sự đố kỵ của những người muốn làm cho Lời Chúa bị im bặt, bằng cách làm nhụt hoặc bắt những người loan báo, phải im tiếng. Trong trường hợp đó, Chúa Giêsu khích lệ các tông đồ hãy phổ biến sứ điệp cứu độ mà Ngài đã ủy thác cho họ. Hiện thời, Ngài thông truyền sứ điệp ấy một cách dè dặt, hầu như kín đáo. Nhưng họ sẽ phải nói sứ điệp ấy “trong ánh sáng”, nghĩa là công khai, và loan báo Tin mừng của Ngài từ trên “sân thượng”, nghĩa là trước mặt công chúng.
Bách hại
Khó khăn thứ hai các thừa sai của Chúa Kitô sẽ gặp là đe dọa thể lý chống lại họ, nghĩa là bách hại trực tiếp chống lại bản thân họ, đến độ giết chết. Lời tiên báo này của Chúa Giêsu được thể hiện trong mọi thời đại: đó là một thực tại đau thương, nhưng nó chứng tỏ lòng trung thành của các chứng nhân. Bao nhiêu Kitô hữu bị bách hại, kể cả ngày nay trong toàn thế giới! Có thể nói chắc chắn rằng số tín hữu Kitô bị bách hại ngày nay nhiều hơn cả những thế kỷ đầu tiên. Nếu họ chịu đau khổ vì Tin mừng và với lòng yêu mến, thì họ là những vị tử đạo ngày nay. Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ ấy, hôm qua cũng như ngày nay đang chịu bách hại, rằng: “Các con đừng sợ những người giết được thân xác, nhưng không thể giết chết linh hồn” (v.28). Không nên để mình bị kinh hãi vì những người tìm cách dập tắt sức mạnh của Tin mừng trong thái độ kiêu căng và bạo lực. Thực vậy, những người ấy không thể làm gì chống lại linh hồn, nghĩa là chống lại tình hiệp thông với Thiên Chúa: không ai có thể tước bỏ tình hiệp thông ấy của các môn đệ, vì đó là hồng ân của Thiên Chúa. Chỉ có một điều các môn đệ phải sợ, đó là đánh mất hồng ân ấy của Chúa, khi từ khước sống theo Tin mừng và như thế, họ tạo cho mình cái chết về luân lý, hậu quả của tội lỗi.
Cảm tưởng bị bỏ rơi
Loại thử thách thứ ba mà các tông đồ sẽ phải đương đầu, Chúa Giêsu nói đó là cảm giác mà một số người có thể cảm nghiệm, cảm thấy chính Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, Chúa xa cách và im lặng. Cả trong trường hợp này, Chúa Giêsu khuyên đừng sợ hãi, vì tuy tiến qua những cảm tưởng ấy hay những cạm bẫy khác, cuộc sống của các môn đệ nằm chắc trong tay Thiên Chúa, Đấng yêu thương và giữ gìn họ. Đây không phải chỉ là một lời khuyên nhủ hãy phục hồi sức mạnh và can đảm đứng trước những sầu muộn và nguy hiểm. Không phải vậy, đó là một xác tín rõ ràng Chúa mời gọi chúng ta hãy canh tân trong hành trình mỗi ngày mỗi lúc của chúng ta. Chúa Cha chăm sóc chúng ta, vì chúng ta thật có giá trị lớn trước mặt Ngài. Điều quan trọng là chứng tá đức tin can đảm rõ ràng: “Nhìn nhận Chúa Giêsu trước mặt mọi người”, đó là điều kiện để được Chúa Giêsu “nhìn nhận” trước mặt Chúa Cha; là điều kiện để được cứu độ, được sự sống đời đời cùng với Chúa trên thiên đàng.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Xin Mẹ Maria rất thánh, mẫu gương về lòng tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa trong những lúc nghịch cảnh và nguy hiểm, giúp chúng ta đừng bao giờ chiều theo sự thất vọng, nhưng luôn phó thác cho Chúa và ơn thánh của Ngài, mạnh mẽ hơn sự ác.”
Nhắn nhủ và mời gọi
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói thêm rằng:
Anh chị em thân mến,
Hôm 19/6, Liên Hiệp Quốc đã cử hành Ngày Thế giới người tị nạn. Cuộc khủng hoảng do coronavirus tạo nên, đã cho thấy rõ cần phải mang lại cho cả những người tị nạn sự bảo vệ cần thiết, bảo đảm phẩm giá và an ninh cho họ. Tôi mời gọi anh chị em hãy hiệp ý cầu nguyện với tôi để có sự dấn thân mới mẻ và hữu hiệu của tất cả mọi người, hầu thực sự bảo vệ mỗi người, đặc biệt là những người buộc lòng phải trốn chạy vì những tình trạng nguy hiểm trầm trọng đối với bản thân và gia đình họ.
Bảo vệ môi trường
Một khía cạnh khác mà đại dịch làm cho chúng ta suy nghĩ, đó là tương quan giữa con người và môi trường. Tình trạng giới nghiêm cách ly đã giảm bớt sự ô nhiễm và làm cho chúng ta tái khám phá vẻ đẹp của bao nhiêu nơi được giải thoát khỏi lưu thông và những tiếng ồn ào. Giờ đây, các hoạt động được mở lại, tất cả chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc căn nhà chung. Tôi đánh giá cao nhiều sáng kiến ở các nơi trên thế giới, nảy sinh từ “hạ tầng” và tiến bước theo chiều hướng này. Ví dụ tại Roma, hôm nay có sáng kiến về sông Tevere. Nhưng cũng có bao nhiêu sáng kiến khác! Ước gì các sáng kiến ấy có thể giúp dân chúng ngày càng ý thức hơn về thiện ích chung thiết yếu này.
Ngày Hiền phụ
Đức Thánh cha cũng nhắc đến ngày Hiền phụ được cử hành tại Argentina và nhiều nước khác trên thế giới. Ngài chúc mừng những người cha và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho những người cha, đồng thời cũng cầu xin những người cha đang ở trên trời phù hộ chúng ta.
Thánh Luigi Gonzaga
Đức Thánh cha cũng nói với các tín hữu rằng: “Tôi chào thăm tất cả anh chị em, những tín hữu Roma và khách hành hương đến từ các nơi ở Italia, và ngày càng nhiều hơn từ các nước khác nữa. Tôi đặc biệt chào thăm các bạn trẻ: hôm nay chúng ta kính nhớ thánh Luigi Gonzaga, một thiếu niên đầy lòng kính mến Thiên Chúa và tha nhân; Ngài chết rất trẻ tại Roma này, vì chăm sóc các bệnh nhân bị dịch. Tôi phó thác các bạn trẻ trên toàn thế giới cho sự chuyển cầu của thánh nhân.
Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật tốt đẹp. Và xin anh chị em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi.”